Phan Rang – Tháp Chàm cuối tháng 3. Nhiệt độ ngoài trời nhiều lúc cán mốc 40 độ dương. Nhưng cái nóng oi ả vốn làm nhầu nhĩ những hàng cây lúp xúp ven đường bỗng chốc như tan biến trước những đợt gió biển thổi lồng lộng.
Dĩ nhiên, cảm giác thư thái có được cũng phần nào là nhờ ít lon bia Sagota – loại bia của Công ty CP bia Sài Gòn – Bình Tây được Hiệp hội Du lịch VN chọn là “Bia của Du lịch VN” mà một người bạn mua tặng từ Sài Gòn như một lời nhắn nhủ hãy tận hưởng niềm vui ở nơi “có cái nắng, có cái gió, có cái… bia Sagota”…
1. Nhưng ngoài Sagota, ngoài những bãi biển đẹp mê hồn với tiếng thì thầm của sóng biển, ngoài những sản vật tươi sống còn kêu lách tách trong tiềm thức, thì Nam Trung bộ – từ Phan Thiết qua Phan Rang, Nha Trang đến Phú Yên và Đà Nẵng – còn đặc sản gì có thể gây bất ngờ cho lữ khách lạc đến thiên đường hạ giới này? Xin thưa, đó là tiếng Nga. Nha Trang và Phan Thiết từ vài năm nay đã nổi tiếng là thành phố của khách Nga với các cửa hàng, quán ăn, quán cà phê… đều mang biển hiệu bằng tiếng Việt và tiếng Nga, song Phan Rang nằm kẹp giữa hai ông lớn của ngành du lịch cũng không phải là ngoại lệ khi đang cố gắng “Nga hóa” mọi hoạt động du lịch của mình.
Khi dừng chân ở một quán ăn ven đường ở Cà Ná có cái tên ngồ ngộ là “Nha Trang quán” – dù Nha Trang ở cách xa cả trăm cây số – chúng tôi ngạc nhiên phát hiện có bàn đổi tiền ghi bằng tiếng Nga là đại lý thu đổi ngoại tệ của Ngân hàng Sacombank. Đã nhá nhem tối, quán ăn này gần như vắng lặng. Về sau chúng tôi mới biết đây là nơi dừng chân ăn điểm tâm của khách du lịch Nga từ sân bay Cam Ranh về Phan Thiết chứ không phải nơi chốn dành cho khách nội địa.
Anh Phương, một đại lý phân phối bia Sài Gòn ở Ninh Thuận ngẫu nhiên gặp chúng tôi ở quán này phân trần ông chủ quán cũng khó tính và kiêu kỳ lắm. “Người ta đề nghị xây thêm một khu ăn uống riêng biệt dành cho các chuyên gia Hàn Quốc đang xây dựng nhà máy nhiệt điện ở đây, song ông ấy có vẻ chần chừ lắm” – anh chàng có gia đình ở TPHCM thỏ thẻ nói vậy khi chúng tôi hoài nghi ngắm nhìn cơ ngơi không mấy bề thế, chỉ có ghế và bàn ăn nằm trơ trụi trong tiếng nhạc được mở hết công suất.
Phương kể thêm trông vậy mà không phải vậy, chỉ riêng số tiền đổi cho du khách Nga trong một ngày cũng cỡ vài chục triệu đồng, đấy là chưa kể đồ ăn, thức uống và các mặt hàng thực phẩm bày bán trong cửa hàng tiện ích của quán. Nghĩa là có khách Nga là có tất cả, đầu tư tối thiểu nhưng thu về tối đa.
Mà ở đây cái gì cũng mắc, giá cao gấp 2, 3 lần so với bên ngoài như lon bia Sagota bán với giá tới 40.000 đồng/lon. Thôi thì tiền nào của ấy, lon bia 333 Sài Gòn bán trong các siêu thị ở Mỹ có giá tới 4 USD/lon – cao nhất trong các loại bia ngoại ở xứ cờ hoa – thì Sagota có chất lượng tương đương bán với giá chưa tới 2USD – âu rằng cũng là giá phải chăng.
