Chị không tôn giáo.
Anh cũng không theo tôn giáo nào.
Đó là một trong những lý do chị chọn anh làm chồng. Vì chị nghĩ một người đàn ông có tôn giáo thường không đề cao vợ nhất, bởi họ đã dành chỗ tối thượng cho đức giáo chủ. Đàn bà chỉ muốn đàn ông phải luôn nhớ câu nhất vợ nhì trời.
1. Đó là chuyện trước khi họ về sống chung và chị chưa nấu cho anh bữa ăn nào. Khi ấy thỉnh thoảng họ đưa nhau đi ăn quán đi uống tiệm, thậm chí đi ngủ nhà nghỉ khách sạn. Chị đã kiểm tra qua, đúng là anh chưa loại trừ món ăn nào, kể cả cái món xác thịt dung tục mà các tôn giáo ít khi đề cập và tín đồ thì quan ngại sâu sắc. Chừng đó đủ chứng tỏ anh vô thần vô thánh.
Điều này rất quan trọng đối với chị, vì nó còn chỉ ra anh là một đàn ông trung thực, chí ít là trung thực với chính mình. Những gã ở cơ quan chị, đi đình đi miếu đi chùa, thờ thần thờ thánh thờ giáo chủ nhưng đến phần khai lý lịch bao giờ cũng ghi “không” vào ô tôn giáo. Cứ như tôn giáo là một cái chỗ nhạy cảm ghê gớm lắm. Có lần chị thắc mắc liền được một đồng nghiệp trả lời rằng ghi thế cho người khác khỏi chú ý, mình cúng ai thờ ai chỉ mình biết là đủ, Phật tại tâm mà. Chị đã cười khinh bỉ nghĩ rằng cái tâm kiểu đó khó mà có Phật cho được.
Chồng chị thì chắc chắn trăm phần trăm không tôn giáo nào. Chị vẫn khẳng định như thế với tòa án lúc ly hôn sau hai năm sống chung. Lý do ly hôn là chị không chịu được một người chồng coi trọng cá hơn cả vợ con. Ông tòa án đã nghi ngờ anh chồng gốc gác dính dáng đến một cái vùng biển nào đó có tục thờ cá chăng. Lật lý lịch, ông suy đoán phân tích nhận định rồi chợt nhớ ra đó là việc của các nhà nghiên cứu văn hóa sử, việc của tòa án trong trường hợp này chỉ là hòa giải. Thế thì nghe kể lại nguồn cơn sự việc dẫn đến chuyện tan đàn xẻ nghé thôi.
2. Một lần đi làm về, anh đã nôn ọe khi thấy chị đang giết cá chuẩn bị bữa ăn. Một mớ cá đã bị mổ bụng, cặp mang còn thoi thóp thở. Trên cái đám lầy nhầy máu cá đó lại còn những con đã bị giập đầu chuẩn bị mổ. Cảnh tượng này quá bình thường với các bà nội trợ, riêng anh chưa từng thấy.
Bữa trưa anh nhất quyết không động đũa vào món cá chiên xù hấp dẫn. Chị bảo anh là công tử bột hay sao mà chưa bao giờ thấy cảnh người ta làm cá. Anh kể hồi nhỏ ham chơi, đến bữa mẹ gọi mới về vục đầu vào ăn. Vào đại học ăn cơm bụi. Ra trường đi làm cơm công sở đưa tới tận nơi. Chính xác anh không rành chuyện nấu nướng, chưa hề giết thịt một con vật nào.
Lẽ ra anh nên đi tu, chị bảo, đã trót làm người thường thì phải chấp nhận mấy chuyện sát sanh mới có chút tanh tươi chứ.
Suốt bữa ăn đó anh dặn đi dặn lại chị từ nay đừng giết cá. Ra chợ, mua mớ cá nào thì bảo người ta làm cho rồi đem về, đỡ mang tội. Chị đồng ý, chỉ thêm chút tiền lẻ trả công cho người ta chứ gì. Mà như thế chị càng khỏe ra. À này, nhưng như thế cũng không giảm tội lỗi đâu nhé, vì đằng nào mình cũng tiếp tay cho kẻ sát sanh.
Nghe chị nói, anh thấy cũng có lý, rõ ràng mình không trực tiếp giết cá nhưng chỉ vì lời nói của mình mà người ta phải giết. Hóa ra cũng chả giảm tội là bao. Hay là, đừng ăn cá nữa, được không?
Điên à, chị đốp ngay. Cá cung cấp đủ thứ chất bổ, không ăn cá thật tiếc nửa đời người. Chị đang mang thai, cá là dinh dưỡng cần thiết để phát triển trí tuệ cho đứa bé trong bụng.
