Trước kia Phạm Hà là giáo viên, hướng dẫn viên du lịch, từng kinh qua nhiều vị trí trong một Công ty du lịch ở Hà Nội. Năm 2004, khi thành lập Luxury Travel, CEO Phạm Hà đã mang đến trải nghiệm độc đáo mà không đơn vị lữ hành nào có thể cạnh tranh được khiến Luxury Travel nhiều năm vững chân trên thị trường du lịch Việt, từng đoạt rất nhiều những giải thưởng trong và ngoài nước. Đến nay, Luxury Travel có 250 nhân viên, sở hữu một loạt du thuyền sang trọng, trên những vịnh đảo đẹp nhất Việt Nam.
Thông thạo cả hai ngoại ngữ Anh và Pháp, từng đi rất nhiều nước trên thế giới nhưng Phạm Hà rất giản dị. Dường như có hai mảng đối lập, riêng biệt trong con người anh. Nếu lần đầu gặp, người ta sẽ thấy ở anh toát lên một sự chỉn chu, từ dáng dấp, phong cách, lối tư duy đều thể hiện là một con người cầu toàn và quyết liệt, với những ý tưởng đầy ắp được tích tụ sau nhiều năm làm trong lĩnh vực du lịch, là sự trải nghiệm rất nhiều nền văn hoá trên thế giới. Nhưng đời thường, anh là một con người giản dị, cởi mở và rất say mê văn hoá và nghệ thuật.
Anh bảo: “Sưu tập tranh là sở thích cá nhân để cân bằng cuộc sống và công việc. Đôi khi ta nên sống chậm lại để cảm nhận cuộc sống tốt hơn, sáng tạo và hạnh phúc trọn vẹn hơn”. Cảm mến và yêu tranh của hoạ sĩ Phạm Lực, mới đây anh cũng vừa hoàn thành cuốn sách mới giới thiệu 100 bức tranh của họa sĩ này với tiêu đề: Picasso Việt Nam, một đời nghệ thuật. Đây là cuốn mới nhất giới thiệu 100 tác phẩm trên du thuyền Heritage Cruises.
Thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới khiến ngành du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều công ty lữ hành Việt lao đao vì mất đi nguồn khách, doanh thu giảm, nhưng Phạm Hà vẫn rất lạc quan. Anh quan niệm: “Trong rủi có may, giờ là lúc nghĩ khác, làm mới thay đổi để lột xác”.
Dịch virus corona đang tác động đến du lịch toàn cầu. Là một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, chắc hẳn doanh nghiệp anh cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng này?
– Dịch Covid-19 đang tạo nên một không khí kinh doanh ảm đạm chưa từng có đối với các doanh nghiệp du lịch. Tôi từng chứng kiến dịch SARS vào năm 2003 cũng ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, đặc biệt là du lịch. Tuy nhiên như tôi thấy thì mỗi một lần dịch bệnh, ngành du lịch lại phát triển mạnh mẽ hơn.
Kinh nghiệm cho thấy mỗi lần dịch bệnh cũng là một dịp để cho du lịch Việt Nam chậm lại, nhìn lại mình, nhìn lại những điểm mạnh, điểm yếu để phát triển mạnh mẽ hơn, tập trung vào thị trường khách có chất lượng, thay vì số lượng. Tuy nhiên theo tôi, du lịch là ngành bị ảnh hưởng đầu tiên nhưng sẽ hồi phục sau cùng.
Dưới góc độ là người lãnh đạo công ty Luxury Travel, ngồi đây, tôi nói chuyện với tinh thần rất lạc quan mặc dù cũng phải xử lý rất nhiều những vấn đề từ khách hàng như phải huỷ, lùi tour, những vấn đề về tài chính bởi khi công ty càng lớn thì việc ảnh hưởng lên doanh nghiệp càng lớn. Trong ác mộng cũng không ai dám nghĩ thế giới đột ngột chao đảo bởi con siêu vi Vũ Hán và hoạt động kinh doanh của các công ty đang như diều gặp gió mà phải cho doanh nghiệp ngủ đông chủ động.
Buồn nhất đối trong đời lãnh đạo của tôi là phải cho nhân viên nghỉ việc tạm thời. Từ tháng 4, chúng tôi buộc phải cho một số nhân viên nghỉ việc. Rất nhiều những thiệt hại cả hữu hình và vô hình.
Tuy nhiên chúng ta cũng nhìn nhận là có cái được cũng có cái mất, phải nhìn vào yếu tố tích cực. Đây cũng là dịp để doanh nghiệp nhìn lại mình, cấu trúc lại, tạo những sản phẩm tốt hơn cho mùa tới, đào tạo thêm, nâng cao năng lực, kỹ năng, hiểu biết, đặc biệt là thái độ phục vụ khách của nhân viên.
Dịch cúm cũng làm chúng ta thức tỉnh, được, mất, ta là ai, làm vì điều gì, cái gì là quan trọng nhất. Dịch cúm cho ta thấy mọi người đều bình đẳng, quan chức, dân thường nghèo hèn hay giàu sang… mọi thứ đều không còn quan trọng nữa. Sự an toàn, sức khỏe mới là quan trọng nhất. Ngày hôm qua đã là quá khứ. Sống cho hôm nay, sức mạnh của ngày hôm nay mới quan trọng, ngày mai còn chưa biết. Trước những diễn tiến mới của dịch bệnh, ngay cả việc co cụm lại cũng không giúp giữ được doanh nghiệp nên các nhà kinh doanh buộc phải thay đổi.
Anh cho rằng, đây cũng chính là thời điểm để các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nhìn nhận lại, thay vì tập trung vào số lượng thì sẽ chuyển dần sang chất lượng – có thể gọi là tái cơ cấu thị trường. Anh đang nói về vấn đề thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc khi trong thời gian vừa qua, Việt Nam ồ ạt đón khách từ các thị trường này?
– Nếu phân tích 18 triệu khách đến Việt Nam trong năm 2019 thì có tới 32% lượng khách đến từ Trung Quốc, khoảng 30% đến từ Hàn Quốc, phần còn lại mới của thế giới. Rõ ràng là những địa điểm nào kinh doanh hai thị trường này đang bị ảnh hưởng rất nặng nề. Ví dụ như Nha Trang, rất nhiều nhà hàng, khách sạn, công ty phải đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc. Về phía doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp nào chỉ phụ thuộc vào một nguồn khách như Hàn Quốc hay Trung Quốc thì cũng rất khó khăn trong thời gian vừa rồi.
Vì vậy phải làm sao cho cân bằng các nguồn khách đến một địa điểm nào đấy. Về lâu về dài sẽ phát triển bền vững. Quá đông một lượng khách tập trung vào một điểm đến sẽ dẫn đến khách ở các quốc gia khác người ta không đến nữa.
Ví dụ như ở Nha Trang quá nhiều khách Trung Quốc, khách Nga nên các khách sạn mọc lên như nấm phục vụ khách đại trà, thiếu kiến trúc, phá vỡ cảnh quan đã làm khách châu Âu không đến Nha Trang nữa. Điều đáng lo ngại một khi khách Trung Quốc vì lý do gì đấy không còn trào lưu đến Nha Trang nữa sẽ dẫn đến khủng hoảng thừa. Kéo khách hạng sang trở lại Nha Trang là điều rất khó khăn.
Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng thị trường Trung Quốc là một thị trường lớn và có mức chi tiêu hào phóng hơn các quốc gia khác. Điển hình như khách Trung Quốc đã thực hiện tới 150 triệu chuyến du lịch quốc tế và chi tiêu hơn 277 tỷ USD trong những hành trình tại nước ngoài vào năm 2019. Vậy nếu không tập trung vào thị trường này, du lịch sẽ mất đi một nguồn thu lớn?
– Không một quốc gia nào trên thế giới có thể từ chối một lượng khách rất lớn là Trung Quốc. Tuy nhiên điều tôi muốn nói ở đây là làm thế nào để cân bằng giữa các nguồn khách, để cho hài hoà. Vì các quốc gia khác, cũng rất giàu có, họ cũng đi rất đông. Tuy nhiên vì chúng ta quá phụ thuộc vào nguồn khách Trung Quốc nên chúng ta làm quá nhiều cách để có lượng khách hang này, dẫn đến việc quá tải của điểm đến, như vậy là không tốt.
Là một nhà kinh doanh du lịch, theo anh có những giải pháp nào cấp bách trong tình huống hiện nay và làm gì để kéo khách trở lại trong giai đoạn phục hồi?
– Khi dịch đã đến đỉnh điểm, các quốc gia đã kiểm soát được thì chúng ta mới tính đến giai đoạn phục hồi. Giai đoạn phục hồi chúng ta cần nhiều các biện pháp hơn nữa từ phía chính phủ tới địa phương. Ví dụ như là chính sách và giãn nợ, giúp các doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm mới. Đó là những bài toán mà các doanh nghiệp cũng tính toán để chuẩn bị kỹ hơn khi khách quốc tế quay trở lại.
Hơn nữa phải có nhiều hơn hoạt động xúc tiến quảng bá tại nước ngoài, tham gia vào các hội chợ quốc tế lớn, quảng bá trên truyền hình quốc tế để mọi người thấy Việt Nam là điểm đến an toàn.
Nói đi nói lại vẫn làm làm sao để du khách quay trở lại. Phải có cái mới, trải nghiệm mới. Chúng ta có bãi biển đẹp hàng đầu châu Á, có những điểm nghỉ dưỡng hàng đầu, vậy thì làm sao định vị và khẳng định được điều đó để khách quay trở lại.
Về phía cá nhân, chúng tôi từng hy vọng dịch kết thúc sớm nhưng thực tế đã rất khác nên nay đã chuyển sang kế hoạch B. Kế hoạch B là dịch kéo dài, đến quý 4/2020 du lịch mới có kỳ vọng phục hồi. Các tàu du lịch phải nằm bờ, công ty lữ hành không có khách nên những biện pháp đã thực hiện như cắt giảm tiền lương, làm việc luân phiên, giảm chi phí… vẫn chưa đủ kéo dài thời gian “sống” cho doanh nghiệp.
Do lượng khách lùi tour vào giai đoạn cuối năm 2020 khá lớn nên công ty hiện vẫn tính toán sẽ có thể hồi phục vào đầu quý 4 tới và dồn hết mọi nguồn lực vào đó. Tuy nhiên, đó chỉ là kế hoạch, thực tế tùy vào tình hình dịch bệnh. Có thể phải đi lại từ đầu.
Tôi tò mò muốn tìm hiểu việc bắt đầu khởi nghiệp của anh từ 1.000 USD, anh đã xây dựng thế nào để có một Lux Group như hiện nay? Với số vốn 1.000 USD mà lại quyết định tấn công vào thị trường khách hạng sang, có điều gì mâu thuẫn không?
– Cũng nhờ thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Tôi lập công ty lữ hành chuyên phục vụ khách du lịch giàu có vào thời điểm Việt Nam vẫn tràn ngập khách Tây ba lô. Cũng cần hiểu rằng xa xỉ với quan niệm của mỗi người khác nhau. Khái niệm du lịch xa xỉ sẽ được hiểu theo một nghĩa riêng, chẳng hạn như vi vu trên chiếc du thuyền xa hoa, trải nghiệm một chương trình thực dưỡng, hay nghỉ lại tại một khách sạng siêu sang… nhưng cũng có khi chỉ đơn giản chỉ những nhu cầu nhỏ nhất được đáp ứng, được chạm tới cảm xúc của khách hàng với những ngạc nhiên thú vị. Tuy nhiên, tất cả đều phải thật đặc biệt, bởi những vị khách giàu có luôn muốn hành trình của mình không chỉ sang trọng mà còn độc đáo và xứng tầm đẳng cấp.
Dù khởi nghiệp khó khăn, vốn nhỏ, nhưng chúng tôi quyết tâm chọn vào thị trường ngách khách hạng sang. Việt Nam có nhiều thế mạnh làm du lịch gắn với lịch sử, văn hóa, các kỳ quan nổi tiếng, có bờ biển đẹp hàng đầu châu Á trải dài… Ngay từ khi ra đời, chúng tôi nắm lấy cơ hội từ internet, chủ động thiết lập các website kết nối và giới thiệu tới thế giới, thúc đẩy thương mại điện tử. Và có lẽ chúng tôi cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên nắm bắt và cho phép khách hàng đặt chỗ, thanh toán qua mạng để tăng kết nối, tăng thuận tiện cho du khách nước ngoài đến Việt Nam giai đoạn đó.
Đó có phải là một tư duy khác biệt và muốn tạo nên một sự khác biệt không?
– Khi đã tìm được định hướng, Luxury Travel đã xây dựng cho mình chiến lược phát triển, bắt đầu với ý tưởng tour độc đáo và mới lạ. Quá trình làm việc khiến tôi nhận ra nhu cầu về du lịch trải nghiệm đặc biệt hướng tới nhóm du khách cao cấp là rất lớn nhưng thị trường chưa có công ty nào đáp ứng. Tôi nhìn thấy triển vọng lớn của hình thức kinh doanh du lịch mới mẻ này vào thời điểm đó.
Dịch vụ sang trọng nhất nào anh từng cung cấp cho khách hàng?
– Chúng tôi định nghĩa trải nghiệm sang trọng là những trải nghiệm mang tính cá nhân, phù hợp nhất với những nhu cầu của của khách hàng. Chúng tôi có những chuẩn mực như là: nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, đưa những trải nghiệm theo chủ đề, theo đúng nhu cầu khách hàng mong muốn. Ví dụ như khách hàng muốn có được sự thư thái, hưởng thụ tiện nghi, đi du thuyền hay thuỷ phi cơ, thư giãn với spa, thử tài chơi golf tại những sân golf đặc biệt nhất, tắm nắng dưới ánh mặt trời, tham quan và mua sắm trang phục tại những cửa hàng sang trọng nhất Việt Nam. Hiểu rõ điều này, chúng tôi sẽ làm thoả mãn nhu cầu của khách và sẽ làm cho chuyến đi của khách đúng như mơ ước.
Mới đây nhất, anh đã xây dựng con tàu mang tên là Bình Chuẩn, làm sống dậy quá khứ và đặc biệt tôn vinh những giá trị lịch sử, di sản, văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực của Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX. Cơ duyên nào để anh xây dựng con tàu đó?
– Tôi là người rất thích nghiên cứu văn hoá, nghệ thuật, lịch sử, con người Việt Nam. Tôi rất ngưỡng mộ cụ Bạch Thái Bưởi, người được mệnh danh là “vua tàu thủy” của Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ 20. Cụ đã đóng những con tàu xuôi ngược trên sông Hồng và là người đầu tiên tạo ra con tàu Bình Chuẩn – con tàu lớn đầu tiên do người Việt Nam thiết kế, sản xuất, đóng mới và chạy thành công từ Cảng Hải Phòng vào Sài Gòn năm 1920.
Trong quá trình nghiên cứu những ký ức thời đó, tôi có cơ duyên gặp cháu của cụ Bạch Thái Bưởi là chị Bạch Quế Hương. Chị đã đồng hành giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong hành trình tái tạo lại con tàu này. Chị cũng cung cấp cho chúng tôi rất nhiều thông tin về con tàu, kiểu dáng. Có thể coi chị cũng là một trong những người mẹ đỡ tàu cho con tàu Bình Chuẩn chúng tôi đóng ngày nay.
Mục đích của chúng tôi là kết nối, viết tiếp những câu chuyện của cụ Bạch Thái Bưởi, cùng mong muốn con tàu này sẽ cập bến các nước trong khu vực và năm châu, để giao thương văn hoá, văn minh. Chúng tôi cũng muốn viết tiếp câu chuyện đấy để người Việt Nam hiểu sâu hơn về cụ Bạch Thái Bưởi, về văn hoá và về lịch sử, để chúng ta có thể tự hào với bạn bè thế giới, làm rạng danh văn hoá lịch sử có cả trăm năm trước.
Năm nay cũng đúng 100 năm con tàu ấy chạy vào Sài Gòn. Tháng 9 này, chúng tôi sẽ làm lại một hải trình lịch sử chạy từ Hải Phòng vào cảng Sài Gòn. Tên tàu Bình Chuẩn cũng rất hay, khái quát được toàn bộ ý nguyện chấn hưng công thương nghiệp của Bạch Thái Bưởi làm quốc gia hưng thịnh và thống nhất bằng tinh thần dân tộc, thành tín, nhân nghĩa và trách nhiệm.
Đây đã phải là con thuyền xa xỉ nhất Việt Nam, là bước đi tiên phong trong lĩnh vực thiết kế tàu thuyền, mở ra phong cách mới, độc đáo cho các doanh nhân ngành dịch vụ hàng hải, du lịch biển?
– Ở Việt Nam cũng có rất nhiều người kinh doanh về du thuyền, nhưng tôi biết Heritage Cruise Binh Chuan là du thuyền độc đáo nhất Việt Nam bởi nó truyền tải được những câu chuyện văn hoá, những ý tưởng, giấc mơ còn đang viết tiếp. Tại thời điểm mà cụ Bạch Thái Bưởi tạo ra con tàu đó thì nó cũng là con tàu hiện đại và tốt nhất cho người Việt. Chúng tôi cũng hy vọng những trải nghiệm mà chúng tôi mang đến cho du khách cũng là trên con tàu hiện đại, sang trọng và đưa du khách khám phá đất nước con người, văn hoá lịch sử, di sản thiên nhiên cũng như di sản văn hoá Việt Nam.
Trên các con tàu của anh hầu hết đều treo tranh của hoạ sĩ Phạm Lực. Anh có vẻ say mê đặc biệt với danh hoạ này, tại sao không phải là các danh hoạ khác?
– Tôi và ông ấy chả có họ gì, mặc dù cùng họ Phạm. Tôi chỉ là một người mê tranh của ông ấy. Tôi sưu tập tranh của các hoạ sĩ khác nhưng chủ yếu sưu tập nhiều tranh Phạm Lực vì tranh của ông chạm vào cảm xúc của mình. Những câu chuyện văn hoá, lịch sử Việt Nam được ông kể qua màu sắc, đường nét, hình khối rất mê hoặc. Khi nhìn vào tranh tôi thấy được văn hoá, chiều dài của lịch sử.
Cũng nói thêm một chút, Phạm Lực từng vào chiến trường, tham gia chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Hoạ sĩ sống qua 2 thế kỷ nên nét văn hoá, chiều dài lịch sử thể hiện rõ nét trong tranh của ông. Ở người hoạ sĩ này tôi thấy những câu chuyện thể hiện trên tranh như chạm được vào ký ức nhà quê của mình, của những người sinh ra và lớn lên ở nông thôn…
Cảm mến, yêu tranh họa sĩ và thấy đây là tài nguyên du lịch tuyệt vời nên tôi đã đưa gần 100 tác phẩm của ông lên du thuyền để trưng bày như một bảo tàng nhỏ để giới thiệu cho du khách sang trọng thưởng lãm và trở thành du thuyền nghệ thuật đầu tiên của Việt Nam.
Anh từng đi bao nhiêu nước trên thế giới, nơi nào anh muốn lý giải nhất?
– Làm nghề du lịch được đi rất nhiều nơi, tiếp xúc với rất nhiều người ở những tầng lớp xã hội rất khác nhau. Đó là một ân huệ mà Ông Trời ban tặng cho những người làm du lịch. Tôi cũng may là được đi nhiều nơi, khoảng 70 nước khắp năm châu, mỗi nơi có một vẻ đẹp khác nhau, nền văn hoá khác nhau.
Đi nhiều nơi nhưng tôi vẫn thấy Việt Nam mình đẹp nhất, sống ở Việt Nam vẫn thích nhất, vì mình là công dân ở đây. Với tôi có thể đi chơi khắp nơi dăm ba tháng nhưng mà để sống, tôi vẫn thích ở Việt Nam hơn.
Đâu đó những quán cà phê trứng buổi sáng, trong ngôi nhà nhỏ hẹp, cảm nhận một Hà Nội cổ kính, mộc mạc. Mọi thứ thật tinh khôi, trong trẻo, yên bình, tất cả dường như bỏ quên thành phố hiện đại ngoài kia. Hay có thể í ới bạn bè cà phê khi thành phố đã lên đèn, thỉnh thoảng có thể giao lưu cùng ông hoạ sĩ, được ông mời uống trà để chuyện trò về tranh ảnh, về văn hoá. Nhịp sống Hà Nội không quá gấp gáp, mình vẫn được ở mảnh đất, miền ký ức mà mình sinh ra, với những dự án thôi thúc mình làm.
Tôi cũng là người thích mạo hiểm và thích chinh phục, ví dụ như chinh phục ngọn nguồn của các con sông ở phía Bắc, có thể là con sông Mêkong hay nhiều vùng biển khác. Khi chinh phục thì mình còn cảm thấy mình còn sức sống, có đam mê để làm tiếp, viết tiếp những dự án dang dở của mình.
Đó cũng là lý do thôi thúc tôi thức dậy mỗi buổi sáng để làm việc, cống hiến làm tiếp những dự án còn dang dở và ngày hôm nào cũng cảm giác như là ngày cuối của cuộc đời mình và cũng sẽ cháy hết mình, để khi quay lại mình không nuối tiếc gì cả, bởi những gì mình muốn làm thì cũng đã làm rồi.
Những trải nghiệm xa xỉ nào làm anh nhớ nhất?
– Tôi đã ở những hệ thống khách sạn sang trọng bậc nhất của quốc tế như Six Senses, đi trên những chuyến bay thuê riêng… Đôi khi sang trọng không phải là những khách sạn đẳng cấp 5,7 sao mà chỉ đơn giản là những cảm xúc nó chạm được vào mình, tôi cho đó là xa xỉ. Tôi nhớ nhất là những kỷ niệm ở Bali (Indonesia), ở một resort rất yên bình, đi bộ trên những cánh đồng, buổi tối ngồi ăn tối ngay trên bờ ruộng. Với tôi xa xỉ là những cái gì đó mới, cái gì lạ, cái gì khác so với những gì mình đã từng đến, từng trải nghiệm.
Triết lý kinh doanh nào mà anh theo đuổi?
– Tôi rất thích triết lý kinh doanh của cụ Bạch Thái Bưởi, đó là tinh thần quý tộc và tôi gọi đó là thành tín, đạo nghĩa, trách nhiệm.
Tôi luôn lấy tinh thần của cụ làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động kinh doanh của mình, dẫn dắt doanh nghiệp, tập đoàn của mình đi xa trong thời gian tới. Làm bất kỳ dự án nào, tính dân tộc, tính văn hoá, tính con người đều được thể hiện. Những sản phẩm trải nghiệm chúng tôi đưa vào đều mang tinh thần dân tộc, yếu tố văn hoá, lịch sử… của Việt Nam.
Thường những người kinh doanh đều rất quyết liệt, còn những người đam mê nghệ thuật lại làm việc theo cảm xúc. Có gì mâu thuẫn trong con người anh không?
– Kinh doanh rất căng thẳng, chơi tranh cũng là yếu tố giúp cân bằng con người mình, cuộc sống, để sống chậm lại một chút. Khi sống chậm lại, ta sẽ cảm nhận cuộc sống tốt hơn, nhìn mọi thứ tĩnh lặng hơn, từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn hơn. Thực ra tôi là một doanh nhân nhưng lại thích văn hoá. Cái đấy cũng là điểm mạnh trong khi tạo ra những trải nghiệm văn hoá, khi kể những câu chuyện về văn hoá, lịch sử, di sản Việt Nam cho khách nước ngoài nghe.
Bản thân khi tìm tòi, khám phá, tôi cũng thấy mình giàu có thêm về mặt kiến thức, lịch sử, văn hoá, trải nghiệm. Còn thành công đôi khi là do người khác đánh giá. Nhưng khi thoả mãn thì mình thấy mình là một người có ý nghĩa hơn, sẽ tận hưởng, vui vẻ với những thứ mình làm.