Rõ ràng, cái cần hơn cả để hút dòng tiền “tươi” từ nước Nga không gì khác hơn là lận lưng ít vốn tiếng Nga, ít nhất thì cũng phải biết nói “spasibo” (cảm ơn) hoặc “pajhaluista” (xin mời). Hiểu rõ du khách Nga chỉ nói tiếng Nga, ít khi xài tiếng Anh, Phương cũng lần mò đêm đêm cắp sách đi học thêm ở một trung tâm dạy nghề với một ông thầy già trước đây từng học ở Liên Xô cũ.
Và không chỉ có anh, người dân Phan Rang hiện tại đang nô nức rủ nhau tìm đến với ngôn ngữ của Pushkin, như một cô gái bán hàng ở siêu thị điện máy Từ Sơn mà tôi ngẫu nhiên gặp ngày hôm sau khi tới Phan Rang cũng chúm chím chào mời mua hàng bằng thứ tiếng Nga còn “đậm đà bản sắc dân tộc… Việt”. Còn nhớ trong tôi có cảm giác mơ màng khi thầm nghĩ ước gì cô ấy nói bằng tiếng Nga “Ya liubliu trebia” (em thương anh) thì có thi uống 10 thùng bia Sagota với cả hai màu vàng và xanh tôi cũng dám liều mình thử sức.
2. 18 giờ, không khí trong Nha Trang quán bỗng nhộn nhịp hẳn. Một chiếc xe chở khoảng 60 khách Nga của hãng lữ hành quốc tế Pegas Touristik đỗ xịch trước cửa. Họ đến từ vùng Siberia lạnh giá tới mức mùa đông những con chim di trú bay ngang cũng rớt xuống cứng ngắt. Một cặp vợ chồng trạc tuổi ngoài 30 vội mua 6 lon bia Sagota, ngồi xuống bàn bên và gọi món bò lúc lắc kèm khoai tây chiên trong cái menu có tên món ăn tiếng Nga viết còn lổn nhổn, sai chính tả. Tôi ghé làm quen, chúc mừng họ sau hơn 10 giờ bay đã tới được Việt Nam tràn ngập ánh nắng và gió biển.
Thật ngẫu nhiên, anh Ghenhia và chị Ira – tên cặp vợ chồng này, lại sống ở thành phố Irkusk, nơi tôi đã từng đến cách đây một năm rưỡi trong chuyến du lịch tham quan hồ Baikal. Chúng tôi nhớ lại các địa danh quê hương anh chị như đảo Olkhol, các phố chợ, khu mua sắm của người Trung Quốc có tên “thành phố Thượng Hải”… và đặc biệt là món cá omul ướp muối để khô dưới cái gió hanh của hồ Baikal. Vợ anh dường như thoát thai từ một vở kịch của Chekhov với sự ấm áp, vồn vã vốn có của người Nga kể cho tôi rằng vợ chồng anh chị có một cơ sở làm ăn nhỏ ở thành phố Irkusk và họ đã đi nghỉ ở Thái Lan, Indonesia và đến Việt Nam lần đầu tiên.
Chị Ira cho biết: “Chúng tôi mới xuống sân bay Cam Ranh và đi thẳng đến đây trên đường về Phan Thiết để nghỉ ngơi trong 2 tuần. Chúng tôi thấy người Việt Nam rất hiếu khách, chân tình. Nhưng chỉ tiếc thị thực nhập cảnh có 2 tuần (miễn phí visa) trong khi ở Thái và Indonesia được phép lưu trú tới 30 ngày”. Tất nhiên, như phần đông người Nga, Ghenhia và Ira đều thích đề cập đến các món ăn và chủ đề chính trị như vấn đề sáp nhập bán đảo Crimea vào LB Nga. Đại loại như món mỡ heo muối (salo) hoặc loại súp borsh (súp củ cải đỏ có rưới váng sữa) và mằn thắn (vareniki) có nguồn gốc Nga hay Ucraina? Chị Ira cười tủm tỉm nói rằng món salo và vareniki dùng làm món điểm tâm sáng như tôi từng dùng ở Irkusk có lẽ có chỉ dẫn địa lý là món ăn Ucraina hơn là Nga và về bản chất “tất cả các món tẩm ướp, ngâm dấm đều không phải là món Nga.
