Có rất nhiều cái tình cờ xảy ra trong cuộc đời.
Năm 1972, sau một thời gian dài gián đoạn, Học viện Kỹ thuật Hàng không Quân sự Giucopxky nhận lại học viên Việt Nam, tôi và bốn anh khác từ Krasnoidar được lên Matxcova nhập học.
Chậm hơn một chút là Võ Điện Biên từ trường Pháo binh Pelza.
Tôi và Biên chọn ngành cơ giới (động cơ, thân, cánh) nên ở chung một phòng.
Chị Vũ Anh lúc đó đang học ở Đại học Tổng hợp Lômnoxop lại ở cùng phòng với chị Võ Hạnh Phúc (chị của Biên) vì chỉ có hai nữ học Lý, thế là thỉnh thoảng chủ nhật, bốn chị em lại quây quần ăn uống, trò chuyện, đi xem phim cùng nhau rất vui vẻ.
Năm 1974 các chị tốt nghiệp và được giữ lại làm nghiên cứu sinh nên mỗi người ở một buồng, chúng tôi ít khi gặp gỡ cùng nhau được như trước.
Trường Lômnoxop vĩ đại như một thành phố thu nhỏ. Trong toà nhà lộng lẫy và đồ sộ là giảng đường, ký túc xá, nhà ăn, rạp chiếu phim, cửa hàng tiện ích…, bạn chắc chắn sẽ lạc nếu không có ai dẫn đường.
Phòng chị Vũ Anh cạnh phòng một nghiên cứu sinh người Nga (hai phòng chung nhau khu bếp và nhà vệ sinh) tên là Natasha, khoa báo chí.
Natasha rất mến chị Vũ Anh và đặc biệt là yêu Việt Nam.
Lần đầu tiên gặp tôi, cô hỏi ngay: Cậu là học sinh quân sự à.
Tôi ngạc nhiên: Sao chị biết?
À, nhìn kiểu cắt tóc và nhìn… đôi giầy thôi, cô cười hiền hậu.
Lúc đó phần lớn sinh viên Việt để tóc dài. Còn chúng tôi, những học viên quân sự chẳng bao giờ mua nổi cho mình một đôi giầy “thường phục” cả chục rúp để đi cả.
Riêng tôi, cứ còn 2,3 ngày nữa nhận phụ cấp là hết tiền, mò sục tất cả túi áo, túi quần, dưới gối, dưới đệm xem có quên, hay có tự mình dấu ở đâu đó không. Thường là chẳng có gì và phải “vay” Biên 3 rúp, đầu tháng trả ngay, tôi nói và cười ngượng nghịu vì thấy mình ăn khoẻ quá. Có lần thấy tôi bắt đầu chương trình đi tìm “tiền quên, tiền dấu”, Biên lẳng lặng lấy ví, hỏi: 3 rúp hả. Không, 5 đi cho chắc và cả hai cùng bật cười.
Những lần sau đến thăm chị, tôi mặc luôn quân phục và khoái chí khi Natasha xuýt xoa: Bộ đội Việt Nam đẹp quá.
Còn Natasha lại không có vẻ đẹp thuần Nga là mắt xanh, tóc vàng. Mắt cô nâu, ngả nhiều về đen, to kinh khủng dưới hàng mi cong và dầy, vừa nghiêm nghị, thẳng thắn, vừa tình cảm, đôn hậu. Mớ tóc màu hạt dẻ, mịn màng như tơ, thỉnh thoảng cô hay chìa môi dưới thổi bung những sợi trước trán, trông thật hài hước và quyến rũ.
Hôm đó là một ngày chủ nhật cuối năm, chúng tôi ngồi bên bình trà nóng, một đĩa xukhari (bánh mỳ khô), có thêm anh bạn cùng làm luận án PTS với Natasha, nhà báo, tên là Xergay, tôi không nhớ họ.
Xergay đã đi tác nghiệp nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là châu á. Anh đã ở Việt Nam hai tuần và đó là những ngày không bao giờ quên của đời anh, Xergay bảo thế.
“Tôi không thể cắt nghĩa được – anh nói – chỉ 1,2 tiếng sau là máy bay Mỹ sẽ ào tới, sẽ là bom rơi, đạn nổ, nhưng 5g sáng, người ta vẫn tập quyền ven hồ Gươm, đôi mắt của tất cả, không trừ một ai, hiền lành, trong sáng đến lạ kỳ”
“Và môt điều tôi phải nói, rất xin lỗi Natasha và không phải vì có Anhia (các bạn Nga hay gọi chị Anh như thế), tôi chưa thấy con gái ở đâu đẹp, kiêu sa và hấp dẫn như ở đó”.
