Ngành Công nghiệp Bia – Rượu – Nước giải khát là một ngành đang có trên 220 ngàn lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp, mỗi năm đóng góp cho ngân sách trên 60 ngàn tỷ đồng… nhưng đang bị sụt giảm doanh số nghiêm trọng.
Bị giáng 2 đòn cùng lúc
Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ ngành, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành này đang bị thiệt hại do dịch Covid – 19 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Theo VBA, ngành Bia- rượu nứớc giải khát là ngành kinh tế quan trọng của đất nước, là ngành sử dụng lượng lớn lao động, đóng góp ngân sách nhiều, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, góp phần ngăn chặn nhập lậu làm thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. … Ngành bia, rượu, nước giải khát cũng tiêu thụ một lượng lớn nông sản như gạo, đường, trái cây… Khi ngành này bị thua lỗ sẽ ảnh hưởng đến nông nghiệp, làm cho hàng vạn người lao động mất việc, giảm thu ngân sách…
Từ đầu năm 2020, ngành Bia – Rượu bị ảnh hưởng bởi tác động kép do dịch Covid-19 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP nên sản lượng tiêu thụ sụt giảm dù vào đúng dịp Tết và mùa lễ hội, mùa có sản lượng tiêu thụ lớn nhất trong năm. Một số doanh nghiệp giảm sản lượng tiêu thụ đến 40-50% trong tháng 1 và 2/2020. Hàng quán dịch vụ ăn uống giảm đến 70-80% lượng khách so với cùng kỳ năm 2019…. nhiều lao động phải nghỉ việc, giảm thu nhập.
Theo VBA, các doanh nghiệp trong ngành luôn luôn ủng hộ quy định “Đã uống rượu, bia không lái xe”, hoan nghênh việc xử phạt nghiêm khắc đối với các trường hợp gây tai nạn giao thông khi có sử dụng đồ uống có cồn. Các doanh nghiệp đã tích cực tham gia tuyên truyền về “Uống có trách nhiệm”… Tuy nhiên, VBA kiến nghị Nghị định 100/CP có những quy định quá khắt khe.
VBA đã kiến nghị với Chính phủ một số nội dung như:
Xem xét giảm một số loại thuế, phí để tạo điều kiện các doanh nghiệp ngành bia, rượu, nước giải khát và các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ khắc phục khó khăn. Đề nghị Chính phủ oãn tăng các loại thuế để các doanh nghiệp ổn định, yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. Đối với Nghị định 100, Hiệp hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến việc sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn để phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam và thông lệ quốc tế; xem xét lại mức xử phạt hiện nay vì mức phạt này là quá cao so với thu nhập bình quân của người dân, đặc biệt là mức phạt đối với xe máy, phương tiện giao thông rất phổ biến hiện nay ở Việt Nam, nhất là ở vùng sâu, vùng xa nơi không có các phương tiện giao thông công cộng… Cụ thể xem xét bổ sung hình thức xử phạt cảnh cáo đối với những người đi xe máy vi phạm lần đầu với nồng độ cồn thấp như quy định trước đây của Chính phủ.
Doanh nghiệp phân phối bia khu vực Miền ĐNB bị sụt giảm doanh số nghiêm trọng
Trao đổi với Lao động Bình Dương- lãnh đạo Cty phân phối Bia Sài Gòn khu vực Miền ĐNB cho biết: doanh số bán hàng của Cty tháng 1/2020 bị giảm đến 48%, và tháng 2 vừa qua bị giảm trên 35% do hai lý do khách quan mà công ty không thể can thiệp.
“Đòn” thứ nhất là do Nghị định 100/CP của chính phủ bắt đầu hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Điều đầu tiên, vị lãnh đạo này cho biết, công ty rất hoan nghênh nghị định này vì đã góp phần tích cực giảm tai nạn giao thông, các tài xế “cứ nâng ly bia lên” là phải nghĩ đến việc có thể bị phạt rất nặng khi bị đo nồng độ cồn. Ngoài ra, điều tốt nữa của Nghị định 100/CP là làm giảm hẳn việc uống rượu bia quá mức, có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cho rằng mức phạt quá “gắt”.
Cụ thể: Mức 1, nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1l khí thở thì tài xế ô tô bị phạt từ 6- 8 triệu đồng và bị phạt bổ sung tước bằng lái từ 10 – 12 tháng. Còn người lái xe máy thì bị phạt 02 – 03 triệu đồng; người lái xe đạp, xe đạp điện bị phạt 80.000 – 100.000 đồng. Vi phạm nồng độ cồn ở mức 2, nồng độ cồn trong máu vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc quá 0,25mg đến 0,4mg/1l khí thở, tài xế ô tô bị phạt 16 – 18 triệu đồng, tước bằng từ 16 – 18 tháng; còn tài xế xe máy bị phạt 04 – 05 triệu đồng. Mức 3, nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1l khí thở thì tài xế ô tô bị phạt 30 – 40 triệu đồng, tước bằng 22 – 24 tháng, còn tài xế xe máy thì bị phạt 06 – 08 triệu đồng…
Theo vị lãnh đạo này, “gắt” nhất là tại mức 1, vì chỉ cần trong máu có nồng độ cồn dù vô cùng ít đi nữa (chưa vượt quá 50mg/100ml máu) thì tài xế ô tô đã bị phạt 6- 8 triệu đồng và bị giam bằng lái 10- 12 tháng; còn với tài xế xe máy đã bị phạt 2- 3 triệu đồng.
Vị lãnh đạo này đề nghị chỉ nên phạt các tài xế một cách phù hơp, khi mức độ cồn trong máu có thể ảnh hưởng khả năng điều khiển xe, các mức phạt tiền nên giảm sao cho phù hợp thu nhập chung của NLĐ hiện nay.
Theo vị lãnh đạo này, thiên tai dịch Covid- 19 đã gây thiệt hại nặng hơn cho ngành bia, làm cho các nhà hàng, quán uống bia… đều vô cùng ế ẩm, rất mong Chính phủ xem xét hỗ trợ ngành bia, chẳng hạn có thể giảm thuế.
Rất vui khi vị lãnh đạo này cho biết, dù đang rất khó khăn nhưng công ty ông vẫn đang giữ nguyên số lao động, không giảm thu nhập của họ, vẫn bảo đảm đời sống thu nhập ổn định cho khoảng 150 lao động định biên (hành chính, lái xe, kinh doanh….) và khoảng 600 lao động hỗ trợ bán hàng… Công ty cũng động viên, hỗ trợ các đại lý bán hàng cùng công ty vượt qua khó khăn, quan hệ hợp tác bền vững, chung thủy, vẫn tiếp tục duy trì các hợp đồng, có giải pháp hỗ trợ bán hàng như thưởng, tặng thêm sản phẩm cho nhà phân phối, tăng cường lực lượng giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ vỏ chai…