Họa sĩ Hoàng A Sáng là người dân tộc Tày. Anh đang sống và làm việc tại Hà Nội. Con gái anh đi du học ở nước ngoài, anh thường viết trên facebook những mẩu chuyện rất hay, về cuộc sống của mình đã vượt qua tất cả khó khăn của một thanh niên người dân tộc để học tập và trưởng thành…
Những câu chuyện tưởng như vu vơ, nhưng thực chất là tâm sự cùng con, giúp cho con vượt qua mọi khó khăn để sống tự tin vào những điều tốt đẹp, sống tự trọng và không ngừng vươn lên. Những bài học rút ra thật sự rất hay cho các bạn trẻ bây giờ…
KIÊN NHẪN LÀ THẾ NÀO?
…. Cuối tuần, Kiu lại hỏi trưởng bản: tính kiên nhẫn là thế nào và làm thế nào để có nó?
Một câu hỏi hay con gái bé ạ, kiên nhẫn luôn đưa con người đi đến thành công…
Bố đã gần 50 tuổi mới có được một phần của sự kiên nhẫn, đây là đức tính rất khó rèn luyện nếu người đó không đủ năng lượng và tự tin vào chính mình…
… Bố nhớ khi ấy bố mới 13 tuổi, cái tuổi bắt đầu lớn, cái tuổi ẩm ương để chuẩn bị thành trai bản. Tuổi này đầy ảo tưởng nên thường mất kiên nhẫn với thực tại.
Hôm đó, là ngày chợ phiên nhưng ông nội con giao cho bố cày hết đám ruộng gần bờ sông mới được đi chợ… Việc này khác nào cấm bố đi chợ, đám ruộng rất lớn, lại mới vào đầu hè nên nó ướt nhẹm, lầy lội cực khó cày… Nhưng lệnh ông nội thì bố phải làm… nhìn đám ruộng dài rộng ngút ngàn mà bố chán ngán, đến con bò đực to lớn của nhà mình cũng phì phì mũi ngán ngẩm…
Mãi rồi bố cũng thắng cày, quát rát họng con bò mới chịu bước xuống ruộng… cả bố và con bò cứ thế bì bõm lết đi, cứ đi được một đoạn lại phải dừng vì đất nhão quá khiến lưỡi cày quánh lại trượt ra khỏi mặt ruộng, con bò cũng phát cáu, nó quẫy đuôi liên tục làm bùn bắn vào mắt bố… thế là bố cũng cáu, vung roi nện nó… thế là nó lồng lên làm dây cày bị đứt…
Bố vừa khóc vừa mắng nó nhưng cũng phải nối lại dây cày để tiếp tục công việc…
Đánh vật gần nửa buổi sáng mà chỉ được có vài đường cày, cứ thế này thì cả ngày không xong, thời gian đâu mà xuống chợ tán gái???
Bố vừa khóc vừa lầm lũi lắp lại cày, lần này bố không dám đánh con bò nữa… bố biết, nếu đánh, nó lại lồng lên, lại đứt dây… lại mất thời gian và bố cũng biết con bò này cũng đang tuổi mới lớn, nó cũng có nhu cầu đi tìm bạn gái như bố… thế nên hãy từ từ, lựa từng tí để nó kéo cày…
Thế là bố đổi giọng, nịnh nọt nó, thỉnh thoảng còn vuốt vào đuôi nó như động viên: thôi, tao với mày cố cày, từ từ rồi sẽ xong… xong rồi mày lên đồi tìm bò mái, tao xuống chợ đuổi sơn nữ… thế nhé… cày đi nào chiến binh của núi rừng…
Con bò có vẻ hiểu bố nên từng bước cứ thế lúc lắc kéo cày.
