Thi thoảng, tôi nhận được những lời đề nghị tư vấn hoặc giúp đỡ rất tréo ngoe.
Lâu lâu mở hộp tin nhắn chờ ra, thấy một lô một lốc những tin nhắn nằm trong đó, không biết từ bao giờ. Có những lời mời tham gia làm giám khảo cuộc này cuộc kia, làm diễn giả, trả lời phỏng vấn đài phát thanh, đài truyền hình…; đa phần tôi từ chối hết, đơn giản vì không có thời gian và không phù hợp, chưa kể ngại lên hình, lên tiếng.
Có những inbox nhờ lên list phim xem… trước khi ngủ cho ngon; nhờ tìm một cái phim nào đó mà bạn kể qua nội dung phim, tôi thề bọn google và wikipedia cũng chịu chết.
Có bạn nhắn tin bảo, lại có đứa này đứa kia chửi anh kìa. Tôi đáp lại, kệ (chúng) nó em ạ, đến đọc anh còn không đọc, thì nói chi tới chuyện tranh luận hay tiếng qua tiếng lại với bọn nó. Tôi nghĩ một trong những phẩm chất giúp tôi luôn thấy thoải mái và bình thản giữa cõi mạng này, đó là khả năng “ignore” a.k.a “phớt lờ tất cả, bơ đi mà sống”.
Nhưng vừa rồi, tôi có nhận được lời đề nghị tư vấn của một người phụ nữ, mà dù biết là “tréo ngoe”, tôi cũng không thể phớt lờ được.
Ai đời lại đi nhờ một người chưa lập gia đình, không có con cái như tôi đi tư vấn chuyện… khủng hoảng, mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái?
Nhận diện khủng hoảng tâm lý giữa mẹ và con
Người phụ nữ ấy nhắn tin rằng, chị nghe hết 7 tập podcast của tôi trên Vietcetera, follow facebook đã lâu, nghĩ tôi chắc đọc rộng hiểu nhiều, nên nhờ tôi tư vấn một cuộc khủng hoảng tâm lý nặng nề giữa chị và đứa con trai mới lớn của chị.
Chị viết: “Lần đầu tiên trong đời em rơi vào một cuộc khủng hoảng nặng nề như thế này, và không biết phải làm gì cả. Em mất ngủ nhiều đêm, căng thẳng đến bạc tóc, tìm mọi cách để hòa giải với con. Nhưng em càng tìm cách để hòa giải với nó thì nó càng lánh xa em, thậm chí đôi khi còn biểu lộ sự thù nghịch khiến em rất đau lòng.
Hồi bé nó rất ngoan và yêu mẹ, nhưng từ hồi nó lên cấp ba, em có một lần can thiệp chuyện yêu đương và đọc trộm nhật ký của nó, từ đó, nó lạnh lùng với em ra mặt. Ánh mắt của nó đôi khi còn làm em sợ hãi.
Em không biết phải làm gì cả để giải quyết chuyện này. Cứ mỗi lần nghĩ đến chuyện nói chuyện nó là chân tay em run lên. Em nghĩ chắc em bị trầm cảm rồi”.
Chị không nhắc gì đến chồng cả, nên tôi nghĩ có thể chị làm mẹ đơn thân.
Quả thực, tôi không có kinh nghiệm gì về chuyện này cả, nếu xét về mặt trải nghiệm. Nhưng tôi cũng đã từng chứng kiến vài chuyện đau lòng, từng xem và đọc nhiều bộ phim, cuốn sách về những cuộc khủng hoảng tương tự, giữa những người thân ruột thịt trong gia đình, đặc biệt là tình phụ tử, tình mẫu tử.
Đôi khi, chỉ vì không thấu hiểu nhau, vì dùng “quyền” của người lớn, dùng cái “ơn sinh thành” để áp đặt, thậm chí cưỡng đoạt tình cảm, tâm lý của những đứa con mà khiến chúng trở nên xa lánh, thậm chí thù nghịch chính những người sinh thành ra chúng.
Ở đời, đó có lẽ là thứ khiến ta đau lòng nhất, phải không?
Tôi tư vấn cho chị xem ba bộ phim (We Need to Talk About Kevin của nữ đạo diễn Lynne Ramsay và I Killed My Mother, Mommy của Xavier Dolan). Và nói khá kỹ rằng, đây là ba bộ phim rất cực đoan, có thể gây ra những cú sốc về mặt cảm xúc.
