TRUYỆN NGẮN CỦA PHAN CUNG VIỆT
Cửa hiệu em ở gần một khu trường đại học, phía trước là con đường đầy bụi. Dù thế nào, gần trường gần chùa là điều hay. Còn bụi thì dù lý giải thế nào cũng không thể mê được. Nó như tấm màn của mụ phù thủy giăng ra mê hoặc người ta lịm vào giấc ngủ. Ngủ dậy thì hai lá phổi đầy bụi. Bởi vậy, dù bênh vực thế nào thì bụi cũng có hại cho sức sống.
Nói bạo phổi, thì em có nét nửa như phù thủy, nửa như hoa hậu. Em ngoẹo đầu lên chiếc ghế sấy tóc, nhìn xa vắng. Mắt em đen và xếch đến lạ. Trời trở lạnh. Cả tôi và em đều trong trạng thái ngủ.
Cửa hiệu em cũng rất lạ. Áo dài đủ màu treo thành dây, hàng hiên cánh cửa, che khuất lối vào. Dây điện chằng chịt đến sợ. Trên tường treo đầy tranh. “Nuy” thì hơn cả “nuy”, lụa thì mỏng hơn lụa.
Nhưng vẻ đẹp cuộc sống, qua làn bụi dày đặc, vẫn không ai ngăn được. Nắng sớm chiếu vào những tà áo dài trắng của nữ sinh viên, buổi đến trường. Tôi hỏi: “Hình như em buồn ngủ?” Em đáp: “Nhìn các bạn đi học, em buồn. Buồn sinh ra buồn ngủ”. Nói rồi em lại như thiếp đi trong kiểu ngủ của riêng mình, trong tấm màn bụi của mụ phù thủy. Em ngủ, miệng lắp bắp những câu hát gì hoang vắng.
Nhưng rồi tôi và em đều phải thức vì mặt trời đã lên cao. Bụi đã dày đặc. Nhưng mỗi người lại thức theo kiểu của riêng mình. Ngồi vào ghế gội, khi em đưa bàn tay lạ chạm vào chân tóc, tôi dần tỉnh. Đến khi chiếc váy bò ngắn ngủi của em xoay sát một vòng quanh tôi, thì tôi tỉnh hẳn. Tỉnh hơn sáo, kiểu tỉnh con báo, của đàn ông. Còn em, tay đã làm như bàn tay máy, đôi mắt xếch như vẫn đang ngủ, miệng lắp bắp như đồng cô. Tôi đánh thức: “Em này”. Em giật mình, mở choàng đôi mắt xếch, cười. Phải nhận là nét cười còn thanh sạch, còn được. Tôi nói: “Em này, em có biết vì sao người ta thích gội đầu không? Vì đó là việc của sọ não. Cần chiều chuộng và chịu tốn kém cho hộp sọ. Đợi đến lúc y học, từ khu trường đại học ngành thuốc kia, dùng búa đục hộp sọ ra thì còn gì. Còn khi thay ván, thì mình đâu được nhìn thấy hộp sọ của mình hở em”. Em giật mình, kêu lên một tiếng “khiếp”, rồi tỉnh ngủ hẳn. Sự tỉnh ngủ của đàn ông và đàn bà thường ở vào hai trạng thái đó.
Em gội tuyệt vời. Cả mười ngón tay như mười cái vuốt của con báo nhỏ hiền lành, đang tập chuốt. Đúng hơn, con báo cái đang thử vuốt ở con báo đực. Rách nước mà sung sướng. Đây như là tín hiệu tầng trên của ái tình, tầng dưới của cuộc sống trần thế. Con người “làm” cho nhau. Quả thật đồng tiền không đáng kể. Khác hẳn trời vực với mẹ xoa đầu hồi nhỏ. Bọt xà phòng sủi lên. Mùi hương chưa hề có. Thứ hương thuộc về đàn bà, thuộc về ngày trước của tình ái. Mùi hương như biết nói, như có thứ ngôn ngữ của riêng mình. Nó úp mở mà công khai. Tôi ngủ. Em lại thức. Hương dầu gội đầu như lễ vật “chạm ngõ” của tuần trăng mật vậy.
