Năm 2014, Thủ tướng chính phủ đã ban hành QĐ 244/QĐ -TTg về “Chính sách quốc gia, phòng chống tác hại và lạm dùng đồ uống có cồn đến năm 2020”. Chính sách này đề cập đến vấn đề lạm dụng rượu bia, các đồ uống có cồn khác và bảo vệ người tiêu dùng trước những tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn. Thông qua chính sách này, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo “Luật Phòng chống tác hại của việc lạm dụng rượu bia”. Dự thảo này đã đang và vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý của truyền thông cũng như nhận được nhiều luồng ý kiến từ người tiêu dùng, nhà sản xuất, cũng như những học giả tri thức.
Tọa đàm về đề xuất về đề xuất xây dựng dự án luật phòng, chống tác hại của rượu, bia
Căn cứ vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo thì luật này quy định về các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia, đồ uống có cồn khác bao gồm: “Các biện pháp kiểm soát giảm mức tiêu thụ và mức độ dễ tiếp cận đối với rượu, bia; các biện pháp kiểm soát việc cung cấp và hạn chế tính sẵn có của rượu, bia; các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia, bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống tác hại của rượu, bia và Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng”. Tức là luật này đưa việc kiểm soát nhu cầu sử dụng và quản lý nguồn cung cấp rượu bia là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên dựa theo nội dung của chính sách mà thủ tướng chính phủ đã đề ra thì mục tiêu của dự thảo luật là “phòng ngừa và giảm tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác đối với sức khỏe cộng đồng, trật tự an toàn xã hội để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, ổn định và bền vững”. Vì thế mục tiêu của dự thảo luật chưa đúng với mục tiêu mà thủ tướng chính phủ đã đề ra.
Trong dự thảo này, Bộ Y tế cũng có đề cập đến vấn đề thành lập Quỹ sức khỏe cộng đồng trên cơ sở tổ chức lại Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá. Nhưng theo Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) thì chúng ta không nhất thiết phải xây dựng Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Ông Đỗ Văn Vẻ – Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình khóa XIII chia sẻ quan điểm tại buổi tọa đàm
Nếu xây dựng quỹ này thì Quốc hội cần phải xây dựng cả dự án Luật quy định riêng dành cho Quỹ vì cũng có rất nhiều những hoạt động khác liên quan và ảnh hưởng đến sức khoẻ của cộng đồng như giao thông, môi trường… Tại buổi tọa đàm về đề xuất xây dựng dự án luật phòng, chống tác hại của rượu bia, PGS.TS Nguyễn Văn Việt _ Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rươu – Nước giải khát Việt Nam cũng đã chia sẻ rằng: “Những ý kiến, đề xuất nằm trong dự thảo Luật chưa tập trung vào các yêu tố dẫn đến việc lạm dụng rượu bia mà mới chỉ tập trung vào việc hạn chế nguồn cung và nhu cầu sử dụng đồ uống có cồn. Vì thế nên Luật này không những không có hiệu quả trong việc điều chỉnh, hạn chế hành vi lạm dụng rượu bia mà còn là nguyên nhân gây ra sự gia tăng của tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái. Bởi vì, khi dân số tăng và nền kinh tế càng ngày càng phát triển thì nhu cấu sử dụng rượu, bia càng ngày càng lớn. Nếu hạn chế nguồn cung sẽ dẫn đến tình trạng gia tăng buôn lâu, hàng giả, hàng nhái. Hơn thế nữa, nếu sản xuất không thể đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái ngày càng gia tăng thì sẽ dẫn đến tình trạng sản xuất trong nước bị đình trệ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu ngân sách của Nhà nước”.Cũng tại buổi tọa đàm, ông Đỗ Văn Vẻ – Đại biêu quốc hội tỉnh Thái Bình khóa XIII cho biết: “ Chúng ta cần xem xét lại và làm rõ một số vẫn đề trước khi đưa dự thảo ra Quốc hội để tránh gặp phải những sai sót không đáng có và để ngành cũng như nền kinh té đất nước có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn”.
Dựa vào điều 11, chương 3 của dự thảo có quy định cụ thể các địa điểm không được bán rượu, bia; các đối tượng mà người bán không được bán rượu bia. Quy định này chỉ phù hợp với từng trường hợp, địa điểm và các đối tượng khác nhau. “Việc không được bán rượu bia” không phải giải pháp hạn chế tai nạn giao thông mà “cấm uống rượu bia trong khi điểu khiển phương tiện giao thông và trong giờ làm việc” mới là giải pháp tối ưu để ngăn chặn tình trạng tai nạn giao thông do bia rượu gây ra.
Đồng thời, không thể lấy số ít để làm tiêu chuẩn đề ra luật cho số đông, cần hiểu rõ mục tiêu, “cấm” đúng người, đúng đối tượng uống rượu bia, cần phải tạo ra sự đồng thuận của người dân cả nước. Thêm vào đó, hiện nay, Nhà nước ta đang quản lý khá tốt về chất lượng cũng như sản lượng của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bia, rượu và đồ uống có cồn. Còn các doanh nghiệp cũng chấp hành đúng các chính sách thuế mà nhà nước đặt ra. Vì thế, không thể “cấm” uống rượu bia, mà cần phải chỉ ra đối tượng chính xác và cụ thể. Nếu không chính xác sẽ làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dẫn đến ảnh hưởng tới nguồn thu của ngân sách Nhà nước.
Bộ Y tế cần phải xem xét lại về dự thảo “Luật Phòng chống tác hại của làm dụng rượu bia” cần phải sửa đổi, không nên tập trung vào việc kiểm soát nhu cầu sử dụng, cũng như kiểm soát nguồn cung cấp rượu bia mà cần tập trung vào việc giảm thiểu tác hại của việc lạm dụng rượu bia và hiểu rõ được việc lạm dụng rượu bia cũng như sử dụng rượu bia không đúng cách mới là ưu tiên hàng đầu của dự luật này. Từ đó đưa ra các biện pháp phù hợp và có hiệu quả trong việc giảm thiểu các tác hại mà rượu bia gây ra.
THU NGÂN