Chiều 30/5, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam đã có công văn gửi các Đoàn đại biểu Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội kiến nghị điều chỉnh một số nội dung trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia để đảm bảo tính khả thi và thống nhất với các quy định hiện hành. Trong đó tập trung những nội dung sau:
A) Đề nghị sửa lại tên gọi của Luật là Luật Kiểm soát đồ uống có cồn như thông lệ một số quốc gia trên thế giới đã ban hành luật. Thực tế hiện nay mới có rất ít quốc gia ban hành Luật riêng về rượu bia chứ không phải đã có đến 155 quốc gia đã ban hành Luật này như có ý kiến đã nêu. Thực tế, Việt Nam đã ban hành 12 luật có quy định liên quan đến rượu, bia như Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật An toàn thực phẩm, Luật Quảng cáo, Luật Giao thông đường bộ, Luật Xử lý vi phạm hành chính…(theo Báo cáo của Bộ Y tế).
Tên gọi Luật Kiểm soát đồ uống có cồn sẽ phù hợp với thông lệ quốc tế và sẽ giải quyết được vướng mắc trong định nghĩa về rượu ở khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật khi quy cả các loại nước trái cây lên men có độ cồn thấp thành một loại chung là “rượu”.
Không thể gọi nước trái cây lên men có độ cồn dưới 5% theo thể tích là rượu vì tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu đã có quy định loại trừ “Rượu không bao gồm: Bia các loại; nước trái cây lên men các loại có độ cồn dưới 5% theo thể tích”.
Không thể gọi “nước trái cây lên men dưới 5 độ cồn” là bia vì không phù hợp với định nghĩa về bia được quy định tại Khoản 2 Điều 2 Dự thảo Luật.
Hơn nữa, lượng tiêu thụ nước trái cây lên men chưa đáng kể. Do vậy, việc đưa ra những quy định nghiêm ngặt đối với sản phẩm này là chưa cần thiết. Để bảo đảm tính khả thi của quy định này vừa phản ánh thực tế ở Việt Nam vừa bảo đảm tính khoa học cần có sự khảo sát đánh giá thực trạng để xác định hiện nay trên thị trường Việt Nam có bao nhiêu loại nước hoa quả lên men, số lượng tiêu thụ và mức độ tác động của sản phẩm cũng như các quốc gia khác có quy định về kiểm soát sản phẩm này như thế nào.
Trong trường hợp có xảy ra tranh chấp quốc tế đối với sản phẩm nước trái cây lên men có độ cồn dưới 5% thể tích thì xử lý như thế nào khi các quy định của Việt Nam không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Vì vậy, Hiệp hội đề nghị không đưa quy định quản lý nước trái cây lên men vào Luật trong điều kiện thông tin chưa rõ ràng, chính xác và đầy đủ về thực trạng của sản phẩm này.
Trong trường hợp vẫn đưa việc quản lý nước trái cây lên men vào dự thảo Luật thì cần đổi tên Luật thành Luật Kiểm soát đồ uống có cồn và có định nghĩa riêng về “đồ uống có cồn khác” để phân biệt với rượu, bia và không xếp chung vào nhóm rượu như định nghĩa tại Khoản 1 Điều 2 Dự thảo Luật.
B) Đề nghị giữ nguyên quy định như dự thảo Luật trình Quốc hội về việc không được quảng cáo trên báo nói, báo hình từ 19 giờ 00 đến 20 giờ 00 để phù hợp với quy định tại Khoản 3 Điều 22 Luật Quảng cáo chỉ cấm quảng cáo trong các “(a) Chương trình thời sự; (b) Chương trình phát thanh, truyền hình trực tiếp về các sự kiện chính trị đặc biệt, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc”.
Nếu quy định không được quảng cáo từ 18 giờ 00 đến 21 giờ 00 sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của các doanh nghiệp quảng cáo vì tỷ lệ trẻ vị thành niên xem truyền hình sau 20 giờ là rất thấp và không thay đổi nhiều từ 20 giờ đến 21 giờ. Tuy nhiên, chi phí quảng cáo truyền hình sau 20 giờ so với sau 21 giờ là hơn gấp đôi.
C) Về quy định tại Khoản 4 Điều 12 “Quảng cáo phải có cảnh báo về tác hại của rượu, bia theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế”
Quy định này mâu thuẫn với quy định tại của Luật Quảng cáo vì “Bia không thuộc đối tượng sản phẩm, hàng hóa cấm quảng cáo” theo quy định tại Điều 7 Luật Quảng cáo”.
Quy định này cũng mâu thuẫn với quy định của Luật Đầu tư và Luật An toàn thực phẩm vì theo quy định tại các Luật này thì “Bia là sản phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương” – từ đó, dẫn đến sự chồng chéo giữa Bộ Y tế và Bộ Công Thương trong việc quản lý sản phẩm Bia và không phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng, đổi mới thể chế, chính sách trong việc đổi mới thủ tục hành chính.
