Ngồi trước mặt tôi là người phụ nữ độ tuổi 60 với chút nhan sắc còn đọng lại, cùng sự kiêu hãnh luôn hiện lên trong ánh mắt và nụ cười đượm buồn của chị.
Chị tìm tới tôi vì chúng tôi có quen nhau qua một người bạn, biết tôi làm báo nên chị đến tâm sự với tôi về cuộc đời của chị – cuộc đời vợ một người lính – tuy chưa có cuộc chiến nào xảy ra suốt 40 năm nhưng chị cũng đã phải chịu đựng sự hy sinh mất mát, tổn thương, không sao đong đếm được như bao người vợ lính có chồng xa nhà khác.
Có lẽ, chị nghĩ người làm báo đi nhiều và từng trải, sẽ có cách nhìn có thể đồng cảm với chị, hiểu được nỗi buồn, sự éo le trong cuộc đời chị.
Chị kể, chị đươc sinh ra trong một gia đình trí thức tại Hà Nội – cha của chị là Kiến trúc sư và mẹ là giáo viên trường trung học cơ sở.
Là con gái lớn trong gia đình có 4 người con – chị được rèn luyện khe khắt những kỹ năng để sống đẹp, sống tốt theo quy chuẩn của người phụ nữ trong thời bao cấp.
Tuổi 20 chị gặp anh con trai cưng của Chính ủy một sư đoàn nổi tiếng, anh học giỏi đẹp trai và chị đã yêu anh bằng tất cả tình yêu của người con gái mới lớn.
Và anh cũng vậy – tha thiết say mê chị.
Sau 4 năm tìm hiểu, được sự đồng ý của cha mẹ hai bên, chị đã về làm dâu nhà anh khi vừa tròn 23 tuổi. Còn anh thì khi ấy mới 24 tuổi.
Cái tuổi quá trẻ và cũng thiếu kiến thức về hôn nhân nên cuộc sống gia đình đôi khi va vấp, nhưng tình yêu đã kéo họ lại gần để vượt qua tất cả.
Căn nhà của bố mẹ chồng chị được cất trên nền đất rộng 800 m2 tại Hà Nội. Nhà nhỏ nhưng vườn rộng nên trồng táo, có ao cá, nuôi heo nái, nuôi gà… Chị sống cùng với gia đình chồng. Vậy là kỹ năng sắp xếp nhà cửa, may vá quần áo cũng không có đất dụng võ.
Khi chị sinh con gái đầu lòng, vất vả vì anh công tác tại Hà Đông tuần về được 2 lần, chị làm tín dụng tại ngân hàng ở Hà Nội, thu nhập cũng chỉ đủ để nuôi con. Tuy nhiên, dù ở nhà chồng nhưng cũng được gần cha mẹ, anh em của mình, chị cũng thấy vậy là hạnh phúc.
Sau gần 2 năm bố mẹ anh quyết định chuyển gia đình vô Nam, anh được bố viết đơn xin chuyển tới một đơn vị cách căn nhà bố mẹ khoảng hơn 1km và có ngay chức vụ phù hợp với học vấn của mình.
Chị ở lại ngoài Hà Nội với con gái lúc đó tròn 1 tuổi. Gửi con đi nhà trẻ và đi làm khoảng nửa năm thì chị viết đơn xin nghỉ không lương để vô Nam tìm việc theo anh. Vào Sài Gòn ở nhà được 9 ngày thì chị đi làm lễ tân tại Câu lạc bộ của Trung ương Đoàn, với mức lương chỉ đủ nuôi sống mình.
Sống chung với gia đình chồng, dù chị có chịu thương chịu khó tới đâu thì cũng không đỡ nổi tính vô tư của anh trong sinh hoạt. Anh không đóng góp tiền ăn, sinh hoạt bừa bãi, ảnh hưởng tới mọi người trong gia đình. Thế là, bao nhiêu khó chịu từ anh thì tất cả gia đình chồng đổ lên đầu chị.
