Trong nhiều năm trở lại đây, báo chí đã và đang khẳng định vai trò là một thiết chế xã hội không thể tách rời của Thành phố. Đây thật sự là một lực lượng thể hiện trí tuệ và bản lĩnh ở mức cao, bởi đội ngũ các cơ quan báo chí, phóng viên, biên tập viên trên địa bàn không chỉ thể hiện sự chủ động, tính tiên phong trong việc tuyên truyền các đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đến người dân, mà còn chú trọng trong việc triển khai nhiều tuyến bài mang tính phản biện và đóng góp ý kiến xã hội cao.
Đồng thời, báo chí cũng cổ vũ, biểu dương các tấm gương người tốt việc tốt, các mô hình đổi mới sáng tạo tiêu biểu trong học tập, làm việc ở nhiều lĩnh vực đời sống, cũng như các mục tiêu, chương trình trọng điểm của Thành phố, hướng đến xây dựng TP.HCM trở thành một đô thị thông minh, đô thị sáng tạo với tiêu chí lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm thước đo trách nhiệm phụng sự xã hội của đội ngũ cán bộ công chức lẫn cơ quan quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực.
Về những người làm báo tại TP.HCM
Bên cạnh đội ngũ các nhà báo lão thành, các phóng viên – biên tập viên dày dạn kinh nghiệm với nhận thức chính trị vững vàng cùng kiến thức nền tảng sâu rộng ở từng mảng nội dung phụ trách, TP.HCM hoàn toàn có thể tự hào đang sở hữu một lực lượng đông đảo nhà báo, phóng viên trẻ với sự xông xáo của màu áo xanh thanh niên, với màu đỏ thẫm của hàng triệu trái tim nhiệt huyết luôn khát khao được cống hiến tài trí cho đất nước, cho Thành phố.
TP.HCM nói riêng và miền Nam nói chung sau 45 năm được hoàn toàn giải phóng, non sông Việt Nam liền một dải, đã từng bước khẳng định là địa phương tiên phong trong cả nước với các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội, tăng cường hợp tác và giao lưu kinh tế quốc tế qua đó giúp nâng cao tầm vóc của đất nước – con người Việt Nam và TP.HCM trên trường quốc tế.
Hơn bao giờ hết, báo chí chính là người bạn đồng hành mật thiết với mọi chặng đường phát triển của Thành phố.
Để ghi nhận sự đồng hành của người làm báo, tại TP.HCM, Giải Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức hàng năm là sự kiện báo chí lớn, được dư luận xã hội quan tâm. Qua đó, đã giúp tôn vinh các tác giả, tác phẩm xuất sắc nhất của hoạt động báo chí liên quan đến Thành phố nói riêng và cả nước nói chung trong tổng thể sứ mệnh cùng cả hệ thống chính trị, các ngành các cấp, mọi tầng lớp nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn quyết tâm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội, đảm bảo và giữ vững an ninh chính trị, trật tự – an toàn xã hội, đặc biệt là các hoạt động tuyên truyền về an ninh quốc phòng, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc tại các vùng biên giới, thềm lục đại và hải đảo, trong đó có hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa ruột thịt.
Trong khi đó, với nhóm các nhà báo trẻ, là đoàn viên – thanh niên, thì Giải thưởng “Ngòi bút trẻ” do Thành đoàn TP.HCM tổ chức định kỳ hai năm một lần cũng mang đến nhiều trải nghiệm. Bởi lẽ, qua 9 lần tổ chức (từ năm 2004 đến năm 2020), Ban Thường vụ Thành đoàn TP.HCM đã trao Giải thưởng “Ngòi bút trẻ” cho 132 cá nhân và 13 tập thể, đây là giải thưởng dành cho đoàn viên tiêu biểu trong lĩnh vực báo chí, trao cho các phóng viên, biên tập viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình, cộng tác viên của các cơ quan báo chí tại Thành phố, có thành tích xuất sắc trong chuyên môn, có đạo đức tốt, có đóng góp tích cực cho công tác Đoàn – Hội – Đội, phong trào thanh thiếu nhi trên địa bàn.
Cụ thể, vào sáng ngày 18/6/2020 vừa qua, Thành đoàn TP.HCM đã tổ chức buổi tuyên dương và trao Giải thưởng “Ngòi bút trẻ” năm 2020, nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2020) cho 24 cá nhân là đoàn viên tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực báo chí.
Đáng chú ý, trong số 24 cá nhân đạt giải thưởng kỳ này có 11 cá nhân là đảng viên; 15 cá nhân là cán bộ Đoàn; 13 cá nhân đoạt giải thưởng báo chí cấp Thành phố và 4 cá nhân đoạt giải thưởng báo chí cấp Trung ương, tiêu biểu như phóng viên – thiếu tá Lê Hùng Khoa (Báo Quân đội Nhân dân) đạt giải Nhì cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” của Ban Tuyên giáo Trung ương; hay phóng viên Phan Thị Duyên (Báo Tuổi Trẻ) với thành tích giải Báo chí toàn quốc về Xây dựng Đảng (Búa liềm Vàng) năm 2019.
