Mặt bằng đẹp chiếm tới 50% phần thắng nên dù hai quán Aha, Cộng cà phê có nằm kề nhau ở góc phố, cả hai vẫn rất đông khách.
Mặt bằng đẹp + Giá vốn thấp
“Trong một khu vực, mặt bằng của quán không đẹp nhất thì cũng phải nhì! Nếu không đạt thì không duyệt”, cán bộ tư vấn nhượng quyền cho một chuỗi cà phê lớn dẫn đầu hệ thống hiện nay khẳng định.
Với kinh nghiệm phát triển mảng nhượng quyền của chuỗi, vị này tính toán, mặt bằng đẹp có thể quyết định tới 50% khả năng thu hồi vốn sớm cho nhà đầu tư.
“Đẹp” được hiểu là cửa hàng có mặt tiền rộng, diện tích lớn, nằm ở vị trí đắc địa, bắt mắt, là tụ điểm lui tới cà phê của nhiều người. Vì thế mới có chuyện, từ năm ngoái, tại góc ngã tư Quán Sứ (Hà Nội), Aha Cafe phong cách “vỉa hè” mọc lên ngay cạnh Cộng cà phê chất “bao cấp” dù cửa hàng của Cộng đã án ngữ ở đây từ vài năm trước.
Thay vì “cố đấm ăn xôi mở quán” trên mặt bằng xấu, anh khuyên nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ tới khi chọn được vị trí đẹp hoặc thậm chí không loại trừ việc phải bỏ tiền để được nhượng lại suất thuê mặt bằng đẹp.
Tuy nhiên, mặt bằng đẹp đi kèm “nặng” chi phí. Do đó, nếu không muốn chịu rủi ro lớn, các nhà đầu tư nên “lựa cơm gắp mắm” chọn các chuỗi yêu cầu thấp hơn về vị trí. Một số chuỗi, mặt bằng chỉ cần có tổng diện tích lớn hơn 60-70 m2. “Quan trọng nhất là chú ý mặt tiền và khu để xe”, chủ một chuỗi nhượng quyền có chi phí đầu tư ban đầu khoảng một tỷ đồng nói.
Đó cũng là một trong những lý do, các chuỗi như Highlands, Cộng, Aha, chi phí đầu tư ban đầu (gồm cả một tháng thuê mặt bằng) có thể lên tới 3-5 tỷ đồng do họ có yêu cầu khắt khe hơn về vị trí cửa hàng. Trong khi ở một số chuỗi khác, chi phí ban đầu có thể cao nhất 1,2-,1,5 tỷ đồng.
Ngoài “mặt bằng đẹp”, chủ đầu tư còn phải nằm lòng phần còn lại của công thức “vàng” liên quan tới cân đối chi phí hoạt động của quán.
Với kinh nghiệm phát triển hàng chục cửa hàng nhượng quyền ở nhiều tỉnh, ông Vũ Việt Anh – sáng lập chuỗi cà phê Gemini gợi ý một “công thức” có thể áp dụng cho mọi mô hình quán cà phê. “Các chi phí bỏ ra không được phép chiếm quá 80% doanh thu, tức tỷ suất lợi nhuận tối thiểu 20%. Ví dụ, chi phí mặt bằng không nên chiếm trên 30% doanh thu, mức chi lương tối đa khoảng 15%, giá vốn chiếm dưới 30%”, ông nói.
Theo tìm hiểu của VnExpress, giá vốn của Aha ở mức 30%, cao hơn so với mặt bằng kinh doanh trà sữa hay những mô hình cà phê khác. Còn với Gemini, giá vốn chiếm khoảng 22-23% doanh thu, nếu tính thêm phụ phí thì khoảng 28%. Hiện tại, doanh thu của một cửa hàng Aha Cafe từ 5 đến 20 triệu một ngày (khoảng 150 – 600 triệu một tháng), tùy địa điểm. Còn với Gemini, ở mức đầu tư từ 600 triệu đến 1,5 tỷ, doanh thu của một cửa hàng khoảng 150 triệu đến 400 triệu đồng.
