Ngày 25.8.2017 tại thành phố Hải Phòng, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam đã triển khai tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa sản xuất trong nước giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối ngành Đồ uống Việt Nam. Hội nghị được thực hiện trong nhóm Chương trình hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam bền vững thuộc Danh mục đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2014-2020 của Bộ Công Thương.
Kết nối cung cầu là một yêu cầu khách quan trong nền sản xuất hàng hóa, nhất là trong nền kinh tế thị trường. Nhớ lại khi chúng ta còn trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung, nhà sản xuất chỉ biết sản xuất, sản phẩm đã được cơ quan kế hoạch nhà nước chỉ định cho nhà tiêu thụ (công ty thương mại) thì việc kết nối cung cầu không được đặt ra. Ngày nay theo cơ chế thị trường, không chỉ dựa trên nhu cầu chung của thị trường về sản phẩm của mình, nhà sản xuất lên kế hoạch sản xuất để đáp ứng, mà còn phải tìm cách để đưa được hết số sản phẩm đó tới tay người tiêu dùng. Khi này, nhà sản xuất đảm nhận luôn cả vai trò lưu thông thương mại.
Trên thực tế những năm qua trong ngành Đồ uống, với khối lượng sản phẩm lớn tính đến hàng chục tỷ đơn vị sản phẩm các loại chai, lon, thùng, két…doanh nghiệp sản xuất nào cũng phải hình thành riêng một đơn vị thương mại đảm trách nhiệm vụ tiêu thụ, tạo dựng một mạng lưới hệ thống từ nhà phân phối, tới các đại lý cấp I, đại lý cấp II trên phạm vị cả nước. Các đơn vị phân phối, đại lý thực tế đã trở thành những cánh tay nối dài của nhà sản xuất để đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng.
Vậy vấn đề kết nối cung cầu lúc này đặt ra có mục đích gì? Những vấn đề gì thông qua ý kiến của các đại biểu đã đặt ra cho chúng ta, những người đang trực tiếp trong dây chuyền sản xuất – lưu thông và những nhà quản lý cần phải suy nghĩ và tìm cách xử lý trong thời gian tới để mối quan hệ sản xuất, lưu thông gắn bó hữu cơ hơn và để việc tiêu thụ sản phẩm được tốt hơn, tạo điều kiện cho sản xuất tiếp tục phát triển?
Theo người viết bài này, thực ra vấn đề kết nối cung cầu là vấn đề nóng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, với nhiều đối tượng khác nhau cùng tham gia, từ người sản xuất (nông dân) tới các nhà khoa học từ giống, phân bón, thủy lợi…tới nhà thu mua sản phẩm, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cấp hai. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp nhìn chung quá trình này ngắn hơn, trực tiếp hơn.
Tuy nhiên, theo các số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê và Bộ Công Thương, chỉ số tồn kho hàng hóa của nhiều ngành sản xuất còn cao hơn so với yêu cầu và cao hơn chỉ số tăng trưởng tiêu thụ và tăng trưởng sản xuất. Ví dụ trong lĩnh vực sản xuất Đồ uống, chỉ số tiêu thụ 6 tháng đầu năm 2017 tăng có 5,4% so với cùng kỳ, trong khi chỉ số sản xuất 6 tháng tăng 6,3% dẫn tới chỉ số tồn kho sản phẩm vào thời điểm 1/7 tăng 61,6% so với cùng kỳ. Điều đó cho thấy nhiều vấn đề cần được xem xét, trong đó có vấn đề tăng cường các biện pháp đẩy mạnh tiêu thụ. Phải chăng đó cũng là mục đích của Hội nghị kết nối cung cầu này muốn hướng tới?
Thực tế hiện nay trong ngành Đồ uống đã hình thành một mạng lưới tiêu thụ sản phẩm dưới nhiều cách tổ chức khác nhau tùy thuộc quy mô sản xuất, quy mô phát triển thị trường của mỗi doanh nghiệp. Mặc dù số doanh nghiệp sản xuất và các đơn vị bán hàng (gọi chung cho các nhà phân phối, các đại lý) tới dự không nhiều, lại thiếu vắng các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI, nhưng nhiều ý kiến tham luận tại Hội nghị đều đề cập tới trước hết là vấn đề trách nhiệm của nhà sản xuất cũng như trách nhiệm của đơn vị bán hàng đối với những vấn đề trong tầm tay.
Đó là nhà sản xuất phải có mọi giải pháp để xây dựng, nâng cao, phát triển, tạo uy tín thương hiệu của sản phẩm. Đây là cốt lõi để cạnh tranh thắng lợi trên thương trường. Tiếp theo nhà sản xuất phải không ngừng phấn đấu tiết giảm chi phí để hạ giá thành sản phẩm, đầu tư khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm mới, tạo sự hấp dẫn với người tiêu dùng. Cuối cùng, nhà sản xuất cần có những hỗ trợ thiết thực, hiệu quả với đơn vị bán hàng để trong cùng mục tiêu đưa sản phẩm tới người tiêu dùng thì cả hai bên đều thắng, cùng phát triển.
Còn phía đơn vị bán hàng, trách nhiệm lớn nhất là phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đầu tư cơ sở kho tàng, phương tiện vận chuyển, xây dựng hệ thống chân rết bán hàng để đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng nhiều nhất, nhanh nhất. Tiếp theo, đơn vị bán hàng chính là người quảng bá tốt nhất cho thương hiệu của nhà sản xuất nên cũng cần chăm lo cho hoạt động này.
Muốn vậy, nhà sản xuất lại phải thường xuyên cập nhật thông tin về doanh nghiệp, về sản phẩm cho đơn vị bán hàng để bảo đảm thông tin tới người tiêu dùng là nhất quán. Do đó, việc tăng cường sự gắn kết giữa các nhà sản xuất với các đơn vị bán hàng là một nhu cầu tất yếu nếu cả hai đều muốn giành chiến thắng.
Ngoài những vấn đề “trong tầm tay” nêu trên còn nổi lên vấn đề cơ chế, chính sách của nhà nước đang chưa thuận lợi cho hoạt động thương mại trong nước này. Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề chi phí tiếp thị, khuyến mại, quảng cáo hiện nay vẫn chưa đủ thông thoáng nên việc cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI của các doanh nghiệp trong nước còn nhiều khó khăn.
Ngoài ra, việc thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt tăng lên (theo lộ trình đến 2018 là 65% với bia, rượu từ 20 độ trở lên) và cách tính thuế thay đổi cũng tác động tới hiệu quả kinh doanh của cả nhà sản xuất và các đơn vị bán hàng. Đây là vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý nghiên cứu giải quyết, bảo đảm cho một môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng./.
Xuân Mai