Nhằm tạo thuận tiện hơn cho người tiêu dùng trong việc mang vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng đi tái chế, Tetra Pak đã hợp tác với công ty VECA để đưa vỏ hộp giấy vào danh mục thu gom của ứng dụng VECA trên điện thoại thông minh.
Với việc áp dụng nền tảng công nghệ số này, vỏ hộp giấy có thể dễ dàng được thu gom ngay tại các hộ gia đình hay cơ sở kinh doanh, bên cạnh 63 điểm thu gom công cộng mà Tetra Pak cùng với các đối tác thu gom đã và đang triển khai tại Việt Nam trong nhiều năm qua.
Bà Lý Quỳnh Trang, Giám đốc phụ trách Phát triển Bền vững của Tetra Pak Việt Nam cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là làm sao vỏ hộp giấy đựng đồ uống sau khi sử dụng có thể được thu gom ở bất cứ đâu, như gia đình, trường học, quán xá, nơi làm việc. Nếu làm được việc đó thì chúng ta sẽ tiến rất gần tới việc hình thành văn hóa phân loại vỏ hộp giấy trong cộng đồng để gìn giữ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Ứng dụng công nghệ số vào công tác thu gom chính là chìa khóa để chúng ta đạt được mục tiêu này.”
VECA là ứng dụng thu mua ve chai trên điện thoại di động, có mặt trên cả App Store và Google Play Store với khoảng 20.000 người dùng. Ứng dụng hoạt động theo mô hình gần giống với gọi xe công nghệ, trong đó người có nhu cầu bán phế liệu sẽ dùng ứng dụng để cung cấp thông tin về loại và số lượng phế liệu muốn bán. Sau đó ứng dụng sẽ tìm kiếm người thu mua quan tâm tới phế liệu đó trong phạm vi gần nhất. VECA được đánh giá cao nhờ tính minh bạch trong hoạt động thu gom khi niêm yết công khai giá thu gom theo mặt bằng chung của các khu vực, giúp người bán chủ động được thời gian và nắm được biểu giá phế liệu cập nhật theo từng ngày. Ngoài các loại phế liệu như giấy, chai thủy tinh, nhựa và kim loại, kể từ ngày 13/12/2021 thì ứng dụng VECA sẽ bổ sung vỏ hộp giấy vào danh mục thu gom tại chỗ.
Bà Đỗ Thị Minh Trang, đồng sáng lập VECA cho biết: “Chúng tôi luôn nghiên cứu để hoàn thiện hơn ứng dụng VECA, trong đó không thể thiếu việc mở rộng các loại phế liệu được thu gom trên VECA. Với thói quen tiêu dùng thường xuyên sử dụng hộp sữa, hộp nước quả như hiện nay, vỏ hộp giấy là nguồn nguyên liệu tái chế dồi dào chưa được khai thác hết. Vì vậy, việc bổ sung vỏ hộ giấy vào danh mục thu gom của VECA sẽ mang lại lợi ích cho cả đơn vị tái chế, cũng như cho môi trường.”
Trong 6 tháng đầu tiên, VECA sẽ thực hiện thí điểm thu gom vỏ hộp giấy tận nơi trên địa bàn 10 quận thuộc TP. Hồ Chí Minh, gồm: Phú Nhuận, Bình Thạnh, Quận 1, Quận 3, Quận 10, Quận 4, Quận 5, Quận 11, Tân Bình. Sau khi thu gom, mỗi kilogram vỏ hộp giấy sẽ được quy ra điểm, tương ứng với 1 sao và tích lũy vào tài khoản của khách hàng để đổi lấy quà tặng là các sản phẩm tái chế như: 1 sao đổi combo 3 giấy gói quà; 3 sao đổi 1 sổ tay từ giấy tái chế và 5 sao đổi túi vải/lốc 6 cuộn giấy vệ sinh có thành phần từ vỏ hộp giấy tái chế.
Sau giai đoạn thí điểm, vỏ hộp giấy sẽ được thu mua tương tự như các loại phế liệu khác với thông tin minh bạch về giá thu mua cho người tiêu dùng.
Hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn ít phát thải carbon, Tetra Pak đang nỗ lực để sử dụng nguyên liệu tái sinh và giảm phát thải trong toàn bộ chuỗi giá trị của mình. Mặc dù hiện tại hộp giấy có lợi thế về bền vững với 75% thành phần cấu tạo hộp giấy Tetra Pak được làm từ giấy khai thác từ rừng tái sinh có chứng chỉ FSC và hoàn toàn có thể tái chế được. Tuy nhiên đích đến mà công ty hướng tới là tăng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu tái sinh lên tới 100%.
Về hạ tầng tái chế, Tetra Pak cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các công ty đối tác tái chế ở Việt Nam để tăng công suất và chất lượng cho sản phẩm tái chế. Đặc biệt, để hoạt động thu gom và tái chế vỏ hộp giấy đạt quy mô lớn và rộng khắp, Tetra Pak đang hợp tác với các nhà bán lẻ lớn như Mega Market và Lotte Mart để mở rộng các điểm thu gom vỏ hộp giấy trong cộng đồng tại các thành phố lớn.
Cùng với đó, công ty đã cùng với các nhà sản xuất đồ uống và thực phẩm hàng đầu sáng lập Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO) với mục tiêu là toàn bộ bao bì do các thành viên trong Liên minh cung cấp cho thị trường Việt Nam sẽ được thu gom và tái chế vào năm 2030.
P.N