(Tưởng nhớ mẹ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều)
…Tôi đã từng viết một bài báo nói về người mẹ tuyệt vời của Nguyễn Quang Thiều. Bởi tôi quan sát, trải nghiệm và từng chứng kiến việc nhà thơ chăm sóc mẹ của mình.
Năm hai ngàn lẻ mười, tôi viết cuốn tiểu thuyết “Thân xác”, viết mãi không xong, đặc biệt là chương cuối cùng. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bảo tôi: “Ông nên về quê tôi, tĩnh lặng mà viết cho xong…”. Thế là tôi về, được mẹ nhà thơ, em trai nhà thơ đón tiếp nồng hậu, được cho một phòng riêng, yên tĩnh để viết, đến bữa có người gọi để ăn, buổi tối có hàng xóm đến uống trà đàm đạo, thật ấm cúng và vui vẻ. Nhưng cũng thời gian đó, mẹ của Nguyễn Quang Thiều đổ bệnh nên ông cũng về quê gần như cả tuần.
Một buổi trưa, tôi đang kì cạch ngồi viết thì nghe tiếng cười, tiếng trò chuyện gì đó khá vui ở sân. Từ trong phòng, tôi nhìn ra, thấy nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đang bế mẹ mình ra sân, ông bế mẹ như một đứa trẻ, cẩn thận vén mái tóc bạc trắng của mẹ mình, rồi múc nước từ một cái chậu to để gội đầu cho mẹ!
Hai mẹ con ông trò chuyện: “Ồ… tóc mẹ bạc hết rồi, lại còn gãy nữa, phải gội bằng bồ kết thế này mới khỏe được…”. “…Thì râu Nguyễn Quang Thiều cũng bạc hết rồi còn gì, mẹ già rồi cần gì tóc xanh…”. “Cần chứ, mẹ phải khỏe để bọn con còn vui vẻ làm việc, cứ ốm thế này là không được!”… Cứ thế, hai mẹ con nhà thơ vừa trò chuyện, vừa gội đầu. Tôi bỗng thấy khoảng sân sáng bừng.
Tôi chưa bao giờ thấy cảnh như vậy, người mẹ nhỏ thó, với mái tóc bạc như cước nằm gọn trong lòng người con, được người con trai lưng gù gù, bàn tay thô tháp mà vô cùng khéo léo, vuốt kĩ lưỡng từng cụm tóc bạc tinh. Hành động đó tôi nhớ mãi, như một thước phim quay chậm, được thực hiện qua bàn tay rất thô của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều… mà âu yếm, trìu mến, thân thương đến kì lạ.
Tôi nói chữ Hiếu của Nguyễn Quang Thiều đủ đầy cả nghĩa bóng, lẫn nghĩa đen vì hàm ý rằng, với người đàn ông cụ thể, trở thành người bình thường, tử tế, lương thiện… đã là giữ được chữ Hiếu đối với cha mẹ mình, riêng với Nguyễn Quang Thiều, không chỉ là người bình thường, ông ấy còn nổi tiếng. Và cũng không vì nổi tiếng, bận rộn mà ông ít khi quan tâm đến cha mẹ một cách cụ thể như thế này. Ông về làng Chùa – nơi cha mẹ đang sống thường xuyên, cứ cuối tuần là ông về. Bây giờ mẹ ốm, ông càng về nhiều hơn, ông nấu nướng, giặt rũ, lau rửa nhà cửa. Ông gội đầu, tắm rửa, thay quần áo… cho mẹ mình với một tinh thần vô cùng hạnh phúc!
Tôi đã mục sở thị chuyện này, tôi xúc động, cảm phục nhà thơ, bởi ông không chỉ sống trong thi ca, ông sống như một con người bình thường và cực kì hiếu thảo. Sau này, tôi có nói với bạn bè rằng, có rất nhiều nhà thơ viết về mẹ, nhiều bài thơ hay, thậm chí để đời, nhưng tôi chỉ tin một nửa. Tôi không bàn về thi pháp nghệ thuật, tôi chỉ nói về tình yêu thực sự giữa nhà thơ và mẹ mình. Tôi sẽ chỉ tin một nửa, bởi phần còn lại là trong thực tại nhà thơ đó đối xử như thế nào với mẹ mình.
Chúng ta có thể trích hẳn một tài khoản lớn trong ngân hàng để cho mẹ, có thể thuê hàng tá người về chăm sóc mẹ mình khi ốm đau, và làm những điều tốt đẹp khác mong sao mẹ mình cảm thấy vui vẻ, điều đó là rất tốt, ai cũng muốn làm được như vậy. Nhưng tại sao không nhiều người muốn ôm mẹ mình khi bà đã già, hoặc thường xuyên trò chuyện nếu có cơ hội gần gũi.