Được biết, tại Giải năm nay, với 32 hồ sơ của 32 cá nhân đến từ 12 đơn vị báo chí, Hội đồng bình xét giải thưởng (gồm Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Thành phố, Ban Thường vụ Thành đoàn TP.HCM) đã chọn ra 24 cá nhân tiêu biểu để trao giải.
Phát biểu tại buổi trao giải, chị Phan Thị Thanh Phương – Bí thư Thành đoàn TP.HCM, khẳng định Giải thưởng “Ngòi bút trẻ” chính là niềm tin và sự kỳ vọng của tổ chức Đoàn, mong muốn các đoàn viên tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực báo chí chuyển tải những thông tin tốt, câu chuyện đẹp và lan tỏa khát vọng của tuổi trẻ Thành phố đến với cộng đồng, góp phần xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Theo đại diện Ban tổ chức Giải thưởng “Ngòi bút trẻ”, thì trong số các đoàn viên được tuyên dương năm nay có nhiều phóng viên, biên tập viên sở hữu các tác phẩm báo chí giá trị cao, góp phần định hướng đúng đắn nhận thức và hành động cho tuổi trẻ như biên tập viên Nguyễn Thị Mỹ Trang (Đài Truyền hình TP.HCM) là biên kịch, đồng đạo diễn phim tài liệu “Ra biển lớn”.
Cũng theo chị Phan Thị Thanh Phương, trong từng mặt trận, từng hoạt động lớn nhỏ của công tác Đoàn – Hội – Đội và phong trào thanh thiếu nhi TP.HCM không thể thiếu vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí, cùng đội ngũ các nhà báo, phóng viên, biên tập viên đã luôn đồng hành phản ánh kịp thời, với nhiều góc độ, hình thức đa dạng và hấp dẫn, để hoạt động và hình ảnh của tuổi trẻ Thành phố được lan tỏa đến với người dân TP.HCM và cả nước.
Chuyển từ báo chí phê phán sang báo chí giải pháp
Hồi tháng 6 năm 2018, tại buổi tọa đàm Báo chí – Xuất bản sáng tạo, đồng hành cùng Thành phố, vì cả nước trong việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội (*), đồng chí Nguyễn Thiện Nhân – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM từng đưa ra khuyến nghị rằng báo chí muốn viết giải pháp thì trước tiên cần phê phán, phân tích soát xét xem chúng ta đã làm được gì, tốt đến đâu, hay đến đâu, rồi từ đó biết được Thành phố, sở ngành cần làm gì để hỗ trợ, tham khảo ý kiến từ các nhà khoa học, người dân có tâm huyết với sự phát triển của Thành phố.
Ban đầu, báo giới nói chung và phóng viên, là người quan sát, thu thập số liệu, phản biện; song từ nay báo chí sẽ chuyển sang vai trò thúc đẩy các nhà khoa học, giới chuyên gia, tổ chức, cá nhân, các Sở ban ngành đóng góp ý kiến, sáng tạo nghiên cứu. Hay nói cách khác, theo gợi ý của đồng chí Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, báo chí cần xới lên vấn đề, khơi gợi sự hiến kế, đổi mới sự sáng tạo cho Thành phố.
Ngoài ra, cũng theo lời Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, 10 triệu dân chính là 10 triệu động lực sáng tạo cho TP.HCM. Bởi lẽ, TP.HCM đang phát triển nhanh, nhưng cần nhanh hơn nữa; báo chí cũng thế, cần nhanh hơn nữa. Báo chí phải giữ vị trí dẫn dắt “soi rọi” 7 chương trình đột phá mà TP.HCM đã đề ra ; khơi gợi tinh thần và đổi mới sáng tạo nguồn lực Thành phố, các nhà sáng tạo Thành phố là giới chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý. 10 triệu người dân, 10 triệu động lực sáng tạo cho Thành phố đây chính là tài sản quý giá, ngoài ra cần khai thác nguồn nhân lực của cộng đồng nhà khoa học, người Việt Nam ở nước ngoài.
Báo chí góp phần tuyên truyền về chủ quyền biên giới, biển đảo
Cũng nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020), và nhằm tạo sự lan tỏa hơn nữa đối với các tác phẩm báo chí xuất sắc, vào sáng ngày 20/6/2020, Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh chính thức giới thiệu tập sách đăng tải những tác phẩm đạt giải Nhất của Giải Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh trong 5 năm, từ 2015 đến 2019.
Trong số các tác phẩm từng đạt thứ hạng cao tại Giải Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh, có rất nhiều tuyến bài viết, phóng sự tập trung tuyên truyền đậm nét, khách quan về công tác cắm mốc biên giới, các hoạt động xây dựng, phát triển và bảo vệ tuyệt đối chủ quyển biển đảo mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ hết sức quan tâm và quyết liệt triển khai trên tinh thần tuân thủ các thông lệ cũng như hiệp ước quốc tế.
