Ngày 30/6 tới, Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) sẽ tổ chức họp Đại hội cổ đông năm 2020. Có nhiều câu hỏi giới đầu tư đang trông chờ được giải đáp tại Đại hội.
Chỉ tiêu kinh doanh năm nay Hội đồng quản trị Sabeco dự kiến trình cổ đông thông qua là 23.800 tỷ đồng doanh thu, 3.252 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 37% và 39% so với thực hiện năm 2019.
Sabeco cho rằng, năm 2020, hoạt động kinh doanh của Tổng công ty đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, đến từ Nghị định 100/2019/NÐ-CP (cấm lái xe khi uống rượu bia) và sự bùng phát của dịch Covid-19.
Giải pháp kinh doanh được Sabeco đưa ra trong năm nay chủ yếu hướng tới tiết giảm chi phí bằng việc lắp hệ thống năng lượng mặt trời, nâng cao năng lực quản lý, tập trung vào giữ thị phần, thương hiệu, tung ra sản phẩm mới…
Tuy nhiên, những giải pháp này lại chưa giải quyết được thách thức lớn trong dài hạn, đó là Nghị định 100.
Giữa tháng 1/2020, CTCP Tập đoàn Bia Sài Gòn – Bình Tây, đơn vị mà Sabeco sở hữu 21,8% cổ phần và 22,18% quyền biểu quyết đã ra sản phẩm bia không cồn Sagota. Trung tuần tháng 3/2020, Heineken cũng đưa ra thị trường sản phẩm bia 0,0% độ cồn.
Ðây là hai đơn vị cung cấp bia không cồn đầu tiên tại Việt Nam để giảm tác động từ Nghị định 100. Thực tế này khiến nhiều cổ đông đặt câu hỏi, Sabeco chưa tìm ra giải pháp mới cho 2020 hay đang giấu các giải pháp dự kiến triển khai sắp tới?
Theo CNBC, ở châu Âu, trong vòng 20 năm trở lại đây, doanh số bia có cồn liên tục giảm, do vậy, các hãng sản xuất bia – rượu lớn trong vài năm gần đây đã phát triển mạnh sản phẩm bia không cồn để bù đắp cho sự sụt giảm này.
Những sản phẩm này giúp người tiêu dùng uống không say, không đỏ mặt và đặc biệt sẽ không bị cảnh sát xử phạt vì nồng độ cồn sẽ là 0 độ hoặc 0,5 độ. Họ thực hiện sản xuất chưng cất theo cách thông thường và sau đó có thêm công đoạn tách bỏ cồn, mùi vị không thay đổi nhưng không còn cồn.
Doanh số bia không cồn ở Ðan Mạch đã tăng 31,6% trong 1 năm và tăng gấp 4 lần so thời điểm hiện tại cách đây 5 năm. Tại Thụy Ðiển, bia không cồn chiếm gần 10% thị phần.
Rõ ràng bia không cồn đang và sẽ tiếp tục là xu hướng phát triển trong tương lai, Việt Nam cũng sẽ sớm đi theo xu hướng của thế giới dưới tác động của Nghị định 100 và người dân ngày càng có ý thức bảo vệ sức khỏe.
Việc Sabeco chậm chân trong phát triển bia không cồn có thể bị các đối thủ tung ra sản phẩm trước chiếm lĩnh thị trường cũng như định vị thương hiệu trong lòng người tiêu dùng.
Ðược biết, ngày 5/6/2020, kỷ niệm 145 năm thành lập của Sabeco, Công ty tung ra sản phẩm mới là bia Lạc Việt. Ðây là dòng sản phẩm hướng tới phân khúc trung cấp, cũng như tiếp tục có độ cồn nhất định.
Ðiều này càng làm giới đầu tư quan tâm hơn chiến lược phát triển sản phẩm mới trong Ðại hội cổ đông sắp tới.
Bên cạnh các nội dung đáng chú ý về hoạt động kinh doanh, tại Ðại hội, Hội đồng quản trị Sabeco dự kiến trình cổ đông phương án chia cổ tức 35% trong năm 2019 và dự kiến năm 2020 vẫn là 35%.
Bên cạnh câu hỏi liên quan tới hoạt động kinh doanh cốt lõi, giới đầu tư sẽ có những câu hỏi liên quan tới dòng tiền của doanh nghiệp. Trong nhiều năm qua, dòng tiền hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp liên tục dương.
Tuy nhiên, trong báo cáo quý I/2020, dòng tiền hoạt động kinh doanh bất ngờ âm 1.097 tỷ đồng, trong khi đó năm gần nhất 2019, dòng tiền hoạt động kinh doanh dương 5.005 tỷ đồng.
Trong đó, có hai khoản mục là tồn kho tăng từ 1.967,1 tỷ đồng lên 2.256,9 tỷ đồng và phải trả người bán ngắn hạn giảm từ 2.427,1 tỷ đồng về 1.279,6 tỷ đồng.
Như vậy, có phải doanh nghiệp tồn kho tăng do bán hàng gặp khó khăn, cũng như việc mua nguyên liệu từ các đối tác phải trả tiền và không được mua chịu như trước đây? Hiện tượng này liệu có kéo dài trong quý II và thời gian sắp tới hay không, hay chỉ là hiện tượng ngắn hạn do dịch gây ra?
Giới đầu tư chờ Ðại hội đồng cổ đông thường niên của Sabeco để được giải đáp rõ hơn về các chiến lược ứng phó với khó khăn của ông lớn ngành bia này.
Theo Đầu tư chứng khoán