5 năm thiền trên núi M’Đrắk, ông Đặng Lê Nguyên Vũ hạ sơn và đưa ra chiến lược mới cho Trung Nguyên với 2 thương hiệu chủ chốt: Trung Nguyên Legend và E-Coffee. Nếu như Trung Nguyên Legend nhắm tới tệp khách trung – cao cấp, cạnh tranh với Highlands Coffee và Starbucks, thì E-Coffee nhắm tới tệp khách hàng trẻ trung, hiện đại, bình dân, là đối trọng của các chuỗi Aha, Milano…
Các khu đô thị mạn Vũ Trọng Phụng – Nguyễn Tuân đang bị “quây” bởi một loạt thương hiệu F&B lớn: Highlands Coffee, Starbucks, Soya Garden, The Coffee House, và sắp tới đây là sự đổ bộ ào ạt của các quán cà phê Trung Nguyên. Bên cạnh Trung Nguyên Legend Nguyễn Tuân đã mở cửa, 3 cửa hàng Trung Nguyên E-Coffee khác đang chuẩn bị đổ bộ vào khu vực này.
Mới đây, Trung Nguyên E-Coffee vừa có màn chào Hà Nội ấn tượng với gần 1.000 đối tác quan tâm nhượng quyền đăng ký tham dự.
E-Coffee là mô hình mà “người Trung Nguyên” thừa nhận là tập đoàn này đã mất 23 năm “lên bờ xuống ruộng” mới tìm được mô hình thành công để chia sẻ.
Đây cũng là mô hình đang giúp Trung Nguyên từng bước lấy lại ngôi vị bá chủ về chuỗi, với tốc độ đăng ký mở mới lên tới 10 cửa hàng/ngày trong những ngày gần đây.
Ông Nguyễn Nguyên – Phó Tổng Giám đốc Trung Nguyên – cho biết: Chính thức ra mắt từ tháng 8/2019, hiện E-Coffee có 154 cửa hàng đang vận hành và 400 cửa hàng đang xúc tiến mở trong năm nay trên 33 tỉnh thành.
“Tốc độ đăng ký mới bình quân 10 cửa hàng/ngày”, ông Nguyên cho biết.
Đặc biệt, việc triển khai hợp tác chiến lược cùng 1.000 chuỗi cửa hàng tiện lợi, mở điểm tại chuỗi trạm dừng chân của các cung đường du lịch nổi tiếng khắp Việt Nam cũng được xúc tiến.
Sự kiện chào Hà Nội là cột mốc quan trọng trong việc mở rộng hệ thống cửa hàng Trung Nguyên E-Coffee tại các tỉnh thành miền Bắc, là bước đệm để hiện thực hóa việc mở rộng hệ thống lên 3.000 cửa hàng đến cuối năm 2020, hiện diện trên 63 tỉnh thành cả nước.
Đây cũng là tiền đề để Trung Nguyên vươn ra thị trường quốc tế.
“Hiện E-Coffee đã có hợp đồng phát triển tại Úc, Mỹ và Lào, góp phần hiện thực hóa khát vọng vươn tầm thương hiệu cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới”, Phó Tổng Giám đốc Trung Nguyên nói thêm.
E-Coffee và Trung Nguyên Legend phải nói là “canh bạc” của Trung Nguyên
5 năm thiền trên núi M’Đrắk, ông Đặng Lê Nguyên Vũ hạ sơn và đưa ra chiến lược mới cho Trung Nguyên với 2 thương hiệu chủ chốt: Trung Nguyên Legend và E-Coffee. Nếu như Trung Nguyên Legend nhắm tới tệp khách trung – cao cấp, cạnh tranh với Highlands Coffee và Starbucks, thì E-Coffee nhắm tới tệp khách hàng trẻ trung, hiện đại, bình dân, là đối trọng của các chuỗi Aha, Milano…, với mức giá cà phê khá bình dân từ 22.000 – 35.000 đồng (giá niêm yết tại các tỉnh thành khác nhau sẽ xê dịch một chút để phù hợp với mức thu nhập tại địa phương).
E-Coffee khá nỗ lực khi đưa vào giải pháp quản lý cửa hàng POS, giúp quản lý các công đoạn Kế toán – Bán hàng – Xuất – Nhập – Tồn kho – Tiếp thị – CRM (chăm sóc khách hàng), đồng thời tích hợp các hình thức thanh toán mới như VinID Pay, Momo… Bên cạnh đó, ưu điểm của E-Coffee so với các mô hình nhượng quyền khác là chi phí quản lý và chi phí nhượng quyền thương hiệu là 0 đồng trong 3 năm đầu.
E-Coffee có 3 gói nhượng quyền, xê dịch từ 65 – 175 triệu đồng (chưa gồm VAT). Mặt bằng mang tính linh hoạt với yêu cầu quy mô cửa hàng chỉ từ 4m2 trở lên, phù hợp với các cao ốc văn phòng, nhà hàng, khách sạn, trạm metro, sân bay, bến xe, chợ, các cửa hàng tiện lợi, trường học, bệnh viện, trạm dừng chân… Menu của E-Coffee khá đơn giản và mang tính linh hoạt cao. Trừ cà phê bắt buộc phải dùng của Trung Nguyên, các thức uống, đồ ăn bán kèm trong quán đều linh hoạt để phù hợp với từng vị trí cửa hàng.
Một điểm đặc biệt nữa với mô hình nhượng quyền của Trung Nguyên E-Coffee, là cà phê của thương hiệu này là cà phê pha máy, không pha phin. Cũng đeo khăn rằn trên cổ như Chủ tịch tập đoàn Đặng Lê Nguyên Vũ, ông Võ Minh Công Thiện – Trưởng nhóm Phát triển Kinh doanh chuỗi E-Coffee – giải thích, cà phê pha máy sẽ giảm tác hại của caffein trong 1 ly cà phê, đồng thời mang lại hậu vị rõ hơn cho khách hàng.
Ở miền Bắc, hiện E-Coffee có hơn 30 cửa hàng đã mở cửa, trong đó có 10 cửa hàng ở Hà Nội. Trong 10 cửa hàng ấy, có 3 cửa hàng Trung Nguyên tự mở, 7 cửa hàng còn lại là nhượng quyền.
E-Coffee và Trung Nguyên Legend phải nói là “canh bạc” của Trung Nguyên. Năm 2018, công ty mẹ tập đoàn Trung Nguyên thiết lập kỷ lục mới với doanh thu thuần đạt 4.360 tỷ đồng – tăng 10% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế năm 2018 của Trung Nguyên giảm gần 1/2, từ 681 tỷ xuống còn 347 tỷ đồng.
Bên cạnh việc chịu tác động tiêu cực do phong tỏa tài sản từ đề nghị của bà Lê Hoàng Diệp Thảo với tòa, một nguyên nhân giảm lợi nhuận khác được phía Trung Nguyên cho biết là tập đoàn này đang ở giai đoạn tái đầu tư để vươn ra toàn cầu với nhiều thương hiệu mới như Trung Nguyen Legend và E-Coffee.
Theo CafeBiz