Ẩm thực Nga thực sự là các món ướp muối, từ hoa trái, nấm đến thịt cá… Còn seliotka (cá trích muối) như anh nói thì chưa bao giờ là nền tảng của ẩm thực Nga”. Hớp một ngụm bia Sagota, Ira nói nhỏ: “Cá muối thì có nhưng không phải là seliotka. Mà thật ra bia của các bạn có thể sánh với loại Jiugulopskie của chúng tôi, ngon hơn bia Thái và Indonesia mà chúng tôi đã dùng thử. Chúng tôi chắc là sẽ có trải nghiệm thú vị với ẩm thực Việt Nam, nhất là các món hải sản trong những ngày tới”.
Quả như người ta hay nói tình yêu đi qua bao tử, các món Nga thô mộc như salat Nga hay cá muối, hun khói… giúp người Việt gần gũi hơn với tâm hồn và tính cách Nga, trong khi món ăn Việt chế biến cầu kỳ hơn nhiều sẽ để lại những ấn tượng khó quên với du khách Nga, để họ đã đến một lần còn muốn đến nữa…
Thật ra, Ninh Thuận mới chỉ hé mở cánh cửa cho dòng khách du lịch Nga. Cả thành phố Phan Rang – Tháp Chàm – theo như lời ông Phan Đình Sơn, Giám đốc khu vực của Công ty Ánh Dương, đơn vị đối tác của Pegas Touristik ở Việt Nam, vẻn vẹn có khoảng 1.200 phòng đạt tiêu chuẩn đón khách quốc tế. Nơi lưu trú thiếu thốn, hạ tầng cơ sở yếu kém, và nhất là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch giỏi tiếng Nga còn ít ỏi, khiến nơi đây chỉ đón số khách “rơi rớt” dọc đường giữa hai đầu cầu Nha Trang và Phan Thiết với con số khiêm tốn 400 khách Nga mỗi ngày.
“Mới thế mà nguồn thu đã khá lắm rồi. Khách sạn không phải chạy khách trung bình hàng tháng cũng kiếm được vài trăm triệu đồng. Tương lai lắm, nếu chúng tôi đào tạo tốt nguồn nhân lực và nâng cấp cơ sở hạ tầng cũng như làm tốt hơn công tác quảng bá du lịch” – ông Sơn trao đổi và cho biết thêm trong số gần 300.000 du khách Nga tới Việt Nam, Công ty Ánh Dương của ông đã chiếm hơn nửa thị phần.
Mối lo lớn nhất với ông hiện giờ vẫn là giải bài toán con người am hiểu tường tận tiếng Nga để giúp người Nga có thêm góc nhìn toàn diện về văn hóa, lịch sử dải đất miền Trung. Trước mắt, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch của ông có bổ sung thêm người Nga để ngoài công việc hướng dẫn còn đào tạo, dạy tiếng Nga cho nhân viên người Việt.
Một trong số đó là cô Lida, 28 tuổi, tốt nghiệp khoa tiếng Anh của ĐH Ngoại ngữ Kazan, cô nói rằng mới ở Việt Nam có 2 tháng và rất thích khí hậu cũng như món ăn tại đây: “Nhichevo”. Tôi sẽ thích nghi. Việt Nam như quê hương thứ hai của tôi”. Không hiểu sao tôi rất thích từ “Nhichevo” mà Lida nói. “Nhichevo” nghĩa là không có gì, không sao theo tiếng Việt. Nghĩa là có bãi biển cát mịn, có món ăn Việt, có thức uống là bia Sagota thì tất cả “nhichevo”. Không gì là không thể làm được…
Theo SGGP