Khi xây dựng chính sách, pháp luật đối với ngành bia, rượu trong quá trình hội nhập cần phải đánh giá đúng thực trạng để đưa ra được hướng đi thích hợp, vừa tăng cường chức năng quản lý, kiểm soát vừa thu hút đầu tư, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ BIA Ở VIỆT NAM
Bia là loại đồ uống lâu đời nhất của nhân loại, chúng xuất hiện từ khi con người biết săn bắt thú rừng, gieo hạt, trồng cây lương thực cách đây khoảng 12.000 năm và đã được phân phối cùng bánh mì thời cổ đại Ai cập (Hình 1) và phát triển vào đầu của thời kỳ trung cổ năm 1568.
Ở Châu Âu, bia là loại đồ uống rất phổ biến (được ví là “bánh mì, nước”) và sử dụng rộng rãi như người phương đông dùng trà. Bia đã gắn liền với đời sống văn hóa của nhiều quốc gia nổi tiếng nhất là Lễ hội Bia October Fest diễn ra hàng năm ở thành phố Munich, Bang Bayern, Cộng hòa liên bang Đức với trên 6 triệu người tham dự (năm nay 2018, sẽ diễn ra từ ngày 22 tháng 9 đến ngày 07 tháng 10). Người dân Đức tự hào về Lễ hội bia lớn nhất thế giới này. Đây là ngày hội văn hóa, truyền thống, là niềm tự hào của họ. Ngành sản xuất bia đã mang lại sự thịnh vượng, công ăn việc làm cho mọi người dân và cũng mang lại sự phát triển cho nền kinh tế của nước Đức, một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới với GDP năm 2017 trên 44.000 USD/người/năm.
Ở Việt Nam, bia được người Pháp mang đến từ thế kỷ thứ 19, bia Sài Gòn (1875) và bia Hà Nội (1890). Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ và cả những năm bao cấp do thiếu nguyên liệu, bia sản xuất với một lượng nhỏ, phân phối cho các cơ quan và cửa hàng mậu dịch. Do sản xuất không đủ nên bia Trung Quốc tràn ngập thị trường cả nước. Ngành sản xuất bia ở nước ta chỉ phát triển từ những năm 1990 khi nhà nước có chính sách mở cửa nền kinh tế. Các nhà máy bia Sài Gòn, Hà Nội được đầu tư, đồng thời nhiều hãng bia lớn trên thế giới đã vào Việt Nam như Bia Heineken, Carlsberg, AB – InBev, … tình hình sản xuất bia đã phát triển, dần dần đủ cung cấp cho thị trường do vậy người dân không phải uống bia lậu từ nước ngoài.
Theo số liệu của Bộ Công Thương năm 2017 sản lượng bia các loại ước đạt 4000,6 triệu lít tăng 5,65% so với năm 2016. Qua biểu đồ 1, cho thấy tốc độ tăng trưởng sản xuất bia trong 3 năm gần đây (2015-2017) có xu hướng giảm. Năm 2017 giảm 3,65% so với 2016.
Biểu đồ 1: Sản lượng bia qua các năm (Nguồn: Tổng cục Thống kê)
TIÊU THỤ BIA BÌNH QUÂN THEO ĐẦU NGƯỜI TRONG NĂM 2016 Ở VIỆT NAM
Theo báo cáo của Trường Đại học Beer Kirin Nhật Bản lượng bia tiêu thụ bình quân theo đầu người/năm (năm 2016) trên thế giới và Việt Nam được nêu ở Bảng 1.
Đứng đầu bảng xếp hạng là Cộng hòa Séc với 143,3 lít/người/năm và giữ ở vị trí này trong 24 năm liên tục cho tới nay. Nhật Bản với lượng sử dụng bình quân theo đầu người là 41,4 lít/người/năm và xếp thứ 54. Năm 2016, Việt Nam tiêu thụ bình quân theo đầu người là 40,8 lít/người/năm đứng sau Hàn Quốc, Nhật Bản. Như vậy, nếu tính theo lượng tiêu thụ bình quân theo đầu người/năm thì Việt Nam xếp thứ trên 54 vào loại trung bình thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Ngành sản xuất bia ở Việt Nam giữ một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Đến nay ngành sản xuất bia đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước, tránh được tình trạng nhập lậu, tình trạng đầu cơ và có một phần xuất khẩu. Giải quyết được công ăn việc làm cho hàng triệu lao động trực tiếp sản xuất và lao động trong hệ thống kinh doanh, thương mại, nhà hàng, dịch vụ, vận tải, nông nghiệp, quảng cáo,… Các doanh nghiệp trong ngành tham gia tích cực các chương trình trách nhiệm xã hội, từ thiện, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường ở nhiều địa phương trong cả nước.
Trong những năm qua, ngành Bia đã đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước. Các tỉnh có nhà máy bia thì ngân sách của địa phương tăng lên đáng kể. Trong biểu đồ 2 cho thấy nộp ngân sách của ngành Bia – Rượu năm 2016, theo số liệu của Tổng cục Thuế, riêng ngành Bia đã nộp ngân sách trên 45 ngàn tỷ đồng và sẽ tăng lên trong những năm tiếp theo.