“Có một buổi trưa, đường phố Hà Nội vắng vẻ, tôi thấy có ba cô gái trẻ đạp xe trên đường. Họ còn rất trẻ thì đúng hơn. Đều áo xanh bó sát người, quần đen. Họ nói với nhau giống hệt chim hót và trên vai đều đeo khẩu súng trường. Tôi cứ nghĩ rằng mình đã gặp thiên thần trên trần gian này, những thiên thần tin là họ có thể bắn được máy bay Mỹ bằng những khẩu súng trường kia. Và thật sự tôi cũng tin vào điều đó…’’
Natasha bật cười giòn tan: mới vài hôm trước tôi vừa bắt một cô sinh viên Việt Nam giải thích một đoạn “tiếng chim” cô ấy vừa hót thì hoá ra là: “chú ơi chú!”.
Quay sang tôi, Xergay hỏi: nói chuyện với cậu tôi tin là người yêu của cậu chắc rất xinh và thông minh, có đúng không.
Chị Vũ Anh cười nghiêng ngả: Đến bạn gái nó còn chưa có nữa là…
Natasha tròn mắt ngạc nhiên: Đừng nói với chúng tôi là 20 tuổi mà chưa hôn ai nhé!
Tôi ngượng chín người, nhưng điều đó là sư thật. Các bạn biết không, học sinh quân sự không được phép yêu đương khi đi học, sợ lộ bí mật, tôi nói, và tự thấy lý do mình bịa ra mới ngớ ngẩn làm sao.
Ôi, Thành-trik (tên tôi gọi thân mật bằng tiếng Nga)! Thế thì làm sao cậu thành liotrik (phi công- tiếng Nga) được?! ( mặc dù tôi đã giải thích tôi học kỹ sư nhưng cô ấy luôn gọi tôi như thế).
Ôi, những người bạn Nga thân yêu, có những điều các bạn hiểu về chúng tôi hơn chúng tôi tự hiểu về chính mình, nhưng có những điều mãi mãi các bạn không hiểu đâu, tôi nghĩ.
Ngoài trời gió và tuyết rơi rất lạnh, nhưng chúng tôi rất ấm cúng bởi những tiếng cười, những lời châm chọc nhau, bởi những ngụm trà đen dường như ngọt hơn mọi lần…
Bất chợt Xergay quay sang Natasha: Cậu kể chuyện mình cho Anhia và Thành nghe đi!
Và đây là câu chuyện của cô ấy:
“Tôi tốt nghiệp ngành Văn học Nga, nhưng vì đam mê từ nhỏ và có ngoại hình khá nên được nhận vào làm phát thanh viên đài truyền hình địa phương, nơi tôi sống.
Cách đây vài năm, tất cả bạn bè và cả tôi cũng vậy, nghĩ là tôi có một cuộc sống lý tưởng. Một nghề nghiệp danh giá, một gia đình hạnh phúc với một con gái rất ngoan và một người chồng, giáo sư đại học, vô cùng tử tế.
Hôm đó trời lạnh lắm, tôi đi bộ tới đài và bị cảm, nước mắt nước mũi giàn giụa. Tôi như muốn khùng vì sắp tới giờ lên sóng mà khăn tay thì đã ướt sũng. Một cái chạm nhẹ vào vai, chị cầm cái này của tôi này, đang còn sạch. Quay lại, tôi nhận ra đó là một người lạ mặt.
Chẳng còn lựa chọn, tôi cầm nhanh chiếc khăn bước vào phòng thu.
Xong chương trình, may không hắt xì cái nào, tôi tìm người đàn ông để trả lại khăn.
Anh tủm tỉm khi tôi cám ơn và đưa tôi một tờ giấy anh vẽ tôi bằng bút chì, khá đẹp và khá giống, chỉ có cái mũi hơi đỏ và sưng rất ngộ nghĩnh.
Biết nhà tôi gần, anh xin phép đưa tôi về và khi bước chân vào nhà tôi gọi chồng tôi, nức nở: Anh ơi, em xin lỗi, em đã yêu người khác mất rồi.
Chồng tôi lúc đầu bật cười, tưởng tôi đang diễn trò gì cho vui, còn tôi thì tan nát cõi lòng, vì biết đó là sự thật…’’
Căn phòng chúng tôi đang ngồi trở nên yên lặng kỳ lạ, chỉ có tiếng đồng hồ treo tường tích tắc và tiếng gió thổi không dứt ngoài kia…
Tôi liếc nhìn chị Vũ Anh, mắt chị ngấn lệ, chắc chị xót xa cho những người trong cuộc. Và bây giờ thì tôi đã hiểu cho cả chính bản thân chị nữa.
“Chồng tôi là một người đặc biệt. Anh nói với tôi: em à, anh hiểu được những tình cảm như thế, nhưng anh tin là đó chỉ là thoáng qua, chỉ là triệu chứng của sự nhàm chán trong quan hệ gia đình thường xảy ra, nó sẽ qua em ạ.
Nhưng “nó” không qua mà “nó” lại hành hạ, dằn vặt tôi khủng khiếp.
Chúng tôi thường nói chuyện đường dài hàng nhiều tiếng đồng hồ, từ ngày này sang ngày khác. Và tôi hiểu rằng, chúng tôi sinh ra ở trên đời là để cho nhau, cho riêng nhau mà thôi.
