Đọc cuốn Muôn Kiếp Nhân Sinh và nhiều câu chuyện hiện nay về nhân quả trong cuộc sống, người ta tin rằng nếu làm việc thiện thì có thể cải thiện được số mệnh của mình, biến hung thành cát, giảm được nghiệp báo.
Thế nhưng thực tế cuộc sống có nhiều vị quan chức hoặc đại gia giàu có, sau khi “phất” lên đã nỗ lực làm việc từ thiện cứu trợ người nghèo hay cúng dường chùa chiền, thế nhưng họ vẫn phải chịu nghiệp tù đày hay chết sớm trong những điều kiện khốc liệt.
Tại sao như thế. Thử đọc một bài viết của Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Nhà xuất bản Trí Việt, để hiểu thêm câu chuyện này.
Kinh Ấn Độ đã lưu truyền câu chuyện có thật ghi lại như sau:
“Một vị vua nọ vốn vô cảm, trọng hình thức bỗng dưng nghe lời những viên quan thái giám chê cung điện mình cũ kỹ, nhỏ bé, xúi giục nhà vua nên dời qua nơi mới xây hoành tráng, đúc tượng, xây lăng mộ to lớn để lưu danh muôn đời.
Nhà vua nghe theo đã lấy từ ngân khố quốc gia rất nhiều tiền của, vàng bạc, tuyển các nghệ nhân nổi tiếng trong vương quốc để xây lại cung điện huy hoàng, tráng lệ hơn rất nhiều, kể cả đúc tượng đài, lăng mộ sẵn cho mình mặc dù năm ấy thiên tai, nạn đói hoành hành khắp nơi, người dân cùng cực không có lương thực để ăn, áo quần để mặc những ngày giá lạnh.
Nhà vua đã ra lệnh đốc thúc các quan cưỡng bức những thợ dồn sức làm việc suốt ngày đêm, sao cho cung điện phải thật sang trọng nguy nga. Ông muốn có một chiếc ngai bằng vàng ròng, bồn tắm bằng ngọc, phòng ốc được trang hoàng cầu kỳ bằng đá quý với các chi tiết chạm trổ hết sức kỳ công, tốn kém. Tượng đài, lăng mộ thì cầu kỳ, cao to đồ sộ, choáng ngợp…
Chỉ ít lâu sau đó, nhà vua mắc một căn bệnh nan y, sức khoẻ ngày một suy kiệt. Các y sĩ giỏi nhất trong vương quốc dù đã cố gắng hết sức cũng đều phải bó tay, không thể cứu chữa.
Các nhà chiêm tinh nổi tiếng trong nước được triệu tới để đoán vận mệnh cho nhà vua. Các nhà chiêm tinh sau khi xem xét kỹ đều nói rằng nhà vua cùng lắm chỉ sống được một tháng nữa, vì số mạng của nhà vua đến đó đã là số tận.
Nhà vua trong tuyệt vọng vẫn suy tính: “Nếu chết, ta làm sao để có thể mang của cải, cung vàng điện ngọc theo được đây?”.
Cuối buổi, khi mọi người ra về hết, một vị chiêm tinh già rất có uy tín nán lại, tiến đến nói nhỏ một câu gì đó chỉ đủ cho nhà vua nghe. Nhà vua bỗng biến sắc, lặng người suy nghĩ.
Nửa đêm gần sáng hôm đó, cả triều đình bất ngờ khi nhà vua đột nhiên ra lệnh hủy bỏ ngay lập tức việc xây cất cung điện, tượng đài, lăng mộ, mang tất cả của cải, vàng bạc bố thí cho dân nghèo trong cả vương quốc cũng như ân xá, tha bổng cho các tù nhân đã giam giữ lâu mà trước kia từng làm phật ý nhà vua. Sau đó vua đã thanh thản chấp nhận số phận của mình.
Nhưng thật kỳ lạ, sau khi từ bỏ việc xây cất cung điện và tiến hành phát chẩn cứu đói, ân xá tù nhân, sức khỏe nhà vua mau chóng hồi phục một cách kỳ lạ trước sự kinh ngạc của các bậc lương y cũng như tất cả triều thần.
Thiên tai cũng giảm hẳn đi, cuộc sống người dân trong quốc gia cũng bớt khổ, bình an hơn. Ai cũng tri ân nhắc đến công đức nhà vua.
