Ngó ra thấy trời hửng nắng, tôi bắt xe buýt vào ngay Leuven (Bỉ). Đi bộ dăm phút nữa đã thấy mình đứng giữa quảng trường Alfons Smetsplein, dõng dạc gọi Quý: “Cho chị một bánh mì, đầy đủ”. Nghe như chiêm bao. Mới năm ngoái thôi, nào đã xa xôi gì, đang lái trên đường tôi bỗng thấy chiếc xe bán tải in hai từ tiếng Việt “Bánh mì” to tướng, hồi hộp vòng lại nhòm ngó mà chẳng biết địa chỉ ở đâu để đến mua.
1. Bây giờ, ngay ở Leuven – thành phố của các trường đại học tại Bỉ, tôi đã có thể thoải mái gặm bánh mì kiểu Việt. Cửa hàng Bánh Mì Ah! Quy khai trương đầu năm nay. Bánh mì hóa ra phần lớn phục vụ Việt kiều, Quý bảo: “Còn Tây vào đây chỉ thích gọi phở, mì xào. Dùng đũa nhoay nhoáy”. Chuyện ăn uống ở xứ người giờ tiện lắm rồi, khác xa thời 1989 – khi nhà thơ Hoàng Minh Châu ra nước ngoài: Bạn bảo rất thích phở/ Nhưng… gắp mớ bùi nhùi/ Lích kích vì đôi đũa/ Chèo chống thật lôi thôi/ Nào có khác gì tôi/ Cầm dao “cưa” bí tết/ Cũng mấy phen trầy trượt/ Làm bạn phải cười thầm…
Bánh mì Ah! Quy nóng giòn, phải ăn ngay.
Tôi biết Quý từ khi cậu còn nấu ăn cho nhà hàng Thái cạnh đó, giữa quảng trường Alfons Smetsplein, trong lòng thành phố có tuổi đời hàng thế kỷ nhưng sức sống mãi thanh xuân. Biết bao sinh viên bản xứ, sinh viên nước ngoài ngày ngày vẫn qua lại nơi này mua đồ ăn nhanh và ngồi duỗi dài chân trên vỉa hè phơi nắng, trò chuyện.
Du học sinh Việt cũng nhiều. Sau ba năm ở Thụy Sĩ, Quý quyết định sang Bỉ tìm việc và trụ lại ở đây, mở cửa hàng nhỏ ngay Tiensestraat – đường phố tân thời quy tụ biết bao trường phái ẩm thực châu Á, từ món Thái, món Hoa cho đến sushi và bây giờ là bánh mì, bún chả, cơm rang kiểu Việt.
Cũng xuất phát từ quảng trường Alfons Smetsplein, nếu chịu khó đi sâu vào phố Vlamingenstraat cách đó vài trăm mét, mấy năm nay đã có món ăn Việt rồi. Bà chủ người Việt cũng bán giá bình dân, 5 Euro/suất, từ cơm rang rau xào cho đến sườn nướng, gà cà ri… Nhưng chủ đề chính của quán LoempiaLand này là nem rán. Thứ sáu thực đơn có thêm phở. Món ăn nóng, đựng vào từng khay inox. Khách có thể ăn tại chỗ hoặc đóng hộp xách ra công viên cạnh đó, ngồi dưới tán cây cổ thụ, ngắm lũ vịt cổ xanh tắm gội dưới hồ, hứng nắng xuyên qua tán lá và thong thả nhai cơm Việt.
Nhưng với tôi, bánh mì Việt vẫn là thứ gợi cảm giác sâu đậm nhất, mạnh mẽ nhất về đời sống đường phố hối hả, gấp gáp ở quê nhà. Từ cậu sinh viên cho đến anh công chức, bác lái xe ôm đều có thể tạt vào lề đường, gạt chân chống, gỡ mũ bảo hiểm ra. Chưa kịp yêu cầu, chủ hàng rong ngồi phía sau tủ kính nhỏ đặt chênh vênh trên chiếc thùng có hai bánh xe kéo đã nhận ra khách quen. Thế là tất tả đập trứng đổ chảo, phi hành, quét bơ, nhồi paste béo, nhón chút dưa món cà rốt, củ cải chua chua giòn giòn, thêm vài cọng rau mùi xanh mướt, lát thịt xá xíu rực màu điều… Tất tần tật ủ trong bụng chiếc bánh mì thơm phức, nướng lại liu riu trên giá than hồng cho thật giòn mới trao tay khách.
