Vừa qua, Bộ Tài chính có gửi xin ý kiến các bộ, ban, ngành về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), trong đó có bổ sung việc áp thuế TTĐB 10% với các loại nước ngọt thực hiện từ 1/1/2019 nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng (bệnh béo phì trẻ em ở nước ta đang gia tăng) và cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Khái niệm nước ngọt này bao gồm các loại có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất công nghiệp, trừ nước trái cây, nước rau quả 100% tự nhiên, sữa và các sản phẩm sữa.
Vậy bệnh béo phì là gì? Ở Việt Nam thực trạng và nguyên nhân của bệnh béo phì ra sao? Đó là những vấn đề cần làm rõ một cách khoa học trước khi quyết định sử dụng một giải pháp chính sách nào đó để điều chỉnh.
Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân đến mức ảnh hưởng tới sức khỏe (theo Wikipedia). Để xác định tình trạng béo phì của một người Tổ chức Y tế thế giới thường dùng Chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index – BMI). Chỉ số này đươc tính theo công thức: BMI = Cân nặng / (Chiều cao*Chiều cao), theo đó người bị coi là béo phì khi có chỉ số BMI từ 30 trở lên, còn riêng với người Châu Á thì có BMI từ 25 trở lên. Béo phì cũng được chia ra làm 3 cấp độ, béo phì độ I, độ II và độ III. Với người Châu Á thì chỉ số BMI lần lượt các cấp độ là 25-29,9; 30-39,9 và từ 40 trở lên.
Ở Việt Nam, theo kết quả điều tra mới nhất (2014-2015) về tình trạng trẻ thừa cân béo phì của tiến sĩ Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, công bố tại hội thảo phòng chống béo phì, thừa cân cho trẻ em, ngày 18/10/2017, thì tình trạng béo phì ở trẻ em tuổi tiền học đường và học đường đến tuổi trưởng thành đang gia tăng tại Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn. Cụ thể là: Từ năm 1980-2013, tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng hơn 27% ở người lớn và tăng đến 47% ở trẻ em. Năm 1996 tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tại Hà Nội và TP HCM là 12% thì sau 13 năm (năm 2009) tỷ lệ này là 43%. Kết quả điều tra năm 2014-2015, tỷ lệ trẻ béo phì ở thành phố Hồ Chí Minh là trên 50%, còn khu vực nội thành Hà Nội khoảng 41%.
Tuy nhiên, xét trên tổng dân số thì theo một nghiên cứu của trường Đại học Washington tỷ lệ người trưởng thành bị béo phì tại Việt Nam và Bangladesh được ghi nhận là thấp nhất thế giới, với khoảng 1% dân số. Tại Việt Nam có 648.000 người trưởng thành bị béo phì và khoảng 7,5 triệu người trong tình trạng thừa cân. Xét trong khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam có tỷ lệ người thừa cân và béo phì tuổi 25-29 là 7,7%. Trong khí đó tỷ lệ này ở Campuchia là 11,3%; Lào15,3%; Philippines 19,6%; Myanmar 22,1%; Indonesia 22,9%; Singapore 30%; Thái Lan 30,5%; Malayssia 40,2%. Nhưng xét riêng nhóm trẻ em ở độ tuổi từ 2-19 thì Việt Nam đứng thứ 4 trong 10 nước Đông Nam Á với tỷ lệ thừa cân và béo phì là 6,8%, xếp trên Campuchia 3,8%; Lào 5,4%; Philippines 6,7%. Các nước khác là Indonesia 8%. Myamar 8,3%, Thái Lan 14,6%; Brunei 15,3%; Singapore 17,2%; Malaysia 21,4%.
Thông qua những số liệu điều tra nêu trên cho thấy tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em nói riêng và ở độ tuổi trưởng thành 25-29 nói chung của Việt Nam so với các nước trong khu vực là không quá lo ngại, tuy nhiên có xu hướng gia tăng.
VẬY NGUYÊN NHÂN CỦA BỆNH BÉO PHÌ LÀ GÌ?
Theo các chuyên gia, nguyên nhân căn bản của bệnh thừa cân, béo phì là tình trạng mất cân bằng năng lượng giữa mức calo cơ thể được thu nạp và lượng calo cơ thể đốt cháy thông qua các hoạt động thể lực. Với đối tượng trẻ em, xu hướng thừa cân, béo phì hiện nay chủ yếu do chúng được ăn quá nhiều thực phẩm giàu năng lượng như đồ ăn nhanh, nước ngọt có ga; nhưng lại lười vận động, tập thể dục.
Ngoài ra, một số thói quen trước đây như ăn bữa sáng, không ăn đêm thì nay lại được nhiều người bỏ bữa ăn sáng và ăn nhiều vào ban đêm. Vì thế năng lượng nạp vào cơ thể thì nhiều mà bị đốt cháy thì ít, tích trữ lại càng nhiều, làm cho tình trạng tăng cân, béo phì nhiều thêm.
Ngoài hai nguyên nhân chính là ăn uống và vận động nêu trên, có thể còn một số nguyên nhân khác gián tiếp gây nên tình trạng tăng cân béo phì như mất ngủ (làm tăng sự thèm ăn), mắc một số bệnh như viêm khớp có thể dẫn tới hoạt động giảm, khi sử dụng một số thuốc mà không cân bằng chế độ ăn như thuốc tiểu đường, thuốc chống động kinh…
Trước thực trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em và người lớn tuổi thông qua các số liệu điều tra độc lập nêu trên, thì việc khuyến cáo của Chính phủ nên như thế nào? Theo quan điểm của người viết bài này, trước hết Chính phủ nên giao cho các Bộ, ngành chức năng phối hợp điều tra đánh giá một cách đầy đủ, khoa học thực trạng thừa cân, béo phì ở nước ta hiện nay đang ở mức nào? Làm rõ nguyên nhân của tình trạng này là gì? Đánh giá, phân tích và rút kinh nghiệm từ các nước trong khu vực về những giải pháp, chính sách mà họ đã áp dụng nhằm hạn chế, tiến tới đẩy lùi tình trạng thừa cân, béo phì này.
Từ kết quả của các bước nêu trên mới đưa ra những chính sách, giải pháp nên sử dụng, phù hợp với con người Việt Nam, với điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, theo người viết bài này cho rằng chưa cần thiết phải áp dụng chính sách thuế với nước ngọt như một số nước đã làm và như đề xuất của Bộ Tài chính, mà Chính phủ nên mở cuộc vận động, tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là trẻ em hiểu để hạn chế ăn, uống quá nhiều thực phẩm giàu năng lượng, đồ uống có đường, mà tăng cường hoạt động thể lực, luyện tập thể dục thể thao. Đồng thời đưa vào chương trình dạy học ở các trường từ Tiểu học tới Trung học phổ thông nhằm trang bị kiến thức cho trẻ chủ động phòng tránh.
Trước việc Bộ Tài chính trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đề xuất đánh thuế mặt hàng nước ngọt 10% từ 1/1/2019, người viết bài này cho rằng không đủ các căn cứ thực tiễn và khoa học mà mang nhiều tính chủ quan, chưa có đánh giá tác động của việc đánh thuế này tới sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; tới sản xuất của ngành mía đường, tới cuộc sống người nông dân trồng mía, cà phê, chè, trái cây… cũng như khả năng thực thu của ngân sách khi sản xuất bị giảm do tăng thuế./.
LÊ ĐƯỢC