Tôi không nói rằng, tất cả chúng ta phải tắm cho mẹ như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhưng tôi biết nhà thơ luôn muốn gần gũi với mẹ mình, ông thừa khả năng tài chính để thuê người chăm sóc bà, nhưng ông muốn tự tay mình làm và làm việc đó như một nhu cầu của trái tim yêu mẹ đích thực. Thế nên những bài thơ mà Nguyễn Quang Thiều viết về mẹ thì tôi tin hoàn toàn! Những bài thơ đó thuyết phục tôi từ thi pháp nghệ thuật, đến nội dung câu chuyện, bởi tôi là người chứng kiến thực tại….
…Mẹ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là một cô giáo làng, xuất thân từ gia đình địa chủ, từ bé đã được học tiếng Pháp. Sau này bà theo cách mạng và gặp cụ Thâu rồi sinh ra Nguyễn Quang Thiều. Một người phụ nữ rất giản dị, nhưng cực kỳ thanh lịch, hóm hỉnh và thông minh. Tôi chưa thấy bà gọi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là con, hay bố Thiều như cách xưng hô thường thấy ở làng quê. Bà luôn gọi: “Nguyễn Quang Thiều nhà tôi”. Lúc nào cũng vậy, bà luôn gọi cái tên đó, trìu mến, thân thương nhưng cũng đầy tự hào, bởi con trai bà là người nổi tiếng.
Cực thông minh, cực tế nhị nhưng cũng hết sức dân dã, tôi hiểu bà thầm khoe con trai mình, tự hào vì nó là một nhà thơ nổi tiếng, có quá nhiều bạn bè danh tiếng đã từng đến làng Chùa, trong ngôi nhà ngói ba gian đơn sơ này đọc thơ, trò chuyện, ăn tối… Mỗi lần như thế, tôi thấy bà lặng lẽ ngồi một góc, ngắm nhìn chúng tôi, thỉnh thoảng bà lại vỗ tay nếu ai đó đọc một bài thơ hay. “Quang Thiều nhà tôi xấu giai các bác ạ, thế nhưng lại yêu hoa vô cùng, lúc nào cũng thích trồng hoa…”- bà nói tỉnh bơ với chúng tôi như vậy, một lần nữa tôi lại cảm nhận được niềm tự hào của bà về nhà thơ, một cách cực kỳ kéo léo để bày tỏ tình yêu của bà đối với con trai mình.
Có lần nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể: Hôm đó tôi muốn trêu mẹ một chút cho đỡ buồn. Tôi gọi điện rồi nói: “Mẹ, con thú thực với mẹ một chuyện, con đã trót yêu một người phụ nữ khác và bây giờ cô ấy đang có bầu!”. Mẹ tôi im lặng khá lâu, có vẻ như hơi choáng, nhưng sau đó bà nói: “… Thế à, nếu có bầu rồi thì đón về đây với mẹ, sinh xong rồi tính, không được bỏ người ta…”. Thế đấy, chỉ có những bà mẹ yêu con trai mới hành xử như thế. Bà không gãy nảy la mắng, không ỉ ôi kêu khổ, mà nói rằng hãy đem về đây để mẹ nuôi rồi tính, nhất quyết không được làm tổn thương người ta.
Khi biết chúng tôi đùa, bà vẫn cười cười tỉnh bơ như thế, rồi bỗng nhiên bà nói: “Nguyễn Quang Thiều trong tình yêu hèn lắm. Ngày xưa ấy, yêu chết mê chết mệt cái cô trong làng, nhưng bị cụ Thâu cấm, đau khổ cùng cực, chính tôi đã bảo hai đứa trốn đi miền Nam, bao giờ có bầu thì cụ tự cho cưới… Thế mà không dám, để người ta bỏ đi Hòa Bình lấy chồng… Hèn lắm!”. Hôm đó, chúng tôi cười rụng rốn, đúng là không thể nào qua mặt được bà, vì đó là người phụ nữ cực kỳ thông minh mà tôi từng gặp….
… Trong một đêm tĩnh lặng ở làng Chùa, khi chỉ có hai mẹ con Nguyễn Quang Thiều với nhau, bỗng nhiên bà nói: “Mẹ già rồi, yếu rồi… nhưng mẹ rất lo là sau khi mẹ chết thì ai sẽ yêu con???”. Đây là một câu nói tôi cảm thấy xúc động nhất, đúng nhất, chuẩn xác nhất về tình yêu! Tôi vẫn tin, với tình yêu và được gọi là tình yêu đích thực thì chỉ có tình yêu người mẹ dành cho con mình… Nguyễn Quang Thiều là người vô cùng may mắn và trở thành nhà thơ danh tiếng vì ông ấy có một bà mẹ tuyệt vời như thế…
Hoàng A Sáng