Sự hiện diện trong đời sống mỹ thuật đương đại Việt nam suốt mấy thập kỷ qua , dường như tên tuổi của hoạ sĩ Lê Văn Xương ẩn khuất theo thời gian, chưa được giới sưu tập và công chúng biết tới rộng rãi về những sáng tác ghi dấu ấn nghệ thuật khá đặc sắc, một thời gắn bó với “Hà nội ba mươi sáu phố phường” được lưu giữ trong ký ức không phai mờ ở người hoạ sĩ tài hoa này.
Cuộc Trưng bày tranh Lê Văn Xương lần đầu tiên 2018 tại TP Hồ Chí Minh do nhà sưu tập Lê Y Lan – con gái của hoạ sĩ – đã thực sự khuấy động lại tên tuổi của ông với mọi người sau tròn 30 năm ngày ông mất (ông tình cờ ra đi cùng năm 1988 với hoạ sĩ chuyên vẽ phố cổ Hà Nội nổi danh Bùi Xuân Phái dù “không hẹn trước”!). Với gần 1.000 bức tranh và khoảng 100 bức tượng, được ước tính là khối lượng khá lớn trong cả cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của một nghệ sỹ đích thực, nhiều tác phẩm tiêu biểu đặc sắc của hoạ sĩ Lê Văn Xương được chọn lựa (trong bộ tranh của nhà sưu tập Trương Văn Thuận TP Hồ Chí Minh) cùng với bộ sưu tập tranh lụa hoạ sĩ Văn Giao, sẽ ra mắt công chúng yêu hội hoạ thủ đô trong Tuần lễ trưng bày tác phẩm Lê Văn Xương – Văn Giao tại Nhà đấu giá Chọn 63 Hàm Long Hà Nội dịp đầu tháng 10 này .
Theo tư liệu gia đình hoạ sĩ cung cấp, có thể nói Lê Văn Xương đã yêu thích và theo học hội hoạ từ rất sớm. Sinh năm 1917 tại Hà Nội, chàng trai đất kinh kỳ đã được cha ông mời thày dạy hoạ, vốn là một sinh viên đang theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương khoá 12 (1937- 1942) là Nhan Chí người Nam Bộ, kết giao bạn bè với Lê Văn Xương, truyền dạy những kỹ thuật vẽ tranh chân dung, phong cảnh bằng các chất liệu khác nhau như phấn mầu (pastel), bột mầu, sơn dầu…
Chỉ trong mấy năm trời, chàng trai trẻ đầy sung sức, phong khoáng và năng nổ chốn thị thành đã bứt phá rất nhanh trong từng đường, hoà sắc, gam mầu trên giấy, trên toan, trên bìa cartoon… khi ghi lại cảnh trí phố phường, con đường, hàng cây xanh, lối cũ gần gũi gắn bó yêu thương mỗi góc phố rêu phong, mái ngói thâm nghiêm xưa cũ của “ba sáu phố phường” Hà Nội xưa…
Cái tên hoạ sĩ Lê Văn Xương bắt đầu được biết đến lần đầu tiên không phải ở Hà Nội mà ngay năm 1941 tại Sài Gòn. Khi ấy, dù mới chỉ hai tư tuổi đời, ông đã mở Triển lãm cá nhân trưng bày tranh phong cảnh về phố xưa Hà Nội và đã bán được một số tác phẩm cho các nhà sưu tập tranh có tiếng ở trong ấy. Mãi cho đến năm 1949, rồi đáng ghi nhận nhất là cuộc bày tranh trang trọng mang chủ đề “Hà Nội ba sáu phố phường” với 29 tác phẩm vào tháng 4 năm 1953 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Dường như tên tuổi của hoạ sĩ Lê Văn Xương đã để lại ấn tượng khó quên cho tất cả giới mộ điệu thời điểm ấy! Phần lớn những người giới trí thức Hà Nội sống vào thời ấy, giới thương nhân và người chuộng nghệ thuật, đều ghi nhận sự thăng hoa của tài năng hội hoạ trong nhiều tác phẩm của hoạ sĩ Lê Văn Xương trưng bày tại triển lãm dịp đó. Không phải bỗng dưng mà hoạ sĩ Bùi Xuân Phái – người đồng thế hệ với ông Xương – khi đến dự cuộc khai mạc triển lãm của bạn đã xúc động khai bút: “Điểm ham làm việc của anh Xương tôi thấy tương lai rực rỡ. Anh vẽ loại phấn mầu đặc sắc hơn những loại khác”.
