Cây cà phê thường thu hút ánh nhìn của nhiều người vì những bông hoa màu trắng nhẹ nhàng của nó. Bên cạnh đó, cây cà phê tạo ra những quả cà phê màu đỏ hoặc tím đỏ, thường thì mỗi quả chứa hai hạt cà phê.
Trong vô số các loại cà phê được bán trên thị trường thì cà phê Kopi luwak (cà phê chồn) được xem là loại cà phê đắt và ngon nhất… Chúng được bán với giá dao động 3.000 USD/kg (70 triệu VNĐ/kg), nhiều người sẽ không khỏi thắc mắc loại cà phê này có điểm gì đặc biệt trong quá trình sản xuất mà lại có giá cao ngất ngưỡng như thế?
Quy trình chế biến độc đáo
Trái với suy nghĩ của nhiều người, “Kopi Luwak” không phải tên của một giống cà phê mà là trong tiếng Indonesia, cà phê được đọc là “Kopi” và “Luwak” là tên của một loài cầy hương nên “Kopi Luwak” là đang nói đến những hạt cà phê được các chú cầy hương sản xuất ra… Điều này có nghĩa là loại cà phê này được lấy ra từ… phân của chúng.
Điểm đặc biệt là những chú cầy hương này góp phần tham gia vào công đoạn lựa chọn hạt cà phê vì chúng chỉ chọn ăn những hạt cà phê đỏ nhất, chín nhất và trên những cây cà phê sai quả nhất nên hạt cà phê trong phân chúng cũng thuộc loại hảo hạng nhất! Chưa dừng lại ở đó, điểm mấu chốt làm nên hương vị độc nhất của loại cà phê này chính là công đoạn xử lý hạt cà phê trong quá trình tiêu hóa của các chú cầy hương.
Trong dạ dày các chú cầy hương sẽ tiết ra 1 loại enzym có khả năng làm thay đổi các cấu trúc phân tử bên trong hạt cà phê làm chúng trở nên cứng hơn, giòn hơn, ít protein hơn, giảm vị đắng nên làm cho những hương vị khác của cà phê trở nên nổi bật hơn! Các enzym tiêu hóa này đồng thời thay đổi kết cấu mùi hương khiến chúng ngậy mùi, đậm đà và thoang thoảng mùi chocolate nhẹ nhàng quyến rũ… Hương và vị bỗng chốc trở nên tinh tế, dễ dàng len lỏi vào nhận thức của những ai thưởng thức…
Sau khi trải qua quá trình “chế biến sinh học” trong dạ dày, phân cầy hương thải ra ngoài và được thu lượm rồi phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Kế đó, những người nông dân bóc tách hạt cà phê ra khỏi phân, chà nhẹ để bong vỏ thóc. Tiếp đến, hạt cà phê được ngâm, chà, xối qua dòng chảy mạnh để loại bỏ tạp chất và vỏ lụa. Và 1 lần nữa, hạt cà phê được hong khô làm sạch và đem bảo quản. Sau giai đoạn này, cà phê nhân có màu xanh nhạt, hạt cứng hơn bình thường. Và để đảm bảo được chất lượng hạt, cà phê chồn được rang với tiêu chí màu rang phải từ sáng đến trung bình để chắc chắn rằng hương vị thuần túy không bị biến đổi.
Số lượng cà phê chồn bị giới hạn
Cầy hương thuộc gia đình họ mèo, khá nhỏ và thật thú vị khi thấy 1 sự trùng hợp là loài cầy này cũng thích sống về đêm hệt như những người thường sử dụng cà phê. Chúng ta cần hiểu 1 điều rằng, thức ăn của cầy hương cũng khá đa dạng, chứ không phải chỉ có quả cafe. Vì thế nên những bãi phân cầy hương trong tự nhiên không phải lúc nào cũng có hạt cafe trong đó. Khi người Indonesia lần đầu phát hiện ra loại cafe này, họ chỉ có thể thu nhặt hạt cafe một cách thủ công, lùng sục… từng bãi phân một, thu nhặt hết sức vất vả.
Điều này cũng mang ý nghĩa rằng lượng cafe chồn nếu thu thập theo cách truyền thống là vô cùng giới hạn. Ngày nay, một số trang trại hiện đại cũng nuôi chồn theo phương pháp chăn thả tự nhiên. Tuy nhiên, sản lượng cũng rất hạn chế.
Thêm vào đó, việc chăn nuôi chồn để phục vụ cho mục đích sản xuất cà phê ít nhiều cũng khiến cho hương vị không thể thuần nhiên như thuở đầu… Vì những chú cầy hương vốn là những động vật hoang dã nên khó mà cảm thấy thoải mái khi bị giam cầm sau song sắt, khi chúng không được tự do thì việc ăn những hạt cà phê như 1 nghĩa vụ mà chúng phải thực hiện nên tâm thế khi ăn cà phê của chúng sẽ không kỹ lưỡng chọn lựa những hạt cà phê ngon nhất mà chỉ là ăn theo tiêu chuẩn định ra của người sản xuất, chưa tính đến việc khi chúng buồn chán thì hệ tiêu hóa cũng ít nhiều bị ảnh hưởng, điều này tương tự như việc bạn chán đời và có xu hướng bỏ ăn vì tâm sinh lý của bạn khi đó khiến cho hệ tiêu hóa hoạt động kém năng suất hơn bình thường.
Theo ước tính, nguồn cung cafe chồn theo phương pháp truyền thống ra thế giới là cực kỳ ít ỏi – chỉ rơi vào tầm 300 – 400kg/năm mà thôi, và lý do cho sự đẩy mạnh giá thành của cà phê chồn chính là hương vị, quy trình chế biến độc đáo, sự khan hiếm do sản lượng bị giới hạn… và nhu cầu thể hiện đẳng cấp của người mua…
Theo traceverified.com