Món Việt trên quảng trường Ofelia tại Copenhagen, Đan Mạch.
Quý cũng đặt một lò điện để giữ cho từng chiếc bánh mì luôn có lớp vỏ ngoài giòn nóng. “Bánh mì kiểu này em phải đặt riêng, hai đầu nặn thon nhỏ cho dễ cắn, đặc ruột và dày vỏ”, Quý vừa rang cơm trong bếp vừa kể với tôi, “Bếp núc vẫn chưa đâu vào đâu. Còn thiếu nhiều thứ lắm, nhưng hôm nay mở hàng lấy ngày đẹp”. Tôi hỏi Quý: “Lịch âm hôm nay ngày mấy rồi nhỉ?”, “Em chẳng biết đâu. Nhưng bố em ở quê đã xem kỹ cho rồi. Bảo ngày này hợp tuổi, làm ăn tốt, cứ thế tiến hành”.
Quý làm tôi nhớ cứ gần tết cổ truyền, tôi lại gọi về Việt Nam hoặc tra google mới biết chính xác năm mới đến vào ngày nào. Ở đây chỉ xem lịch dương, phần tâm linh thôi trông cậy vào người quê nhà vậy.
Bánh mì của Quý cũng có chút điều hòa cho hợp khẩu vị Tây ở phần nước xốt. Cầm chiếc bánh mì nóng giòn của Quý, bơ mềm mượt và paste thơm ngậy, bận đến mấy vẫn muốn ngồi đó ăn ngay. Gói mang về bánh mềm đi. Uổng. Trong khi dò internet tìm trang facebook của Bánh mì Ah! Quy để nhấn “like” ủng hộ anh, tôi bỗng thấy hình chiếc xe bán tải in dòng chữ Bánh mì dạo nào. Chủ nhân xe bánh là Tâm và Karen. Họ chỉ bán bánh mì dạo luân phiên các thành phố, theo sự kiện. Và cuối tuần này họ bán bánh mì Việt, giới thiệu ẩm thực đường phố Việt nhân sự kiện về nghệ thuật xăm hình diễn ra tại Leuven. Bánh mì nóng đây, có hẳn hai hàng để chọn, xin mời Leuven!
2. Từng lang thang gặp nhiều quán ăn, cửa hàng di động (food truck) của người Việt tại Đức, Bỉ, Hà Lan, Thụy Điển, Pháp… nhưng tôi chưa thấy chiếc xe bán đồ ăn Việt nào lại đỏm dáng và chói sáng như ở quảng trường Ofelia (Copenhagen, Đan Mạch). Đích đến phải là tượng Nàng Tiên Cá cách đó vài cây số cơ đấy. Thế mà lại tạt ngang rẽ ngửa khi nhìn thấy nón lá, mẹt thớt, niêu đất, nồi hấp, chảo sắt… lủng lẳng hai bên quầy hàng. Ánh nắng tháng năm căng tràn trên vịnh Oresund nhưng gió lạnh Bắc Âu còn chực chờ giật tung mũ áo, mùi nem rán tỏa ra mới cồn cào ấm áp làm sao. Có điều, nem rán ở đây lại chấm thứ nước xốt đặc quánh trông giống một loại mayonnaise vàng cay béo ngậy.
Quán bánh mì Việt kiều ở Thụy Điển.
