Nước vối hay trà vối là một loại đồ uống giải khát được nấu bằng nụ, hoặc lá vối đã ủ chín rồi phơi khô, cũng có thể dùng ngay khi lá còn tươi. Đây là loại đồ uống rất thông dụng ở nông thôn, thậm chí cả thành thị vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Nước vối được dùng để uống hàng ngày giống như nước chè xanh.
Lá vối tươi hay nụ tươi có thể sử dụng được ngay, hoặc lá vối tươi phơi nắng thật kỹ, thật khô giòn rồi dùng. Tuy nhiên để nước vối được ngon, theo kinh nghiệm dân gian cổ truyền người ta thực hiện qua giai đoạn gọi là ủ lá. Sau quá trình ủ thì chất ngái do nhựa và chất diệp lục của lá sẽ bị phá huỷ và nước vối sẽ ngon hơn. Lá hoặc nụ vối sau khi thu hoạch được rửa sạch nhựa, cho vào thùng, thúng, bồ,… rồi phủ rơm rạ cho đến khi đen đều thì lấy ra rửa sạch phơi khô.
Nếu dùng chum, vại để ủ thì chất lượng sản phẩm sẽ ngon do chum, vại giữ được nhiệt và giữ được độ ẩm trong quá trình ủ tốt hơn. Lót lá chuối khô hoặc ít rơm xuống đáy chum, lấy lá vối và các cuống con, bỏ các cuống già, các lá chết, cho vào chum, phía trên lớp lá vối lại phủ kín bằng rơm rạ hay lá chuối khô, sau đó úp sấp chum xuống mặt đất, để vào nơi thoáng mát, sau một thời gian theo kinh nghiệm (và tùy theo mùa) lấy ra phơi thật khô rồi cất đi để dùng dần. Ở nông thôn người dân thường cất lá vối lên gác bếp vì ở bếp khô ráo luôn có khói và bồ hóng nên các vi khuẩn bị hạn chế phát triển, lá vối không bị ẩm mốc.
Quá trình ủ tốt là khi lấy ra phơi lá chín tới và chín đều, tức là sau khi ủ lấy ra phơi lá phải ngả màu vàng chuyển đen đều nhau. Lá vối ủ đúng cách thì được nước và uống thơm ngon hơn.
Trong lá vối, nụ vối có tanin, một số chất khoáng, vitamin và có khoảng 4% tinh dầu với mùi thơm dễ chịu, một số chất kháng sinh có khả năng diệt được nhiều loại vi khuẩn gây bệnh. Lá vối tươi hay khô sắc đặc được coi là một thuốc sát khuẩn dùng chữa nhiều bệnh ngoài da như ghẻ lở, mụn nhọt. Trong dân gian, nhân dân ta thường lấy lá vối để tươi vò nát, nấu với nước sôi lấy nước đặc gội đầu chữa chốc lở rất hiệu nghiệm.
Nước vối có màu đỏ nâu nhạt, uống có vị đắng nhẹ, hơi ngọt, hương thơm ngai ngái, thường sử dụng chủ yếu làm đồ uống giải khát, cũng dùng chan cơm như một loại canh, ăn kèm cà pháo muối chua. Bên cạnh đó, nước sắc đặc có thể dùng làm thuốc sát khuẩn chữa nhiều bệnh ngoài da như ghẻ lở, mụn nhọt. Ngoài ra, lá vối để tươi vò nát, nấu với nước sôi có thể gội đầu chữa chốc lở.
Nước vối đã đi vào thơ ca rất đỗi bình dị, dân dã và gần gũi. Bằng những cảm xúc chân thực của mình, nhà thơ Nguyễn Trọng Đình đã gửi gắm tình yêu quê hương đất nước của mình từ những thứ rất quen thuộc và mộc mạc – nước vối.
Nước vối quê hương
Ðêm rừng già đi nghe mưa rơi
Một mảnh áo tơi che chẳng kín người
Nước chảy qua môi, hớp từng ngụm nhỏ
Bỗng nhớ mẹ ngồi bên ấm giỏ
Nước vối đặc nồng
Ngọt ngào chuyện cũ
Ôi nhớ sao,
Mảnh vườn quê hương ta đó
Cây vối già bạc phếch nắng mưa
Mỗi nhánh mốc gầy đều in dấu tuổi thơ
Tháng năm tới cành chỉ còn thấy nụ
Nụ chín vàng mẹ lấy vào dấm ủ
Hạt khô ròn trong nắng nhỏ xôn xao
Rồi những ngày ngâu tràn chum nước gốc cau
Những tháng rét trải rơm làm ổ ngủ
Bắc ấm nước mưa, con ngồi nhóm lửa
Nụ tích mấy mùa mẹ lại sẻ ra pha
Chén nước ấm nồng ngai ngái vị thuốc ta
Mà nhấp khỏi cứ ngọt ngào đầu lưỡi
Con ủ tay dưới nắp bông nóng hổi
Nghe rì rầm câu chuyện cũ năm nao
Có gà chín cựa, ngựa chín hồng mao
Trận thuỷ chiến nước dâng cuồn cuộn
Cô gái láng giềng lén sang nghe trộm
Bỗng hỏi dồn:
– Sơn Tinh thắng hay không?
Mẹ ơi,
Quê ta đêm nay có nặng hạt mưa giông
Ấm vối đặc chắc vẫn nồng trong giỏ
Tháng năm rồi, vối trong vườn kết nụ
Cô láng giềng còn hái giúp mẹ không?
Chúng con đi giữa rừng đêm mưa xối
Lòng vẫn ngọt ngào vị nước vối quê hương
Súng chắc trong tay, gạo cuốn bên sườn
Theo bước chân nhau gạt cây băng tới
Ðất nước mình còn đạn thù cày xới
Giục giã chúng con nhanh bước trong mưa
Mẹ hãy nói giùm con với cô gái tuổi thơ:
Ta phải thắng hơn Sơn Tinh thuở trước!
Con sẽ về với bao nhiêu hẹn ước
Bên ấm vối nồng kể lại mẹ những chiến công
Thoang thoảng đầu nhà nụ vối đưa hương.
BỬU HƯƠNG