Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (gọi tắt là dự thảo Luật” đang trong quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện trình Quốc hội thông qua, thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhiều giới và các tầng lớp xã hội. Có nhiều ý kiến rất khác nhau, thậm chí trái ngược hẳn nhau về cách tiếp cận vấn đề, về bản chất xác thực, giá trị, ý nghĩa, tác dụng và tác hại của rượu và chất uống có cồn; về chất lượng của dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia và về những quy định cụ thể… Dưới đây xin góp ý thêm một số ý cho dự thảo Luật này.
Dự thảo Luật đã được soạn thảo công phu, tuy nhiên cách tiếp cận còn chưa toàn diện, chủ yếu vẫn theo cách tiếp cận của y tế cộng đồng, trong khi đó các vấn đề được đề cập trong dự thảo Luật có liên quan tới nhiều lĩnh vực: sản xuất, kinh doanh, văn hóa và du lịch… Vì vậy, đề nghị cần mở rộng hơn cách tiếp cận và giải quyết vấn đề để đảm bảo tính toàn diện và tính khả thi của dự thảo Luật, bổ sung cách tiếp cận văn hóa – xã hội.
Về tên gọi của Luật: Nên gọi tên Luật là “ Luật kiểm soát rượu,bia”. Bởi vì rượu, bia có chất lượng tốt là sản phẩm do con người làm ra mang những giá trị về vật chất và tinh thần; nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, rượu, bia có chất lượng có nhiều tác dụng tích cực cho sức khỏe của con người, góp phần tạo cho đời sống văn hóa, tinh thần của con người thêm phong phú, tươi vui và tinh tế. Chỉ có sản xuất, tiêu thụ rượu, bia kém chất lượng và lạm dụng rượu bia tới mức độ độc hại mới là nguyên nhân làm tổn hại sức khỏe của con người và là những hành vi phải lên án, phòng, chống và xử lý. Tên Luật là “ Luật kiểm soát rượu, bia” còn cho thấy rõ hơn mục tiêu, yêu cầu cơ quan có chức năng quản lý phải tăng cường các biện pháp và có trách nhiệm chính trong việc kiểm soát, ngăn chặn và xử lý những hành vi bất hợp pháp và vô đạo đức trong việc sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sản phẩm rượu, bia kém chất lượng và tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân sử dụng rượu, bia một cách có văn hóa, hợp pháp, không lạm dụng. Các tổ chức và cá nhân cũng có trách nhiệm tham gia cùng với cơ quan nhà nước trong việc kiểm soát này tùy theo vị trí và vai trò cụ thể của mình và tổ chức mình
Trường hợp Ban soạn thảo giữ cụm từ “phòng chống tác hại” thì nên gọi là “Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia” thì sẽ phù hợp hơn.
Về quan điểm, đề nghị bỏ quan điểm thứ 5 ghi trong tờ trình “2.5. Huy động nguồn lực tài chính và sự tham gia tích cực của toàn xã hội, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc PCTHRB để đảm bảo thực hiện Luật hiệu quả” và viết lại quan điểm thứ 4 “2.4. Khắc phục những hạn chế, bất cập, khoảng trống của pháp luật về PCTHRB hiện nay. Tăng tính khả thi, đồng bộ của các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nhất là quản lý sản xuất rượu thủ công, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm hài hòa với các lợi ích sức khỏe cộng đồng” cho gọn hơn và chú trọng tính thống nhất, đồng bộ và khả thi các quy định pháp luật về kiểm soát rượu, bia. (Trong đó có các quy định của các luật như: Luật thương mại, Luật xử lý vi phạm hành chính…).
Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (Điều 1), đề nghị viết gọn thành 2 khoản: Khoản 1 có nội dung là phạm vi điều chỉnh; Khoản 2 là đối tượng áp dụng. Trong đó cần bổ sung hai vấn đề là kiểm soát rượu, bia và chống lạm dụng rượu bia đến mức nguy hại.
Về chính sách trong phòng, chống tác hại của rượu, bia (Điều 3), đề nghị xem lại và chỉnh lý lại điều này, vì nội dung và cách thể hiện chưa thấy rõ nội hàm của các chính sách.
Về kinh phí cho phòng, chống tác hại của rượu, bia (Điều 22), về cơ bản nhất trí với phương án 1:
“ Kinh phí cho phòng, chống tác hại của rượu, bia được huy động từ các nguồn sau đây:
1. Ưu tiên dành một phần kinh phí riêng đảm bảo thực hiện đầy đủ các hoạt động phòng, chống rượu, bia, trích từ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia theo quy định của Chính phủ.
2. Nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước với ngoài nước;
3. Nguồn thu nhập hợp pháp khác”.
Tuy nhiên, cũng nên có quy định mức trần không quá 0.5% theo dự thảo cũ và bỏ chữ “đầy đủ” tại Khoản 1 Điều 22.
Vấn đề quản lý sản xuất, tiêu thụ, sử dụng rượu thủ công, trong dự thảo Luật vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức, trong khi đó đây lại là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt và cần có những quy định đầy đủ, rõ ràng để điều chỉnh, vì thực tiễn đã cho thấy, lượng rượu này chiếm tỷ lệ rất lớn ( khoảng 70%) và chất lượng không bảo đảm có nguy cơ dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe của người tiêu dùng. Đề nghị bổ sung nội dung này một cách đầy đủ hơn.
GS.TS Lê Minh Tâm – Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam