1. Giảm thọ 30 năm
Trong “Thái thượng cảm ứng thiên” (Trung Quốc) có kể một câu chuyện như thế này:
Vào thời cổ đại, có một người tên là Kỳ Thiên Tông cậy mình có chút tài hoa nên tự cao tự đại, làm ra những hành vi sai trái, đặc biệt là ông ta không tin vào thần phật nên thường chửi bới lung tung.
Kỳ Thiên Tông từng đọc sách ở trong chùa, có một ngày trời mưa to nên củi bị ướt hết, ông ta đã bảo thư đồng bổ tượng thần hộ pháp được làm bằng gỗ ra để nấu cơm.
Tối ngày hôm đó, trong giấc mơ của mình, Kỳ Thiên Tông nhìn thấy một vị thần với bộ râu đỏ, tay cầm một cây roi đang quở mắng mình: “Vì kiếp trước ngươi siêng năng cần cù, chịu khó đọc thi thư (kinh thi và thư kinh), nên đời này mới thông minh và có học vấn, nếu đi dự thi sẽ liên tục đỗ đạt, quan cao lộc hậu và sống lâu.
Nhưng bây giờ ngươi tự cao tự đại, mắng chửi thần linh, Minh Ti đã ghi chép lại tội lỗi của ngươi, phúc báo mà đáng ra ngươi được hưởng đã bị cắt giảm một nửa. Nếu sau này còn không biết hối cải tất sẽ bị phạt nặng, không cần ta phải đến đánh ngươi như thế này nữa.”
Sau khi Kỳ Thiên Tông tỉnh dậy, không những không biết hối cải, ngược lại còn khoe khoang trước mặt mọi người rằng: “Đến cả thần quỷ còn phải sợ ta đấy!”
Mẹ của Kỳ Thiên Tông cúng bái thần phật ở trong nhà, có một ngày ông ta nhân lúc người mẹ đang ngủ say đã lén đốt hết tượng phật đi. Sau khi tỉnh dậy người mẹ thấy thế liền khóc mà nói rằng: “Con không thay đổi tính cách như thế thì mẹ không còn hi vọng gì ở con nữa rồi.”
Kỳ Thiên Tông đã hơn 40 tuổi rồi, nhiều lần đi thi nhưng không lần nào đỗ đạt, cuối cùng tâm trí trở nên u mê, ham mê tửu sắc.
Có một hôm ông ta lại nằm mơ mình bị quan dưới âm ti bắt nhốt ở dưới âm phủ để trị tội.
Trên đại điện, sau khi Diêm Vương đọc xong sổ ghi chép liền nói với ông ta rằng: Đáng lẽ ra 29 tuổi ông ta sẽ đỗ cử nhân, 30 tuổi trở thành tiến sĩ, chức quan Nhị phẩm, thọ 78 tuổi. Nhưng bởi vì thời thiếu niên ngông cuồng tự đại nên tuổi thọ bị giảm trừ còn lại 54 tuổi, giữ chức quan Ngũ phẩm.
Nhưng lại bởi vì ông ta vẫn tiếp tục làm nhiều điều ác sau tuổi 40 nên Thiên Đế vô cùng tức giận, Người đã cắt hết toàn bộ tuổi thọ, lộc và phúc của ông ta, đồng thời nhốt vào địa ngục, vạn kiếp không được siêu sinh.
Sau khi tỉnh dậy, Kỳ Thiên Tông đã kể cho người nhà nghe về những việc đã nhìn thấy trong giấc mơ. Ông ta hét lớn: “Bây giờ hối hận không còn kịp nữa rồi!”. Sau đó nôn ra máu mà chết.
Hai người con trai của ông ta lớn lên có tướng mạo giống như quỷ, một người miệng xiên mắt xếch, một người thì chân què tay gãy. Qua vài năm, Kỳ gia lâm vào cảnh suy vong.
Trong cuộc sống hiện thực có rất nhiều người giống Kỳ Thiên Tông, có chút tài năng nhưng tự xem mình là cái rốn của vũ trụ, xem nhẹ tất cả. Những người như thế sẽ không đạt được thành tựu gì trong cuộc đời, đặc biệt là những người phạm phải tội mắng chửi thần phật như thế này, không chỉ bị nghèo khổ đến hết đời mà sau khi chết còn bị nhốt vào địa ngục và bị trừng phạt nặng nề.
Kỳ Thiên Tông chính là một ví dụ điển hình, vốn được hưởng vinh hoa phú quý đến hết đời, nhưng chỉ vì bản thân ông ta ngông cuồng tự đại nên bị giảm thọ. Tính toán thử thì ông ta bị cắt bớt hơn 30 năm tuổi thọ, thật khiến người ta tiếc nuối.
2. Sống thọ thêm 30 năm
Còn có một câu chuyện kéo dài tuổi thọ vì đã bảo vệ chùa miếu, được ghi lại trong “Thái bình quảng ký” (Trung Quốc), rất đáng suy ngẫm.
Nhà Đường năm Khai Nguyên thứ mười lăm, Hoàng đế hạ lệnh tất cả các thôn làng ngõ xóm khắp thiên hạ dỡ bỏ những ngôi chùa miếu nhỏ và đóng cửa những ngôi chùa miếu lớn.
