Văn học là một cầu nối vô hình nhưng lại bền chặt cho phép con người thám hiểm cõi sâu nhất trong tâm hồn nhau, tâm hồn mỗi dân tộc. Hóa ra, mọi sự trên thế gian này, đều có thể giải quyết êm thấm và tạo một cái kết đẹp, sâu thẳm, bằng kết nối văn học.
Trong cõi hỗn mang và nhiều người loay hoay, thậm chí chìm nghỉm khi không tìm ra giá trị riêng cho mình, thì thơ ca nói riêng, văn học nói chung có thể là cái phao cứu rỗi hồn người. Có một số người, đã trở thành văn nhân, sau khi gặp một tai họa tinh thần nào đó. Tuy nhiên trong trải nghiệm của mình, tôi biết rõ một điều rằng, với sự kết nối nhau bằng văn học, chúng ta có thể tự tin giải quyết mọi hiểu lầm, xung đột và khúc mắc trong đời sống từng cá nhân, cũng như cộng đồng.
Bản thân tôi trong những năm qua đã lạc trôi khắp Á-Âu, tự tìm kiếm mình và viết, nhưng phần nhiều vẫn nông nổi. Cho đến một ngày, tôi túm được cái phao kết nối ấy, bằng văn học, và mọi day dứt, trăn trở, thậm chí hoang mang vì sự thất lạc của chính mình, đã được giải tỏa, để chính tôi bình tĩnh đi, ở, đọc, viết trong một thế giới văn học mà mình có thể hòa chung. Tôi biết ơn cuộc gặp gỡ kỳ diệu giữa tôi và những bạn văn quốc tế vào mùa xuân năm 2019, để cuộc đời gắn với văn chương của tôi rẽ sang một hướng đi mới mẻ.
Với sự trợ giúp và tạo điều kiện của Hội Nhà văn Việt Nam, khi giao cho tôi đảm nhiệm công tác đối ngoại, kể từ mùa xuân 2019 ấy, tôi đã tìm ra được những người bạn lớn cho văn học Việt Nam, và ngay từ những bước khởi đầu, họ đã nhiệt tình yêu thương, đóng góp vô tư vào sự nghiệp quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới. Xin được mời họ bước vào bài viết này.
Nhà thơ Italia Laura Garavaglia
Laura Garavaglia đến Việt Nam lần đầu tiên vào mùa xuân năm 2019, dự Liên hoan thơ Quốc tế lần 3 và Hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam lần 4.
Tôi đi đón chị tại sân bay theo phân công của Hội Nhà văn Việt Nam, đâu ngờ rằng rồi đây chính Laura Garavaglia lại trở thành người bạn lớn của văn học Việt Nam nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Trên xe ô tô chở chị về nhà khách, tôi được chị trao tấm danh thiếp, và ngạc nhiên khi chị chính là Chủ tịch ngôi nhà thơ Como, Giám đốc Festival thơ châu Âu, bên cạnh việc chính là một nhà thơ, dịch giả văn học, nhà báo.
Nhìn người phụ nữ cao, gầy, đã bước vào tuổi lục tuần, tôi thán phục, không hiểu chị lấy đâu ra năng lượng, và cả tài năng, để cùng lúc làm nhiều việc, đảm đương nhiều vai trò như thế.
Tôi đã viết một bài báo về chị, đăng trên báo Văn nghệ, rồi sau đó tiếp tục kết nối chặt chẽ. Kết quả của kết nối ấy, là hai tập thơ Việt Nam được chị Laura Garavaglia dịch và in ấn, phát hành tại Italia năm 2020. Ngôi nhà thơ Como và Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã ký một Thỏa thuận hợp tác, trong đó phía Italia sẽ xuất bản sách văn học, ẩm thực, du lịch, nghiên cứu văn hóa nói chung của Việt Nam tại Italia, phía Việt Nam sẽ thành lập một Câu lạc bộ văn hóa Italia tại Hà Nội,…
Dù nhà thơ Laura Garavaglia không sở hữu một nhà xuất bản, nhưng chị lại là một phụ nữ quyền lực trong ngành xuất bản, bởi liên kết với nhà xuất bản I Quardeni Del Bardo by Stefano Donno. Chính nhà xuất bản này liên tục dịch và phát hành trên mạng bán sách khổng lồ Amazon những cuốn sách do Laura Garavaglia giới thiệu.