Một ngày, chồng tôi đau xót nói: Anh không thể chịu đựng được nhìn em đau khổ đến thế, hãy lấy nghỉ phép, lên Matxcova gặp gỡ người đó. Khi trở về thì em muốn thế nào anh cũng chấp nhận. Và anh tin những điều anh nói với em buổi đầu là đúng.
Sau hai tuần tuyệt vời ở Matxcova tôi nói với người yêu là: Nếu anh yêu em, mà em tin là anh rất yêu em, xin hãy đợi em, anh hứa đi, hãy đợi!’’
Chúng tôi im lặng, rồi gần như là đồng thời, đưa cốc trà lên miệng uống để những cảm xúc khác nhau trong mỗi người lắng xuống.
“Tôi lúc đó chợt hiểu là, ở chúng tôi, tất cả là đồng điệu, là hoà hợp, trừ kiến thức. Nếu tôi không bồi đắp thêm một phần lỗ hổng đó, rồi sẽ có ngày bất hạnh sẽ xảy ra, đó là điều chắc chắn. Và tôi quyết định bằng mọi giá phải bảo vệ được luận án PTS, ở đây, chính ngôi trường danh giá này’’.
Natasha mắt nhìn ra cửa sổ, ngón tay vuốt nhẹ quanh miệng cốc trà. Tôi biết cô đang rất xúc động.
“Khi tôi và bé Lê-na rời căn nhà đang sống, tôi ôm lấy chồng thật chặt, hãy tha lỗi cho em, nếu có thể. Cả đời này em mắc nợ anh và không bao giờ trả nổi. Người tuyệt vời như anh sẽ tìm thấy người đàn bà quý giá của mình, tin em đi.
Lê-na ba tuổi, quá bé để hiểu sự chia ly. Nhìn chồng tôi ôm bé nói, con nghe lời mẹ nhé, hai hàng nước mắt lăn dài trên má anh, tôi thấy lòng mình tan nát, và trong khoảng khắc loé lên sự ngờ vực: tình yêu đó có thực không, có đáng để bao người đau khổ thế không?”
Tôi rụt rè hỏi: Anh người yêu có biết chị lên đây không?
“Không, tôi chỉ nói em cần mấy năm thu xếp việc gia đình. Thỉnh thoảng tôi nói đi công tác ghé Matxcova thăm anh chốc lát phải đi ngay. Anh ấy thoáng nghi ngờ khi tôi không cho tiễn, nhưng tôi nói, anh có tin em không, khi nào không tin là tình yêu đã hết đấy.
Những ngày đầu thực là khó khăn. Có người họ hàng thu xếp cho làm lao công ở một trường tiểu học, có một phòng bé cho hai mẹ con, tối tôi làm bảo vệ luôn. Tất cả thời gian có được là đọc tài liệu để học thi. Tôi đã sống không ngày lễ, không thứ bảy, chủ nhật.
Năm đầu tiên tôi thi thiếu 1/2 điểm.
Năm thứ hai vẫn thiếu 1/2 điểm.
Và năm nay khi biết kết quả vẫn vậy toàn thể giáo viên nhà trường tiểu học, họ đã rất yêu thương tôi từ lúc nào, đã viết đơn thống thiết đề nghị trường Lomonoxop nhận tôi, và hôm nay tôi ngồi đây với các bạn.’’
Xergay nói: Hình như những ngày tháng ấy đã cho bạn ấy một tích luỹ sống dồi dào tới mức tôi thấy các vấn đề thảo luận trong nhóm ý kiến, nhận xét, của Natasha luôn được giáo sư hướng dẫn đánh giá cao.
Nghe chuyện, chị Vũ Anh trầm ngâm ghê lắm.
Thấy tôi mặt ngẩn ngơ, Natasha bật cười: Ở ngoài đời tình yêu nó khác trong phim và trong chuyện lắm, dorogoi moi sal-đattric (chú lính bé nhỏ, thân yêu của tôi ạ). Nhưng nó là có thật, phải biết tìm và giữ nó nhé.
Khi chia tay tôi ở cửa, cô nhìn thân thiện, thổi mấy cọng tóc trước trán và nói nhỏ: Này, tôi sẽ rất tò mò về nụ hôn đầu của cậu đấy. Nhớ kể nhé, Thành-trik!
Đã bao năm trôi qua, tôi vẫn không hiểu sự tình cờ nào đã sắp xếp để hai người con gái, sinh ra ở hai nơi xa nhau lắm, cùng mang trong mình một tình yêu đôi lứa vô cùng cao đẹp và mãnh liệt, sống và học tập chỉ cách nhau một bức tường.
Không biết chị Vũ Anh có kể về tình yêu của mình cho Natasha nghe không nhưng tôi biết hai người sẽ rất yêu quý nhau, vì họ là những người phụ nữ rất khác người, không, vô cùng kỳ diệu thì đúng hơn.
Viết những dòng này, tôi bất giác mỉm cười, thế là mình vẫn nợ cô ấy về chuyện nụ hôn đầu…
LÊ KIÊN THÀNH