Nhưng với trường hợp của chị bây giờ, cần nhất là sự dũng cảm để đối diện sự thật và có tâm lý vững mạnh. Hơn nữa, phim ảnh biểu đạt những cái nhìn vừa mang tính riêng tư chủ quan vừa có tính khái quát hóa của đạo diễn, nên xem để tham khảo thôi, đừng bị nó ám ảnh quá.
Nếu ba bộ phim nói trên là một thứ thuốc “đắng” thì cuốn sách Dám Bị Ghét – một dạng sách triết học, tâm lý phổ thông từng là hiện tượng xuất bản ở Nhật Bản, với hơn 3 triệu bản được bán ra – lại là một cuốn sách để thấu hiểu, rồi sau đó mới tìm cách chữa lành.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từng nói, “hiểu rồi mới thương” đó sao?
Cuốn sách nói trên của hai tác giả: Kishimi Ichiro, một nhà triết học chuyên nghiên cứu về triết học và tâm lý học Adler và Koga Fumitake, người viết tự do, với sở trường là những cuốn sách về đối thoại và vấn đáp.
Dựa trên những cuộc đối thoại với Kishimi Ichiro, anh đã vận dụng thể loại đối thoại trong triết học Hy Lạp cổ điển để viết nên cuốn sách này.
Cuốn sách có tính khai sáng này được thể hiện xuyên suốt với những cuộc đối thoại giữa một nhà triết học và chàng thanh niên qua những cuộc phản biện, tranh cãi gắt gao giữa họ.
Những quan điểm từng gây tranh cãi trong tư tưởng của nhà tâm lý học Alfred Adler, người được mệnh danh là một trong ba người khổng lồ của tâm lý học hiện đại, sánh ngang với hai tên tuổi khác là Freud và Carl Jung – được mổ xẻ một cách quyết liệt để đi tìm chân lý, giải thoát cho những nỗi thống khổ của con người.
Nhiều tư tưởng của Adler phản bác lại tư tưởng của Freud. Ví dụ như Freud cho rằng quá khứ và hoàn cảnh là động lực làm nên con người ta của hiện tại, Adler chủ trương “cuộc đời ta là do ta lựa chọn”. Vì vậy mà tâm lý học của Adler được gọi là “Tâm lý học của lòng can đảm”.
Như nhà triết học trong cuốn sách nhận xét rằng: “Tâm lý học Adler không phải là tâm lý học để thay đổi người khác mà là tâm lý học để thay đổi bản thân”.
Tâm lý học Adler có nhiều phần đi ngược với lẽ thường là: phủ nhận thuyết nguyên nhân, phủ nhận sang chấn tâm lý, áp dụng thuyết mục đích, cho rằng mọi phiền muộn của con người đều bắt nguồn từ mối quan hệ giữa người với người. Ngoài ra cả việc không mong muốn được thừa nhận lẫn phân chia nhiệm vụ đều đi ngược với lẽ thường…
Nhân trường hợp của người phụ nữ nhờ tôi tư vấn, tôi có chỉ cho chị đọc một vài chương quan trọng, có thể soi sáng cho những bế tắc mà chị đang gặp phải, đặc biệt là “Thuyết phân chia nhiệm vụ”.
Trong phần đối thoại về “sợi tơ hồng và dây xích chắc”, tác giả của cuốn sách cho rằng: “Cho dù vợ chồng đã sống với nhau nhiều năm, nếu thấy khó duy trì mối quan hệ đó, thì vẫn có thể chia tay. Nhưng, quan hệ cha mẹ và con cái, về nguyên tắc không thể làm thế được.
Nếu tình yêu là mối quan hệ được gắn kết bằng sợi tơ hồng, thì quan hệ giữa cha mẹ và con cái được xiềng bằng dây xích chắc. Trong khi trong tay mình chỉ có một cây kéo nhỏ. Cái khó của mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là ở đó”.
Vậy ta phải đối mặt với sự nhạy cảm và phức cảm của mối quan hệ này như thế nào?
Nhà triết học cho rằng: Những cha mẹ nào buồn phiền về mối quan hệ với con, thường có khuynh hướng cho rằng “con cái chính là cuộc đời của mình”.
Nghĩa là cho rằng cả những nhiệm vụ của con cái cũng là nhiệm vụ của mình. Lúc nào cũng chỉ nghĩ đến con, tới khi nhận ra thì đã đánh mất bản thân.
Ông nói tiếp: “Nhưng, cho dù có cố gắng gánh vác những nhiệm vụ của con đến đâu chăng nữa thì con vẫn là một cá nhân độc lập, không thể hoàn toàn trở thành người như cha mẹ mong đợi. Việc học hành, công việc làm ăn, hoặc hành động lời nói nhỏ nhặt thường ngày cũng không hoàn toàn như cha mẹ mong đợi.