Mối quan hệ nghề nghiệp đã trở thành tình thân, đến nỗi nhà thơ Hữu Thỉnh (nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) đã chia sẻ: “Xin gửi tới chị Laura Garavaglia lời cảm ơn chân thành nhất vì tình yêu và những đóng góp của chị cho văn học Việt Nam. Bất cứ khi nào chị tới Việt Nam, chúng tôi cũng đón chị như một người chị trong gia đình, với tình cảm ấm áp nhất!”
Hiện nay, Laura Garavaglia đang tập hợp các sách văn học, văn hóa Việt Nam để giảng dạy cho sinh viên văn học Italia, để thế hệ trẻ Italia hiểu hơn về đất nước Việt Nam mà chị đã đem lòng yêu mến.
Nhà thơ Sándor Halmosi
Sándor Halmosi – nhà thơ Hungary – cũng đến Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 2/2019. Anh lập tức mê mẩn đất nước Việt Nam, tuy có nhìn ra vô số người Việt cũng đã “lạc mất hồn!”. Việt Nam quyến rũ anh bởi sự tự do trong hỗn loạn, bởi vẻ nồng nhiệt, có phần thiếu kỷ luật trong lối sống, và cả nền ẩm thực nhiệt đới đa sắc màu.
Với sự kết nối liên tục, thậm chí là hàng ngày, thì chúng tôi đi đến một thỏa thuận rằng, Việt Nam và Hungary sẽ xuất bản chéo tác phẩm của nhau, để giới thiệu với bạn đọc hai nước vẻ đẹp văn học truyền thống và đương đại, khám phá sự phong phú, khác biệt, và đôi nét đồng điệu trong tâm hồn người Hungary, người Việt Nam.
Sándor Halmosi quan tâm nhiều đến Việt Nam, không chỉ món ăn, ghế ngồi, hay giao thông trên đường, nhạc trên xe bus, mà cả kiến trúc Việt Nam. Về sau, tôi phần nào lý giải được sự đam mê của Halmosi khi đọc tác phẩm “Người Hungary, họ là ai?” của tác giả Lakfi Janós. Quả thực, dù sống ở trung tâm châu Âu, nhưng tính cách người Hung có phần na ná tính cách Việt, cũng thông minh, láu lỉnh, hóm hỉnh và tinh quái chẳng kém gì nhau!
Sándor Halmosi không chỉ là một nhà thơ, anh còn là dịch giả, nhà toán học, diễn giả, nhà sáng lập tổ chức nghệ thuật, văn học Hungary, và chủ một nhà xuất bản. Chính vì vậy, năm 2020, nhà xuất bản AB ART của anh đã xuất bản hai cuốn sách Việt Nam, góp phần tăng thêm vào danh sách lên tới 79 cuốn sách Việt Nam được Hungary xuất bản trong lịch sử quan hệ ngoại giao hai nước. Đó là cuốn “Hợp tuyển thơ chiến tranh Việt Nam” và cuốn truyện ngắn Bảo Ninh “Trại bảy chú lùn”.
Kế hoạch trong năm 2021, Sándor Halmosi sẽ tiếp tục dịch và xuất bản một tiểu thuyết và một tập thơ Việt Nam tại Hungary. Với nhà thơ đa tài, giàu năng lượng sáng tạo này, thì Việt Nam đã trở thành một nguồn cảm hứng để anh thực hiện sứ mệnh phát triển thơ ca thế giới tại Hungary.
