Mới đây, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã có công văn gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, góp ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (viết tắt là dự thảo Luật). Trong đó tập trung vào kiến nghị xem xét đổi tên gọi của Luật và một số quy định chưa hợp lý trong dự thảo Luật.
Với chức năng là cầu nối giữa giữa các doanh nghiệp hội viên với các cơ quan quản lý Nhà nước, VBA luôn mong muốn và ủng hộ việc xây dựng một đạo luật nhằm quản lý và kiểm soát tốt các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng đồ uống có cồn nói chung và rượu, bia nói riêng nhằm bảo vệ sức khỏe người dân. Trong thời gian qua, Hiệp hội đã tích cực tham gia vào quá trình xây dựng dự án Luật. Nhiều ý kiến của Hiệp hội đã được Ban soạn thảo tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Luật. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật vẫn còn một số quy định chưa hợp lý cần được tiếp tục điều chỉnh để khi luật ban hành có tính khả thi, phù hợp với thực tế. VBA xin kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung sau:
Xem xét đổi tên gọi của dự thảo Luật
VBA kiến nghị đổi tên gọi của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia mà Chính phủtrình Quốc hội thành Luật Kiểm soát đồ uống có cồn, hoặc Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn. Lý do mà VBA đưa ra là bởi khái niệm “rượu, bia” hẹp hơn khái niệm “đồ uống có cồn”, có những sản phẩm không phải là rượu, bia nhưng lại có chứa cồn như một số loại nước hoa quả lên men, nước giải khát có ga đã xuất hiện nhiều trên thế giới và bắt đầu phổ biến ở Việt Nam. Mặt khác, để phù hợp với xu hướng tiêu dùng nhằm thay thế sản phẩm có cồn và một số quy định về cấm sử dụng rượu, bia nên một số cơ sở sản xuất đã cho ra đời sản phẩm “bia không cồn” để phục vụ người lái xe và phụ nữ. Vì vậy, nếu sử dụng khái niệm “rượu, bia” thì có thể dẫn đến khả năng bị lách luật khi người ta sản xuất các sản phẩm có chứa cồn mà không phải là rượu, bia, trong khi đó một số sản phẩm không chứa cồn, đang cần được khuyến khích sử dụng nhưng do có tên gọi thông dụng là “bia” lại bị điều chỉnh và hạn chế bởi Luật này.
Trên thế giới hiện nay mới chỉ có rất ít quốc gia ban hành đạo luật riêng về đồ uống có cồn nhưng chưa có quốc gia nào ban hành đạo luật có tên là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia mà họ thường lấy tên là Luật Kiểm soát đồ uống có cồn.
Dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng mới chủ yếu đưa ra các giải pháp về “phòng”, trong khi các giải pháp về “chống” còn rất mờ nhạt.
Theo VBA, việc đổi tên thành Luật Kiểm soát đồ uống có cồn sẽ tập trung việc kiểm soát chất lượng sản phẩm để góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng như thông lệ của một số quốc gia hiện nay đã xây dựng Luật hoặc Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn để phù hợp với Chính sách quốc gia về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2014 và Chiến lược toàn cầu về giảm thiểu tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn của Tổ chức Y tế thế giới.
Về quy định địa điểm, phương thức, thời gian không được bán rượu, bia
VBA kiến nghị, quy định về cấm hoặc hạn chế giờ bán rượu, bia cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt là tính khả thi và những tác động đối với ngành du lịch, khách sạn và giải trí mà ngành công nghiệp đồ uống có đóng góp đáng kể.
Quy định về cấm bán rượu, bia vào những giờ nhất định trong ngày, nếu được ban hành sẽ:
– Có thể khuyến khích việc uống một cách không có trách nhiệm hoặc mua nhiều hơn trước khoảng thời gian bị cấm và vì vậy quy định cấm trở nên phản tác dụng.
– Quy định cấm bán theo giờ nếu được áp dụng tại Việt Nam sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành khách sạn và du lịch, đặc biệt là ở những thành phố, địa phương nơi du lịch là một trong những ngành mũi nhọn của phát triển kinh tế. Quy định này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đối với những ngành kinh doanh dịch vụ du lịch, ẩm thực và giải trí. Việc giám sát thực thi quy định này cũng đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực dồi dào trong các cơ quan thi hành pháp luật.
Bán hàng qua internet hay bán hàng qua sàn giao dịch thương mại điện tử là một trong những kênh bán hàng quan trọng, đặc biệt là trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0. Nhà nước hoàn toàn có thể quản lý được người bán cũng như người mua qua việc quản lý các sàn giao dịch thương mại điện tử này. Kênh bán hàng này cũng góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông khi người mua hàng có thể ngồi nhà, không cần ra đường vẫn có thể mua được các sản phẩm mà mình lựa chọn.
Vì vậy, Hiệp hội đề nghị xem xét lại quy định tại Khoản 3 Điều 20 của Dự thảo Luật để tạo điều kiện cho người mua, người bán và phù hợp với việc khuyến khích phát triển thương mại điện tử trong cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Về các biện pháp hạn chế quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ cồn
Theo VBA, việc hạn chế quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ cồn sẽ gây ra nhiều hệ lụy: Người tiêu dùng không có cơ hội để phân biệt được các hàng hóa, sản phẩm có chất lượng, Ngân sách nhà nước mất một khoản thu từ quảng cáo, ngành du lịch cũng bị ảnh hưởng…
Việc quy định hạn chế quảng cáo này sẽ làm gia tăng thêm cán bộ thi hành pháp luật về lĩnh vực này, điều này không phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức quy định tại trong Nghị quyết số 39-NQ-TW ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Bộ Chính trị, Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ và tinh thần của Công văn số 65/TTg-TCCV ngày 13 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, cũng làm phát sinh thủ tục hành chính và hạn chế quyền chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp, không phù hợp với Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Việc quy định rượu, bia trên 5,5 độ cồn đến dưới 15 độ cồn không được quảng cáo trong các chương trình thể thao, văn hóa, sân khấu, điện ảnh; không được quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo ngoài trời và bia dưới 5,5 độ cồn không được quảng cáo trên các phương tiện giao thông; trên báo hình, báo nói trong thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Kinh nghiệm của một số quốc gia cũng chỉ ra rằng, việc hạn chế quảng cáo không có tác dụng làm giảm việc sử dụng rượu, bia. Các báo cáo quốc tế cho thấy tăng cường hay giảm quảng cáo không đồng nghĩa với việc tăng hay giảm tiêu thụ đồ uống có cồn. Quảng cáo chỉ giúp người tiêu dùng lựa chọn thương hiệu sản phẩm mà họ yêu thích. Nếu không có quảng cáo, người tiêu dùng sẽ dễ bị lựa chọn những sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
Việc hạn chế quảng cáo bia trên phương tiện truyền thông tại Việt Nam sẽ được dịch chuyển sang phương tiện truyền thông kỹ thuật số, mạng xã hội – theo đó phần lớn doanh thu sẽ phát sinh ở nước ngoài thay vì doanh thu này phải được phát sinh, chi tiêu tại Việt Nam. Kết quả này dựa trên xu thế hiện nay đang diễn ra sự thay đổi từ phương tiện truyền thông truyền thống sang phương tiện truyền thông kỹ thuật số (đặc biệt là đối với chi tiêu cho quảng cáo).
Việc cấm quảng cáo trên mạng xã hội là rất khó khả thi và khó kiểm soát vì mạng xã hội là một nền tảng trên Internet để mọi người chia sẻ thông tin, bao gồm cả thông tin về đồ uống có cồn. Việc cung cấp, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội có thể không phải là quảng cáo. Quy định về quảng cáo trên mạng xã hội chỉ nên dừng ở việc áp dụng những biện pháp kỹ thuật sẵn có trên mạng xã hội để loại bỏ những người truy cập vào các quảng cáo ở những độ tuổi nhất định.
Các hạn chế quảng cáo, khuyến mại đối với bia không những mâu thuẫn với các luật hiện hành (Luật Quảng cáo, Luật Thương mại) mà còn không phản ánh được sự khác nhau giữa các loại bia, rượu vang và rượu mạnh. Các loại sản phẩm bia, rượu vang, rượu mạnh là rất khác nhau về nồng độ cồn và mức độ gây hại khi lạm dụng.
Vì vậy, Hiệp hội đề nghị xem lại các quy định này để phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam để bảo đảm tính khả thi và tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể tiếp cận các sản phẩm có chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm và tạo điều kiện cho các ngành khác như quảng cáo, du lịch, dịch vụ…
THU NGA