Khoảng thời gian sống chung 6 tháng thôi nhưng là nỗi ám ảnh kinh hoàng bám theo chị cho tới suốt cuộc đời, chị tâm sự với chúng tôi.
Chị ra lại Hà Nội một thời gian ngắn và may mắn được chuyển công tác vào một ngân hàng lớn tại TP.HCM. May mắn hơn, sau đó anh được cấp đất theo diện tích chính sách cho gia đình quân đội, chị đã ước mơ có một căn nhà để ra ở riêng thì hai vợ chồng sẽ hạnh phúc biết bao…
Vì địa thế miếng đất không thể cắt đôi bán một nửa lấy tiền xây một căn nhà con con như tất cả các gia đình bộ đội thời đó – khi sư đoàn ra thời hạn thu hồi đất nếu không xây nhà, thì chị đã cương quyết đi vay mượn để cất được một tổ ấm xinh xắn và gia đình chị đã ở đó cho tới nay đã 31 năm trời.
Sống riêng, thu nhập ổn định – tổ ấm nhỏ của anh chị bình yên trờ lại, đầy ắp niềm vui. Hạnh phúc vẹn toàn hơn khi vài năm sau chị sinh cậu con trai như mơ ước. Chị cũng đã phấn đấu được cơ quan kết nạp Đảng và đi học cao học để trau dồi kiến thức.
Khi chị đi học khoá cao học kinh tế thì anh cũng xin đi học để phấn đấu cùng vợ. Có điều chuyên ngành anh theo học không có trong Nam nên anh lại ra Bắc dùi mài kinh sử. Khi đó con trai anh chị mới lên 4, còn cô con gái chỉ mới 13.
Anh vui như chim sổ lồng, còn chị tất bật một mình 2 đứa con và đi học một tuần 4 buổi trong 3 năm để hoàn tất chương trình của mình. Chị không dám nản lòng, không thể than vãn trước gánh nặng nuôi con và ráng hoàn thành công việc của mình.
Rồi Trời thương, khó khăn giảm dần theo thời gian, khi cô con gái của chị rất ngoan và học hành giỏi giang nghiêm túc, cháu học đại học rồi cao học và đi làm. Cậu con trai bé nhỏ theo chị từng bước lớn dần lên, rồi cháu cũng đậu đại học và bây giờ cũng đã làm nhân viên một doanh nghiệp có tiếng theo nghề của mẹ.
Còn anh, anh đi xa lắm, thỉnh thoảng ghé về, chơi qua loa cùng con như khách trọ, rồi thưa dần.
Chị cũng nghe phong phanh anh em bạn bè nói anh cặp kè với một người phụ nữ không chồng nhưng có 2 cô con gái, trong hội phụ nữ độc thân và cũng bạn của chị gái lớn của anh. Phần thì tin chồng là quân nhân, là đảng viên, chắc bản thân cũng phải tự giữ gìn, phần thì quá bận với công việc cơ quan, việc nhà và chăm sóc cậu con trai không rời chị nửa bước và thực sự cũng không biết phải xử lý như thế nào, nên chị im lặng.
Cho đến giờ chị vẫn nói với chúng tôi, lúc đó cứ nghĩ vô đơn vị anh ghen tuông sẽ ảnh hưởng uy tín của chồng, còn bản thân chị nữa – nếu sự việc bị bóc tách vỡ lở ra chắc gì chị đã chịu đựng nổi, khi đó làm gì còn chỗ tựa cho các con. Chị cam tâm im lặng, bỏ ngoài tai những lời đồn đại…với niềm tin rằng rồi anh sẽ về.
Còn chị, chị dồn hết năng lượng và thời gian có thể để chăm sóc các con, vay mượn tiền cất lại căn nhà trên khu đất ngày xưa để có thể vừa ở vừa cho thuê có thêm thu nhập, với mong muốn sau này khi về hưu anh trở về sẽ thấy một tổ ấm vững vàng cùng hai con thành đạt.
