Trong ngôn ngữ Phật giáo và truyền thống văn hóa Việt Nam từ xa xưa đã kiến tạo một cặp từ vừa huyền nhiệm, vừa thâm thúy: “công đức” và “cúng dường”. Những từ này cao đẹp hơn chữ “từ thiện” hay chữ “cho” rất nhiều.
Nếu làm từ thiện, thì có nghĩa là đang ban ơn cho người khác. Nhưng một người đem tiền ra công đức, thì trong tâm họ không bao giờ có ý nghĩ đang ban ơn, đang cho ai. Mà chính là họ đang được nhận, họ bỏ tiền ra để nhận lấy nhiều lợi lạc quần sinh: hạnh phúc, may mắn, an lạc…
KINH DOANH TÂM LINH TRÁ HÌNH XUẤT HIỆN Ở NHIỀU NƠI
Sự việc “Gọi vong”, “cúng oan gia trái chủ” tại chùa Ba Vàng đang làm dậy sóng dư luận. Nhiều báo chí gọi đây là “trục lợi tâm linh”. Theo dõi trên các phương tiện truyền thông, và buổi pháp thoại của Chùa Ba Vàng hôm 21 -3-2019 được chùa này truyền hình trực tiếp trên mạng xã hội Facebook, Youtube, thấy nhà sư trụ trì Thích Thái Trúc Minh khẳng định có việc thu tiền. Tuy nhiên, Đại đức Thích Thái Trúc Minh giải thích: không phải do nhà chùa yêu cầu, mà do Phật tử tự nguyện công đức, cúng dường Tam bảo và theo “yêu cầu của vong”.
Những năm gần đây, tình trạng “kinh doanh” tâm linh trá hình xuất hiện ở một số ngôi chùa miền Bắc, với những hoạt động: cúng sao giải hạn, cúng thỉnh vong, bắt vong, trục vong… Dĩ nhiên, sẽ chẳng có nhà chùa nào thừa nhận những hoạt động này là “kinh doanh” tâm linh, bởi khi nhận tiền để cúng sao hay cúng thỉnh vong, các nhà chùa sẽ đưa cho “khách hàng” những tờ giấy in chữ “Tiền công đức”, mà trong đó không có dòng nào đề cập đến việc giải hạn, thỉnh vong. Điều này cho thấy, không chỉ thiện nam tín nữ, Phật tử, mà không ít Tăng Ni cũng đang hiểu sai các từ “công đức”, “cúng dường”…
Đọc lại các thư tịch Phật giáo, có kể rằng, vào thế kỷ thứ 5, Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma từ Ấn Ðộ sang Trung Hoa truyền bá đạo Phật, được vua Lương Vũ Đế sùng kính. Vua Lương Vũ Ðế đã bỏ tiền ra xây cất hằng trăm ngôi chùa. Tổ Bồ Đề Đạt Ma thường được vua Lương Vũ Đế vời vào hoàng cung, cùng luận bàn đạo lý. Một lần, nhà vua hỏi: Trẫm một đời cất chùa, độ tăng, bố thí, cúng dường, đúc chuông, tạo tượng, ấn tống kinh sách, như vậy có được công đức gì chăng?. Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma trả lời: “Những việc làm ấy thực không có công đức gì cả!”.
Sau này, đệ tử truyền thừa của Tổ Bồ Đề Đạt Ma là Lục Tổ Huệ Năng lý giải: Vua Lương Vũ Ðế vì không biết Chính Pháp, nên không hiểu được chữ “Công Ðức”! Công đức không chỉ ở hành động đưa tiền cho nhà chùa, mà còn phải đồng hành cùng với sự chuyển hóa từ bên trong tâm. Đó là, phải hành trì theo lời Phật dạy, luôn luôn niệm Phật, tu học theo các giáo lý nhà Phật, chuyển hóa tâm tính, bỏ điều ác, làm điều lành, buông xả mọi ham lợi, để tự vượt qua bể khổ sông mê, giải thoát mình ra khỏi những ưu tư phiền não.
CẦN HIỂU ĐÚNG VỀ VIỆC CÚNG DƯỜNG VÀ CÔNG ĐỨC
Cách đây hơn 12 năm, trong một lần ngồi trò chuyện với Đại đức Thích Minh Hiền (nay là Thượng tọa, Phó ban Văn hóa trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam), tôi có thỉnh giáo về từ “cúng dường”, “công đức”.
Khi ấy, tôi có nêu câu hỏi: Phải chăng có những vị Phật, Thánh ngồi nhìn và xem xét xem ai cúng vào chùa số tiền bao nhiêu, nhiều hay ít, để rồi lên “kế hoạch” ban ơn, cho họ những điều may mắn, giầu sang, hạnh phúc…? Được Thầy giảng giải, đại ý rằng: Không có vị Phật, vị Thánh nào làm cái việc ấy cả. Khi công đức, cúng dường sẽ nhận được lợi lạc, may mắn là bởi chính từ sự tự chuyển hóa trong tâm mỗi người.
Cụ thể như trong cuộc sống, mỗi khi ta trót đánh rơi mất, hay đi đường bị kẻ gian “móc túi” một số tiền, thì ta sẽ thường thấy buồn, phiền não vì nuối tiếc số tiền vừa bị mất đó. Muốn giàu, nhưng không thể giàu được thì buồn phiền. Kinh doanh gặp thất bại, thua lỗ cũng buồn phiền. Không tìm được việc làm, thất nghiệp không kiếm ra tiền cũng buồn phiền. Gặp phải những tình huống như vậy, người ta thường tự cho mình là kém may mắn, thậm chí tự nghĩ rằng “gặp hạn” để rồi lo âu, khổ não. Nếu biết vứt bỏ được ý muốn ham tiền, ta sẽ không còn phiền não vì thiếu tiền, không còn buồn mỗi khi bị mất tiền.
Bỏ tiền ra cúng dường, là một trong những Pháp giúp ta xả bỏ được ý niệm “níu giữ” tiền, tức là tháo sợi dây trói của tiền ra khỏi thân tâm mình. Từ đó, mình sẽ đạt được sự hoan hỷ, an lạc, không còn thấy phiền muộn vì thiếu tiền nữa. Khi tâm thân đã an lạc, vui vẻ, khổ não phiền muộn tiêu trừ, tâm trí ta sẽ sáng suốt để nghĩ ra những giải pháp, hướng đi để đạt được thành tựu, từng mục đích của mình trong cuộc sống. Nguyên lý để sự may mắn tìm đến ta là như vậy, chứ không phải là một vị Phật, Thánh nào ban cho ta điều đó.
Cúng tiền vào chùa, để chùa có thêm phương tiện sinh hoạt ích lợi cho mọi người, giúp người để cho người qua cơn khó khăn, túng thiếu, không đắn đo, không suy nghĩ, không tính toán gì thêm nữa, chúng ta sẽ bớt đi tâm tham lam, bỏn xẻn, tăng trưởng tứ vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả. Như vậy, những việc làm đó vừa ích lợi cho người, vừa ích lợi cho mình, thì đó mới là “cúng dường”, “công đức”.
GIÁC NGỘ VỀ “TỨ DIỆU ĐẾ”
Khi Đức Phật giác ngộ, Ngài đã thấy rõ bốn Sự thật vĩ đại, được gọi là “Tứ diệu đế”.
Sự thật cao quý thứ nhất: “Đời là đầy rẫy đau khổ”.
Sự thật cao quý thứ hai: vô minh là nguyên nhân của khổ. Đau khổ xảy đến là vì chúng ta cố bám chặt vào mọi thứ, thay vì để chúng tự do ra đi. Mỗi con người thường có tâm tham ái, luôn mong ước về tiền, tài, danh vọng, quyền lực, sức khỏe, tình yêu, sắc đẹp… Khi ta không đạt được bất kỳ điều nào trong những ham muốn đó, hoặc đang có những thứ đó mà lại bị mất đi, thì ta sẽ buồn, tự thấy đau khổ.
Sự thật cao quý thứ ba được Đức Phật chỉ ra, rằng muốn diệt khổ, chúng ta phải diệt trừ sự vô minh. Trước hết, là xả bỏ tâm ham muốn, sẽ đạt được sự an lạc trong tâm. Xả có nghĩa là bỏ ra, không dùng nữa, không cất chứa nữa, không dùng tới, không còn tham muốn thủ giữ; buông bỏ không tiếc nuối, không chất chứa sự vui thích theo đối tượng nào. Muốn đạt được an lạc, may mắn, đoạn diệt được sự khổ, cần phải cởi bỏ tâm thức ra khỏi sự trói chặt của thân vào các sở hữu.
Cuối cùng, Đức Phật dạy chúng ta về sự thật cao quý thứ tư, đó là “bát chánh đạo”, con đường tám bước để loại bỏ vĩnh viễn sự đau khổ. Bao gồm: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
CÂU CHUYỆN Ở CHÙA BA VÀNG – YÊU CẦU CÚNG VONG LÀ HÀNH ĐỘNG LỪA ĐẢO, TẠO THÊM NGHIỆP
Trở lại câu chuyện ở chùa Ba Vàng, việc người dân đến chùa, đưa tiền nộp cho nhà chùa để “cúng vong”, với yêu cầu vong “tha” không gây hại cho họ nữa – đó là hành động đưa, nộp tiền có mục đích. Bởi vậy, hành động này không thể được gọi là “công đức”, không thể được gọi là “cúng dường”. Việc nhiều ngôi chùa thu tiền “giải hạn”, nhưng lại phát phiếu ghi chữ “Tiền công đức” cho thấy sự lạm dụng vô tội vạ từ “công đức” – vốn dĩ vô cùng linh thiêng và huyền nhiệm.
