Hà Giang cuốn hút khách du lịch bởi những con đường đèo uốn lượn theo triền núi, những cánh đồng hoa tam giác mạch nên thơ, những bản làng yên bình hay những phiên chợ rực rỡ sắc màu… Song góp phần tạo nên đặc trưng cho vùng đất này còn có giống chè Shan Tuyết, được trồng trên dãy núi cao Tây Côn Lĩnh.
TRÀ TUYẾT NGẬM HƯƠNG
Hà Giang khí hậu mát mẻ cùng nguồn nước tự nhiên tinh khiết, đất đai màu mỡ, phù hợp để phát triển giống chè Shan Tuyết, giống chè có một lớp tơ mịn như nhung, trắng như tuyết trên những chiếc lá. Đây cũng là lý do mà cái tên đầy thi vị “Shan Tuyết” được đặt cho loại đặc sản này.
Chè Shan Tuyết được hái từ những cây chè cổ thụ, ở độ cao 1400m. Hiếm có nơi nào mà cây chè lại to lớn như ở Hà Giang. Thân cây to đến nỗi một vòng tay người lớn ôm cũng không xuể. Trên thân và cành phủ một lớp địa y trắng mốc. Cành cây vươn dài vững chãi. Cành lớn đủ sức chịu đựng cả chục người trèo lên cây để hái chè. Trên mảnh đất Hà Giang, chè Shan Tuyết phân bố khắp các huyện, tại vùng cao núi đá vôi Lũng Phìn – Đồng Văn, vùng cao núi đất Phìn Hồ – Hoàng Su Phì hoặc vùng chè cổ nhất Việt Nam Bó Đướt – Vị Xuyên…
Chè Shan Tuyết được người dân địa phương thu hoạch từ 3 đến 4 lần trong năm. Thời vụ thu hái ảnh hưởng lớn đến chất lượng mỗi mẻ chè. Lứa chè hái đầu tiên vào mùa xuân, cuối tháng 2 đầu tháng 3, mang lại chất lượng tốt nhất. Tuy nhiên, theo những người trồng chè có kinh nghiệm, mùa thu hoạch cho năng suất cao nhất lại vào tháng 5 và 6, hoặc tháng 8. Để rồi, khi những cánh đồng hoa tam giác mạch bung nở rực rỡ vào giữa tháng 10 kéo dài đến cuối tháng 11 cũng là lúc vụ chè cuối năm được thu hoạch. Chè Shan Tuyết có 2 loại, loại chè lá nhỏ có tán hình mâm xôi hoặc dạng nến. Loại chè này có nhiều ở Lũng Phìn, chiếm phần lớn ở Hà Giang. Chè lá to lại trồng nhiều ở vùng chè cổ Bó Đướt, Thượng Sơn – Vị Xuyên.
VỊ NGỌT THANH KHÓ CƯỠNG
Từ lâu, người dân trồng chè ở Hà Giang đã biết sử dụng các loại thảo mộc để điều chế thuốc bảo vệ thực vật cho cây chè chống lại sâu bệnh mà không dùng đến hóa chất độc hại. Bởi vậy, cây chè phát triển tốt, là nguồn nguyên liệu sạch, được khai thác hoàn toàn tự nhiên. Chè Shan Tuyết hàm lượng các amoni acids, polyphenols và antioxidants cao, là những chất có lợi cho sức khỏe, chống lão hóa, chống ung thư, giải độc và tăng tuổi thọ…
Từ khâu hái chè đến khi ra thành phẩm, người dân đều phải tuân theo một quy trình nghiêm ngặt. Cụ thể, khi hái người ta phải chọn những búp tươi non, không sâu bệnh. Quá trình chế biến, công nhân mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang và găng tay, đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, tại Hà Giang còn có phong tục không hái chè vào 3 ngày âm lịch cố định trong năm, đó là ngày Thần Sấm 1.3, ngày Thần Gió 20.1 và ngày Lợn Rừng 3.3. Theo truyền thuyết, nếu người dân hái chè vào những ngày này thì lá chè sẽ bị hỏng, mất đi vị ngon vốn có.
Thưởng thức trà Shan Tuyết chuẩn vị thì việc pha trà cũng cần có nghệ thuật. Giống như các loại trà khác, cần cho một lượng chè vừa phải phù hợp khẩu vị (cho nhiều hơn nếu thích uống đậm), rót chút nước nóng vào xuyến tráng một lượt cho chè sạch, sau đó ngâm trong nước nóng khoảng 5 phút là đã có một bình trà thơm ngon. Chén nước chè Shan Tuyết có màu vàng như mật ong. Nhấp một ngụm trà sẽ cảm nhận được hương thơm dìu dịu rồi đến vị hơi đắng nơi đầu lưỡi. Nhưng vị ngọt thanh ngay sau đó sẽ đến với người thưởng trà.
Từ lâu, thưởng trà đã trở thành nét đẹp văn hóa trong nghệ thuật ẩm thực của người vùng cao Hà Giang và người Việt. Uống trà đúng cách còn có tác dụng tốt đến sức khỏe và sắc đẹp của người dùng. Đông y cho rằng, trà đắng tính hàn, trong âm có âm, kháng lại tính hỏa. Hỏa sinh trăm bệnh, nhờ vậy bệnh tật có thể được thanh trừ.
Nếu có cơ hội đến Hà Giang một lần, bạn đừng quên thưởng thức một chén trà Shan Tuyết giữa đồi chè bao la, tận hưởng cảm giác khoan khoái của núi rừng nơi địa đầu Tổ quốc.
ĐÔNG THI