Chị làm việc với niềm tin anh sẽ nhận ra tình yêu và trách nhiệm của chị đối với anh và đàn con cháu của mình. Thanh xuân và sức khoẻ dù đã đi qua nhưng thành quả ngày hôm nay sẽ cho chị niềm tự hào, câu của người xưa “Gái có công chồng chẳng phụ” sẽ là bản tình ca được cất lên trong căn nhà của chị.
Nhưng không, đúng vào lúc anh đến tuổi nghỉ hưu và có thể trở về nhà thì chị bất ngờ nhận được giấy báo “tranh chấp ly hôn” của Toà án quận nơi thường trú của gia đình. Chị cố liên hệ với anh nhưng anh chặn máy, chị nhắn tin anh không hồi âm. Khoảng thời gian đầu chị thực sự hoảng loạn. Giấy Toà mời liên tục. Lần thứ hai cách lần đầu 12 ngày, lần thứ ba sau lần hai 35 ngày, do Công ty Thừa phát lại mang tới.
Vì không có bao thư nên người đưa thư đã đọc cho chị nội dung. Do đang đi ngoài tỉnh nên không thể nhận chị đã nhờ người đưa thư mang tới cho bác Tổ trưởng dân phố nhận giúp.
Vậy là câu chuyện bác Đại tá đi công tác xa nhà 22 năm khi về hưu đơn phương ly dị vợ, vì lý do bác phải được pháp luật bảo vệ quyền sống – quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc, đã lan ra khắp cái xóm toàn quân nhân gắn bó với nhau suốt hơn 30 năm trường.
Hàng xóm nhìn chị thương cảm, một vài người hỏi thăm, có người dường như biết phong thanh gì đó còn hỏi chị có muốn biết tên bồ của người chồng là gì không?
Chị cũng không biết phải tỏ thái độ như thế nào mới gọi là “chuẩn” trong hoàn cảnh trớ trêu này. Tiếng đàn piano vẫn được cất lên vào đúng giờ, bài tập yoga mỗi sáng vẫn được vang lên khe khẽ từ sân thượng, các bức ký hoạ nho nhỏ vẫn được chị vẽ lên…
Chị cố gắng bình thường để sắp xếp lại suy nghĩ, làm gì đây để giữ hình ảnh với sui gia, với con cháu và họ hàng.
Rồi chị bắt đầu tìm hiểu mối quan hệ của anh với người phụ nữ ấy – là lý do để anh rời bỏ gia đình. Theo chị được thông tin thì ra anh đã có quan hệ với người phụ nữa ấy khi bắt đầu ra Hà Nội.
Cô ấy thua anh 5 tuổi – là một người đàn bà sắc sảo xinh đẹp chưa bao giờ lấy chồng nhưng có 2 con gái với một chủ thầu xây dựng. Cô ấy cũng thu xếp được để người chủ thầu không chịu ly dị vợ để lấy cô nhưng vẫn phải chu cấp nuôi 2 cô con gái tới lúc trưởng thành.
Chồng của chị đã được lọt vô tầm ngắm. Anh đã đưa cô vào đơn vị nơi anh công tác giới thiệu với bạn bè đồng nghiệp là vợ hai. Anh nói đã ly dị chị từ rất lâu rồi. Ảnh cũng đưa cô ấy tới tận nhà sui gia và nói với chị sui là em đã ly thân vợ ???.
Trong tang lễ của bố anh giữa tâm dịch, trong khi vì cách ly chị không về được thì anh đưa cô ấy về đeo khăn tang, còn chị từ xa đã gửi 50 triệu đồng cho anh làm tang lễ của bố cho chu toàn.
Tuy nhiên tới nay đã 7 tháng sau khi bố anh qua đời thì mộ phần vẫn không tên tuổi, nắp mộ vỡ đôi, cây cỏ dại mọc đầy mà chị không được phép tôn tạo hoàn thiện mộ khi anh không đồng ý.