Nhà vua ngạc nhiên cho gọi vị quan chiêm tinh đó đến để hỏi. Vị chiêm tinh già nhìn nhà vua một lúc rồi chậm rãi giải thích: “Theo lá số chiêm tinh, mệnh của nhà vua thật ra đã hết, nhưng hành động bố thí lớn lao, ân xá tù nhân vừa rồi đã làm lay động nhiều cõi, chiêu cảm được những điều tốt lành, may mắn và chuyển hóa được nghiệp báo nên nhà vua sẽ không phải chết nữa”.
Khi tôi còn đang bàng hoàng về câu chuyện thì ông Kris chậm rãi:
– Bất cứ ai một khi đã gây nhân ắt sẽ có quả nhưng khi nào nhân trổ quả thì còn tùy vào lực chiêu cảm, hành vi tiếp theo và công đức của mỗi người. Chính vì vậy, số mệnh con người không bao giờ cố định mà luôn luôn thay đổi tùy theo tâm thức và sự thức tỉnh của người đó. Khi con người có thêm hiểu biết, có nhận thức mới và quyết tâm thay đổi từ tâm thức, thay đổi suy nghĩ, lời nói và hành động, thì khi đó mới có thể cải biến được số mệnh.
Đó chính là qui luật “Hoán cải số mệnh – Đức năng thắng số” mà ông đã từng nghe đến. Thật ra, gần như ai cũng biết đến nguyên lý này nhưng ít có người dũng cảm thực hiện được, vì tâm họ còn nhiều tham sân si, ích kỷ, thường chỉ biết nghĩ cho riêng mình mà không nghĩ đến thiên hạ, chúng sinh.
Nhất là những người có nhiều của cải, quyền lực thường có tư tưởng bám chấp rất lớn, dù họ biết chết đi không mang theo được gì cả nhưng họ vẫn muốn tích góp, kiếm chác thêm được chút nào hay chút đó, ít biết thật lòng biết chia sẻ, cho đi giúp người đang cùng cực khó khăn.
Ở phạm vi lớn hơn, một quốc gia luôn có cộng nghiệp, chịu ảnh hưởng rất lớn từ sự chuyển đổi tâm thức, hướng thiện từ những người giữ vị trí cao nhất, ảnh hưởng đến chuyển đổi tâm thức của các quan lại triều đình, rồi mới đến sự thức tỉnh của đa phần những người dân sống trong quốc gia đó.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng bố thí, làm việc thiện không thể là hành vi có mục đích, ý đồ riêng, nhằm tự vinh danh hay cứu vãn một tai họa nào đó cho bản thân. Đó phải là sự giác ngộ, thức tỉnh thực sự trong tâm để chuyển hóa thành hành vi thiện nguyện, là việc thiện chỉ vì lòng thiện chứ không thể vì bất kỳ động cơ nào khác.
Từ năng lượng thật sự đó, mới chiêu cảm được những điều tốt lành từ nhiều cõi và số mệnh mới có thể được chuyển biến. Ông cần nhớ rằng làm việc thiện phải từ tâm, không cần hồi báo. Chúng ta làm điều tốt vì đó là điều đúng đắn nên làm chứ không phải vì mong muốn nhận lại được điều tốt cho bản thân, đúng như câu “Tri ân bất cầu báo”.
Thomas gật đầu tán thành:
– Tôi hiểu rồi. Việc “cải mệnh” hóa ra có vẻ đơn giản nhưng lại không hề dễ làm. Không phải cứ mặc sức làm điều độc ác, hại người lợi mình, rồi sau đó vì sợ sự trừng phạt nhân quả nên vội vàng bỏ tiền bỏ của ra làm những việc công đức nặng tính hình thức là có thể xóa đi nghiệp ác hay báo ứng được.
Nếu chỉ làm nặng phô trương, làm miễn cưỡng cho có – không thực sự xuất phát từ suy nghĩ, hành động thiện tâm và tình yêu thương, trắc ẩn thực sự thì không một ai trên đời có thể thay đổi được số mệnh, nghiệp quả, và quốc gia cũng khó lòng thay đổi được cộng nghiệp từ những việc làm sai trái trước đây mà bất kỳ cá nhân hay quốc gia nào cũng đã từng gây ra”.
“Nhân quả đừng đợi thấy mới tin”.
(*)“Bí ẩn những cõi giới khác – Muôn Kiếp Nhân Sinh P.2”. GS. John Vu – Nguyên Phong
NGUYỄN VĂN PHƯỚC