Do vậy, Hiệp hội đề nghị không quy định về việc “quảng cáo phải có cảnh báo về tác hại của rượu, bia theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế” tại Khoản 4 Điều 12 hoặc nếu có thì đề nghị quy định ngay trong Luật này để khi Luật ban hành có thể thực hiện được ngay thay vì phải chờ văn bản của Bộ Y tế.
D) Về quy định tại Điều 14 “Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu, bia thực hiện hoạt động tài trợ phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan đến việc tài trợ và không được tài trợ bằng sản phẩm rượu, bia.
Thực tế hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ quy định về “tài trợ” nên cần định nghĩa rõ về khái niệm này trong Luật.
Hơn nữa, bia không phải là đối tượng sản phẩm thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư và bia cũng không thuộc mặt hàng kiểm soát lưu thông theo các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định thương mại tự do.
Quy định này được ban hành sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch của Việt Nam vì sẽ mất nguồn tài trợ cho các sự kiện lớn; các môn thể thao trong nước sẽ mất đi cơ hội nhận được các nguồn tài trợ như các môn thể thao ở các quốc gia khác đang có những cơ hội nhận tài trợ này và các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ sự kiện quốc tế cũng bị ảnh hưởng tiêu cực, bao gồm các sự kiện như đua xe công thức 1 sẽ chính thức diễn ra tại Hà Nội vào năm 2020; và cũng sẽ hạn chế nghiêm trọng đến khả năng tài trợ của các doanh nghiệp cho các chương trình giải thưởng lớn tại Việt Nam như đã từng hỗ trợ cho các giải ở nước ngoài, điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền thụ hưởng của người dân Việt Nam.
Đ) Về quy định cấm bán rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên Internet
Đề nghị xem xét không đưa trở lại quy định cấm “bán rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên mạng Internet” vào dự thảo Luật vì hoạt động kinh doanh rượu, bia hiện không bị cấm bởi bất kỳ văn bản pháp luật nào tại Việt Nam, không phù hợp với việc khuyến khích phát triển thương mại điện tử và triển khai thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Quy định này có thể dẫn đến việc người tiêu dùng sẽ có nguy cơ mua phải các sản phẩm rượu không được đảm bảo về nguồn gốc và xuất xứ của sản phẩm như khi mua tại các nhà phân phối chính thức. Hiện nay phần lớn các nước trên thế giới đang cho phép bán rượu, bia trên Internet, không phân biệt nồng độ cồn, trong đó có các nước như Pháp, Đức, Anh, và Mỹ. Trong khu vực châu Á, các quốc gia cho phép bán rượu, bia trên Internet bao gồm Trung Quốc, Campuchia, Hồng Kông, Nhật Bản, Malaysia, Philppines, và Singapore… Việc cấm sử dụng công cụ Internet để bán bất kỳ loại rượu, bia nào cũng không phù hợp với xu thế chung và sẽ khiến Việt Nam trở nên khác biệt với các nước khác trong khu vực.
E) Về việc đề nghị đưa vào luật quy định khung giờ cấm bán rượu, bia
Quy định về cấm hoặc hạn chế giờ bán rượu nên được nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt là tính khả thi và những tác động đối với ngành du lịch, khách sạn và giải trí, mà ngành công nghiệp đồ uống có đóng góp đáng kể. Quy định này nếu được ban hành sẽ:
– Có thể khuyến khích việc uống một cách vô trách nhiệm hoặc mua nhiều hơn trước khoảng thời gian bị cấm và vì vậy quy định cấm trở nên phản tác dụng.
– Quy định cấm bán theo giờ nếu được áp dụng tại Việt Nam sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành khách sạn và du lịch, đặc biệt là ở những thành phố, địa phương nơi du lịch là một trong những ngành mũi nhọn của phát triển kinh tế. Quy định này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đối với những ngành kinh doanh dịch vụ du lịch, ẩm thực và giải trí. Việc giám sát thực thi quy định này cũng đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực dồi dào trong các cơ quan thi hành pháp luật.
G) Về các quy định quản lý rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ
Hiện nay trên thị trường có một lượng đáng kể là rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và đặc biệt là gây thất thu ngân sách.
Nguyên nhân của các vụ ngộ độc dẫn đến tử vong hoặc ảnh hưởng đến khả năng lao động là do sử dụng các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có chứa cồn công nghiệp methanol chứ không phải từ các sản phẩm rượu, bia bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm.
Vì vậy, Hiệp hội đề nghị cần có những quy định cụ thể, khả thi hơn phù hợp với thực tế hiện nay và đề nghị các cơ quan Nhà nước thắt chặt quản lý, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật đã ban hành để kiểm soát lượng rượu không nhãn mác này.
NGA VĂN (ghi)