Bây giờ thì tôi ngủ. Ngủ theo cách của mình. May ra chỉ có mẹ và vợ mới biết được phần nào. Ý nghĩ mông lung đủ thứ. Dịch vụ gội đầu này ra đời từ bao giờ. Thời cộng sản nguyên thủy, thủy tổ của người tức là khỉ, đã vò đầu cho nhau. Bấy giờ là bản năng, hẳn chưa phải là làm đẹp. Rồi não người phức tạp lên, với ngàn triệu mưu chước. Hai quả bom nguyên tử đầu tiên ném xuống Hirosima và Nagasaki từ cái đầu con người mà ra cả. Trước đây là đầu khỉ, từ đó là đầu người. Thực ra đầu người là trái bom. Những trái bom chực nổ tung. Bởi vậy phải gội. Phải chạy ngay đến cửa hiệu để tháo kíp nổ ra. Cái đầu cần được ủ ngay vào lớp bọt nhẹ, thơm, thứ hương thơm của cỏ cây đồng nội để nó dịu đi, nguội lại. Hồi chiến tranh, tôi và các đồng đội, ba tháng hoặc ba năm, không gội đầu cũng chẳng sao. Đầu bấy giờ vẫn nhẹ tênh. Bây giờ ư, không phải ba ngày, mà cứ ba phút là muốn gội đầu rồi. Cái đầu người trong cuộc sống hiện đại là như vậy đấy. Dịch vụ gội đầu cần ra đời, như thể bệnh viện. Nó giải quyết cái phần trên, gần như phần việc ở phía thiên đường…
Đôi mắt xếch nhìn tôi trân trân. Tôi giật bắn mình. Đó không phải là đôi mắt người. Đôi mắt xếch càng nhìn sâu vào đầu tôi, qua gương. Em bảo, dịu dàng: “Anh đang nghĩ gì đấy. Có phải anh đang nghĩ đến những trái bom. Em biết đấy. Tay người gội đầu như em có nguồn điện mà…”
Có thể như vậy lắm. Khi tôi nói: “Anh hiểu em. Người làm nghề như em, suốt bốn mùa đôi tay nhúng vào mùa đông” em xúc động, đôi mắt xếch chớp chớp, sáng lên lạ lùng. Em bảo, chính đôi tay ấy được sờ vào cái đầu con người nhưng không phải mọi cái gì là đầu đều giống nhau. Làm nghề này, em biết. Có cái đầu vô cảm, có cái gọi là đầu nhưng thật ra nó khô rám như củ chuối. Đầu người, sờ vào biết ngay. Nó ấm nóng, xúc cảm. Nó phát ra những tia gì lạ lắm, mười đầu ngón tay. Đầu anh lạ. Em nhắm mắt lại, là thấy có phát ra những tia lạ hơn tia hồ quang. Những mảnh xương như sườn núi non. Bên trong chắc nhiều gió bão. Thực ra người có đầu rất ít. Phần nhiều là những mỏm gò đất, trên ấy mọc lên những tóc, như cây cối.
Tôi và em đắm chìm trong những cảm xúc làm người, nâng đỡ nhau. Mấy giờ rồi nhỉ, hơi lạnh đã đầm vào không khí. Tôi nghĩ đến những người Mỹ, người Nhật… Thế nào qua cơn vật lộn để đi đến phồn vinh, họ cũng phải kéo nhau đi làm đầu như một hội chứng như thế này. Mảnh đất này như tôi đang tập tễnh đi đến điều ấy. Tôi nói: “Nghề của em sẽ thịnh vượng. Cuối cùng rồi con người ta ai cũng phải nhớ đến cái đầu của mình”. Em đưa cặp mắt xếch, gần như rơi vào trạng thái vô cảm, bảo tôi đi về phía cái giường để xả nước, phủ da đỏ như một chú ngựa quái dị. Em xả cho tôi nước âm ấm, buồn buồn và dễ chịu.