Người Tày có câu “khắc đi khắc đến”, “leo núi thì từng bước một”… cứ thế bố và con bò từng bước – từng bước – từng bước… chậm rãi, chắc chắn, lầm lũi, đều đều… như cái cọn nước trăm tuổi của nhà mình…
Cứ thế, đến gần trưa thì đường cày cuối cùng cũng đến…
Con gái bé biết không, khi bố quay lại nhìn phía sau thì một cảnh như thần tiên hiện ra, đám ruộng bây giờ như khoác lên một bộ cánh mới… từng thửa đất được lật lên, đỏ au, thơm lừng như đùi sơn nữ, cả thửa rộng như có một sức sống mãnh liệt vì màu tươi rói ấy. Đã vậy, từng đàn chim sáo cũng từ đâu sà xuống, chúng ríu rít gọi nhau để bắt đám côn trùng bị xới ra khỏi lòng đất, chung bay như ngàn cánh hoa, chúng hát bài ca no đủ, khiến cả cánh đồng rạo rực sức sống.
Nắng đầu hè cũng lên cao, phủ xuống cánh đồng và phủ đầy đám ruộng bố mới cày xong bằng những hạt nắng vàng rực, con bò đực hưng phấn rống lên một tiếng vang rền bay mãi thinh không…
Khung cảnh lúc này đẹp hơn cả bài ca… bố hân hoan tháo cày, thả bò lên đồi rồi lao mình xuống dòng sông tắm thật sạch để tí nữa xuống chợ tìm sơn nữ…
Con gái bé thân yêu, đến bây giờ bố mới biết, chính sự kiên nhẫn đã giúp bố cày xong đám ruộng lớn… phương pháp từng bước, từng bước một là chìa khoá của kiên nhẫn – chính kiên nhẫn sẽ làm chúng ta trưởng thành mỗi ngày…
Hãy từng bước, từng bước một con gái bé nhé, làm như thế việc có khó đến mấy con cũng vượt qua!!!
TỰ TI LÀ CÁI GÌ?
…. Đêm nay Kiu lại hỏi bố bản rằng, tự ti là cái gì và tự ti có hại như thế nào?
Đúng thế con gái bé ạ, tự ti rất có hại và bố là người từng trải nghiệm trạng thái đó… Thật tồi tệ…
… Năm cuối của trường Nhạc Hoạ bố có yêu và được yêu một cô gái người Hà Thành hẳn hoi, bố và bạn ấy yêu nhau vô cùng trong sáng… Bạn ấy nói rằng, yêu bố vì trông bố như một khúc gỗ nghiến rắn chắc! Bạn ấy cảm thấy an toàn khi bên cạnh bố và bạn ấy muốn bố ở lại Hà Nội để lập nghiệp cùng bạn ấy…
Nói thực với con gái bé, khi ấy bố vẫn rất hoang mang, bố mang sẵn trong mình sự mặc cảm, tự ti rằng mình là người dân tộc thiểu số, nhà tận trên núi cao, chẳng có gì ngoài một thân xác nứt toác vì đi nắng nhiều… Bố cũng thích bạn ấy, vì đây là cô gái đầu tiên nhẫn nại dạy bố đọc từng câu tiếng Anh, nhẫn nại đến độ kỳ lạ – bạn ấy có thể ngồi cạnh bố cả buổi chiều chỉ để dạy bố phát âm đúng vài câu tiếng Anh…
Cũng bạn ấy là cô gái thành phố đầu tiên quàng vào cổ bố một chiếc khăn thổ cẩm ấm áp, không những thế bạn ấy còn thơm lên cái má rắn như đá của bố một nụ hôn ngọt lừ…
Con gái bé biết không, ấy là cảm giác tuyệt vời hơn cả bay qua núi cao, đó cũng là lần đầu tiên bố nắm chặt tay một cô gái thành phố – tay họ mềm – mềm như mây, như suối, như hơi thở của gió núi tháng ba – tay họ nhẹ và thanh như đòng lúa sắp chín – tay họ rất khác những bàn tay sơn nữ – chạm vào tay họ bố thấy như mình đang vuốt ve ngọn gió đầu hè…
Thú thực với con, bố cũng yêu bạn ấy dù còn nhiều tự ti, thỉnh thoảng bố vẫn thấy mình như mộng du, mỗi khi đi dạo với bạn ấy chân bố không chạm đất, bố bước đi mà bay – bay – bay – bay mãi!
