Hàng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội lại xảy ra các vụ ngộ độc rượu có chứa methanol hàm lượng cao, thậm chí có nhiều trường hợp bị tử vong. Vậy làm thế nào để tránh và hạn chế những vụ ngộ độc rượu đáng tiếc trong dịp Tết năm nay?
Ý THỨC CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG…
Phần lớn các nạn nhân bị ngộ độc rượu methanol là người nghiện rượu, uống với số lượng nhiều, ham mua các loại rượu rẻ tiền, hoặc uống rượu ngâm các loại cây, củ, quả, con vật không rõ nguồn gốc nên bị ngộ độc. Những tháng đầu năm 2017, các vụ ngộ độc rượu methanol xảy ra trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành đều do nạn nhân mua hoặc uống rượu tại các quán cơm, cửa hàng nhỏ lẻ, rượu không có nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng, không đóng chai, không tem nhãn… Vì lợi nhuận mà người buôn bán rượu nhỏ lẻ ở quán cơm, cửa hàng đã pha rượu thủ công với cồn công nghiệp (methanol), thậm chí pha nước lã với cồn methanol (loại chất cấm sử dụng trong sản xuất thực phẩm, đồ uống) để bán kiếm lời. Họ không quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng mà hành xử theo kiểu sống chất mặc bay, tiền thầy bỏ túi.
Những người bán hàng không có đạo đức này cần phải bị lên án mạnh mẽ và phải bị trừng trị nghiêm minh trước pháp luật. Người lao động nghèo và sinh viên thường vào các quán cơm, quán cóc để ăn uống lai rai sau ngày làm việc, học tập hoặc dịp liên hoan cuối năm, gặp mặt đầu Xuân. Họ thường uống loại rượu trắng đựng trong vỏ chai nhựa nước uống, hoặc chai thủy tinh nhưng không có nhãn mác, không ghi nơi sản xuất để uống, do vậy mới dẫn tới các vụ ngộ độc rượu methanol như dịp đầu Xuân 2017.
Sau những vụ ngộ độc rượu methanol trong thời gian qua, giờ đây người tiêu dùng đã thận trọng, quan tâm nhiều hơn đến việc chọn rượu, tìm mua rượu có nguồn gốc rõ ràng, uy tín để uống. Để đảm bảo an toàn, yên tâm khi uống, người tiêu dùng thường chọn mua các loại rượu do nhà máy có uy tín sản xuất, rượu được loại thải các tạp chất, độc tố trở nên tinh khiết, an toàn nhờ công nghệ lọc, tháp chưng cất hiện đại. Các loại rượu này do nhà máy sản xuất trên dây chuyền hiện đại, tự động hóa, sản phẩm được đóng chai, dán nhãn mác, có thông số kỹ thuật, nơi sản xuất rõ ràng, đặc biệt là được các cơ quan chắc năng kiểm tra, kiểm định trước khi đưa ra thị trường.
Rượu do dân tự nấu, rượu làng nghề tuy chưa loại thải được các tạp chất, độc tố (do trang thiết bị, quy trình nấu còn lạc hậu, thô sơ), song cũng không gây ngộ độc như các loại rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường. Rượu nấu thủ công nếu áp dụng đúng quy trình nấu truyền thống, sử dụng men truyền thống, men lá, không pha chế gì thêm trong chừng mực nào đó vẫn có thể đảm bảo an toàn cho người uống. Nhiều người tiêu dùng đã tìm đến các gia đình nấu rượu truyền thống có uy tín để đặt chủ hộ nấu loại rượu gạo nếp ngon nhất nhằm phục vụ nhu cầu uống trong dịp Tết hoặc ngâm uống dần.
CẦN THÁO GỠ NHỮNG VƯỚNG MẮC…
Sở dĩ các loại rượu không nhãn mác, rượu thủ công vẫn được nhiều người tiêu dùng, nhất là ở các vùng nông thôn lựa chọn là bởi giá rất rẻ. Loại rượu nấu bằng gạo tẻ giá chỉ khoảng 15.000đ – 25.000đ/lít, loại rượu nấu bằng gạo nếp ngon giá khoảng 45.000đ – 50.000đ/lít. Giá cả chính là nút thắt cần được tháo gỡ để tránh các vụ ngộ độc đáng tiếc xảy ra. Hiện nay, giá rượu do các nhà máy sản xuất vẫn chênh khá cao so với rượu dân tự nấu (bởi nhà máy phải chi phí làm sạch độc tố và chịu các khoản thuế).
Nếu trong thời gian tới, các nhà máy sản xuất rượu có uy tín cho ra đời các sản phẩm rượu giá bình dân thì có thể chiếm lĩnh được thị trường nông thôn. Nếu sản phẩm vừa an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, giá vừa rẻ thì người dân sẽ chọn mua thay vì sử dụng các loại rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc như hiện nay. Một giải pháp nữa là các nhà máy có thể liên kết, hợp tác với các hộ nấu rượu truyền thống có uy tín để thu mua rượu rồi về xử lý qua hệ thống lọc hiện đại cho ra sản phẩm an toàn, đóng chai, dán nhãn… Như vậy sẽ đáp ứng được nhu cầu của đối tượng người tiêu dùng có mức thu nhập thấp và trung bình, các loại rượu trôi nổi không rõ nguồn gốc sẽ không còn đất sống và tránh được các vụ ngộ độc rượu xảy ra.
Nhằm tránh các vụ ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu xảy ra, mới đây, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm đã ra chỉ thị nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho nhân dân đón Tết, vui Xuân Mậu Tuất 2018.
Theo đó, Ban chỉ đạo liên ngành các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương cần xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa Lễ hội Xuân 2018; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt và các loại thực phẩm từ thịt, rau củ qua, rượu bia, nước giải khát, phụ gia thực phẩm, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố… Các cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và nâng cao nhận thức trong việc lựa chọn và sử dụng rượu, thực phẩm.
Ý thức sử dụng rượu của người tiêu dùng có tính quyết định đến sức khỏe, sự an toàn của chính họ, cần khuyến khích uống có trách nhiệm, uống vừa đủ, tránh uống quá đà, triền miên. Và cần tập trung kiểm tra, xử lý các quán ăn, cửa hàng buôn bán rượu nhỏ lẻ, không rõ nguồn gốc vi phạm các quy định để phòng ngừa các vụ ngộ độc rượu methanol có thể xảy ra…
PHÚ CƯỜNG