Lễ hội bia- một nét văn hóa, một hình thức xúc tiến thương mại của ngành bia các nước đã được tổ chức từ rất lâu trên thế giới. Nổi tiếng có lẽ phải kể tới là các lễ hội bia Đức (lễ hội Octoberfest), bia Bỉ, bia Mỹ Budweiser…Các lễ hội này thường thu hút hàng triệu người không chỉ trong nước mà cả từ nước ngoài tới thăm.
Tại lễ hội bia Đức hầu như năm nào cũng trưng bày và bán 6 loại bia nổi tiếng của Đức có lịch sử sản xuất lâu đời. Đó là các loại bia Augustiner do nhà máy cùng tên được thành lập từ năm 1328 sản xuất; bia Hacker Pschorr do nhà máy Hackerr và Pschorr được thành lập từ năm 1417 sản xuất; bia Paulaner được ủ từ năm 1634 trong tu viện Paulaner; Bia Hofbrau có nồng độ cồn 6,3%; bia Lowenbrau có biểu tượng con sư tử ra đời từ thế kỷ15, trong lễ hội Octoberfest thường bán loại bia có nồng dộ 6,1%; cuối cùng là bia Spaten của nhà máy cùng tên thành lập năm 1397 sản xuất, trong lễ hội Tháng 10 cũng được bày bán loại có nồng độ 5,9%.
Còn ở nước ta, khoảng chục năm trở lại đây, một số doanh nghiệp bia lớn trong nước có tổ chức Ngày hội bia của mình nhân dịp năm mới, hoặc nằm trong chuối sự kiện khuyến mãi, tiếp thị của doanh nghiệp như Ngày hội Bia Hà Nội tổ chức thường niên tại Hà Nội và tại một số địa phương theo mục tiêu phát triển thị trường như Quảng Ninh, Hà Giang…
Ngày hội Bia Sài Gòn, Ngày hội bia Heineken cũng thường được tổ chức nhận dịp năm mới. Mục tiêu của các ngày hội này ngoài việc quảng bá thương hiệu, các doanh nghiệp còn muốn qua đó biểu thị lòng tri ân đối với các nhà phân phối, các đại lý, các khách hàng thường xuyên khác và người tiêu dùng. Do vậy, thời gian hội chỉ diễn ra trong một ngày với nghi thức gọn nhẹ.
Còn với vai trò là đầu mối của các doanh nghiệp ngành Đồ uống Việt Nam, Hiệp hội Bia- Rượu – Nước giải khát Việt Nam cũng đã tổ chức lễ hội bia Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2007. Tuy nhiên, các năm sau đó Lễ hội được lấy tên là Lễ hội Đồ uống Việt Nam, bao gồm bia, rượu, nước giải khát của cả nước. Lễ hội được tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương định kỳ 2 năm/lần, luân phiên diễn ra ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tới năm nay – năm 2017 là kỳ Lễ hội lần thứ VI sẽ diễn ra từ 6-8/10 tại Hà Nội.
Khác với Lễ hội Tháng Mười của Đức được chính quyền địa phương coi như một hoạt động văn hóa, du lịch, thương mại quan trọng trong năm, nên có sự tham gia tổ chức, tạo điều kiện cho khách tham quan, cho nhà sản xuất trong đi lại, ăn nghỉ, vui chơi…
Lễ hội Đồ uống Việt Nam quy tụ các doanh nghiệp sản xuất bia, rượu và nước giải khát lớn trong nước gồm cả những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như Tổng Công ty cổ phần Bia- Rượu- Nước giải khát Sài Gòn, Tổng Công ty cổ phần Bia- Rượu- Nước giải khát Hà Nội, Công ty cổ phần Tập đoàn Hương Sen, Công ty TNHH nhà máy Bia Việt Nam, Công ty Bia Carlsberg, Công ty cổ phần Cồn Rượu Hà Nội, Công ty cổ phần Rượu Bia Nước giải khát AROMA, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Tân Hiệp Phát… với quy mô 30-40 gian hàng trên diện tích 1500-2000 m2, thường chỉ diễn ra trong thời gian từ 2 – 4 ngày.
Tuy thời gian diễn ra không dài nhưng cũng thu hút hàng vạn người tới tham gia, tiêu thụ hàng chục nghìn lít đồ uống các loại. Mỗi kỳ lễ hội được mang một chủ đề khác nhau, phù hợp với thực tế và nhu cầu xã hội (ví dụ như Lễ hội năm 2009 có chủ đề “Hương vị cuộc sống”, năm 2013 có chủ đề “Đồ uống với truyền thống văn hóa, phát triển kinh tế và hội nhập”, năm nay lễ hội có chủ đề “Văn hóa uống với ẩm thực Việt Nam”).
Mục đích của Lễ hội là dịp để các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, khẳng định thương hiệu của mình và cũng là dịp để cho người tiêu dùng có cơ hội được tham gia và thưởng thức nhiều sản phẩm đồ uống đa dạng, phong phú với chất lượng cao. Đồng thời tại Lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động như hội thảo chuyên đề khoa học kỹ thuật, quản lý, văn nghệ, các trò chơi có thưởng…
Tuy tới nay chưa có một báo cáo đánh giá, tổng kết những mặt được và chưa được của các kỳ lễ hội, song với những gì quan sát được trên thực tế, tác giả bài viết có thể nêu ra một số ý kiến như sau:
Thời hạn tổ chức là hợp lý, nhưng thời gian diễn ra lễ hội nên kéo dài hơn đủ để cho những người ở xa và du khách có thể tới tham dự thêm đông đảo. Điều này sẽ có tác động lan tỏa thông tin rộng rãi hơn trên cả nước, không chỉ hạn hẹp trên địa bàn tổ chức và lân cận.
Lễ hội thường có hai phần là phần lễ và phần hội. Tiến hành hai phần này sao cho sinh động, thiết thực, làm nổi lên chủ đề của lễ hội, để lại được dấu ấn cho du khách và mang tính truyền bá sâu rộng.
Trong điều kiện nhiều doanh nghiệp trong ngành, nhất là những doanh nghiệp tư nhân, ở những địa phương xa nơi diễn ra lễ hội, không có điều kiện trực tiếp tham gia, nên chăng trong lễ hội giành ra một số gian hàng ở vị trí trung tâm lấy tên Hiệp hội để trưng bày giới thiệu những sản phẩm truyền thống của ngành và những sản phẩm chính của các doanh nghiệp xa không có gian hàng riêng. Việc làm này vừa tạo điểm nhấn về giá trị truyền thống vừa tạo điều kiện quảng bá tính đa dạng sản phẩm của toàn ngành, thể hiện một lễ hội Đồ uống Việt Nam đầy đủ hơn./.
Lê Được