Chia sẻ với nhà đầu tư, bộ phận tư vấn của một trong những thương hiệu nhượng quyền phát triển với tốc độ nhanh chóng – Aha Cafe cho biết, thời gian thu hồi vốn của các cửa hàng đã được hãng phê duyệt mặt bằng và ký kết hợp đồng (mức đầu tư dưới 2 tỷ đồng) thường dưới 2 năm tính trên hợp đồng 5 năm. Trong khi đó, theo khảo sát, thời gian hoàn vốn tại một số chuỗi như Cộng Cà phê, Viva, Gemini… cũng khoảng 2 năm. Với chuỗi Napoli, những cửa hàng đầu tư quy mô nhỏ dưới 200 triệu thậm chí chỉ cần 6 tháng để thu hồi vốn.
Ngọt đắng cà phê nhượng quyền
Tuy nhiên, nếu ai đó có ý định nghỉ việc để kinh doanh cà phê nhượng quyền thì khá “khoai”, theo lời nhà sáng lập của một thương hiệu cà phê có hơn 30 cửa hàng ở Hà Nội. “Làm không tốt cũng chẳng hơn làm công ăn lương”, anh nói.
Quả thực, cà phê có vị đắng nên người kinh doanh món này đôi khi cũng khó tránh cảm giác trên.
Ông Hoàng Anh, chủ một quán cà phê nhượng quyền Aha trên phố Đông Tác cho biết, làn sóng nhượng quyền ngày một nở rộ nhưng thực tế, anh có nhiều người bạn mở quán ra nhưng chỉ sống lay lắt qua ngày. “Doanh thu còn chỉ đủ nuôi mặt bằng. Nên trước khi quyết định, các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ, đừng dựa vào cảm hứng”, ông Hoàng Anh nói.
Một chủ đầu tư tại Hà Nội còn bị chủ nhà cho thuê mặt bằng “thổi giá” khi biết anh kinh doanh cà phê nhượng quyền. “Nếu tự mở quán thì phí thuê 80 triệu, còn mở quán nhượng quyền của thương hiệu X thì 120 triệu”, anh kể lại lời của người cho thuê. Bên cạnh đó, có trường hợp, khi chủ nhà thấy làm ăn tốt thì yêu cầu tăng giá hoặc đòi lại nhà không cho thuê nữa để tự làm.
Để mở một cửa hàng, nhiều người đã dốc hết vốn liếng cho số tiền ban đầu xây dựng quán và trả tiền thuê mặt bằng (thường thanh toán ít nhất 6 tháng một lần), mà không ý thức được có nhiều chi phí phát sinh trong quá trình vận hành thời gian đầu, như mua sắm thêm thiết bị hay trả lương nhân viên. Vì vậy không ít người gặp khó khăn khi thiếu hụt quỹ tiền mặt trong nửa năm đầu.
Ngoài ra, việc nhượng quyền ở tỉnh sẽ gặp phải tình trạng “doanh thu ảo” trong giai đoạn đầu tiên. Chủ cửa hiệu ở Hà Tĩnh cho hay, khi mới khai trương, doanh thu khoảng 20 triệu đồng một ngày, tuy nhiên càng về sau càng giảm dần, duy trì được một nửa. Bởi người dân ở tỉnh thường chỉ đến để “thử cho biết” còn lượng khách thực tế thấp hơn những ngày mới mở rất nhiều.
Ông Hoàng Tiễn, sáng lập chuỗi Coffee Bike nói thêm: “Chủ đầu tư cần tìm hiểu kỹ các loại chi phí và quyền lợi mà thương hiệu đưa ra bên cạnh thông tin về phí nhượng quyền mà họ đưa ra. Thực tế, nhiều chuỗi sẽ thu lời từ việc thu phí settup cửa hàng ban đầu cũng như bán nguyên liệu cho các cửa hàng”, ông nói.Hơn nữa, khi nhận nhượng quyền, có những vấn đề phát sinh mà chủ đầu tư không thể lường trước như khủng hoảng truyền thông. Người tiêu dùng sẽ phản ứng ngay lập tức, thậm chí tuyên bố tẩy chay với cả hệ thống khi một cửa hàng trong chuỗi có thông tin tiêu cực. “Họ không biết và không quan tâm ai là người quản lý từng cửa hàng. Chỉ cần một quán không may mang tiếng xấu, doanh thu các cửa hàng khác cũng sẽ bị ảnh hưởng”, người nhận nhượng quyền Cộng Cà Phê ở Hà Nội cho biết.
Bởi vậy, trước khi quyết định đầu tư, hãy tìm hiểu kỹ nhu cầu của thị trường, vai trò của hãng nhượng quyền cũng như nâng cao năng lực quản lý và vận hành, ông chủ của một thương hiệu cà phê chia sẻ.
Theo Vnexpress