Thông qua các bài viết được tác nghiệp thực tế, sinh động và phản ánh khách quan đời sống, nhiệm vụ của các bộ chiến sỹ đang ngày đêm kiên cường giữ vững tay súng nơi các nhà giàn, hải đảo giữa muôn trùng sóng biển, người dân trong cả nước đã và đang được bồi đắp ngày càng nhiều thêm sức mạnh ý chí về lòng tự hào dân tộc, ý thức về chủ quyền biển đảo thiêng liêng, đồng cảm với muôn vàn khó khăn của cán bộ – chiến sỹ nơi đầu sóng ngọn gió để thực hiện nhiệm vụ khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo ruột thịt Hoàng Sa và Trường Sa.
Hơn bao giờ hết, báo chí là một phần của hàng triệu trái tim con người Việt Nam trước diễn đàn quốc tế, rằng Việt Nam là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng làm bạn với mọi quốc gia, vùng lãnh thổ trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng và tuân thủ các luật, công ước quốc tế.
Cùng với các cơ quan báo chí chính thống tiêu biểu của Thành phố như Báo Người Lao động với chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển”, hay Báo Tuổi trẻ với “Góp đá xây Trường Sa”, hay chuyên mục “Vững lòng biển đảo” của báo Sài Gòn Giải Phóng, trong thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM với chủ công là đội ngũ chuyên viên Phòng Báo chí đã và đang vận hành chuyên trang “Hoạt động thông tin đối ngoại TP.HCM” trên nền tảng mạng xã hội Facebook với tiêu chí tuyên truyền các thành tựu, nét đẹp kinh tế – xã hội của Thành phố, và hơn hết là chú trọng các tuyến nội dung phản bác có hiệu hiệu quả các thông tin xuyên tạc, thông tin độc – thông tin xấu về Thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung, và đáng chú ý là các nội dung về biển đảo, chủ quyền biển đảo được biên tập kỹ lưỡng, cung cấp nhiều bài viết mang tính học thuật cao, khoa học và sắc bén về lý luận.
Với sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, trang “Hoạt động thông tin đối ngoại Thành phố Hồ Chí Minh” hiện thu hút trên 100.000 lượt theo dõi đã khẳng định đây là địa chỉ thông tin chính thống và nhanh chóng khi truyền tải các họat động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đặc biệt là hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Thành phố.
Bên cạnh việc liên tục cập nhật các hoạt động về phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố và đất nước thì trang FanPage cũng chú trọng tuyên truyền các nội dung về các hoạt động giao lưu văn hóa, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, xúc tiến đầu tư, du lịch và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để sẵn sàng vận hành một đô thị thông minh, đô thị sáng tạo đang hình thành; Kịp thời xử lý các thông tin về đối ngoại, định hướng dư luận, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của các thông tin sai lệch, luận điệu xuyên tạc của các thế lực chống phá trong xu hướng người dân sử dụng mạng Internet và mạng xã hội để tìm kiếm, cập nhật thông tin.
Đáng chú ý là các loạt bài viết về quá trình xác lập cũng như thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa – Trường Sa qua các giai đoạn lịch sử, các bài viết thể hiện được tất cả thông tin bao gồm cả bản đồ cổ, thư tịch cổ của Trung Quốc ấn hành, bản đồ phương Tây từ trước đến nay, cũng khẳng định Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam, bài viết được đăng trên FanPage “Hoạt động thông tin đối ngoại Thành phố Hồ Chí Minh” chính là sự đổi mới uyển chuyển của “nhiệm vụ báo chí” hiện đại, giúp lan tỏa sâu rộng những thông tin, kiến thức đến mọi tầng lớp người dân, không chỉ riêng tại TP.HCM mà còn các tỉnh thành lân cận, thậm chí kiều bào đang sinh sống làm việc tại nước ngoài.
Ngoài ra, chuyên trang cũng dành nhiều dung lượng cho các vấn đề quan trọng khác của Thành phố, như xây dựng đô thị sáng tạo, triển khai chính quyền điện tử và cải cách hành chính, chống ngập,… và gần đây là tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Có thể khẳng định rằng, cùng với cả nước, báo chí Thành phố Hồ Chí Minh, đội ngũ các cơ quan báo chí, phóng viên, biên tập và cơ quan quản lý nhà nước trong ngành, luôn tự hào với sứ mệnh phụng sự Tổ quốc, phục vụ xã hội thông qua các tác phẩm báo chí dưới nhiều hình thức nội dung, từ báo in, báo điện tử, truyền thanh, truyền hình và hàng loạt nội dung số trong thời đại mới.
Hơn bao giờ hết, mỗi cơ quan báo chí và người làm báo tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng tuyệt đối kiên định với tôn chỉ mục đích hoạt động, nghiêm túc cùng đơn vị, cơ quan chủ quản hoàn thành các nhiệm vụ chính trị đề ra, góp phần xây dựng TP.HCM trở thành một đô thị thông minh, hiện đại, một trung tâm tài chính – khoa học kỹ thuật xứng tầm, đồng hành cùng cả nước trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội.
(*): Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM được thông qua ngày 24/11/2017 tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Theo Thông tin đối ngoại TP.HCM