Biểu đồ 2: Đóng góp ngân sách của ngành Bia và ngành Rượu (Nguồn: Tổng cục Thống kê)
SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ RƯỢU Ở VIỆT NAM
Việt Nam là nước có lịch sử hàng nghìn năm với nền văn minh lúa nước. Từ cổ xưa, người dân sinh sống trên mảnh đất hình chữ S đã biết trồng lúa và nấu rượu. Thời Pháp thuộc đã có nhà máy Rượu Hà Nội ở phía Bắc và Nhà máy Rượu Bình Tây ở phía Nam. Rượu dân tự nấu trong gia đình đã bị cấm ở thời kỳ đó.
Ngay sau khi Miền Bắc được giải phóng, trong khi còn bề bộn trăm công ngàn việc, Hồ Chủ tịch đã quan tâm tới ngành sản xuất rượu. Ngày 15 tháng 02 năm 1961, Người đã tới thăm Nhà máy rượu Hà Nội đúng dịp Tết Tân Sửu (H.2). Người đã thăm hỏi cán bộ công nhân viên nhà máy và đã chỉ đạo tăng cường sản xuất, sử dụng ngô, khoai, sắn để thay thế lúa gạo.
Hình 2: Bác Hồ thăm Nhà máy rượu Hà Nội dịp Tết Tân Sửu năm 1961
Trong thời gian chiến tranh chống Mỹ, do thiếu lương thực nên đã có pháp lệnh cấm nấu rượu trái phép do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký ban hành ngày 13 tháng 10 năm 1966. Thời gian đó, rượu được sản xuất chủ yếu ở các nhà máy quốc doanh. Nhà máy lớn nhất ở phía Bắc là Rượu Hà Nội và ở phía Nam là Nhà máy Rượu Bình Tây (sau ngày giải phóng Miền Nam 1975). Từ khi có chính sách mở cửa, tình trạng sản xuất rượu làng nghề đua nhau mở ra, tình trạng quản lý sản xuất, chất lượng, thu nộp ngân sách gặp nhiều khó khăn. Thực trạng sản xuất rượu những năm qua theo số liệu của Tổng cục Thống kê được nêu lên ở biểu đồ 3.
Biểu đồ 3: Sản lượng rượu qua các năm (Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2016 sản lượng rượu là 305,2 triệu lít trong đó rượu công nghiệp khoảng 70 triệu lít/năm, còn lại là rượu thủ công do dân tự nấu ở quy mô gia đình, quy mô nhỏ chiếm tới trên 200 triệu lít. Nhìn vào biểu đồ ta thấy tổng sản lượng rượu từ năm 2014 đến năm 2016 giảm 2,6%, phù hợp với quy hoạch của ngành đã được Bộ Công Thương phê duyệt.
Theo một nghiên cứu điều tra quốc gia của PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện quy mô quốc gia tại 6 vùng miền kinh tế – xã hội của Việt Nam từ tháng 11 năm 2014 đến tháng 01 năm 2015, kết quả chỉ ra rằng rượu không kiểm soát được ở Việt Nam là rất cao, chiếm tới 75% tổng lượng rượu tiêu thụ, loại rượu này chất lượng kém là nguyên nhân gây ra ngộ độc, gây thất thu ngân sách nhà nước. PGS. TS. Lưu Bích Ngọc kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước nhất là trong quá trình xây dựng luật cần quan tâm đặc biệt tới quản lý rượu dân tự nấu chứ không chỉ tập trung chính sách quản lý vào 25% rượu có nhãn mác.
Theo báo cáo của WHO 2014 (Biểu đồ 4), sử dụng chất có cồn ở Việt Nam nằm trong ngưỡng 5-7,4 lít/người/năm cồn nguyên chất từ tuổi trên 15, thuộc vào mức trung bình thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Biểu đồ 4: :Lượng chất cồn sử dụng trên thế giới và Việt Nam (Nguồn: WHO)
Cũng theo báo cáo của WHO 2014, mức sử dụng lượng cồn nguyên chất bình quân theo đầu người (+ 15 tuổi) trên thế giới cao nhất là: Belarus với 17,5 lít/người/năm. Ở Châu Á, Hàn Quốc 12,3 lít/người/năm, Việt Nam 6,6 lít/người/năm, đứng thứ 94/194 nước thành viên của WHO.
Tóm lại, Việt Nam trong tiến trình hội nhập đã và đang tham gia các hiệp ước song phương, đa phương, như CPTPP với sự đầu tư trong nước và nước ngoài ngày một tăng. Vì vậy, khi xây dựng chính sách, pháp luật đối với ngành bia, rượu trong quá trình hội nhập cần phải đánh giá đúng thực trạng để đưa ra được hướng đi thích hợp, vừa tăng cường chức năng quản lý, kiểm soát vừa thu hút đầu tư, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
PGS.TS NGUYỄN VĂN VIỆT (Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam)