Dựa theo một cuốn tiểu thuyết, nguyên mẫu là những nhà thơ nhà văn nổi tiếng, bộ phim truyện truyền hình 13 tập Niềm đam mê huyền bí phát trên kênh 1 của Truyền hình Quốc gia Nga tái hiện bầu không khí văn chương đầu thập niên 1960 trẻ trung và sôi động.
Nữ diễn viên Yulia Khlynina, vai Mirra (ngoài cùng bên phải).
Bộ phim được xây dựng theo cuốn tiểu thuyết cùng tên và là tác phẩm cuối đời của nhà văn nổi tiếng Vasily Aksyonov (1932-2009). Là con của một vị chủ tịch thành phố và mẹ cũng là nhà văn, vậy mà Vasily Aksyonov từng bị quy tội “hoạt động chống chính quyền Xô viết”, buộc phải ra nước ngoài, làm việc và xuất bản sách tại Mỹ rồi bị tước quốc tịch. Phải mất đến gần chục năm ông mới được trả lại hộ chiếu Liên Xô và trở về nước Nga. Sinh thời, nhà văn đã được nhận giải Booker Mở rộng 2004 của Nga về tiểu thuyết, Huân chương Văn học Nghệ thuật của Pháp (2005), dаnh hiệu Doctor of Humane Letters, thành viên PEN-Club và Hiệp hội Tác giả của Mỹ.
Tháng 10-2009 (sau khi nhà văn qua đời) Niềm đam mê huyền bí được xuất bản. Đấy là câu chuyện một bác sĩ trẻ về công tác tại một địa phương xa xôi hẻo lánh, vừa chữa bệnh vừa nuôi mộng văn chương. Sau một lần được in truyện ngắn ở tạp chí trung ương, anh về thủ đô, gặp gỡ những nhà văn nhà thơ đang sung sức và chính họ đã dìu dắt anh vào Hội Nhà văn Liên Xô. Trong tiểu thuyết, tác giả chọn cách trích dẫn khá nhiều tác phẩm của bạn bè hồi những năm 1960 để dựng nên không phải phiên bản, không phải bản sao, mà là những hình tượng nhân vật tiểu thuyết có sự hư cấu nghệ thuật, nên ít nhiều gần gũi với nguyên mẫu ngoài đời thực.
Hình tượng nhà thơ – nhạc sĩ Vladimir Vysotsky.
Niềm đam mê huyền bí là tiểu thuyết về những nhà thơ xuất hiện và làm nên thời kỳ chói lọi thập niên 1960 trong văn học Xô viết, từ đó nữ văn sĩ Elena Raiskaya soạn được một kịch bản phim dài tập, nhưng do điều kiện khách quan phải chờ mất bốn năm mới có thể bấm máy.
Trong phim, các nhân vật được mang những danh tính ước lệ, nhưng diễn xuất của dàn ngôi sao điện ảnh Nga đương đại đủ để mách cho người xem biết ai là ai trong đời thực, bởi vì họ là những nhà thơ rất nổi tiếng ở trong và ngoài nước: Robert Rozhdestvensky, Vladimir Vysotsky, Andrey Voznesensky, Bella Akhmadulina, Evgeny Evtushenko, Joseph Brodsky, Vasily Aksyonov… Các nhà làm phim không đặt mục đích tái hiện nhân vật có hình thể giống hệt nguyên mẫu.
Hình tượng cặp thi sĩ Evgeny Evtushenko và Bella Akhmadulina (bên trái).
Nhà sản xuất phim Denis Evstigniev cho biết: “Đối với diễn viên sắm vai nhà thơ nổi tiếng, chúng tôi cũng không ép mình phải chọn người có ngoại hình hoàn toàn giống nhân vật. Quan trọng là phải nêu bật được nguyên vẹn hình tượng của nhân vật này hay nhân vật khác, không nên nghiên cứu lịch sử hoặc thâu nạp toàn bộ tiểu sử qua bộ phim này. Chúng tôi muốn tái hiện hình tượng của một thời. Trước hết, đây phải là một tác phẩm nghệ thuật chứ không phải phim tài liệu”.