Hôm nay, anh làm đơn ly hôn khi về hưu thì tất cả thông tin mới dám phản hồi lại vì trong đơn vị anh là Đại tá đảng viên, trưởng phòng, chắc không ai dám đụng lúc anh còn đương chức. Với sui gia thì họ cũng không bàn luận, với họ hàng thì bố anh là người bỏ tiền xây nhà thờ tổ, bỏ tiền tự xây mộ (kim tĩnh) cho mình, anh em ở quê hiền lành nhẫn nhịn, hiếu khách nên dù bất bình nhưng cũng không ai quyết liệt làm gì.
Chị đau khổ hơn hết vì lần ra Toà hoà giải lần thứ nhất gặp anh, anh quyết liệt đòi ly hôn với lý do muốn sống tự do, không phiền phức. Bây giờ anh đã mua được nhà ở Vinhomes Long Biên – dở hơi mà dây tới chị cho mất công, anh nói thế.
Anh nói dối trơn tru mạch lạc về mối quan hệ mà anh cho là chị phạm lỗi lầm trước đây mà anh phải tha thứ ??? Và vì thế chị hiểu lý do về thái độ của con trai chị đôi khi cháu cất lời “mẹ cướp nhà của bố” hay “con không Cha là tại Mẹ”…
Cháu là đứa con mà chị hết lòng yêu thương chăm sóc, đứa con mà chị tốn biết bao sức lực, tiền bạc những mong con nên người tử tế, chính trực và biết yêu thương, đứa con luôn nói với mẹ những lời có cánh thể hiện tình cảm của mình. Thế nhưng, vì một tác động gì đó, cháu ra khỏi nhà và giữ thái độ hoàn toàn im lặng trước khi chị nhận được giấy gọi của Toà.
Chị nhìn 12 cặp sách của cậu con trai và 12 cặp sách của con gái, những cuốn sổ liên lạc ghi lại quá trình lớn lên và trưởng thành của 2 con mà hầu như chưa bao giờ có chữ ký của anh, những bài viết thu hoạch của các con sau các khoá kỹ năng mềm mà tâm trí cạn khô, cõi lòng tan nát.
Những kỷ vật nho nhỏ trong thời thơ ấu của các con cho tới khi trưởng thành cứ nhập nhoè trước mắt chị, nhưng hình như không phải là nước mắt che đi mà là nỗi thất vọng vô bờ của một con người cô quạnh đang chìm dần giữa biển khơi, dù không có sóng nhưng như đang đêm chẳng biết đâu là bến bờ.
Có những lúc, chị ngồi một mình mông lung vô định, không có tiếng động nào xung quanh ngoài tiếng kim đồng hồ mải miết đếm thời gian đủ giây thì tròn phút, đủ phút sẽ tròn giờ, mải miết mải miết như 22 năm qua – khi đủ tuổi 60 nghỉ hưu nhất định anh sẽ quay về như chị hằng mong đợi.
Trong thời chiến có những người lính ra đi khi còn xuân với bao ước vọng, họ xa gia đình người thân, xa người vợ trẻ cùng con thơ và không bao giờ trở về nữa. Họ nằm xuống mãi mãi mang tuổi trẻ của mình để nhuộm thắm cho màu cờ Tổ quốc mãi tung bay trên dải đất hình chữ S. Họ đã mang cho gia đình và người thân niềm tự hào vì sự hy sinh thiêng liêng cao cả.
Chồng chị – học cao như thế, quân hàm cao như thế, lại trong cấp uỷ thì chắc chắn anh đã cống hiến rất nhiều cho đất nước. Chẳng lẽ bây giờ chị đành coi như anh đã ngã xuống vì những viên đạn bọc đường – sự tha hoá đạo đức vì đã không còn lý tưởng chung, cứ nhăm mắt đưa chân trước một phiên Toà xử theo ý nguyện của anh để anh quay về Hà Nội với người phụ nữa anh quen và sống như vợ chồng 22 năm qua, còn chị tiếp tục sống cuộc đời đơn độc như vợ một liệt sĩ mà thực tế là chị đã sống như thế từ 22 năm trước.