Phở, bún bò, và dĩ nhiên bánh mì Việt cũng được in thành ảnh đẹp trang trí trên quầy. Nếu nhân viên là người gốc Việt, chưa chắc đã nhiệt thành quảng bá cho bà chủ nhà hàng Anh Lê như anh chàng người Đan Mạch đứng quầy này. Cậu hăng hái vươn người về phía trước lấy cuốn sách ẩm thực chìa ra cho tôi xem: “Cô này rất nổi tiếng ở nước tôi. Chính tôi đã cùng bạn gái sang Việt Nam rồi đấy. Giờ lại được bán món ăn Việt ở đây, thú vị lắm”.
Tôi ngồi duỗi chân trên cầu cảng. Không thích nước chấm kiểu này lắm, nhưng quả thật hai chiếc nem giòn bỏng trên tay giúp tôi lấy lại sức đáng kể sau nửa ngày cuốc bộ ở Copenhagen. Giữa quảng trường ngự trên vịnh nước biển trong vắt, sát quán giải khát ngoài trời để hai chiếc loa thùng phát nhạc trẻ căng đầy sức sống là gương mặt người đàn bà Việt đội nón trắng in trên chiếc xe bán hàng di động. Châu Âu bây giờ, và mảnh đất Bắc Âu tôi đang ngồi lúc này, có xa xôi lạ lẫm gì nữa đâu nhỉ.
3. Vì thế, người xa xứ dạo này chẳng mấy ai còn ngồi ngâm ngợi Bông súng mùa này đã ra bông/ Canh chua điên điển cá rô đồng/ Mắm kho cá lóc cơm nồi đất/ Lửa bập bùng sôi nhớ cháy lòng… (thơ Viễn Phương). Thì cứ nhìn ra góc vườn của một người bạn Việt ở Bỉ kia. Su su, mướp đắng, mồng tơi, dưa chuột, bầu bí… leo đổ giàn còn chẳng thiết hái. Trồng cho vui, cho đỡ nhớ nhà thôi mà.
Người Việt ở Bỉ bán nem trong hội chợ.
Rồi một ngày, bỗng nhận ra mình quá chủ quan. Cô chú họ của tôi từ Việt Nam sang Đức – Ý du lịch, gọi điện nhắn trên đường đi Anh sẽ ghé Bỉ một đêm. Tôi nghĩ cô chú sang Đức chơi với bạn bè cả tháng rồi, dạo chợ Đồng Xuân và ăn cơm Việt của đồng hương bên ấy chắc cũng chán rồi. Bèn nhờ mẹ chồng Tây nấu giúp nồi stofvlees – món thịt bò hầm bia nổi tiếng ăn kèm khoai tây rán của người Bỉ để đãi khách. Đi đâu, nên thưởng thức ẩm thực nơi đó, cũng là trải nghiệm văn hóa. Nhưng, đó chỉ là cách nghĩ của mình.
Nồi thịt bò hầm bia trên bếp mềm ngọt lắm rồi, mẻ khoai tây chiên cũng đã ráo mỡ. Trong khi vợ chồng Việt kiều Đức – bạn đi cùng cô tôi – hào hứng ngồi vào bàn thử món mới, cô họ tôi xuống bếp, giọng ngần ngừ: “Bây giờ có đĩa rau luộc với bát cơm là tỉnh người cháu ạ”. Tôi lập cập mở tủ lạnh, may còn vỉ trứng và nửa cái bắp cải. Cô tôi mừng như thấy vàng, xắn tay bảo để cô cùng làm cho nhanh. Loáng cái trứng rán đã cuộn lại vàng ươm trong chảo, rau luộc bốc khói trên đĩa, cô chỉ vào nồi “Đổ nước luộc bắp cải ra bát ô tô cho cô. Cũng là một món đấy. Chú thích chấm rau chan cơm”. Sáng sớm hôm sau, cô chú rời đi. Tôi nhìn theo hút bóng mới trở lại nhà. Vào bếp, nồi luộc bắp cải vẫn còn đó. Mở vung ra, thấy bóng mặt mình chao đảo trong làn nước luộc sóng sánh. Dường như cô chú tôi vừa để lại một khoảng trời nhung nhớ sau lưng.
Kiều Bích Hương
(Vương quốc Bỉ)