Thức uống nói chung là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi con người. Để phát triển một cách bình thường thì mỗi ngày cần dung nạp vào cơ thể một người trưởng thành khoảng 2-3 lít nước các loại.
Ngoài những loại nước dùng trong các bữa ăn như canh, nước rau luộc…người ta còn uống vào các loại nước khác như nước đun sôi để nguội, nước chè, nước tinh khiết, bia, sữa…Đối với lứa tuổi vị thành niên (10 -16 tuổi) nhu cầu nước được Viện dinh dưỡng (Bộ Y tế) khuyến nghị là 40ml/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Ở nước ta hiện nay có khoảng 1800 cơ sở sản xuất nước giải khát các loại, sản xuất hàng trăm loại thức uống khác nhau, từ loại nước có gas tới loại không có gas, từ loại nước ngọt có đường tới loại nước tinh khiết, nước từ quả tự nhiên… Có thể nói với bấy nhiêu loại thức uống sản xuất trong nước (chưa kể tới một số loại nước nhập khẩu) đã đáp ứng thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của các tầng lớp dân cư.
Tuy nhiên, việc sử dụng những loại nước ngọt có đường, có gas đã được cho là nguyên nhân dẫn tới phát sinh một số loại bệnh như tiểu đường, béo phì, nhất là ở lứa tuổi trẻ em mà dư luận đề cập. Còn với những thức uống như nước đun sôi để nguội, nước lọc, nước khoáng, nước tinh khiết đóng chai, sữa, nước ép trái cây, nước ép rau củ, nước súp… thì đều có thể dùng được hàng ngày.
Vậy trong bối cảnh có nhiều loại thức uống như vậy, con em của chúng ta nên uống gì? Trả lời chính thức câu hỏi này có lẽ nên để các nhà nghiên cứu về sức khỏe và dinh dưỡng. Với người viết bài này trên giác độ độc lập quan sát, theo dõi và tổng hợp tin tức, xin nêu ra một số vấn đề cùng tham khảo.
Trước hết, chúng ta có thể thống nhất với nhau là uống loại thức uống nào là do sở thích, khẩu vị, tình trạng sức khỏe của mỗi cá thể con người. Song, bất cứ ai, uống gì cũng nên có chừng mực, điều độ và có văn hóa.
Thực hiện Chính sách quốc gia về phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định 244/QĐ-TTg ngày 12/02/2014 các em chưa đủ 18 tuổi tuyệt nhiên không được uống rượu, bia và các loại đồ uống có cồn khác.
Không nên lệ thuộc vào một loại thức uống nhất định nào đó mà nên thường xuyên thay đổi khẩu vị và nên phù hợp với hoàn cảnh khi uống. Bên cạnh những loại thức uống đóng chai từ các dây chuyền công nghiệp, nên kết hợp sử dụng những loại thức uống từ thiên nhiên như các loại nước ép hoa quả, các loại nước từ thảo mộc.
Trước khi sử dụng loại thức uống nào nên tìm hiểu kỹ về công dụng của thức uống đó cho phù hợp với nhu cầu bản thân và hoàn cảnh khi sử dụng chúng. Ví dụ, loại đồ uống thể thao rất giàu năng lượng và khoáng chất là để dành cho các vận động viên cần sức dẻo dai và sức chịu đựng trong thi đấu, nên khi ta không hoạt động như vậy mà dùng chúng thì cơ thể sẽ bị dư thừa (dạng ứ đọng) calo và đường không cần thiết; tương tự như nước tăng lực, nếu trẻ em lạm dụng sẽ bị tăng lượng đường trong máu gây nguy cơ mắc bệnh tiểu đường…
Một điểm cũng rất quan trọng cần lưu ý khi chúng ta sử dụng thức uống, đó là thời điểm uống khi nào có lợi nhất cho sức khỏe. Ngay như với nước đun sôi để nguội cũng nên uống trước khi ăn mười phút hoặc sau khi ăn một giờ, không nên uống ngay sau hoặc trong khi ăn, vì nếu uống ngay sau khi ăn nước sẽ hòa loãng và mau đưa dịch vị dạ dày (dịch tiêu hóa) xuống ruột, hoặc nếu vừa ăn vừa uống ta sẽ nuốt thức ăn chưa được nhai kỹ, cả hai trường hợp trên đều khiến cho sự tiêu hóa khó khăn. Việc uống nước cũng nên chia làm nhiều lần trong ngày chứ không nên uống một lần quá nhiều. Ngay cả khi khát nước cũng không nên uống quá nhiều một lúc, mà nên uống từ từ từng ngụm một, để cho nước có thời gian thấm qua thành ruột vào mạch máu và làm thỏa mãn nhu cầu khát của cơ thể bị thiếu nước.
