Sau Hội nghị Thượng đỉnh COP 26 (tháng 11/2021), Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đến năm 2050 sẽ giảm phát thải ròng bằng 0. Từ đó đến nay, cùng sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội về môi trường và doanh nghiệp rất mạnh mẽ.
Gần đây sức nóng về tín chỉ carbon đang tăng dần với doanh nghiệp xuất khẩu. Từ tháng 10/2023, với các mặt hàng nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, hóa chất hữu cơ, nhựa… những lĩnh vực chiếm hơn 90% lượng khí thải công nghiệp tại EU, các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu.
Trong quy định Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM), một phần thuộc Thỏa thuận Xanh châu Âu của Liên minh châu Âu (EU) có đề cập rằng: từ năm 2026 nếu lượng khí thải vượt quá tiêu chuẩn của EU, các doanh nghiệp sẽ phải mua “chứng chỉ khí thải” – tín chỉ carbon.
Ông Trần Thái, Chuyên gia – Nhà tư vấn liên quan đến thị trường tín chỉ carbon quốc tế
Đây được xem là một thời cơ cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt thuộc các ngành kể trên bởi để đáp ứng tiêu chuẩn của EU, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ buộc phải tối ưu hóa quy trình sản xuất và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Điều này có thể dẫn đến giảm lượng khí thải và giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí.
Bên cạnh đó cũng giúp Việt Nam nâng cao uy tín và tiếp cận thị trường quốc tế, giúp phát triển nguồn cung ổn định và giảm thiểu lượng khí thải từ nguồn năng lượng. Từ đó, tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế, cũng như kết nối với các công ty công nghệ tiên tiến, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ.
Sự khác biệt về nghị định Kyoto trước đây và thỏa thuận Paris hiện nay
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa thực sự phân biệt được rõ ràng giữa Hiệp định Kyoto và Thỏa thuận Paris.
Ông Trần Thái, Chuyên gia – Nhà tư vấn liên quan đến thị trường tín chỉ carbon quốc tế đã làm rõ vấn đề này:
Hiệp định Kyoto (Kyoto Protocol): Đây là một hiệp định quốc tế được ký kết tại Kyoto, Nhật Bản vào năm 1997, chính thức có hiệu lực từ năm 2005. Hiệp định này đặt mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đối với các quốc gia công nghiệp phát triển.
Thỏa thuận Paris (Paris Agreement): Được ký kết tại Paris, Pháp vào năm 2015, Thỏa thuận Paris tập trung vào việc giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu. Mục tiêu chính của Thỏa thuận Paris là giảm thiểu nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 2 độ Celsius so với mức nhiệt độ tiền công nghiệp và nỗ lực hướng tới giảm dưới 1,5 độ Celsius.
Chuyên gia Trần Thái trong một dự án thủy điện tại miền Trung
Bên cạnh đó, ông cũng cho thấy sự khác biệt giữa Tín chỉ carbon và tín chỉ xanh
Tín chỉ carbon (Carbon Credits): Đây là quyền chứng nhận cho việc giảm lượng khí thải hoặc thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu lượng khí thải. Cụ thể, một tín chỉ carbon thường đại diện cho việc giảm 1 tấn khí thải CO2 tương đương.
Tín chỉ xanh (Green Credits): Tín chỉ xanh thường đề cập đến các giấy chứng nhận cho các hoạt động thân thiện với môi trường, bao gồm không chỉ việc giảm lượng khí thải mà còn các hoạt động như tái chế, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, bảo vệ động vật hoặc đa dạng sinh học.
Chuyên gia Trần Thái và đối tác trong một dự án
Việt Nam nên vận hành thị trường tín chỉ carbon như thế nào
Dự kiến đến năm 2025, Việt Nam sẽ bắt đầu vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon và đến năm 2028 sẽ hoạt động chính thức.
Như vậy, thị trường carbon tự nguyện (voluntary carbon market – VCM) là nơi giao dịch các khoản tín dụng được chứng nhận phát hành từ các dự án carbon, đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho các công nghệ khí hậu mới, quá trình chuyển đổi xã hội công bằng và bảo vệ hệ sinh thái dưới các góc nhìn về: Khuyến khích sự tự nguyện và tự chủ; Hỗ trợ công nghệ bền vững mới; Chuyển đổi xã hội công bằng; Bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học; Tạo lập cộng đồng tài trợ.
Có thể thấy, thị trường carbon tự nguyện không chỉ đơn thuần là nơi mua bán tín chỉ carbon, mà còn là một công cụ quan trọng hỗ trợ cho việc giảm lượng khí thải toàn cầu, tạo điều kiện cho sự đổi mới công nghệ và giúp bảo vệ môi trường và hệ sinh thái của chúng ta.
Một dự án thủy điện miền Nam của chuyên gia Trần Thái
Trước câu hỏi về việc cơ chế vận hành của thị trường carbon, ông Trần Thái trả lời: “Đầu tiên, cần xác định đây có thể là một dự án về năng lượng tái tạo, quản lý rừng, quản lý chất thải, hay bất kỳ hoạt động nào khác có thể giảm lượng khí thải hoặc ngăn chặn sự phát thải của chúng. Các dự án cần phải đo lường và ghi nhận lượng khí thải trước và sau khi triển khai các biện pháp giảm thiểu. Sự chênh lệch giữa các lần đo này là lượng khí thải giảm được và là cơ sở để xác định số lượng chứng chỉ carbon được phát hành.
Thông thường, kết quả đo lường và giảm lượng khí thải cần được xác minh bởi một bên thứ ba độc lập có chuyên môn cao về đo lường khí thải và có thể xác minh rằng các con số được báo cáo là chính xác và đáng tin cậy. Sau khi xác minh, các chứng chỉ carbon được phát hành. Mỗi chứng chỉ này đại diện cho một lượng cụ thể của khí thải đã được giảm bớt. Chúng có thể được bán trên thị trường carbon.
Vòng đời phát triển dự án carbon
Các doanh nghiệp hoặc tổ chức có nhu cầu mua chứng chỉ carbon để bù đắp lượng khí thải của họ có thể mua chúng từ các dự án đã được chứng minh và xác nhận. Giao dịch này có thể xảy ra trên các sàn giao dịch carbon hoặc thông qua các thỏa thuận song phương. Các dự án cần liên tục theo dõi và báo cáo về việc duy trì các biện pháp giảm khí thải và lượng khí thải thực tế để đảm bảo tính minh bạch và nhất quán của thị trường carbon”.
Thành phẩm từ dự án đầu tư nhà máy viên nén của ông Trần Thái
Nhìn chung, việc tham gia vào thị trường tín chỉ carbon đòi hỏi sự chú ý đến chi tiết và sự đầu tư trong việc thiết lập và duy trì các dự án giảm khí thải. Sự minh bạch, đáng tin cậy và theo dõi liên tục là chìa khóa để thành công trong thị trường này.
PV