Sau buổi Hội thảo ngày 25/5/2018 về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và tổng hợp ý kiến góp ý của các doanh nghiệp ngành Bia – Rượu, mới đây, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã có công văn gửi Bộ Y tế kiến nghị về tờ trình và dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Box: Với tư cách là đại diện cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu, bia, đối tượng chịu tác động trực tiếp của Luật, sau khi nghiên cứu dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế chủ trì chuẩn bị, VBA đã có kiến nghị gồm những nội dung chính sau:
– Cần đánh giá, xem xét kỹ về sự cần thiết ban hành Luật vì những căn cứ, lý do nêu trong Tờ trình chưa bảo đảm tính chính xác và chưa thuyết phục;
– Nếu xây dựng Luật, cần xem xét đổi tên thành Luật “Kiểm soát đồ uống có cồn” hoặc Luật “Phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn”;
– Cần nghiên cứu, xem xét các quy định về các biện pháp kiểm soát giảm nhu cầu tiêu thụ rượu, bia, kiểm soát việc cung cấp rượu, bia và kiểm soát giảm tác hại của rượu, bia phù hợp với thực tế và truyền thống của Việt Nam; đặc biệt nội dung quan trọng của Luật này là cần quy định cụ thể để kiểm soát thật tốt rượu thủ công. Đề nghị có sự phân biệt và quy định rõ về quảng cáo, tài trợ, khuyến mại giữa bia và rượu, giữa rượu vang và rượu mạnh;
– Đề nghị không thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe từ nguồn thu đối với rượu, bia hoặc đề xuất đóng góp bắt buộc trên cở sở tỷ lệ % trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt vào ngân sách nhà nước để chi riêng cho các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu bia và nâng cao sức khỏe.
Góp ý về dự thảo Tờ trình
VBA đã có những phân tích, lập luận chặt chẽ, đưa ra những con số thuyết phục, trong đó chỉ ra những con số chưa chính xác mà Ban soạn thảo đưa ra trong dự thảo Tờ trình.
*Về thực trạng sử dụng rượu, bia, mức sử dụng rượu: Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2014), sử dụng rượu, bia bình quân ở Việt Nam là 6,6 lít cồn nguyên chất/người/năm, đứng thứ 94/194 nước nước thành viên của WHO Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê là 4,4 lít/người/năm (số liệu năm 2016). Như vậy, mức sử dụng rượu, bia ở Việt Nam thuộc trong nhóm trung bình thấp, chưa đến mức báo động và cần phải được kiểm soát chặt chẽ để giảm mức tiêu thụ. Theo báo cáo của Trường Đại học Beer Kirin Nhật Bản về lượng bia tiêu thụ bình quân theo đầu người/năm trên thế giới (năm 2016), Việt Nam xếp từ thứ 55 trở lên sau Hàn Quốc, Nhật Bản, vào loại trung bình so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Số liệu về tăng trưởng của ngành bia trong Tờ trình cũng không chính xác. Theo báo cáo của Hiệp hội, thì sản lượng bia năm 2017 chỉ tăng 5,65% so với năm 2016, mấy năm gần đây mức tăng có xu hướng giảm dần, chứ không phải tăng 10,5% như Ban soạn thảo nêu trong Tờ trình.
*Về thực trạng sản xuất, kinh doanh và quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, bia: Hiện nay các nhà máy đã được đầu tư khá hiện đại, có trình độ cạnh tranh với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, rượu sản xuất theo phương pháp thủ công còn lạc hậu về công nghệ, quy mô nhỏ lẻ khó kiểm soát về số lượng và chất lượng. Ngành bia, rượu được sản xuất tuân theo quy hoạch đã được phê duyệt, trong 3 năm gần đây tốc độ tăng trưởng của ngành bia giảm dần. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng giảm 3,4% so với năm 2016.
Sản xuất và tiêu thụ rượu của các nhà máy chính thống gặp nhiều khó khăn bởi nhiều lý do như thuế tiêu thụ đặc biệt cao, bị cấm quảng cáo dưới mọi hình thức, tình trạng hàng lậu, hàng giả, nhái gia tăng… Theo một nghiên cứu điều tra quốc gia của Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy, tỷ lệ rượu không kiểm soát được ở Việt Nam là rất cao (rượu dân tự nấu, rượu không rõ nguồn gốc), chiếm gần 75% tổng lượng rượu tiêu thụ.
Tốc độ tăng trưởng của ngành bia giảm dần trong các năm gần đây. Theo quy hoạch đã được phê duyệt năm 2016, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm, giai đoạn 2021-2025 là 4,6%/năm và giai đoạn 2026-2035 là 4%/năm.
Trong Tờ trình của Bộ Y tế có nêu: “Theo quy hoạch hiện hành, mục tiêu của ngành rượu đến 2025 là khoảng 440 triệu lít rượu công nghiệp/năm” là chưa chính xác vì theo Quy hoạch hiện hành thì sản lượng rượu từ nay đến năm 2035 không tăng mà chỉ giữ ở mức 350 triệu lít, trong đó giảm dần tỷ lệ rượu thủ công và tăng dần tỷ lệ rượu sản xuất công nghiệp từ 35% năm 2020 lên 50% vào năm 2035.
Bia, rượu được xếp vào loại hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia và rượu từ 20 độ trở lên hiện nay là 65% theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt ngày 26 tháng 11 năm 2014.