Trong lưu bút gia đình hoạ sĩ Lê Văn Xương còn giữ lại lời bày tỏ của hoạ sĩ Trần Quang Trân ngày ấy về triển lãm của ông: “Trong nhiều lần đến xem triển lãm hoạ phẩm tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đây mới là lần đầu tôi được thoả mãn trong đời khó tính – xin thú thật – của tôi về phương diện mỹ thuật”. Có tới 9 hoạ phẩm trong số 29 bức tranh của hoạ sĩ Lê Văn Xương đã được những vị khách quý mua ngay trong buổi khai mạc triển lãm.
Và không ít tác phẩm của ông trong số đó sau này từng được trao đổi, hoặc bán đấu giá cho người sưu tập tranh với mức giá trên vài chục ngàn đôla vào năm 2016 như ở sàn đấu giá Lý thị! Hiếm có một hoạ sĩ nào đã từng mở tới bốn cuộc triển lãm cá nhân ở Việt nam như hoạ sĩ Lê Văn Xương, bởi mọi điều kiện về hoạt động tổ chức sự kiện về mỹ thuật như vậy là không mấy dễ dàng, đến ngay cả các hoạ sĩ Pháp ở Đông dương cũng còn khá vất vả để làm điều này, trong khi hoạ sĩ Lê Văn Xương đã năng động và đam mê nghệ thuật, tìm mọi cách để mở triển lãm giới thiệu tranh sáng tác mới của mình tới 4 lần, 2 cuộc ở Hà Nội, 1 lần ở Sài Gòn và 1 lần nữa tận Đà Lạt!
Thậm chí, giới sưu tập tranh còn lưu giữ nhiều tác phẩm về phố xưa, lối cũ của ông vẽ ngày trước, như một hoạ sĩ tiên phong về đề tài Phố Xưa của Hà Nội, trước Phố Phái ở giai đoạn thành danh sau này! Đây là một sự thật còn bị khuất lấp mà các thế hệ sau đang dần tìm cách trả lại cho ông xứng đáng với ký ức thời gian không phai mờ!
Tác phẩm của hoạ sĩ Lê Văn Xương khá đa dạng về đề tài, trải dài trong suốt mấy chục năm sáng tác, phần lớn ông thành công ở nhiều mảng tranh phong cảnh, mang nhiều nét “hồn xưa phố cũ” gợi cảm giác êm đềm của cuộc sống thị thành yên bình với những gam mầu trong trẻo, sáng sủa và đầy sự tĩnh lặng đến an nhiên!
Xem tranh của ông ở vào thời khắc tất bật hôm nay, người ta vẫn rưng rưng cảm xúc lúc bắt gặp đâu đó có còn hay đã mất, một góc phố thân quen, một con đường cũ, hàng hiên che mưa nắng rêu phong phủ bóng… trong nét vẽ thư thái, như níu giữ ký ức phố phường xưa qua cái tên đọc lên đã gợi nhớ như “Cổng Đình Yên ninh”, “Ngõ Trám”, “Ngõ Hàng Giấy”, “Ô quan chưởng”, “Nhà thờ Cửa Bắc”, “Bờ hồ Hoàn kiếm”, “Ngõ Huyện”…
Trong Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Việt Nam, hoạ sĩ Lê Văn Xương cũng có một tác phẩm được trưng bày lưu giữ tại đây phong cảnh về biển tràn đầy sắc nắng vàng rực rỡ, phơi phới như chính cuộc sống đang lan toả trong mỗi hình ảnh được thể hiện và như nhận xét đánh giá của nhà phê bình Quang Việt, đó thực sự là “những giai điệu ngân lên từ tâm hồn bình dị, yêu cuộc sống và yêu sự thanh bình của cuộc sống!” Phải chăng, đó chính là chiếc chìa khoá đã mở đúng ngọn nguồn mạch cảm xúc sáng tác làm nên sự thành công trong cả cuộc đời sáng tác của hoạ sĩ Lê Văn Xương – người từng được mệnh danh “gắn bó với ba sáu phố phường Hà Nội” trong tranh!
Đã trôi qua ba mươi năm có lẻ khi trái tim của người hoạ sĩ tài hoa Lê Văn Xương đã vĩnh viễn ngừng đập, nhưng cho đến hôm nay, tôi tin chắc rằng các tác phẩm của ông (trong bộ sưu tập của nhà sưu tập Trương Văn Thuận) sắp trưng bày Triển lãm tại Nhà đấu giá Chọn dịp tháng 10, sẽ vẫn khiến sự lay động trong trái tim của công chúng yêu hội hoạ Hà Nội được diện kiến với tranh của hoạ sĩ Lê Văn Xương!
Xin được chân thành cám ơn nhà sưu tập tranh Trương Văn Thuận đã hết lòng tận tâm hợp tác với anh em Nhà đấu giá Chọn trong việc tổ chức sự kiện nghệ thuật này ở Thủ đô như một món quà văn hoá chào đón ngày 10-10!
Chon’s 25-9-2019
Trương Nhuận