Tại cuộc họp Văn phòng thường trực Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) mới đây, Chủ tịch VBA Nguyễn Văn Việt đã đánh giá về kết quả đạt được của ngành Đồ uống cũng như hoạt động của Hiệp hội trong 9 tháng đầu năm 2017.
TÌNH HÌNH SẢN XUẤT, KINH DOANH
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sản lượng ngành Đồ uống tăng thấp hơn so cùng kỳ, chỉ số sản xuất đồ uống 9 tháng tăng 5%, thấp hơn mức tăng 9,6% của cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng trong 8 tháng đầu năm đạt khoảng 2,58 tỷ lít. Trong đó, Habeco sản xuất 468,7 triệu lít, giảm 0,5% so với cùng kỳ 2016; Sabeco sản xuất 1,234 tỷ lít, tăng 4,2% so với cùng kỳ 2016. Mức tăng trưởng của ngành bia có xu hướng giảm hơn so với trước. Thị phần trên thị trường, đứng đầu là Sabeco, tiếp đến là Heineken, Habeco, còn lại là các công ty khác. Ngành nước giải khát tăng trưởng khá, đạt sản lượng khoảng khoảng 4, 4 tỷ lít. Thị phần nước giải khát chủ yếu tập trung vào 3 doanh nghiệp lớn, đó là Pepsico (~1,04 tỷ lít), Tân Hiệp Phát (~928,65 triệu lít), Coca-Cola (~430,5 triệu lít) và phần còn lại thuộc về hơn 1.000 công ty nhỏ lẻ khác.
Ngành Rượu gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp sản xuất rượu chính thống doanh thu thấp hơn trước, sản lượng ngày càng giảm do nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong khi đó rượu dân tự nấu lại ngày càng tăng… Tổng sản lượng rượu do các nhà máy sản xuất đạt khoảng 70 triệu lít, nếu tính chung cả rượu dân tự nấu đạt khoảng 343 triệu lít.
Trong 10 tháng đầu năm 2017, ngành Đồ uống tiếp tục gặp những khó khăn do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan. Các doanh nghiệp trong ngành chịu sự ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều, lũ lụt; sách sách hạn chế sản xuất, tiêu dùng thông qua việc đưa ra dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia; thuế Tiêu thụ đặc biệt tăng thêm 5% so với năm 2016; sức cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt; việc đánh giá về ngành Đồ uống còn chưa khách quan, công bằng, vẫn có những cái nhìn chưa thiện cảm với ngành…
Trước tình hình thoái vốn của các Tổng công ty nhà nước ít nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm tư của các Tổng công ty. Có tổng công ty đã giảm sản lượng và doanh thu khoảng 4%-5%… Việc các đơn vị gặp khó khăn cũng ảnh hưởng đến hoạt động của ngành và Hiệp hội…
NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT CỦA VBA
PGS.TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch VBA phát biểu tại Hội thảo về Văn hóa uống.
Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, trong 10 tháng đầu năm, Văn phòng thường trực Hiệp hội đã tiến hành kiện toàn nhân sự Văn phòng Hiệp hội, Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, Ban lãnh đạo và các ban chuyên môn của Tạp chí Đồ uống Việt Nam; Đẩy mạnh hoạt động truyền thông dưới nhiều hình thức như: xuất bản Tạp chí, trang thông tin điện tử, các cuộc tiếp xúc trao đổi cung cấp thông tin… Nhờ đó đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Hiệp hội, được các hội viên tin tưởng và đánh giá cao. Mối quan hệ giữa Văn phòng Thường trực Hiệp hội với các hội viên được tăng cường.
Tính đến hết tháng 9.2017, Hiệp hội đã kết nạp thêm 4 hội viên mới, nâng số lượng hội viên hiện nay lên 129, trong đó có 32 hội viên liên kết. Văn phòng Hiệp hội đã làm tốt vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp hội viên với các cơ quan quản lý nhà nước, vị thế của Hiệp hội ngày càng được nâng lên, được các cơ quan trung ương, bộ ngành, doanh nghiệp hội viên đánh giá cao. Hiệp hội đã tích cực, chủ động tham gia xây dựng cơ chế, chính sách liên quan tới ngành, trong đó chủ yếu tập trung tham gia ý kiến đối với đề xuất xây dựng dự án Luật phòng chống tác hại của rượu, bia, đã tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, gặp gỡ tiếp xúc các đoàn đại biểu Quốc hội, gửi văn bản kiến nghị… Văn phòng thường trực VBA đã tổ chức họp với các doanh nghiệp lớn trong ngành thống nhất quan điểm và ý kiến về việc kiến nghị Chính phủ, Quốc hội không đưa hoặc lùi thời hạn đưa dự án Luật này vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2018. Hiệp hội đã có văn bản kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xem xét chưa đưa đề xuất xây dựng dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Đặc biệt kiến nghị cần đánh giá tác động về kinh tế – xã hội và cơ sở lập Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng.
VBA tổ chức tọa đàm về chính sách liên quan đến ngành Đồ uống.
Một số sự kiện liên quan đến ngành đã được Hiệp hội chủ động thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Hiệp hội đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức các hội thảo, tọa đàm về Ngộ độc rượu chứa Metanol – Thực trạng và giải pháp; tọa đàm đề xuất xây dựng Luật phòng chống tác hại rượu, bia… với sự tham dự của các đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế, luật pháp và đại diện các cơ quan truyền thông. Tại các hội thảo, tọa đàm này, Hiệp hội đã cung cấp nhiều thông tin chính thức nhằm làm rõ vị trí, vai trò của ngành đối với nền kinh tế, thực trạng và xu thế sản xuất, sử dụng rượu, bia của thế giới, phương thức quản lý ngành của các nước, lợi ích của việc uống bia và tác hại của rượu, bia khi bị lạm dụng…
Hiệp hội đã tích cực tham gia ý kiến đóng góp về chính sách thuế Tiêu thụ đặc biệt, tham gia ý kiến xây dựng Nghị định 105 của Chính phủ về kinh doanh rượu; có ý kiến về Luật An toàn Thực phẩm…
Hiệp hội đã chỉ đạo công tác truyền thông tập trung nêu bật vai trò, vị trí của ngành trong nền kinh tế, xã hội; ý kiến của các doanh nghiệp và Hiệp hội với những vấn đề mà dự án Luật phòng chống tác hại rượu, bia đề cập; hoạt động của Ban Chấp hành; hoạt động của các doanh nghiệp hội viên; cũng như phản ánh kịp thời các ý kiến, kiến nghị của hội viên với lãnh đạo Hiệp hội và các cơ quan quản lý nhà nước. Các thông tin đều khẳng định, ngành Đồ uống Việt Nam có vai trò quan trọng và đóng góp to lớn cho kinh tế – xã hội của đất nước, mỗi năm toàn ngành nộp ngân sách Nhà nước khoảng 48.000.000 tỷ đồng (chiếm khoảng gần 3% tổng ngân sách nhà nước, chỉ đứng sau ngành Dầu khí). Ngành đã giải quyết việc làm trực tiếp cho gần 50.000 lao động và gián tiếp cho hàng triệu lao động trên cả nước. Các sản phẩm trong ngành không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu… Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trên Tạp chí Đồ uống Việt Nam và trang thông tin tổng hợp vba.com.vn, nhờ đó công tác truyền thông đã đạt kết quả tốt, được bạn đọc đánh giá cao.
Trong 9 tháng qua, Văn phòng Hiệp hội đã tổ chức thành công 6 lớp học đào tạo chuyên môn nhằm cung cấp kiến thức, kinh nghiệm cho cán bộ, công nhân viên các doanh nghiệp hội viên, thu hút hàng trăm học viên tham gia… Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực, hiệu quả như tổ chức thành công Hội chợ Xuân 2017; tổ chức đoàn các doanh nghiệp trong ngành tham dự Triển lãm chuyên ngành PROPAK ASIA 2017 tại Thái Lan; tổ chức đoàn đi tham quan Triển lãm Quốc tế Drinktech tại CHLB Đức; phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu tại Hải Phòng. Hiệp hội phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức đoàn công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cồn thực phẩm tại 05 doanh nghiệp sản phẩm cồn thực phẩm tại phía Bắc và phía Nam…
Một lớp đào tạo về kỹ năng quản lý, giao việc do VBA tổ chức tại Công ty Cổ phần Bia Hà Nội – Hồng Hà.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng luôn quan tâm đến các hoạt động uống có trách nhiệm. Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD) trực thuộc Hiệp hội đã ký hợp đồng với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về dự án Truyền thông nâng cao nhận thức về uống có trách nhiệm năm 2017 và đã tổ chức Lễ phát động Phụ nữ với An toàn thực phẩm và Uống có trách nhiệm; Ký Biên bản ghi nhớ với UBATGTQG để tổ chức 12 khóa đào tạo nâng cao hiệu quả công tác thực thi pháp luật liên quan đến nồng độ cồn…
MINH THƯ