Lần đầu tiên, tôi trở thành người đàn ông nằm trên bàn dành cho sản phụ. Em đứng phía đầu, nhìn chằm chằm vào cả người tôi một lượt. Em nhìn hơi lâu. Rồi hơi thở của em phả gần vào tôi. Mùi xà phòng bị xua đi, nhường cho hơi người. Em bảo đứng ở phía em, nhìn thấy mặt người rất lạ. Tức là nhìn mặt người phía ngược lại. Đây mới là mặt người thật. Nhiều mặt người nhìn từ phía này chỉ như một mảnh vỏ sành bị vỡ. Lạnh và nhọn. Tức thì em nhẹ nhàng nhỏ vào trán tôi dăm giọt, mà người gội đầu gọi là sữa rửa mặt. Cảm giác làm dấu rửa tội, kiểu Thiên Chúa giáo. Lạnh đến tận óc. Em để hơi lâu một chút khiến tôi không chịu nổi, tôi giục. Em thì rất đỗi thản nhiên. Anh không biết. Đương nhiên sữa rửa mặt thì lấy thêm tiền. Nhưng không phải người thợ khi nào cũng muốn làm cái việc này. Có những gương mặt người nhìn là muốn đưa tay rửa như một bản năng. Cũng có nhiều “mảnh sành”, tay chùn lại, không muốn rửa. “Anh lạnh rồi phải không? Để em thoa sữa cho đều nhé. Nào, anh”. Em đưa tay như những ngọn gió thơm. Tôi nhắm nghiền mắt lại. Em cúi xuống, áp khẽ đôi môi vào trán tôi. Dịu dàng quá. Em đỡ tôi ngồi dậy. Hai người cảm ơn nhau.
Hôm sau tôi lại tìm đến. Chỉ mong cái đầu được an ủi, nâng đỡ. Tuyệt nhiên không vì tình yêu. Nhưng hình như em lại muốn tình yêu. Đôi mắt xếch nhìn từ cửa hiệu trầm tối, như con mắt báo nhìn từ cánh rừng, chực vồ lấy tôi.
Đúng hơn, em ở trạng thái mê, không tỉnh, tức nhiều phần hoang tưởng. Đang ăn dở khoanh dưa hấu đỏ, em vứt ngay lên bàn đầy những chai lọ, dây dợ, cười gằn, rất bản năng: “Anh lại đến đấy ư. Vào đây”. Giọng em ngái ngủ, khê đặc. Tôi như ma hớp mất hồn, ngồi phịch xuống ghế. Bản năng vào cửa hiệu làm đầu rất lạ. Tất thảy như mất hồn.
Mắt em xếch đến gớm ghiếc, như hai thỏi mực Tàu trên mặt. Không còn cái hương thơm của dầu gội thảo mộc, hòa với hương con gái. Chiếc quần dệt màu dưa già bó sát lấy đùi và phần trên rất khó chịu. Tôi hỏi: “Em mệt à?” Em không trả lời, cười gằn. Tôi chờn chợn. Hình như cái nghề làm đầu, khi đã yêu là vậy. Tựa như một ca phẫu thuật bằng kéo, dây dợ và chai lọ. Em đưa mười cái vuốt đàn bà, cào ngấu nghiến đầu tôi. Thật tội nghiệp cho cái đầu chỉ mang những điều như cây thánh giá. Tôi chưa dám kêu. Khác hoàn toàn cô gái mắt xếch hôm trước. Trước là người, rất người. Giờ là cô gái làm đầu lên cơn. Đến bàn gội nước như cái con ngựa gầy quái dị, tôi nằm, cảm như có thể em dội cả nước sôi vào đầu bèn bảo em gội nước lạnh để cho cái đầu tôi và đôi bàn tay em tỉnh ra. Tôi tỉnh ra, đoán em vừa qua một cơn dằn vặt đau khổ. Đôi tay em tỉnh ra, hoàn toàn vô cảm. Đến khi em cầm máy sấy, để dây dợ quàng cả vào tôi thì tôi nghĩ đến cái chết, vã mồ hôi ra. Tôi muốn đứng dậy, không được. Đôi mắt xếch vẫn nhìn trân trân trong gương, cười gằn. Tôi hỏi: “Em làm sao đấy?” Em bảo như vừa qua một cơn stress cơn sốc: “Em nhớ ra rồi. Ôi, cái đầu của anh! Hồi nãy thì chỉ đôi bàn tay em nhận ra thôi”. Rồi em lắp bắp rất mạnh. Đôi mắt xếch như tỉnh ra khỏi hai thỏi mực Tàu biết ân hận. Tôi tái xanh đi. Đôi tay em giờ đã có máu ấm, kéo tôi ra xa cái ghế một chút. Em bảo: “Hay là anh vào nghỉ, trong giường em…” Tôi vùng chạy.
Tôi cảm thấy cái đầu của mình rớm máu. Thật thương cảm cho cái đầu chỉ muốn được nâng đỡ từ thiện. Từ đó tôi đi qua cửa hiệu mà như không thể nhận ra. Chỉ biết ở đó có một đôi mắt xếch lạ, như hai thỏi mực Tàu đặt chéo, sau lớp bụi mù.