Trong tâm thức của mỗi người dân Hà Nội đều có những kỷ niệm về một thuở uống Bia hơi Hà Nội ở quán bia nổi tiếng trên phố Hàng Đậu, Hoàng Diệu những năm 80 của thế kỷ trước. Các nhà văn, nhà thơ lại càng có nhiều kỷ niệm, với những câu chuyện thâm tình bên cốc bia hơi. Tôi là một trong những ẩm khách như thế.
Nhiều người vẫn nhớ, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, trên phố Hoàng Diệu có một địa chỉ bia ngon nổi tiếng: Câu lạc bộ Quân đội. Đây là nơi tập luyện của Đội bóng đá Thể Công nức tiếng một thời, là nơi thi đấu của các vận động viên quân đội, nơi sinh hoạt, luyện tập thể thao, giải trí của các sĩ quan. Nhiều nhà văn quân đội cũng tụ tập ở đây hàn huyên đủ chuyện. Trên tầng 2 tòa nhà trung tâm là quán giải khát. Ai đến cũng phải tìm vào để uống một vại bia hơi.
Tôi may mắn có thẻ sinh hoạt Câu lạc bộ cho dù mới chỉ đeo quân hàm thượng úy. Buổi chiều, sau giờ làm việc, tôi lại đi bộ dọc phố Phan Đình Phùng rẽ sang phố Hoàng Diệu vào Câu lạc bộ nhanh chân xếp hàng để kịp mua bia. Mỗi sĩ quan chỉ được mua 2 cốc. Chị Đào bán vé rất vui tính. Chị hay mặc chiếc áo ngắn tay màu trắng, có chấm hoa tím, cổ cánh sen, đếm và trả tiền thừa cho khách rất nhanh. Chị cũng rất nguyên tắc: Không bán cho ai quá 2 cốc mặc dù người ấy có khéo miệng tán tỉnh, ngợi ca vẻ đẹp của chị tới tận mây xanh. Ai đến xếp hàng muộn nhiều khi không còn bia uống.
Bên cốc bia sủi bọt trắng, có bao nhiêu chuyện tôi không thể nào quên. Có lần, tôi rón rén bê cốc bia đến bên nhà văn quân đội Chu Lai nghe anh kể những lần tiểu đội anh luồn sâu đánh sân bay địch. Là một chiến sĩ đặc công xuất quỷ nhập thần, câu chuyện anh kể cũng như văn anh viết. Tôi trầm trồ thán phục tình huống anh nằm bên hàng rào dây thép gai, bị lính đi tuần hút thuốc lá ném tàn trúng lưng. Da thịt xèo xèo cháy mà anh vẫn phải dán mình xuống đất. Rồi chuyện, có thằng lính gác đi tuần cứ thế tè lên đầu anh, khai lòm. Những chi tiết này anh có viết trong truyện ngắn Lửa mắt đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Thường kể xong câu chuyện, anh lại tớp sâu một hớp bia. Bọt bia trắng bám trên cặp ria xanh rì của anh trông ngồ ngộ.
Có lần, tôi thấy mắt nhà thơ Duy Khán đỏ hoe. Tôi bê cốc bia đến bên bàn anh hóng chuyện. Vóc người anh nhỏ thó, gầy gò nhưng giọng đọc thơ lại trầm ấm, truyền cảm. Nghe chuyện mới biết, đêm qua, anh ngồi viết khuya, quá giấc nên khó ngủ. Anh lang thang dọc phố Lý Nam Đế. Trời khuya, mưa lắc rắc rơi. Thấy một ông lão đạp xích lô ướt đầm, anh chạy tới bảo ông xich lô dừng lại. Rồi anh ôm ông khóc nức bảo: Sao đêm hôm vất vả thế này!?. Rồi anh chạy lên phòng lấy chiếc áo mưa dành cho sĩ quan đưa ông mặc. Hiểu tấm lòng nhà thơ, ông cũng rưng rưng xúc động. Nghe nói sau này, họ là bạn của nhau. Thỉnh thoảng, ông lại qua số 4 Lý Nam Đế, nơi tọa lạc của Tạp chí Văn nghệ Quân đội gọi nhà thơ Duy Khán ra góc Vườn hoa Hàng Đậu làm cốc bia hơi râm ran chuyện trên trời, dưới biển.
Có lần, tôi đến muộn nên không còn bia uống đành tiu nghỉu quay về. Có tiếng gọi và những bàn tay vẫy theo tôi. Đó là bàn các nhà văn quân đội hay ngồi .
Tôi ngồi né bên góc. Nhà thơ Hữu Thỉnh lấy cốc sẻ cho tôi một nửa cốc bia của anh. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu cũng san cho tôi một ít. Đang khát, đang thèm, cốc bia của các anh sẻ cho, trào bọt trắng ngon vô cùng.
Tôi nhớ tới những vần thơ trong bài thơ “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” của nhà thơ Hữu Thỉnh. Tôi nhớ, có lần xuống bếp ăn ở số 8 Lý Nam Đế anh sẻ cho tôi mấy miếng thịt từ suất ăn của anh và chúc tôi lên mặt trận Vị Xuyên công tác an toàn, có nhiều bài hay, ảnh đẹp.
Lúc cuộc sống còn khó khăn, một cốc bia mấy người sẻ chưa đầy sao ngon đến vậy và cứ làm tôi nhớ mãi.
TRUNG HIỀN