Nếu ta đem tiền đến đưa cho nhà chùa, với một mục đích, mong muốn nào đó, như đưa tiền để mong cho mình “tai qua nạn khỏi”, mong khỏi bệnh, mong thi cử đỗ đạt, mong cầu kinh doanh phát đạt, mong được tình duyên may mắn, mong tiền vào như nước, thậm chí mong gặp may trúng số… Tức là tâm tham lam, sân hận, si mê bên trong chẳng những không giảm bớt mà lại tăng thêm, vô minh phiền não không hết. Như vậy, không thể gọi là “cúng dường”, và sẽ chẳng có “công đức” gì.
Khi một người đem tiền ra công đức, cúng dường thì trong tâm họ không bao giờ có ý nghĩ đang ban ơn, đang cho ai. Họ sẽ không bao giờ nghĩ rằng mình đưa tiền cho chùa và yêu cầu nhà chùa, Phật hay “vong” phải đáp lại bằng việc gì đó, như giải hạn, hay yêu cầu vong không bám riết gây hại nữa. Ta “công đức” – tức là ta đang nhận lấy giáo lý của Phật, nhận lấy kiến thức hiểu biết từ Phật Pháp để chuyển hóa thân tâm ta, tự tạo ra nhiều lợi lạc quần sinh cho mình và cho mọi người, qua đó đạt được sự hạnh phúc, an lạc… Chính vì được nhận nên người ta tự nguyện bỏ tiền ra công đức, không cần ai gợi ý hay ép buộc. Chẳng vậy mà, xưa nay vẫn thường nói: tùy hỉ, tùy tâm cúng dường, công đức.
Ai phát tâm cúng dường, thì người đó mới nhận được công đức, an lạc, may mắn. Không có ai được nhận công đức, may mắn khi trông chờ vào việc người khác cúng tiền cho một “bên thứ ba” (nhà chùa), trong khi mình lại không tự bỏ tiền hay công sức ra để cúng dường Tam bảo. Chính vì vậy, sẽ chẳng có “vong” hay linh hồn người chết nào nhận được lợi lạc gì với sự chi tiền “cúng dường” từ người sống. Việc hàng nghìn “vong” yêu cầu người dân phải nộp tiền cho chùa Ba Vàng là điều rất phi lý. Vấn đề này chỉ có thể hiểu rằng, đây là hoạt động giả danh “vong” để lừa người dân.
Xét về góc độ nhà chùa và tiền, người xưa thường nói “có thực mới vực được đạo”. Nhà chùa (Phật giáo) luôn cần tiền để làm nhiều việc: xây dựng trang nghiêm cơ sở thờ tự, tổ chức các hoạt động giảng dạy đạo lý, hoằng pháp giáo hóa chúng sinh, làm từ thiện giúp đỡ những người nghèo khổ, bệnh tật, người bị thiên tai… Bởi vậy, việc nhà chùa nhận tiền công đức của Phật tử, thiện tín thập phương là đương nhiên.
Tuy nhiên, qua sự việc đang xảy ra ở chùa Ba Vàng, hay các hoạt động cúng sao giải hạn ở nhiều ngôi chùa, vấn đề đặt ra là cách thức nhận tiền công đức, cúng dường nên như thế nào? Tổ chức các hoạt động giúp đỡ, hồi hướng, giáo hóa mọi người dân một cách đúng đắn là nhiệm vụ trọng tâm của Phật giáo, Nhà chùa. Tuy vậy, các hoạt động tốt đời đẹp đạo này, không nên đi kèm với việc thu tiền.
Nói cách khác, cần tách hoạt động thu nhận tiền công đức, cúng dường ra khỏi các hoạt động Phật sự. Bất cứ ai nếu đến đăng ký dự lễ cầu an phải được chấp nhận, không cần quan tâm đến việc họ có đưa tiền công đức, cúng dường hay không. Càng không nên gợi ý, hay ra giá tiền cho người đến đăng ký dự những sự kiện này. Những người được hưởng lợi lạc, ân đức hay chưa được tiếp cận lợi lạc, có thể tùy hỉ công đức, cúng dường tới nhà chùa, bằng tiền, tài vật, công sức, hay nhiều cách thức khác.
Sự việc ở chùa Ba Vàng, có những người (cho dù là Tăng Ni hay không phải Tăng Ni) làm những việc: gợi ý, ra giá, yêu cầu, thậm chí là “mặc cả” với những người đến chùa về số lượng tiền (mà Chùa này gọi là tiền “công đức”, “cúng dường”), thì đây là điều không thể chấp nhận được, vì làm mất đi sự tôn nghiêm nơi cửa Phật, đánh mất uy tín của Phật giáo. Thiết nghĩ, kiến nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần xây dựng quy chế về hoạt động nhận, sử dụng tiền công đức, cúng dường tại các cơ sở thờ tự của Phật giáo.
CHU MINH KHÔI