*Về tác hại của rượu, bia: Trong dự thảo Tờ trình Chính phủ, Bộ Y tế nhấn mạnh “việc sử dụng rượu, bia gây ra những hệ lụy to lớn với sức khỏe, các vấn đề kinh tế – xã hội và sẽ ngày càng trầm trọng hơn nếu không được ngăn ngừa kịp thời”.
Thực tế hiện nay nếu sử dụng rượu nhất là rượu vang và bia một cách hợp lý, có văn hóa, trách nhiệm thì không có hại, thậm chí còn có lợi cho sức khỏe. Đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học trên thế giới được công bố và chứng minh về vấn đề này.
Chỉ có lạm dụng rượu, bia hoặc sử dụng rượu, bia không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm mới là nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc xác định sản phẩm rượu, bia có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm quy định về an toàn thực phẩm có tác hại giống như rượu, bia không rõ nguồn gốc xuất xứ là chưa chính xác.
Những ý kiến về tác hại của rượu, bia đối với kinh tế và xã hội cũng cần được xem xét lại, cần có điều tra thực tế tại Việt Nam chứ không thể lấy số liệu quốc tế với điều kiện khác rất xa Việt Nam để nói rằng chi phí cho việc phòng, chống và khắc phục tác hại của rượu, bia lớn gấp 1,5 lần đóng góp ngân sách của ngành.
Tai nạn giao thông do nhiều nguyên nhân, trong đó đáng lưu ý là cơ sở hạ tầng giao thông, chất lượng phương tiện, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, chứ không phải nguyên nhân chính là do rượu, bia.
Tóm lại, có sự khác biệt với các số liệu trong dự thảo Tờ trình của Bộ Y tế về thực trạng sử dụng, sản xuất, kinh doanh rượu, bia và tác hại của rượu, bia với thực tế của ngành. Một số số liệu trong Tờ trình chưa cập nhật với thực tế ở nước ta hiện nay.
*Về thực trạng hệ thống văn bản quy phạm pháp Luật
Theo báo cáo của Bộ Y tế tại Tờ trình đến tháng 12 năm 2016 có đến 85 văn bản quy phạm pháp luật có các quy định liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Quảng cáo, Luật An toàn thực phẩm, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật xử lý vi phạm hành chính…Hiện nay, cũng theo Báo cáo của Bộ Y tế thì còn 33 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đang có hiệu lực.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chính sách quốc gia về phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 (Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2014).Vì vậy, khi xây dựng luật cần có báo cáo đánh giá đầy đủ kết quả thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật này và trả lời câu hỏi tại sao có nhiều văn bản quy phạm pháp luật như vậy mà chưa quản lý tốt đặc biệt là quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công như ý kiến của cơ quan soạn thảo. Nếu thực hiện tốt các văn bản đã có và khắc phục được các hạn chế đó thì có cần thiết phải ban hành một đạo luật mới hay không.
Hiệp hội cho rằng nếu các cơ quan quản lý nhà nước đẩy mạnh việc tuyên truyền và thực hiện thật nghiêm túc những quy định đã có trong các văn bản quy phạm pháp luật và trong trường hợp cần thiết có thể điều chỉnh, bổ sung một số quy phạm pháp luật trong các văn bản đã ban hành là đã có thể kiểm soát tốt, tạo điều kiện cho ngành ổn định và phát triển, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
* Về kinh nghiệm quốc tế
Theo Tờ trình của Bộ Y tế thì chưa có quốc gia nào trên thế giới ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Ở Đông Nam Á, Thái Lan có Luật Kiểm soát rượu, bia. Và cũng chỉ có một số ít quốc gia khác có đạo luật riêng về kiểm soát rượu, bia như: Lithuania có Luật về kiểm soát chất có cồn; Srilanka có Luật về cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm soát rượu, bia, thuốc lá và Pháp có Luật Loi E’vin năm 1991… Việc ban hành một luật mới có thể tạo ra sự chồng chéo và không đầy đủ so với các luật hiện hành và không đạt được mục tiêu đề ra của dự Luật này.
*Về đánh giá tác động của Luật
Việc đánh giá tác động của luật là một yêu cầu bắt buộc, quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật. Chỉ khi tác động tích cực của luật là cơ bản và những tác động tiêu cực là tối thiểu và các biện pháp dự kiến đặt ra có tính khả thi cao thì dự án luật đó mới đạt chất lượng. Với dự án luật này, việc đánh giá tác động cần đầy đủ hơn. Việc đề xuất các chính sách nhằm hạn chế nguồn cung và hạn chế nhu cầu sử dụng rượu, bia sẽ dẫn đến tác động đối với người lao động và gia tăng tình trạng buôn lậu, hàng nhái, hàng giả và hệ lụy tăng ngân sách để giải quyết lao động dôi dư, chống buôn lậu, ảnh hưởng lớn tới nguồn thu ngân sách của Nhà nước.
Hơn nữa, tình trạng rượu trôi nổi, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ là nguyên nhân liên quan đến các vụ ngộ độc, không thu được các loại thuế, phí vẫn chưa quản lý được mặc dù đã được quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật thì cơ quan đề xuất vẫn chưa đưa ra được các biện pháp quyết liệt, khả thi.
Với các quy định trong dự thảo luật, Nhà nước chỉ có thể quản lý được các sản phẩm rượu, bia do các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu có giấy phép, còn không quản lý được các tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không có giấy phép chiếm khoảng gần 75%.
Từ những phân tích trên đây, Hiệp hội đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại sự cần thiết ban hành Luật.