PHI LỘ : Tôi không phải NHÀ VĂN ! Chắc chắn thế ! VIẾT – với tôi giống như một phương tiện biểu lộ điều muốn nói mà HỘI HOẠ không diễn tả được! Và cũng giống như VẼ… VĂN CỦA TÔI kén người đọc ! NÓ KHÔNG DÀNH CHO SỐ ĐÔNG ! Chắc chắn ! Rất may, nó được một vài độc giả khó tính chấp nhận ! Như Cố GIÁO SƯ – Nhà phê bình văn học HOÀNG NGỌC HIẾN, sinh thời ông đánh giá cao lối viết của tôi! Và như nhà văn ĐẶNG VĂN SINH, ông là một tài năng và nhân cách ! Vừa mới đây, ông có đăng một bài giới thiệu tôi… kể cũng hơi ngượng nhưng đã là người ai chẳng có chút tự hào? Nên cứ chia sẻ đại ! Ai đọc thì đọc mà không đọc thì thôi…! Chả sao !
Xin cảm ơn ANH ĐẶNG VĂN SINH vì tấm lòng !
LÊ TRÍ DŨNG.
—————-
Vào một ngày cuối tháng 8 năm 2005, tôi đang đọc sách thì chuông điện thoại reo. Đầu dây đằng kia, một giọng trầm, âm lượng đầy nội lực hỏi: “Xin lỗi, ông có phải Đặng Văn Sinh không ạ?”. Sau khi được xác nhận tôi đúng là chủ nhân số máy vừa gọi, người khách tự giới thiệu: “Tôi là họa sĩ Lê Trí Dũng ở đại học Mỹ thuật công nghiệp, vừa đọc trích đoạn tiểu thuyết “Ký ức làng Cùa” của ông trên tạp chí Nhà văn. Tuy mới đọc một chương mà đã thấy tác phẩm gây ấn tượng mạnh, tôi gọi điện trước hết để chúc mừng, sau nữa là, phiền ông gửi cho mua một cuốn theo đường bưu điện, tôi sẽ chuyển tiền vào tài khoản…”.
Nghe xong tôi lặng người đến mấy giây rồi trả lời họa sĩ: “Cảm ơn ông đã đọc của tôi, nhưng thật đáng buồn, bản thảo đã qua 5 nhà xuất bản đều bị từ chối. Có đầu nậu đã dàn trang, vẽ bìa, dự kiến in lần đầu vài nghìn bản, nhưng đến phút cuối cùng vẫn không xin được giấy phép”. Lê Trí Dũng ngẫm nghĩ một lúc rồi chợt đưa ra sáng kiến: “Hay là ông bán cho tôi bản photocopy để anh em ở đây đọc, chứ dở dang thế này không chịu được”.
Biết đây chẳng những là tay ham đọc sách mà còn có con mắt xanh nên tôi mách nước: “Toàn bộ bản thảo cuốn sách tôi đã chuyển cho ban biên tập tạp chí, ông có thể liên hệ với nhà thơ Nguyễn Trác hoặc nhà văn Văn Vinh mượn”.
Bẵng đi một thời gian, một hôm Lê Trí Dũng lại gọi điện cho tôi thông báo: “Cảm ơn ông, chúng tôi đã đọc xong ‘Ký ức làng Cùa’. Mấy ông bạn tôi đọc rồi, thích quá, bảo, ở chốn rừng xanh núi đỏ xa xôi ấy, vậy mà có một tay bút thật đáo để”. Từ đấy chúng tôi thường xuyên gọi điện cho nhau. Và cứ đến dịp tết Lê Trí Dũng lại gửi cho tôi tấm ảnh chụp “con giáp” do chính anh vẽ với lời đề tặng rất trân trọng.
Cuối tháng 1 năm 2007, Lê Trí Dũng gửi tôi cuốn tạp văn “Những hòn cuội nhặt dọc đường hành quân” do nhà xuất bản Mỹ thuật ấn hành. Cuốn sách khá đặc biệt, khổ vuông 15x 15 cm, bìa cứng in ký họa người lính, AK 47 trên vai, lưng mang ba lô cóc, ceintureron treo lỉnh kỉnh những bi đông, dao găm, lưu đạn… được bố cục trong một không gian hẹp bằng những nét đanh, mảnh đan cài vào nhau, đang hành quân.
