Trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa phát triển rất nhanh, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện, chế độ ăn uống quá dư thừa, cùng với lối sống không lành mạnh làm gia tăng nhanh chóng căn bệnh bệnh thừa cân/béo phì cả ở trẻ em và người trưởng. Thừa cân-béo phì là nguyên nhân của nhiều bệnh tật, ảnh hưởng tới sức khỏe và chi phí chữa bệnh ngày một tăng.
Béo phì được định nghĩa là tình trạng tích lũy mỡ vượt quá mức bình thường đến mức độ có thể có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Trước năm 1995, tỷ lệ thừa cân không đáng kể, béo phì hầu như không có nhưng từ năm 2000 đến 2005, tỷ lệ thừa cân và béo phì đã tăng gấp 2 lần sau 5 năm ở người trưởng thành (từ 3,5% lên 6,6%). Tỷ lệ trẻ <5 tuổi bị thừa cân béo phì tăng gấp 9 lần sau 10 năm (2000-2010) và năm 2013 tỷ lệ này đã ở mức 6,3%. Người trưởng thành từ 18 đến 69 tuổi có tới 15,6% bị thừa cân/béo phì, trong đó ở thành thị là 21,3% và nông thôn là 12,6%. Nhiều nghiên cứu cho thấy béo phì ở trẻ em thường liên quan tới béo phì khi trưởng thành.
Thừa cân/béo phì hoàn toàn phòng ngừa được, nhưng nếu để bị thừa cân-béo phì thì việc giảm cân sẽ cực kỳ khó khăn, phải thực hiện rất kiên trì và bền bỉ. Hai giải pháp then chốt trong cộng đồng với mục tiêu ngăn ngừa sự gia tăng của thừa cân béo phì là: tăng cường hoạt động thể lực, thực hiện chế độ ăn uống hợp lý và dinh dưỡng lành mạnh.
Chế độ ăn dự phòng bệnh thừa cân béo phì:
Nguồn năng lượng từ chất bột đường nên cung cấp 60-65% năng lượng một ngày. Chú ý vai trò khoai củ trong chế độ dinh dưỡng hợp lý nhất là để giảm bớt nguy cơ thừa cân ở các đối tượng có nguy cơ. Không sử dụng nhiều thịt đỏ (không quá 10% năng lượng), ưu tiên ăn cá, thịt gia cầm. Nên ăn thịt vừa phải (không quá 100g/ngày/người trưởng thành), khuyến khích ăn cá (cá có nhiều acid béo nhóm n-3 tốt cho sức khỏe tim mạch), đậu tương (nguồn protein và chất béo quí giá, nhiều hoạt chất sinh học có vai trò chống oxy hóa, chống ung thư và điều hòa chuyển hóa cholesterol), các hạt họ đậu. Sữa là một thực phẩm có giá trị cao đặc biệt là giàu canxi và riboflavin (vitamin B2). Tùy theo thể trạng cơ thể mà chọn loại sữa toàn phần hoặc sữa gầy tách bơ,… Có thêm sữa trong chế độ ăn hàng ngày phù hợp với tình trạng sức khỏe và điều kiện kinh tế là rất tốt.
Về chất béo ở tỷ lệ cân đối giữa các nguồn chất béo động vật và thực vật: Tổng số năng lượng do chất béo nên đạt ít nhất 15% năng lượng và không vượt quá 25% năng lượng khẩu phần (trung bình nên duy trì ở mức 18-22%). Vì vậy nên sử dụng dầu thực vật được chế biến từ các loại hạt (đậu tương, vừng, lạc) và cá mỡ (có nhiều acid béo chưa no n-3) đồng thời chú ý không tái sử dụng chất béo, dùng chất béo phù hợp với cách chế biến.
Nên sử dụng đủ rau, quả quanh năm với lượng trung bình là 400g/người/ngày. Vai trò của rau và quả chín như là nguồn các vitamin và chất khoáng đã được khẳng định, đồng thời là nguồn chính cung cấp chất xơ để làm sạch đường tiêu hóa.
Việt Nam có lượng tiêu thụ nước ngọt có gas hàng năm lên đến hàng nghìn triệu lít, bình quân khoảng 23 lít/người/năm. Nước ngọt có gas là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh như: béo phì, tiểu đường, tim mạch, bệnh thận, gout, loãng xương,… Nếu dùng một lon nước ngọt có gas mỗi ngày có thể làm tăng gần 7kg cân nặng trong một năm. Bởi một lon nước ngọt 600 ml chứa lượng đường tương đương 36g. Một người uống một lon nước ngọt 600ml/ngày/người, thì trong một năm sẽ tiêu thụ thêm 23 kg đường. Lượng đường này trong các loại nước uống tăng lực là 24g/lon 250ml. Do thành phần chủ yếu của nước ngọt có gas là: hương vị, chất tạo ngọt, khí CO2, chất bảo quản nên không tốt về mặt dinh dưỡng. Trẻ em, người già, người muốn giảm cân, mỡ máu, đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh thận không nên dùng.
Không nên ăn các món xào, rán, nướng mà tăng cường ăn các món luộc, hấp để giữ được giá trị dinh dưỡng của thực phẩm, giảm biến đổi thực phẩm gây tác hại cho sức khỏe trong khi chế biến. Hạn chế ăn đồ nướng vì làm tăng nguy cơ gây ung thư. Thực phẩm chế biến sẵn có nhiều chất béo như: gà rán, thịt nướng, pizza…là nguồn cung cấp năng lượng đáng kể, dễ gây thừa cân béo phì.
Các thực hành về ăn uống nói trên cần phối hợp với nếp sống lành mạnh, năng động, hoạt động thể lực đều đặn, vừa sức và duy trì cân nặng ở mức “nên có” để phòng chống thừa cân-béo phì.
Ths. Bs. Nguyễn Văn Tiến
Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia