Vừa qua, Trung tâm Thông tin và thống kê khoa học và công nghệ (CESTI) tổ chức sự kiện Techmart Công nghệ sinh học trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và nông nghiệp công nghệ cao năm 2023 (Techmart 2023).
Men vi sinh và quy trình sản xuất trong phục vụ nông nghiệp
Tại sự kiện, TS. Bùi Hồng Quân, Giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit trình bày về chủ đề “Quy trình công nghệ sản xuất men vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản”.
Ông cho biết: “Vi sinh vật đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện chất lượng đất thông qua sự tham gia vào các quá trình biến đổi hữu cơ, tổng hợp và phân giải khoáng chất, cải thiện cấu trúc đất, và tạo ra tác nhân chống lại sâu bệnh hại. Vi sinh vật cũng tham gia tích cực vào quá trình phân giải hữu cơ trong sản xuất phân bón hữu cơ chủ động góp phần giảm thiểu sử dụng phân bón hóa học độc hại. Vi sinh vật còn có khả năng nâng cao sự tương tác với môi trường, giảm ô nhiễm nước, bảo vệ đa dạng sinh học và duy trì đất khỏe mạnh.
Việc ứng dụng vi sinh vật trong nông nghiệp hữu cơ là một lựa chọn hợp lý và triển vọng, không chỉ tăng năng suất và chất lượng cây trồng mà còn bảo vệ môi trường và đảm bảo tính bền vững trong phát triển nông nghiệp. Đây là xu thế tất yếu hướng tới hệ thống nông nghiệp bền vững”.
TS. Bùi Hồng Quân, Giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit
Về quy trình sản xuất men vi sinh, có thể hiểu đơn giản qua các bước sau: Tìm hiểu, lựa chọn giống vi sinh vật phù hợp; Chuẩn bị môi trường nuôi cấy bảo đảm các điều kiện cần thiết; Tiến hành thực hiện nuôi cấy lên men; Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch; Kiểm tra chất lượng men sau quá trình nuôi; Thực hiện bảo quản sản phẩm.
Trước câu hỏi về việc có nên tự làm giống để sử dụng hay không, ông Bùi Hồng Quân khuyến khích có thể tự làm để sử dụng trong hộ gia đình. Nhưng sẽ không đảm bảo hoàn toàn chất lượng của men vi sinh.
Ông cũng lưu ý về việc nuôi các loại men với nhau cùng một lúc cần phải trải qua nghiên cứu kỹ lưỡng về quá trình nuôi cấy, điều quan trọng là phải hiểu mục đích sử dụng của từng loại men.
Khách tham quan gian hàng trong sự kiện
Nông nghiệp hữu cơ không chỉ là một phương pháp canh tác bền vững và thân thiện với môi trường mà còn là một cách thức triển khai của tri thức và nhận thức về sự cần thiết của việc bảo vệ môi trường và sức kháng của hệ thống sinh thái. Trong thế giới hiện đại, việc vận hành nông nghiệp hữu cơ trở nên ngày càng quan trọng hơn, với mục tiêu sản xuất thực phẩm an toàn và lành mạnh cho con người.
Techmart 2023 với nhiều điểm nổi bật
Techmart 2023 diễn ra trong hai ngày từ 26 – 27/10, tại đây quy tụ hơn 50 gian hàng giới thiệu hơn 100 công nghệ và thiết bị ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và nông nghiệp công nghệ cao. Có thể kể đến như: Công nghệ chế biến tinh bột; công nghệ sản xuất các loại nước uống lên men; quy trình lai tạo, cải thiện giống cây trồng; kỹ thuật canh tác mới; kỹ thuật chuyển phôi, phối giống, tạo chế phẩm giúp cây trồng, vật nuôi phòng tránh bệnh tật, rượu vang lên men từ vỏ cà phê…
Ngoài ra, năm nay hàng loạt các sản phẩm tái sử dụng từ nguyên vật liệu tái chế, nhằm giảm thiểu tác động đối với môi trường cũng được nhiều đơn vị, doanh nghiệp giới thiệu tại triển lãm.
Tại gian hàng của Viện Công nghệ sinh học và ứng dụng vi sinh miền Nam mang tới các sản phẩm về men vi sinh ứng dụng trong quá trình sản xuất phân bón vi sinh,… cũng như thiết bị nuôi cấy men vi sinh.
Thiết bị nuôi cấy men vi sinh
Mô phỏng màn hình điều khiển thiết bị
Anh Trần Sơn Tùng, đại diện gian hàng, cho biết: “Đây là thiết bị được sản xuất với công nghệ đến từ Nhật Bản, cơ chế hoạt động tự động hoàn toàn không cần can thiệp thủ công, đây là một điểm mới so với trước đây. Việc này giúp kiểm soát chính xác hơn về các chỉ số trong quá trình hoạt động. Bên cạnh đó, thiết bị cũng hỗ trợ cho phép nuôi cấy tám loại men khác nhau trong các điều kiện khác nhau cùng một lúc, điều này giúp tối ưu hóa thời gian cũng như tiết kiệm chi phí hơn”.
Công ty Vinatek Group giới thiệu tới các doanh nghiệp về sản phẩm Máy điện phân nước khử khuẩn HClO ứng dụng trong việc vệ sinh, khử mùi không gian, giặt tẩy chăn màn hay rửa nguyên liệu thực phẩm,… chỉ từ nước và HCl 6%. Thiết bị khử khuẩn được đánh giá là thân thiện với môi trường.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc sở KH-CN TPHCM, sự kiện nhằm hỗ trợ đưa sản phẩm, công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp ra thị trường phục vụ nhu cầu ứng dụng công nghệ sinh học trong hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp. Hy vọng sự kiện sẽ mang đến cho các đơn vị cơ hội kết nối, tiếp cận ứng dụng công nghệ mới vào thực tiễn đồng thời hỗ trợ quá trình trao đổi mua bán, chuyển giao công nghệ và thu hút đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực này.
Yến Anh