Cuối cùng anh chị thống nhất vẫn ăn cá nhưng không giết cá. Dù gì chị cũng đang bầu bì, kiêng cữ được chuyện giết mổ máu me càng hay. Đó không phải niêm luật tôn giáo, đó là thứ ám ảnh khoa học đã chứng minh. Chị phân bua, như để nhắc lại rằng mình dân lương.
Một đêm khuya khác, anh bỗng nghe có tiếng cụp cụp. Có lẽ chuột, mèo, chó hay con gì gì đấy chạy quanh nhà. Nghĩ thế anh không trở dậy. Lát sau, lại những tiếng cụp cụp. Lần này to hơn và nhiều hơn, giống như có ai đó đang gõ cửa. Mà không, gần giống tiếng cạy cửa thì đúng hơn. Anh run run lo lắng, nằm thật yên thở thật nhẹ và mở mắt nhìn chằm chằm ra cửa phòng ngủ. Lúc này động đậy là bất lợi. Tâm thế sẵn sàng vùng dậy bật cửa sổ phóng ra ngoài kêu la hô hoán.
Lặng đi một lát, lại những tiếng cụp cụp mạnh hơn lúc nãy. Anh đoán chắc đó là tiếng một cây búa gõ vào lưỡi sắt của kẻ phá cửa. Càng nằm yên càng sợ hãi, chỉ đối diện với nó mới hết sợ được. Anh vùng dậy, chụp ngay cây chổi và đi bật hết đèn điện trong nhà. Anh cầm đèn pin soi từng góc, từ gậm giường cho đến nhà vệ sinh. Chả thấy gì bất thường.
Anh mở cửa chính, có chút lo lắng, biết đâu bọn trộm vẫn đang núp bên ngoài. Anh soi kỹ từng cánh cửa, nhất là mấy chỗ có gắn chốt sắt. Chẳng có dấu sứt sóm, chẳng có vết đục nào cả. Nãy giờ từ lúc bật điện anh cũng không nghe lại tiếng động cụp cụp nữa. Lạ quá, anh đóng cửa, kiểm tra lần nữa rồi tắt đèn lên giường.
Lúc này chị mới lên tiếng bằng một điệu cười. Anh đúng là kẻ nhát gan. Và chị càng chắc chắn anh không tôn giáo. Những người có tôn giáo thường không yếu bóng vía đến mức đó, với họ lúc nào cũng có giáo chủ ở bên cạnh nên chẳng việc gì phải sợ.
Chị bảo chả có trộm cướp gì đâu. Tại mấy con cá rô phi lúc chiều có người cho, chị đang nhốt sống ở trong cái nồi đặt dưới bếp đấy.
Lại có tiếng cụp cụp, đúng là âm thanh phát từ dưới bếp, có tiếng quẫy nước nữa mà nãy giờ anh không để ý.
Từ đó cho đến sáng anh trằn trọc khó ngủ. Cứ nằm nghe những tiếng cá quẫy động, tiếng vùng vẫy bắn nước, tiếng cụp do bọn cá phóng lên vấp phải nắp nồi. Lâu lâu không nghe tiếng động, anh lại lo lo, chẳng lẽ lũ cá đã chết hết. Anh nằm cầu mong đừng con nào chết trước khi trời sáng.
Tờ mờ sáng, mới chợp mắt chút xíu anh đã không nghe tiếng kêu nữa. Hốt hoảng anh vùng dậy lao xuống bếp. Bầy cá đã hất được nắp nồi, nhào ra và đang nằm ễnh bụng thoi thóp giữa sàn nhà. Nhanh chóng anh chụp lấy cái xô nước, hốt tất cả lũ cá vào. Săm soi kiểm tra thật kỹ để khỏi bỏ sót con nào. Trong xô, hai con đang ngoi ngóp như sắp chết.
Rồi anh xách xô đi như chạy ra con đê gần nhà. Anh trút xô xuống dòng nước, như trút một cái gánh nặng, trút một cái của nợ. Lòng thanh thản lạ kỳ.
Anh trở về nhà vợ vẫn chưa dậy. Chính anh lại xử lý cái sàn nhà đang bốc mùi tanh kinh khủng. Anh đổ luôn thùng nước xà phòng giữa sàn và chồm mình ra kỳ cọ. Anh trơn ngã giữa đám bọt. Chẳng khác nào cái thân cá lúc nãy đang ẹp mình giữa sàn.
Khi vợ thức dậy, sàn nhà đã khô thoáng, hết mùi khó chịu. Anh chị có một bữa ăn sáng trong căng thẳng và dò xét nhau. Chị bảo tại người ta cho, không nhận không được. Anh dặn lại từ nay ai cho con gì, nếu còn sống kiên quyết không nhận, không mang về nhà này.
