Một động thái mạnh mẽ của chính phủ nước này trong cuộc chiến với bệnh tiểu đường, nhằm giảm gánh nặng y tế lên quốc đảo có dân số đang già hóa.
Singapore tới đây sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm quảng cáo các loại đồ uống chứa nhiều đường. Động thái được đưa ra sau khi quốc gia Đông Nam Á này tuyên chiến với bệnh tiểu đường.
Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore Edwin Tong cho biết, lệnh cấm sẽ được áp dụng với những loại đồ uống có đường “kém lành mạnh nhất”. Các hãng đồ uống này sẽ không được quảng cáo sản phẩm của mình trên mọi nền tảng, từ các ấn phẩm, chương trình phát sóng cho đến trên mạng internet.
Trong một cuộc họp báo cuối tuần trước, ông Tong cho biết quyết định đã được Bộ Y tế nước này thông qua sau khi “tham vấn cộng đồng” dưới hình thức khảo sát. Các mặt hàng nằm trong diện điều chỉnh của quy định mới sẽ bao gồm nước ngọt, nước trái cây, sữa chua uống, cà phê hòa tan…
Singapore cho biết họ sẽ tiếp tục thu thập phản hồi của người tiêu dùng và ngành công nghiệp đồ uống trong vài tháng tới. Nếu không có gì thay đổi, lệnh cấm sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2020.
Bên cạnh việc cấm quảng cáo, Bộ Y tế Singapore cũng yêu cầu các hãng sản xuất đồ uống có đường dán nhãn dinh dưỡng có mã màu phía trước sản phẩm của mình, trong đó liệt kê rõ hàm lượng dinh dưỡng có trong sản phẩm bao gồm lượng đường phụ gia.
Bộ trưởng Tong cho biết hai biện pháp này mới chỉ là những bước đi đầu tiên trong nỗ lực chống lại bệnh tiểu đường đang gia tăng tại Singapore. Trong chương trình nghị sự của họ vẫn còn hai đề xuất nữa đang được xem xét đánh giá, một là đánh thuế tiêu thụ đặc biệt các loại đồ uống có hàm lượng đường cao, hai là cấm lưu hành hoàn toàn các mặt hàng này.
“Chúng tôi dự định sẽ nghiên cứu các đề xuất này một cách cẩn thận”, ông Tong nói. “Mục đích là để tìm ra các giải pháp bền vững trong dài hạn. Sự điều chỉnh không thể chỉ nhắm vào hành vi người tiêu dùng trong thị trường, mà còn cả phía nhà cung cấp thì mới có thể thúc đẩy quá trình cải cách”.
Cuộc chiến với tiểu đường ở Singapore
Tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường có liên quan đến béo phì và nguy cơ phát triển các bệnh mạn tính như tiểu đường và bệnh tim mạch. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, những người thường xuyên tiêu thụ một đến hai lon đồ uống có đường mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn 26% so với những người hiếm khi uống chúng.
Các nghiên cứu ước tính rằng tỷ lệ béo phì trên toàn thế giới đã tăng gấp gần ba lần kể từ năm 1975.
Là một trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu, Singapore đang phải đối mặt với dân số già hóa. Điều này khiến chính phủ của họ phải tìm ra cách giảm gánh nặng chăm sóc sức khỏe. Một mục tiêu được nhắm tới là giảm tỷ lệ bệnh tiểu đường.
Theo Tổ chức Tiểu đường Quốc tế, gần một phần bảy dân số trưởng thành ở Singapore năm 2017 mắc bệnh tiểu đường. Song song với đó, tỷ lệ béo phì ở quốc gia này đã liên tục tăng kể từ những năm 1990.
Tỷ lệ béo phì ở Singapore đã liên tục tăng kể từ những năm 1990, đặt một gánh nặng lớn lên hệ thống y tế.
Đối phó với tình hình này, Bộ Y tế Singapore đã thực hiện một khảo sát cộng đồng vào cuối năm 2018 về việc giảm tiêu thụ đồ uống có đường. Trong đó, hơn 70% số người được hỏi ủng hộ việc chính phủ ban hành các quy định mới về quảng cáo để thay đổi lựa chọn đồ uống của người tiêu dùng.
Singapore cũng kêu gọi các nhà sản xuất đồ uống cải tiến sản phẩm của họ để cung cấp các lựa chọn lành mạnh hơn, trong khi vẫn giữ nguyên hương vị.
Trong một tuyên bố với CNN, Coca-Cola Singapore cho biết họ hoan nghênh các biện pháp mới của chính phủ nước này, nhưng hy vọng lệnh cấm sẽ chỉ gây ra “tác động tối thiểu đến danh mục đầu tư” của họ.
“Chúng tôi đã đổi mới sản phẩm để ra mắt loại đồ uống có lượng đường thấp hơn và cả đồ uống không đường”, Coca-Cola Singapore cho biết. “Bởi vì, một lượng đường vừa phải trong đồ uống sẽ không thành vấn đề, chúng tôi đồng ý rằng quá nhiều đường thì lại không tốt cho bất cứ ai”.
PepsiCo và Hiệp hội quản lý thực phẩm và đồ uống Singapore thì chưa đưa ra lời bình luận.
Theo CafeBiz