Chuyển lên màn hình cuốn tiểu thuyết này, đạo diễn Vlad Furman cùng đoàn làm phim còn giúp khán giả thời nay thấy những nhà văn nhà thơ ấy hít thở, sinh sống và sáng tác như thế nào, có thái độ như thế nào đối với nhà cầm quyền, họ đã yêu, đã bội tình, thậm chí còn tranh vợ của người khác ra sao. Bất chấp tất cả các mớ bòng bong ấy của cuộc sống, họ vẫn nuôi dưỡng niềm tin và niềm say mê sáng tạo, và nỗi khát khao sáng tạo được tiểu thuyết gia Vasily Aksyonov lý giải là niềm đam mê huyền bí. Đối với họ, thi ca là cứu tinh để vượt qua hơn chục năm căng thẳng ngột ngạt sau khi chiến thắng phát xít, để mang đến xã hội dự cảm tốt lành về thời kỳ băng tan đang đến rất gần…
Trong lịch sử văn học Nga, đã có một thời hoàng kim của thi ca được gọi là “Thế Kỷ Bạc” – đó là giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX với những Afanasy Fet (1820-1892), Fyodor Tyutchev (1803-1873). Đến cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, thi ca Xô viết lại có một hừng đông mới: tại hội trường lớn của bảo tàng Polytechnic, những đêm thơ thường diễn ra với bầu không khí tưng bừng, hừng hực, có những tập thơ được ấn hành hàng triệu bản, thậm chí, tối 30-11-1962 các nhà thơ Andrey Voznesensky, Bella Akhmadulina, Evgeny Evtushenko cùng đồng nghiệp còn tổ chức đọc tác phẩm của mình tại sân vận động Luzhniki ở Moskva mà khán đài không còn một chỗ trống.
Tái hiện bầu không khí những năm 1960.
Trong bộ phim truyện truyền hình Niềm đam mê huyền bí, bầu không khí thi ca thời đó đã được tái hiện với nhiều nâng niu trân trọng, có những điểm nhấn, những trường đoạn như cuộc tụ hội ở chân tượng đài nhà thơ Vladimir Maiakovsky, đám tang nhà thơ Boris Pasternak…
Hầu hết các nguyên mẫu nhân vật của phim nay đã không còn nữa, nhưng con cháu họ cùng nhà thơ Evtushenko (1933-2017, khi làm phim ông còn sống) và bà Zoya Boguslavskaya (vợ góa của nhà thơ Voznesensky) đã tình nguyện làm cố vấn cho đoàn làm phim.
Trang phục của thập niên 1960 phải sang Tây Ban Nha mới kiếm được trong những cửa hàng đồ cổ. Để diễn tả những gì diễn ra trong thế giới xung quanh khi nhà thơ sáng tác, họ dùng những máy quay phim “có cánh” để lột tả cảnh tâm trí thăng hoa khi hoài thai và sáng tác những bài thơ, còn nhà thơ thì bay bay và tan biến giữa bầu trời.
Niềm đam mê huyền bí gồm 13 tập phim được công chiếu lần đầu từ ngày 31-10-2016, trên kênh 1 của Truyền hình Quốc gia Nga, mỗi tuần hai buổi, thứ hai và thứ năm, vào giờ vàng, ngay sau chương trình Thời sự (21 giờ 35 theo giờ địa phương). Bộ phim không những tạo sức thu hút lạ lùng các khán giả nói chung và những người yêu văn học nói riêng, mà còn mang về không ít giải thưởng năm 2017: giải APK&T của Hiệp hội các nhà làm phim Nga cho vai nữ phụ xuất sắc nhất (diễn viên Yulia Khlynina, vai Mirra) và giải mang tên Oleg Yankovsky “Phát hiện Sáng tạo” (diễn viên Philipp Yankovsky, thể hiện nhà thơ Evgeny Evtushenko).
NGUYÊN ĐĂNG