Mọi người cứ nghĩ kinh doanh là phải chèn ép, phải thế này thế khác nhưng tôi nghĩ kinh doanh phải có văn hoá, phải dựa trên văn hoá, biết thưởng thức, biết cảm nhận. Đó là cái mà tôi luôn hướng tới, cả công ty đang hướng tới.
Trong kinh doanh, người ta không làm việc theo cảm xúc. Những cái đó thôi thức rất lớn trong việc tạo ra những hứng khởi, tạo ra những dự án mới, thích thú trong việc đầu tư vào lĩnh vực mình thích. Đấy là sự khác biệt giữa người này, người khác, doanh nhân này, doanh nhân khác. Có những người kinh doanh chỉ vì tiền nhưng cũng có những người kinh doanh vì niềm đam mê, thích thú. Và tôi là người thuộc loại thứ 2.
Cảm giác nào thường khiến anh cảm thấy khó chịu hơn: Quá kỳ vọng vào mình, hoặc thất vọng vì mình?
– Khi kinh doanh tôi luôn nhìn thấy cơ hội trong khó khăn. Khó khăn thì lúc nào cũng có, tùy thuộc vào mình nhìn nhận nó và ứng xử với nó thế nào thôi. Tôi cũng là người rất lạc quan. Tuy nhiên cũng có khi cảm thấy thất vọng vì mình có quá nhiều ý tưởng cho nhiều dự án và đam mê mà chưa thực hiện được vì chưa có người làm và chưa đủ tài chính thực hiện.
Còn đôi khi cũng thất vọng vì không mua được bức tranh ưng ý, món đồ cổ hay bức tượng mà mình cực thích.
Vượt qua thất bại hay thành công, cảm giác nào khó khăn với anh hơn?
– Tôi không nghĩ mình là người thành công nhưng tôi nghĩ mình là người hạnh phúc. Hạnh phúc là được làm những gì mình thích và thích những cái mình làm. Tôi được tự do sáng tạo ra những cái mình thích.
Tôi cũng từng trải qua thất bại, đã vấp váp rất nhiều như là năm đầu đi thi đại học bị trượt, sau đó lại quyết tâm thi lại. Cuộc đời mỗi con người thường có cả thành công lẫn thất bại, vui buồn lẫn hạnh phúc… Tôi còn nhớ khi còn sống, bố tôi thường nói với tôi “thắng không kiêu, bại không nản”.
Vì vậy mỗi chặng đường đi qua dù thất bại hay vinh quang tôi đều yêu thích và học những bài học lớn và tận hưởng những cảm giác đó. Tôi là người lạc quan và liều có tính toán và yêu cái liều đó nên tôi làm chủ được cảm giác của mình.
Đến thời điểm này, bài toán khó giải nhất đối với doanh nghiệp của anh?
– Trong dịch bệnh khó lường này, trước mắt an toàn cho nhân viên và mỗi du khách là điều quan trọng nhất. Vượt qua dịch bệnh đảm bảo công ăn việc làm cho cả 3 công ty với 250 con người là quan trọng. Tầm nhìn xa hơn giải bài toán lớn hơn về tài chính, con người, chuyển đổi số, cổ phần và lên sàn chứng khoán. Lux Group giữ được uy tín, giá trị cốt lõi và tài chính để tiếp tục phát triển các dự án mới, dẫn dắt đội ngũ lãnh đạo dám thay đổi, nghĩ mới làm khác để có kết quả đột phá.
Mong muốn nhất của anh hiện là gì?
– Chạy thành công hải trình lịch sử từ cảng Hải Phòng vào Sài Gòn ngày 17/9 sau đúng 100 năm nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi đã chạy con tàu Bình Chuẩn.
Tôi cũng mong muốn là sưu tập được bức tượng đồng quý tạc cụ Bạch Thái Bưởi do George Khánh, Trường Mỹ Thuật Đông Dương đúc mà tôi và cháu cụ là chị Bạch Quế Hương đã tìm thấy sau 85 năm lưu lạc.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Theo Dân Việt