Có một lần, trước khi tới thăm thủ đô Budapest, tôi hỏi Sándor Halmosi rằng anh thích món gì nhất ở Hà Nội để tôi mang sang tặng anh, nhà thơ Hungary hóm hỉnh bảo: “Cô mang sang Budapest cho tôi cả một con phố Hà Nội đông đảo, náo nhiệt với đủ cả xe máy, người đi bộ, xe bus, hàng quán vỉa hè nhé. Điều đó rất cần cho tâm hồn của tôi!”
Nhà thơ, nhà văn Andrea H. Hedeș
Andrea H. Hedeș là một phụ nữ đa tài người Romania. Chị là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà xuất bản, chủ bút một tạp chí về văn hóa. Tôi cũng gặp chị tại Việt Nam vào tháng 2/2019. Chúng tôi ào qua nhau, chỉ kịp trao đổi name card, không kịp trò chuyện. Sau đó, tôi cũng lãng quên tấm danh thiếp của chị trong ngăn bàn, bởi dường như vẻ ngoài của chị không có gì cuốn hút tôi. Nào ngờ, Andrea H. Hedeș không quên tôi.
Trong thời gian tôi còn đang mê mải đi các nước châu Âu khám phá và vui thú với bạn bè, thì nhận được email của Andrea H. Hedeș. Chị muốn phỏng vấn tôi về thể loại tiểu thuyết giải trí mùa hè đang thịnh hành ở châu Âu. Bài phỏng vấn đó được đăng trên tạp chí NEUMA của Romania (Tạp chí mà chị là chủ bút, kiêm Tổng Biên tập, kiêm cả nhà báo).
Sau bài phỏng vấn, tôi mạnh dạn gửi chị đọc giúp một chùm thơ tôi viết trong thời gian ở châu Âu. Chị là một nhà thơ chuyên nghiệp hẳn có thể giúp được tôi, một kẻ nghiệp dư tập tọng làm thơ bằng tiếng Anh, không phải ngôn ngữ mẹ đẻ, nên tôi có phần thiếu tự tin. Nào ngờ, Andrea H. Hedeș không chỉnh sửa bình luận gì cả, mà lập tức dịch chùm thơ của tôi sang tiếng Romania và đăng cả trang thơ trọn vẹn trên tạp chí NEUMA tháng 8/2019.
Sau đó, chị tiếp tục dịch và đăng thơ Việt Nam đều đặn trên tạp chí NEUMA trong suốt hai năm 2019-2020. Sở dĩ chị làm như vậy là bởi chỉ đã “phải lòng” đất nước, tâm hồn người Việt Nam. Việc dịch thơ Việt Nam, cho phép chị khám phá nhiều hơn về tâm hồn người Việt. Cảm động và ấn tượng sâu sắc qua chuyến đi một tuần tới Việt Nam, chị đã làm thơ về Việt Nam, đăng rải rác trên các báo, tạp chí văn học Romania, được bạn đọc đón nhận và còn hỏi han nhiều về Việt Nam. Do đó, chị quyết định sẽ viết cả một tập thơ về Việt Nam để xuất bản ở đất nước mình, giúp cho bạn đọc Romania hiểu thêm về đất nước Việt Nam, cảm nhận những điều chị đã cảm nhận, cùng rung động trước vẻ đẹp kỳ lạ, độc đáo của Việt Nam.
Cả ba người bạn mới mà thân thiết của Văn học Việt Nam kể trên, đều có một đặc điểm chung, đó là họ không chỉ làm nghề viết văn, thơ, mà còn dũng cảm đứng lên làm chủ nhà xuất bản, hoặc chủ trì sự kiện Liên hoan thơ trong thời buổi văn học nói chung, và nhất là thơ bị các loại hình nghe nhìn giải trí lấn lướt. Họ có chung một niềm tin, rằng văn học, thơ ca và sự kết nối bền chặt với nhau là cách duy nhất để bảo tồn tâm hồn nhân loại.
(Ghi chép của Kiều Bích Hậu)