Sau đây xin tổng hợp những loại thức uống nên và không nên dùng cho lứa tuổi các em như sau:
– Nước sôi để nguội (đun sôi nước sạch) là sự lựa chọn tốt nhất bới nó không thêm năng lượng, không hại cho răng, nhất là với trẻ em. Ngoài ra, nước sạch tự nhiên có trong rau quả cũng rất tốt cho cơ thể, thông qua các bữa ăn với rau, củ luộc hoặc trực tiếp ăn nhiều trái cây.
– Sữa nước được dùng bổ sung nhằm cung cấp thêm chất dinh dưỡng nhất là protein, vitamin nhóm B và canxi. Sữa đậu nành không đường là loại nước uống và thức ăn bổ dưỡng cũng nên được sử dụng, nhất là vào dịp hè.
– Nước khoáng là nước uống có chứa các chất khoáng như natri, kali, canxi, magie…Nhưng loại nước này nên được dùng đúng lúc, đúng đối tượng, không nên dùng cho trẻ em bé, nhất là dùng để pha sữa vì chức năng thận của trẻ còn yếu không thể đào thải được chất khoáng dư thừa ra khỏi cơ thể.
– Nước ép trái cây tươi như nước cam, quýt, bưởi, dưa chuột, táo… khi uống không nên cho thêm đường, loại nước trái cây này vừa cung cấp nước lại vừa cung cấp vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Loại nước này giúp xóa tan những mệt mỏi, tăng cường chức năng hoạt động của não và làm khỏe mạnh những mạch máu, giúp lưu thông khí huyết tốt hơn.
– Các loại nước ép từ rau củ như củ đậu, bí xanh, nước rau má…cũng rất tốt cho cơ thể, nhất là đối với trẻ bị thừa cân – béo phì vừa không sợ bị tăng cân, mà còn có tác dụng giải nhiệt nhất là trong những ngày hè nóng bức.
– Nước chè, cà phê là hai loại thức uống có tính kích thích nên trẻ em không nên dùng. Với nước chè tươi, chè xanh trẻ vị thành niên có thể dùng được khi hoạt động cơ bắp, thể lực nhưng cũng có chừng mực.
– Nước ngọt (nước siro hoa quả, nước ngọt có gas, nước tăng lực, thức uống thể thao…): Với những loại nước ép quả theo dây chuyền công nghiệp, nước ngọt có gas, nước tăng lực, nước uống thể thao thường có lượng đường, chất khoáng và gas nên trẻ em hạn chế dùng hoặc không nên dùng (nhất là khi trẻ lười vận động) vì đây có thể là nguồn cung cấp nhiều calo dư thừa, tạo nguy cơ gây nên bệnh béo phì. Ngoài ra nước tăng lực, nước uống thể thao thường có chứa chất kích thích caffein nên chỉ phù hợp với những người vận động cơ bắp, song việc sử dụng cũng có liều lượng phù hợp.
– Nước uống có thảo mộc: Nước uống loại này cung cấp các chất dinh dưỡng từ thảo mộc dưới dạng lỏng, giúp cơ thể hấp thụ dễ dàng hơn. Phần lớn đều là các vị thuốc được sử dụng lâu đời trong y học cổ truyền, nên thường không có hoặc có rất ít tác dụng phụ. Tuy nhiên vẫn nên sử dụng đúng cách sẽ đạt được hiệu quả.
Tóm lại, việc các em sử dụng loại nước giải khát nào cho phù hợp với bản thân là một việc rất quan trọng. Những điều viết ra trên đây hy vọng có thể giúp ích phần nào cho các bậc làm cha, mẹ trong quá trình chăm sóc, nuôi dạy con cháu mình và cũng là thế hệ tương lai của đất nước./.
LÊ ĐƯỢC