Hôm đứng ở Thuyền Chài, một đảo chìm trong quần đảo Trường Sa, có một cái am nhỏ, nằm chênh chếch gờ đá, 4 cái tên được viết lên “Lâm Sơ Đệ quê quán Tuy Hòa, Trần Kim Ánh quê quán Nha Trang, Trương Văn Vĩ – Trần Ngọc Điệp quê quán Thủ Đức”. Tấm hình chụp bị khuất tháng năm họ hy sinh. Tôi cũng sơ suất không kịp hỏi để ghi lại.
Nhưng nhớ lời anh lính hải quân kể, khoảng những năm 1985-1987, họ là những người ra Thuyền Chài để xây dựng nhà trên đảo, bảo vệ đảo. Một cơn bão ập đến, họ nằm lại giữa biển khơi. Thuyền Chài A,B,C là tấm lá chắn vòng ngoài bảo vệ sườn đông, mạn biển của các tỉnh Nam Trung bộ.
Đêm từ cầu tàu Trường Sa Lớn trở ra, giữa trùng khơi thăm thẳm, tôi không tài nào ngủ được, một mình lên boong, lặng nhìn những đợt sóng dài như cố tìm trong từng giọt nước của cái bể nước mênh mông kia chút gì đang trôi… Lòng trĩu nặng món nợ tử sinh.
Một ngày men theo con đường nhỏ đầy hoa sim tím bên đường để đứng trước mộ phần tập thể vô danh của những người lính cộng hòa đã mất ngay trong những ngày giải phóng Côn Đảo. Họ được quy tập về đây, như lời ông Sáu Dân, hãy để họ nằm đó để mai sau con cháu người ta còn về mà tìm lại. Quả thật, họ đã được trùng phùng.
Tôi chạy xe máy ven bờ, nhìn xa xa là cụm resort 5 sao, nghe bảo ngủ một đêm cả mấy ngàn đô. Nếu mình ở chắc sẽ thức nguyên đêm. Không chỉ vì ngồi đếm giờ quy ra đồng mà suy cả cái tội tình, mớ oan khiêng còn sót lại. Cứ mỗi lần tôi ra đảo, là Hàng Dương hay Phú Quốc, bạn tôi lại nhắc, nhớ bước thật khẽ vì đâu đâu cũng ngập đầy xương trắng. Tôi không biết dưới chân mình là xương là máu của phía bên nào, chỉ cái ý nghĩ ấy thôi cũng đủ khiến mình buốt giá.
Rồi một ngày, tôi lang thang giữa Sài Gòn. Tôi ngồi hàng giờ bên cô Bảy Hà, Sáu Hộ…, họ trở về từ nhiều cánh quân, với những vết thương vĩnh viễn không lành, nay sống lặng lẽ ở Cư xá Bắc Hải hay bên cầu Băng Ki, Bình Thạnh. Người vì đòn thù mà không thể sinh con. Người sinh con nhưng giờ lại mang lấy mặc cảm làm mẹ. Nhưng họ lặng lẽ xác tín về những gì họ đã hy sinh, không hối tiếc.
Như một người mẹ sống ở đường Phạm Thế Hiển, quận 8, chồng bà đã nằm lại trong nấm mồ tập thể vô danh kia đã dạy các con mình rằng, may mắn là người ta còn giữ lại mộ phần ba các con và những chiến hữu của ông cho gia đình mình còn tìm lại được, nên má không muốn các con oán trách ai hết…
Một Sài Gòn trong tôi là vậy. Đôi khi người ta ngu ngơ ngước nhìn cái tầng tháp 81 kình thiên ngạo nghễ kia, thứ đan tâm xâm thực con sông Sài Gòn mà quên đi dòng kênh Nhiêu Lộc đã xanh tự khi nào, nó chảy ngay dưới những con đường mình vẫn đi về sớm hôm.
Và một Sài Gòn, không chỉ nhìn lên cao hay xuống thấp, nhìn vào bên trong để còn thấy những khuôn mặt người thời hậu chiến, bên nào thì cũng đầy những vết thương.
Hôm nay 27/7, tôi lặng im nhìn về hai phía…
Lê Huyền Ái Mỹ