Đương nhiên, cha mẹ sẽ lo lắng, cũng muốn can thiệp. Nhưng, lúc nãy tôi đã nói, “người khác không sống để đáp ứng mong đợi của cậu”. Cho dù là con mình cũng không sống để đáp ứng mong đợi của mình”.
Đoạn dưới đây, với tôi, thực sự khai sáng:
“Can thiệp vào nhiệm vụ của người khác, coi nhiệm vụ của người khác là của mình sẽ khiến cuộc đời mình trở nên khổ sở hơn. Những phiền muộn về cuộc đời đều bắt nguồn từ mối quan hệ giữa người với người, nên trước hết hãy biết vạch ra ranh giới rằng, “từ đây trở đi không phải là nhiệm vụ của mình”, sau đó bỏ qua những nhiệm vụ của người khác.
Đó là bước đầu tiên để giảm gánh nặng của cuộc đời, khiến cuộc đời trở nên đơn giản hơn.
Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng cần khoảng cách
Để xây dựng được mối quan hệ tốt với người khác, cần có một khoảng cách nhất định. Nếu khoảng cách quá gần, dính sát vào nhau thì thậm chí không còn đối diện trò chuyện được với đối phương.
Dù vậy, khoảng cách cũng không được quá xa. Cha mẹ cứ mắng mỏ con suốt ngày thì đôi bên sẽ trở nên xa cách về mặt tâm hồn. Như vậy, trẻ không còn tâm sự với cha mẹ, cha mẹ cũng không còn có thể giúp đỡ trẻ khi cần thiết nữa.
Quan trọng là phải giữ được khoảng cách phù hợp, vươn tay ra là chạm tới nhưng nhất định không được xâm phạm vào lãnh đia của đối phương.
Cũng có trường hợp mà can thiệp vào nhiệm vụ của người khác lại dễ dàng hơn phân chia nhiệm vụ. Chẳng hạn, khi dạy trẻ, đứa trẻ mãi không buộc được dây giày.
Nếu xét từ góc độ của người mẹ bận rộn thì ra tay buộc hộ thì nhanh hơn là đợi con tự buộc. Nhưng đó là hành vi can thiệp, lấy đi nhiệm vụ của con. Kết quả của sự can thiệp nhiều lần là đứa trẻ sẽ chẳng học được gì, cuối cùng sẽ đánh mất can đảm đối diện với các nhiệm vụ của cuộc đời.
Adler nói, những đứa trẻ không được dạy đối diện với khó khăn nhiều khả năng sẽ cố tránh né mọi khó khăn.
(…)
Nhiều người cho rằng, phân chia nhiệm vụ giống như giẫm đạp lên thành ý của đối phương. Đó là suy nghĩ bị bó buộc bởi tư tưởng “đền đáp”. Nếu người khác làm gì đó cho mình thì mình phải đền đáp, dù đó là điều mình không muốn.
Đây không hẳn là đáp lại thành ý mà chỉ là đang bị bó buộc bởi tư tưởng đền đáp.
Nếu trong quan hệ giữa người và người mà có “đền đáp” thì sẽ nảy sinh suy nghĩ: Tôi đã mang lại cho cậu điều này thì cậu cũng phải đáp lại như thế này. Tất nhiên đây là một quan điểm trái ngược với phân chia nhiệm vụ. Chúng ta không mong muốn được đền đáp, cũng không được để mong muốn của mình bó buộc người khác.
Những tư tưởng của nhà tâm lý học Adler không dễ dàng được chấp nhận và cũng gây ra nhiều tranh cãi vì cái nhìn mới mẻ và thách thức của ông. Nhưng tôi tin rằng, ai lĩnh hội được, sẽ giải phóng được rất nhiều nỗi khổ ở đời, từ mối quan hệ phiền muộn giữa người với người, hay “dám bị ghét” để tự do và không phải sống cuộc đời của người khác.
Adler cũng có một quan điểm nữa, mới nghe qua thì tưởng “hư vô” nhưng thực ra đấy là một sự giải thoát: “Cuộc đời nói chung không có ý nghĩa, tuy nhiên, ý nghĩa của cuộc đời là điều mà bản thân mỗi người tự mang lại cho mình”.
Hôm trước trả lời tin nhắn của người phụ nữ, tôi nghĩ cần phải viết để chia sẻ và mở rộng thêm về chủ đề này, biết đâu nó hữu ích cho nhiều người. Và tất nhiên, cho cả chính tôi nữa.
“Hãy cứ sống tự do. Ai ghét mình thì cứ để họ ghét” – Adler nói.
LE HONG LAM