Doanh nghiệp có thể áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để giảm lượng rác thải ra môi trường.
Sáng 24.7, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo với chủ đề “Mô hình kinh tế tuần hoàn đóng vai trò thiết yếu giúp tăng trưởng bền vững”.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI, cho rằng mặc dù khái niệm kinh tế tuần hoàn đã bắt đầu trở nên phổ biến ở Việt Nam nhưng việc ứng vào thực tiễn vẫn còn rất hạn chế, đặc biệt là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
TS Nguyễn Hoàng Nam, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, cho biết sự chuyển dịch từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu. Lợi ích của mô hình kinh tế này với doanh nghiệp như mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng giúp tiết kiệm 6,5 triệu USD/năm và các mô hình sản xuất sạch hơn của nhiều doanh nghiệp, sáng kiến không xả thải ra thiên nhiên do VCCI khởi xướng… Việt Nam đã có một số chính sách liên quan như luật Khoáng sản, luật Tài nguyên môi trường; Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam 2011-2020… nhưng vẫn cần xây dựng khung pháp lý cho mô hình kinh tế tuần hoàn. Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường đang nghiên cứu xây dựng để đề xuất các chính sách hướng tới thực hiện kinh tế tuần hoàn trong mọi hoạt động. Đó là luật về kinh tế tuần hoàn và đẩy mạnh chi tiêu công xanh và nhà nước phải ưu tiên sử dụng các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường…
Chia sẻ tại hội thảo, bà Lê Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc phát triển bền vững Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam, cho biết khi dân số càng tăng cao với 8 tỉ người trên thế giới thì vào năm 2025 lượng rác thải nhựa sẽ nhiều hơn số cá có trong đại dương. Cách giải quyết vấn đề này chỉ có một hướng là đi theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu thực hiện kinh tế tuần hoàn. Trong đó, áp dụng các chương trình kỹ thuật như tái sử dụng, tái chế hay sau khi sử dụng sẽ phân hủy…
Heineken Việt Nam đã có những sáng kiến giúp giảm phát thải và tạo ra giá trị từ rác thải. Đó là gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm được tái sử dụng hoặc tái chế. Cụ thể những phụ phẩm điển hình của quá trình sản xuất bia như bã hèm, men thừa hay bùn lắng sau quá trình xử lý nước thải đều được tái sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón cho cây trồng. Các nguyên vật liệu khác như thủy tinh, giấy bìa, nhôm, nhựa và giấy đều được tái sử dụng hoặc tái chế. Gần như 100% chai bia thủy tinh của Heineken Việt Nam được thu hồi lại để tái sử dụng trước khi được tái chế tại nhà máy thủy tinh vào cuối vòng đời sản phẩm. Hiện nay, 4 trên 6 nhà máy bia của Heineken Việt Nam sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh khối, không phát thải các-bon và giảm được 2.500 tấn phát thải CO2 chỉ riêng trong khâu kho vận trong năm 2018 bằng cách tối ưu hóa và cải tiến hoạt động vận tải…
Theo Thanh Niên