Ai rồi cũng đến lúc cũng sẽ còn một mình, ai rồi đến lúc cũng sẽ cô đơn rời bỏ thế giới này. Chị luôn văng vẳng bên tai câu nói này để ráng chấp nhận, đằng nào thì chị cũng đã vậy suốt bao nhiêu năm trường – chỉ còn 1 đoạn nữa thôi… một đoạn đường ngắn thôi mà. Buông thôi.
Nhưng có lẽ không phải chỉ vậy, vì anh bắn tin qua con gái lớn, một nửa căn nhà chung sẽ là của anh và anh sẽ nhờ pháp luật đòi lại vì miếng đất quân đội cấp cho anh nên chị đương nhiên phải tự xây nhà. Đất lên chứ nhà thì đáng gì ??? Ai bảo chị xây làm gì, anh có ở đâu.
Chị lại rối loạn một lần nữa vì đây là nơi chị và các con sống suốt 31 năm với bao kỉ niệm, căn nhà là nơi thờ cúng các cụ tổ 5 đời của anh, căn nhà mà anh đã là khách trọ suốt 22 năm trường, căn nhà mà chị đã làm quần quật ngày đêm, mồ hôi chị đổ xuống thấm đẫm từng viên gạch để dựng xây nên nó làm nơi cư ngụ cho mình và các con.
Trước đây anh rất nhiều lý do để từ chối đóng tiền nuôi con như vì lương bộ đội eo hẹp, không thể đóng góp dù chỉ một đồng tiền tôn tạo nhà cửa – chị chỉ biết làm việc mà không đủ lý lẽ để tranh chấp với người chồng – bố của các con mình. Thôi thì vẫn là ruột thịt – có ai sống mãi đâu – có ai sống mãi ở trên đời để sân si và tham vọng.
Pháp luật chắc sẽ bảo vệ anh, quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc theo nhận thức của từng người nếu điều đó không ảnh hưởng tới người khác như lời vị thẩm phán.
Chị có phải là người đang bị tra tấn về tinh thần hay chị đang có vấn đề về nhận thức ??? “Một sự nhịn chín sự lành” – Cho dù thế nào nữa anh vẫn là bố của 2 con của chị.
Các con chị đã chọn sự im lặng vì tuy lớn lên bên mẹ nhưng 2 con chị luôn yêu và thần tượng người bố của mình, một người lính. Các con của chị là những đứa trẻ luôn khao khát tình cha và chị không bao giờ đề cập đến việc giải thích cho các con về trách nhiệm người chồng, người cha, trong gia đình vì sợ các con sẽ tổn thương.
Anh là con trai của một Chính uỷ nổi tiếng nên hình như anh có tài thuyết phục bằng lý lẽ, sự kiện nào đó thậm chí cả ngôn ngữ cơ thể để tự bảo vệ thái độ sống của mình, bất chấp điều đó sẽ ảnh hưởng thậm chí huỷ hoại tương lai các con, hay cố tình làm tổ thương chị để trả thù một điều gì đó anh không vừa lòng trong quá khứ.
Điều chị mong muốn bây giờ không còn là phải có anh để giữ một gia đình hoàn hảo nữa. Chị lo lắng vì sự nhẫn nhịn của chị đã biến chồng chị thành một kẻ coi thường luật pháp, một kẻ không coi trọng tình thân, đưa nhu cầu bản năng lên cao hơn hết, bất chấp đạo lý làm người, có thể làm ảnh hưởng lớn đến tương lai của các con chị.
Chị ngồi trước mặt chúng tôi, mắt nhìn xa xăm và tự hỏi, phải làm gì đây để một thế hệ tiếp nối không bị hủy hoại…
HẠNH