Góc dưới bên phải là nhan đề tác phẩm được sắp xếp theo chiều dọc bằng loại chữ khổ nhỏ năm màu như những hòn cuội lấp lánh, tạo nên sự tương phản với những nét trắng mảnh trên nền đen. Trái lại, bìa sau được thể hiện vô cùng phóng túng bởi con ngựa màu đỏ gắt, xù lông tung bờm, bốn chân xoãi ra trong tư thế phi nước đại trong khi chiếc đuôi đang bay lên dưới ánh trăng đêm.
Cuốn tạp văn dày 268 trang gồm 17 bài viết và một “Lời cuối sách”, được in đẹp, sửa morasse kỹ, hầu như rất ít lỗi kỹ thuật. Điều thú vị nữa là, cùng với mỗi bài viết, Lê Trí Dũng lại kèm theo ít nhất một minh họa, có những minh họa rất hoành tráng. Xem minh họa của anh ta càng hiểu sâu hơn tạp văn của anh…
Và tôi sững sờ. Sự từng trải, tầm vóc văn hóa, và sau hết là ngọn bút của người họa sĩ từng một thời là lính xe tăng này thật tài hoa, khiến bất cứ ai, sau khi đọc cũng phải tâm phục khẩu phục.
Hơn 4 năm sau, vào ngày 5 tháng 10 năm 2011, tôi lại nhận được ấn phẩm của Lê Trí Dũng bằng chuyển phát nhanh. Đó là cuốn tạp văn thứ hai, dày gần gấp đôi cuốn trước, vẫn hình vuông, khổ 15x15cm, và điều đặc biệt là, nó vẫn mang tựa đề “Những hòn cuội nhặt dọc đường”. Ngoài lời giới thiệu của họa sĩ râu dài Phan Cẩm Thượng và Yên Ba và “Lời cuối sách”, “Những hòn cuội nhặt dọc đường” lần này in 30 bài tạp văn cùng khá nhiều tranh minh họa của tác giả phần lớn được dàn trải trên cả hai trang, rất sinh động, càng làm tăng sức hấp dẫn.
Sức viết của Lê Trí Dũng thật đáng nể, giữa năm 2013, Lê Trí Dũng xuất bản cuốn “Những hòn cuội nhặt dọc đường” thứ ba, lần này là khổ 14×20,5cm, dày 356 trang, do nhà xuất bản Văn học ấn hành, trong đó có 80 trang dành cho những bài phê bình. Các bài viết được Lê Trí Dũng phân loại 4 chủ đề: “Muôn mặt hội họa”, “Sắc màu cuộc sống”, “Vài tích cổ văn” và “Hòn cuội và những người bạn”.
Đến tháng 11 cùng năm, họa sĩ cầm tinh con trâu (hẳn là trâu vàng) lại trình làng tập tranh Lê Trí Dũng khổ 21x23cm, bìa cứng, in song ngữ của nhà xuất bản Mỹ thuật với 72 con ngựa vô cùng trang trọng. Chính tập tranh đã làm nên “thương hiệu” Lê Trí Dũng. Không riêng gì độc giả mà ngay cả giới phê bình mỹ thuật cũng phải thừa nhận, Lê Trí Dũng là chuyên gia hàng đầu về “ngựa” của nền hội họa đương đại Việt Nam.
Tập tranh ngựa Lê Trí Dũng gửi ngay cho tôi sau khi in xong, nhưng “Những hòn cuội nhặt dọc đường” tập 3 anh lại mang đến tận nhà tặng cùng với bức tranh gà rất đặc sắc nhân chuyến viếng thăm chùa Thanh Mai (Chí Linh, Hải Dương) đầu xuân Đinh Dậu (2017).
Trước hết, phải nói, Lê Trí Dũng là một kẻ lãng du có sao Thiên Di chiếu mệnh nên rất hào hứng với những chuyến phiêu lưu mạo hiểm, rất phù hợp với sự phân tích của nhà văn Xuân Cang về quẻ Lữ (Hỏa Sơn Lữ) trong Kinh Dịch. Vì thế, những trang viết của anh hầu như không chịu sự ràng buộc của khuôn khổ hình thức, luôn bất chấp luật chơi như đàn ngựa hoang, thả sức tung hoành trên thảo nguyên chữ nghĩa. Văn Lê Trí Dũng có lúc thấp thoáng bóng ma quỷ như “Liêu trai chí dị”, có lúc lại hàm chứa yếu tố hoạt kê của tiếu lâm dân gian, nhưng cũng không hiếm trường hợp “nhại” lối kể rất đặc trưng của loại tiểu thuyết chương hồi trung đại.
Tạp văn Lê Trí Dũng “lạ” không chỉ ở loại thể rất khó định danh mà còn “mới” ở phong cách thể hiện bởi tính hàm ngôn, ẩn dụ khiến người đọc luôn bị bất ngờ bởi những tình huống ngoài dự đoán. Đó là thứ tạp văn, một mặt được viết để giải tỏa những ẩn ức bị dồn nén của một tâm hồn quá nhạy cảm trước cuộc sống phức tạp, nhưng, mặt khác, biết đâu lại chẳng là trò chơi chữ nghĩa nhằm “trêu ngươi” thiên hạ, nhất là với các “nhà” quan văn nghệ, nhãn mác đầy mình, luôn lên giọng dạy dỗ đồng nghiệp nhưng lại có cái đầu “văn hóa lùn”(!?).
Có thể do cái tạng của mình, Lê Trí Dũng không mấy khi cao đàm khoát luận, thường là khá khiêm nhường, mỗi bài chỉ vài trăm chữ, nhiều là hai nghìn chữ nhưng nó bắt người ta phải đọc đến cùng rồi lặng lẽ suy ngẫm, về đủ mọi thứ trên đời từ văn hóa, lịch sử, đến tôn giáo, cổ ngoạn, rồi cả nghệ thuật chơi chim cảnh, gà chọi. Anh viết nhiều về Phật giáo, đề cao mối quan hệ nhân quả trong cõi nhân gian mờ mịt với hai phạm trù THIỆN – ÁC. Văn Lê Trí Dũng là sự tổng hợp của các phong cách mà điểm nhấn ở đây là nghệ thuật hội họa với kiểu tư duy phóng túng, linh hoạt, thậm chí có phần bụi bặm.
Từ nhan đề “Những hòn cuội nhặt dọc đường” người đọc có thể hình dung, phong cách tạp văn của Lê trí Dũng là một thể thống nhất cho 98 bài của ba tập nối tiếp nhau. Quan điểm nghệ thuật của tác giả là nhất quán được phát triển trên nền tảng triết lý trung dung, vốn là “đạo” của người quân tử.
“Những hòn cuội nhặt dọc đường hành quân” mới đọc tưởng viết chơi mà lại không phải là chơi. Nó luôn ẩn giấu một tư tưởng nào đó. Nó thiên biến vạn hóa bởi lớp ngôn từ dân dã, chẳng có gì là cao siêu mà lại thấm đẫm triết lý nhân sinh. Triết lý ấy đôi khi trượt ra ngoài văn bản như phép ẩn dụ của văn học cổ điển. Lê Trí Dũng luôn tự nhận viết văn với mình chỉ là “tay trái”, nhưng thật ra, tạp văn của anh cực kỳ chuyên nghiệp. Mỗi bài viết đều nhằm ký gửi một tâm sự hay triết lý nhân sinh, chuyện của mình nhưng cũng là chuyện cuộc đời với đầy đủ các cung bậc tình cảm. Tạp văn là thể loại cần ngắn ngọn, ý tứ cô đọng, nên rất khó viết. Trong làng văn chính hiệu, không ít người có đủ học vị học hàm, chức tước đầy mình, hăm hở lao vào, những muốn dạy cho đám “nhân quần khinh khỉnh” kia bài học nhớ đời, ai ngờ thất bại cay đắng vì …nhạt!
Tôi muốn nói rằng, tạp văn Lê Trí Dũng là của trời cho. Nó xuất phát từ quẻ Tiên thiên trong “Dịch”, không học được. Hẳn là trong quẻ Hà Lạc của nhà họa sĩ “máu” xê dịch này phải có Hóa công, Thiên nguyên khí, Địa nguyên khí hay “Nạp âm” tuyệt hảo. Hơn thế nữa, Lê Trí Dũng là con nhà nòi. Cụ thân sinh từng tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, có tranh treo ở Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Thân mẫu thời bao cấp, từng là chủ một hiệu sách nhỏ. Đấy chính là điều kiện tuyệt vời để Lê Trí Dũng có thể học được trí khôn nhân loại qua đủ các loại sách đông tây kim cổ, nho ý lý số mà anh gọi là “thượng vàng hạ cám”.