… Vào một buổi tối, bố mang một túi hạt dẻ quê mình – hạt dẻ Trùng Khánh lừng danh đến để tặng cho bạn ấy – đó là món quà mà cả chuyến về hè bố đã trèo lên cây dẻ to nhất, cao nhất, nhiều hạt ngon nhất… bố nâng niu chúng như những hạt ngọc để đem về thủ đô tặng bạn ấy…
Bạn ấy đã reo lên vui sướng khi cầm gói hạt dẻ ướp đẫm mồ hôi của bố, bạn ấy chạy vào nhà khoe rồi rít: “Ôi! Hạt dẻ này mẹ ơi, hạt dẻ to đùng lạ thế…”, bố cũng thấy vui lây vì bạn ấy vui, nhưng ngay lúc đó mẹ bạn ấy nói một câu đau xót: “Lại quà của cái thằng Tông Dật (dân tộc) chứ gì…”
Bố nhự bị tọng một nắm rơm vào họng… bố chào bạn ấy qua quýt rồi ra về… Từ đó trở đi, dù bạn ấy làm mọi cách để bố tự tin hơn, bạn ấy nói rằng mẹ bạn ấy chỉ đùa, mẹ bạn ấy không biết bố có mặt ở đó, bạn ấy xin lỗi bố rất nhiều…
Tất nhiên, bố đã bỏ qua, vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với bạn ấy… nhưng trong sâu thẳm bố thấy cái gì đó là không thể cùng nhau lập nghiệp, có một cái gì đó mà bố không đủ sức bước qua…
Rồi vào một ngày, ông anh cùng làm ở xưởng vẽ với bố lấy vợ, anh ấy quê Quảng Ninh nhưng quyết lập nghiệp ở Hà Nội và cưới một cô gái ở Hà Đông… bố và các bạn sắn tay vào giúp chuẩn bị đám cưới, hôm đó mẹ của anh ấy cũng từ Quảng Ninh lên để chuẩn bị lễ , mẹ anh ấy thật nhanh nhẹn, tháo vát, chuẩn bị những mâm lễ rất thành thạo và bài bản…
Nhìn cảnh đó bố bỗng tưởng tượng đến cái ngày mà bố muốn cưới cô bạn thủ đô của mình, ngày đó chắc mẹ của bố, tức là bà nội con bây giờ chắc sẽ không biết làm những cái lễ như vậy, mẹ của bố hiền như lúa, mềm như nước, cả đời gần như không rời bản làng… làm sao biết về thủ đô để hỏi vợ cho con trai mình… Một sự tự ti hết sức tưởng tượng và vô cùng phi lí cứ thế dâng lên trong bố…
Và cũng từ ngày đó, bố lẳng lặng chia tay bạn ấy, mặc cho bạn ấy cố gắng níu kéo… bạn ấy buồn lắm lắm con gái ạ, bố đã biến mất một cách lạnh lùng và vô lý chỉ vì mang trong mình sự tự ti không đáng có!
Đấy, con thấy không? Tự ti luôn phá hỏng nhiều thứ, ngay cả với những người yêu thương mình thật…
Nhưng cũng may con gái nhể, nếu ngày đấy bố không biến mất, thì bây giờ chúng ta sẽ không thể là bố con…
Nhưng dù sao đi nữa cũng không nên và không cần mang trong mình cái năng lượng tự ti thừa thãi ấy.
Ai cũng có một khả năng, dân tộc nào cũng tuyệt vời, người Tày mình cũng thế, người Kinh cũng vậy, bằng chứng là cô bạn gái cũ của bố, bạn ấy đã vượt qua mọi mặc cảm để yêu thương bố thực lòng… Chỉ vì tự ti mà chúng ta phải mất nhau mãi mãi…
Đừng bao giờ tự ti nhé con gái bé!
THẾ NÀO LÀ TỰ TRỌNG…
… Hôm nay bố lại kể cho Kiu một câu chuyện – chuyện này không liên quan đến tán gái… nhưng vẫn là chuyện đi làm thêm thời sinh viên của bố…
Hôm ấy, ông chủ phân công bố chở một cái biển quảng cáo to đùng đoàng bằng cách dùng xe cải tiến, có nơi gọi là xe cút kít, tựa như xe bò nhưng dùng người để kéo và bố chính là người “tài xế”.
Bố kéo cái xe đó đi từ cổng trường Nhạc Hoạ đến tận viện 103, cũng gần 7 km…
Bố còn trẻ nên rất khoẻ, kéo đi phăm phăm…
Sau cả một buổi sáng bố cũng lắp xong cái biển và thong dong kéo xe về, bố nhận tiền công và đi ăn trưa…
Vì có tiền, lại đang đói nên bố quyết định vào một quán cơm khá sang của thời đó – kiểu quán ăn này chỉ phục vụ cán bộ, công chức xung quanh đó… còn đám sinh viên nghèo như bố thì gần như không dám ăn bao giờ…
Bố quyết chơi sang bằng cách gọi một đĩa cơm rang dưa bò, một cốc bia hơi mát lịm…
bố ngồi ngay cạnh một đội cán bộ đang ăn trưa, bàn ăn họ ê hề thức ăn, bia thì cứ gọi cả âu lớn… họ trò chuyện rôm rả, ầm ĩ…
Khi bố nhận đĩa cơm ranh của mình thì họ cũng lục đục rời đi, để lại cả mâm thức ăn thừa thãi, trong đó có đĩa thịt chân dò luộc còn gần như nguyên vẹn, đĩa thức ăn đó ngay sát bố, chỉ cần khều nhẹ là lấy ngay được. Nói thực với con, sức bố khi ấy có thể ăn nguyên cả con bò, đĩa cơm rang chả thấm vào đâu, có thêm hai đĩa thịt luộc nữa bố cũng sẽ chén veo…
Thú thực với con, đã vài lần bố định kéo đĩa thịt luộc đó về phía mình và chén cho đẫy bụng, nhưng một cái gì đó đã ngăn cản bố, dù bụng vẫn còn nhiều chỗ chứa thịt, miệng vẫn thèm khát cảm giác thơm ngon, béo ngậy của thịt luộc… và nó ở rất sát bố, không một ai có thể nhìn thấy bố lấy đĩa thức ăn đó…
… Rõ ràng sẽ rất lãng phí khi bỏ đĩa thịt này đi và rõ ràng hết sức phi lý khi bên cạnh đó là một trai bản mới lớn, cần nhiều chất đạm mà không thể ăn nó…
Có sao đâu con gái nhỉ, nếu bố ăn hết đĩa thịt đó thì còn đỡ lãng phí! Nhưng dù cực thèm bố vẫn không đủ sức khều đĩa thịt về phía mình….
Mắt bố cố lờ đĩa thịt, nhưng mũi bố thì cứ khịt khịt kéo vẹo má về phía đĩa thịt thơm lừng kia…
… Lúc ấy bố cố nghĩ đến núi đồi, dòng sông, bản Pác Thay yêu dấu, nhớ đến những bữa cơm có thịt vào mùa lúa mới, nhớ đến niềm kiêu hãnh của người Tày và dứt khoát không lấy, không ăn thứ không phải của mình… dù cơ hội là vô cùng lớn và an toàn…
Thế rồi người dọn bàn đến, mang đĩa thịt luộc đi một cách lạnh lùng, bố có tiếc nhưng cũng như vừa vứt được một ghánh nặng – nó nặng khủng khiếp con gái yêu của bố ạ! Nhưng như thế bố mới yên tâm để tận hưởng đĩa cơm rang ít ỏi, thiếu nhiều thịt với sức ăn của bố. Nhưng, nó là của bố, do bố làm ra, dù chưa đủ mình cũng không cần phải “ăn ké” một đĩa thịt thừa của người khác!!!
Con nhớ nhé, đừng lấy thứ gì không phải của mình, dù mình còn thiếu thốn. Sự thực là mình vẫn có cái ăn, hãy tập trung ăn với lòng biết ơn sâu sắc… như thế thức ăn sẽ ngon hơn, đừng xao lãng bởi đĩa thịt luộc bên cạnh vì nó không phải của mình…
Như thế người đời gọi là lòng tự trọng.
HOÀNG A SÁNG