3. Anh nâng quan điểm về việc sử dụng cá làm thức ăn. Đó là dặn vợ ra chợ chọn những con cá đã chết về nấu nướng.
Cá chết ư? Vợ trố mắt lên nhìn. Người ta đi chợ đều mong mua được mớ cá tươi roi rói còn nhảy tong tóc. Thế mà anh lại bảo mua những con đã chết, cái thứ cuối buổi chợ người ta đem đổ đấy ư.
Anh nói, đúng, chỉ khi ăn những con cá đã chết thì mình mới khỏi tội sát sanh. Đằng nào nó cũng chết rồi, ăn nó cũng như ăn thực vật.
Hôm sau chị đi chợ với tâm thế khỏi chọn lựa. Cá chết ư, quá dễ. Đơn giản đó là cá biển thôi. Vì cá biển con nào lên khỏi mặt nước chẳng chết. Tới được chợ, tất cả chúng đã bị ướp muối ướp đá cả rồi.
Nhà chị từ hôm đó không ăn cá sông cá rào cá ruộng nữa. Mỗi lần ra chợ thấy người đồng bằng rao mời mấy mớ rô phi, cá tràu, cá trê còn bơi trong nước, chị cũng rất ham. Nhưng chị kìm nén được, quan trọng chi mấy con cá mà vợ chồng phải xích mích nhau.
Hàng cá biển mới đúng là chỗ chị tới. Chính xác chỗ này chả có con cá nào còn sống. Tất cả đều ễnh bụng trắng phơ.
Nhưng chị vẫn không phân biệt được cái cảm giác nhân văn giữa mua cá nước mặn với mua cá nước ngọt. Tại sao cá biển thì đỡ tội hơn cá sông.
Nhà Phật phân biệt món chay với món mặn ở chỗ món mặn có nguồn gốc từ động vật. Chị và anh không phải Phật tử, tất nhiên, như đã nói họ là kẻ ngoại đạo. Vậy ăn cá biển vô tội là chủ trương của tôn giáo nào đây? Chị nghi ngờ, có khi anh đang theo một cái đạo nào đấy cũng nên. Người ta rất dễ sa vào tôn giáo.
4. Trong khi chị đang băn khoăn nghi ngờ thì đùng một cái người ta cấm ăn cá biển. Chữ cấm có vẻ hơi nặng, khuyến cáo thì đúng hơn. Khuyến cáo không nên ăn cá biển. Đây là lời phát ra, có công văn hẳn hoi của một số cơ quan chức năng sau vụ ô nhiễm biển miền Trung.
Vậy là nhà chị hết ăn cá.
Từ nay trong cái giỏ đi chợ về chị không xách theo cá nữa. Khỏi băn khoăn phải ăn cá sông hay cá biển. Khỏi băn khoăn phải ăn cá sống hay cá chết. Khỏi băn khoăn cá chết có phải là thực vật như anh nói hay không. Và khỏi phải băn khoăn chuyện ăn cá chết có phạm vào giới nghiêm tôn giáo nào hay không.
Chỉ có anh là vẫn quan tâm. Trời ơi, họ đã giết hàng loạt, hàng đống cá biển chỉ vì một sự cố kỹ thuật sao. Sự cố hay cố ý gây sự. Nếu vật sống sau khi chết đi có linh hồn, thì hằng hà sa số linh hồn cá sẽ tràn lên bờ vặn cổ cái bọn gây sự đó. Đám linh hồn hẳn phải đông gấp nhiều lần cái đám người trống cờ biểu ngữ dàn hàng đòi giải thích và đền bù. Đám linh hồn cũng không bị rào cản, cứ thế xông lên, trườn lên bơi lên. Những linh hồn cá kêu oan. Oan quá đi chứ, lâu nay cá biển chỉ chết khi lên khỏi mặt nước, bây giờ đến nằm trong nước cũng chết.
Anh lại nghĩ liệu cái bọn gây sự cố đó đang thương cá hay ghét cá. Hay là họ đang ban phát một đức tin tôn giáo nào đó, rằng ăn cá chết là vô tội. Cứ vớt xác cá lên mà ăn khỏi phải đánh bắt. Cứ vớt xác cá lên mà ăn đừng băn khoăn đừng thắc mắc.
Từ chuyện một con cá bị giết đến một vùng cá bị giết, anh đều bị ám ảnh. Cái ám ảnh đó ập đến, xộc thẳng vào từng bữa ăn của gia đình anh chị. Anh nói từ nay đến chết sẽ không ăn một con cá nào, kể cả cá biển, kể cả cá sông, kể cả cá sống lẫn cá chết. Kiên quyết không ăn.
Còn chị không chịu nổi nữa với một người chồng sợ cá, hay tôn thờ cá đến mức đó. Đến lúc đó, chị vẫn khẳng định anh không theo một tôn giáo nào.
Truyện ngắn của Hoàng Công Danh