Rất nhiều người không tin vào thần phật đều thực hiện theo lệnh vua, một số chùa chiền lớn và tượng phật đều bị hủy hoại.
Theo thông tin thì huyện lệnh huyện Tân Tức, Dự Châu tên là Lý Hư bình thường bảo thủ cố chấp, tính khí nóng nảy, lúc làm việc luôn làm trái với đạo nghĩa thông thường, ông còn rất thích uống rượu.
Có một hôm ông đang say khướt thì quan văn của Châu phủ đến, yêu cầu ông dỡ bỏ hết tất cả chùa chiền thuộc phạm vi quản lý của huyện ông trong vòng 3 ngày.
Lý Hư vừa nghe thế thì vô cùng tức giận, liền hạ lệnh cho quan viên kia: “Trong phạm vi quản lý của ta, nếu ai dám phá bỏ chùa miếu thì đều phải chết!” Vì thế nên chùa miếu trong phạm vi huyện Tân Tức đều được giữ nguyên như ban đầu. Sau đó, ông không hề để tâm đến vấn đề này nữa.
Một năm sau, Lý Hư qua đời vì bệnh nặng. Người nhà đặt ông vào quan tài, định ngày hôm sau sẽ chôn cất.
Vào buổi tối ngày hôm đó, người nhà của ông ngồi quanh quan tài khóc nỉ non, đến nửa đêm mọi người nghe thấy tiếng gõ trong chiếc quan tài gỗ nên đã cùng nhau mở quan tài ra xem, thì ra Lý Hư đã sống lại! Sau đó, Lý Hư đã kể lại cho người nhà nghe câu chuyện mà ông đã trải qua ở dưới âm phủ.
Lý Hư nói ông đã đến điện Diêm Vương, Diêm Vương lệnh cho quan sử sai mang cuốn thiện ác của ông đến, vừa xem cuốn ghi chép liền thấy tội ác chồng chất nên đã định hành hình ông.
Lý Hư vô cùng sợ hãi liền vội vàng nói: “Năm ngoái Hoàng Đế hạ chỉ phải dỡ bỏ tất cả chùa miếu, phá bỏ tất cả tượng Phật, chỉ có chùa chiền trong khu vực tôi quản lý là không bị hủy hoại. Không biết công đức này có giảm bớt được tội nghiệp của tôi không?”
Diêm Vương vô cùng kinh ngạc, nên đã hạ lệnh cho quan coi ngục nhanh chóng mang quyển phúc đến để xem.
Trên quyển phúc mà quan coi ngục mang đến có ghi chép rất ít việc thiện, chỉ có một trang giấy, viết rằng: “Năm ngoái có thánh chỉ hạ lệnh hủy bỏ chùa miếu, chỉ có chùa miếu ở huyện Tân Tức được bảo toàn. Ông được gạch bỏ tội lỗi trong cuộc đời mình và kéo dài tuổi thọ thêm 30 năm, bây giờ được quay lại làm người.”
Quan sử sai đọc vừa dứt lời, quyển tội ác dày cộm kia bị thiêu sạch sẽ trong nháy mắt. Diêm vương liền thả ông quay về nhân gian, thế là ông đã được sống lại.
Việc tốt bảo vệ chùa miếu của Lý Hư không những xóa bỏ tất cả việc xấu ông đã làm trước đây, mà còn giúp ông kéo dài thêm 30 năm tuổi thọ.
Lời bình
Hai câu chuyện trên có thể là sản phẩm của sự tưởng tượng, được ghi chép và truyền lại cho đến ngày nay nhưng thông điệp của chúng lại rất rõ ràng, đó chính là quy luật nhân quả ở đời, là ác giả ác báo, thiện hữu thiện báo. Và con người chúng ta nên rút ra bài học cho chính mình.
Chủ nhân của hai câu chuyện trên có kết quả khác nhau vì lời nói và việc làm của họ đối với thần phật khác nhau: Một người bị giảm 30 năm tuổi thọ, bị nhốt vào địa ngục; một người được kéo dài thêm 30 năm tuổi thọ, kiếp sau vẫn được đầu thai làm người.
Một số người không tin vào thần phật, cũng tốt thôi, không tin cũng sao nhưng cần phải có thái độ tôn trọng, tuyệt đối không nên báng bổ, coi khinh thần phật hay tín ngưỡng của người khác, đó là việc sẽ tạo nghiệp, chuốc tai họa vào mình.
Cuộc đời của mỗi con người có thể vì một suy nghĩ mà thay đổi theo hướng rất khác nhau, lằn ranh giữa thiện niệm và ác niệm cũng rất mong manh, vì thế mỗi người, hãy tích cực suy nghĩ và làm những điều tử tế, tốt đẹp dù đó là việc rất nhỏ. Đừng cho rằng một việc tốt nào đó vì quá nhỏ nên không đáng làm và một việc ác nào đó vì quá nhỏ nên làm cũng không sao, luật nhân quả luôn đi theo mỗi chúng ta, hãy hành thiện tích đức để cuộc đời được an yên, thuận lợi.