Với cái vốn “trời cho” ấy, Lê Trí Dũng như một ẩn sĩ sơn lâm. Anh thao túng các con chữ như thầy phù thủy cao tay điều khiển âm binh, tên nào vào đúng vị trí sở trường tên ấy, đến thời cơ hành động, chúng kết hợp với nhau, phát huy hết công năng, tạo nên một “bát trận đồ” chữ nghĩa, khiến người đọc chỉ biết gật đầu thán phục mà không thể nào bắt chước. Như vậy, viết tạp văn hẳn là phải có “thuật”. “Thuật” như thế nào thì thú thật là tôi chịu, họa chăng chỉ có tác giả mới trả lời được câu hỏi hóc búa này.
Có thể nói, tạp văn Lê Trí Dũng rất khác người. Nó là sự tổng hợp của nhiều thể loại, trong đó bao hàm cả hồi ức, du ký, chân dung nhân vật, tạp luận, nhàn đàm, truyện ngắn…, được diễn đạt bằng lớp ngôn từ đa sắc thái với mô hình câu trần thuật ngắn, số lượng từ vựng ở mức tối thiểu nhưng hiệu ứng thẩm mỹ lại đạt mức tối đa. Điều cần nhận diện ở đây là những trang viết dù không phải lúc nào cũng hoàn hảo nhưng là sự trung thực đến tận cùng của người nghệ sĩ dấn thân, một thời từng khoác chiến bào “quất roi cầu Vị ào ào gió thu”.
Cho nên, không ít những trang viết của Lê Trí Dũng còn đượm mùi khói súng cho dù chúng ta đã ra khỏi cuộc tương tàn mấy chục năm. Sự trung thực ấy không phải người cầm bút nào cũng làm được, khi mà cuộc sống đương đại được đo đếm từ nhiều hệ giá trị khác nhau, trong đó có những hệ giá trị ngụy tạo đang ngày đêm tàn phá niềm tin, đạo đức, nhân cách và phẩm giá con người.
Đương nhiên, đề tài trong cuộc sống xã hội là phong phú, đa dạng, chất liệu muôn màu muôn vẻ, không ai cấm anh viết, nhưng đâu có phải cứ hạ bút là thành … tạp văn. Đây là thể loại rất kén chọn người cầm bút. Bởi cũng như hầu hết các thể loại văn học khác vấn đề không phải viết cái gì mà là viết như thế nào. Chính cái mệnh đề “viết như thế nào” ấy mới xác định được tầm vóc hay đẳng cấp người sinh ra nó. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi ngộ ra một điều, viết được tạp văn phải là người có sự am hiểu lịch sử, triết học, văn học, hội họa, âm nhạc. Rồi còn phải dày công tham khảo cả thuật phong thủy, tử vi, tướng số, bói dịch nữa. Nói tóm lại là “thông kim bác cổ”. Có vốn văn hóa ấy rồi, cùng với kinh nghiệm sống và bản lĩnh can trường rồi nhưng chưa chắc đã viết được những trang đến mức “quỷ khốc thần sầu” nếu bản thân anh còn thiếu một chút tài năng. “Nguyên khí” ấy là của trời cho, không ai xin được, bởi nó là “duyên”. Tạo hóa thích kẻ nào thì ban cho. Vì thế, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã chỉ ra cái “duyên” rất linh hoạt trong bài kệ Phật luận “Cư trần lạc đạo” của người: “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên” là vậy.
Lê Trí Dũng vừa có “nguyên khí” vừa có “duyên” nên tạp văn của anh khiến ta phải đọc và suy ngẫm cũng không có gì lạ.
Đề tài là phong phú, bố cục đầy ngẫu hứng, ý tưởng mới lạ luôn làm người đọc sững sờ đã là một thành công, nhưng sự độc đáo của tạp văn Lê Trí Dũng còn được ghi nhận ở kỹ thuật đặc tả và cấu trúc câu của hình thức cổ văn. Câu văn của anh không chỉ dừng lại ở dạng thức ngữ pháp thông thường mà luôn là những kết hợp đa chiều nhằm tạo ra những tầng nghĩa mới như một sự cộng hưởng cho dù hệ thống từ vựng không có gì đặc biệt nếu so với người khác. Văn Lê Trí Dũng như một thứ ma thuật luôn ám ảnh người đọc, bắt người ta phải đọc đến tận cùng nhưng có khi vẫn chưa giải mã được những điều anh ký thác.
Đặng Văn Sinh
(xem tiếp kỳ sau)